a. Định nghĩa hành vi lệch chuẩn
1.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng và nguyên nhân gây ra hành vi lệch chuẩn xã hội ở học sinh
chuẩn xã hội ở học sinh Trung học cơ sở
Nguyên nhân có thể gây nên rối loạn tâm lý, hành vi lệch chuẩn thuộc nhiều loại. Có thể có những rối loạn do nguyên nhân nội sinh (thực thể), có những rối loạn do nguyên nhân ngoại sinh (môi trường xã hội). Trong quá
trình phát triển về thể chất và tâm lý, đứa trẻ phải chịu ảnh hưởng của cả hai nhân tố sinh học và môi trường. Tuy nhiên, trong hai yếu tố trên thì môi trường giữ vai trò quan trong và ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chung của trẻ. Vì vậy, trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện và duy trì những hành vi lệch chuẩn thì yếu tố môi trường hay nói cách khác những tác nhân tâm lý xã hội đóng vai trò then chốt.
Như đã đề cập, tuổi thiếu niên do những biến đổi sinh học đã tạo nên sự mất cân bằng tạm thời về tâm lý. Đây là giai đoạn phát triển đặc biệt, duy nhất của cuộc đời vì xảy ra một loạt những thay đổi như: sự chín muồi về thể chất, sự biến đổi, điều chỉnh tâm lý và sự biến đổi các quan hệ xã hội đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển. Vì vậy, thiếu niên phải đương đầu với nhiều khó khăn, căng thẳng trong học tập, trong quan hệ với người lớn. Theo đánh giá chung, lứa tuổi thiếu niên là giai đoạn nảy sinh nhiều rối loạn tâm lý, hành vi lệch chuẩn nhất so với các giai đoạn phát triển khác. Việc tìm hiểu các nguyên nhân có thể gây ra hành vi lệch chuẩn ở thiếu niên giúp cho các nhà giáo dục, cha mẹ học sinh và các nhà trị liệu tìm ra những biện pháp điều chỉnh, ngăn chặn và phòng ngừa hành vi lệch chuẩn cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội ở mỗi cá thể thường phụ thuộc vào trình độ nhân cách và hoàn cảnh, điều kiện, quan hệ xã hội thực tế. Hành vi lệch chuẩn xã hội có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nếu có sự tác động của một hay những nhân tố sau đây:
- Trẻ sống trong những điều kiện tác động mạnh mẽ của những hành vi trái pháp luật và trái đạo đức diễn ra hằng ngày ở gia đình, ở nhóm bạn bè…
- Sự tồn tại hệ thống những hành vi vô đạo đức và những vi phạm pháp luật thuộc nhiều loại khác nhau. Chúng diễn ra thậm chí cả sau khi đã áp dụng những biện pháp xử lý.
- Sự tách biệt của cá nhân đối với môi trường xã hội và hệ thống quy phạm giá trị, trong đó có sự biến đổi về vị trí và vai trò xã hội.
- Sự thoái hóa về mặt xã hội của cá nhân theo hướng phản đạo đức và pháp luật, phù hợp với hoạt động mà cá nhân đó coi là cần thiết, quan trọng.
- Cá nhân mất đi những tình cảm lo lắng, sợ hãi, nhục nhã trước trách nhiệm xã hội khác.
Ở Việt Nam, tác giả Lê Đức Phúc cho rằng những điều kiện và nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến những hành vi lệch chuẩn xã hội là:
- Ảnh hưởng của các nhóm xã hội tiêu cực.
- Những khủng hoảng và sai lệch trong quá trình phát sinh cá thể. - Những phản giá trị trong gia đình.
- Sự thất bại hoặc yếu kém của giáo dục. - Những tiêu cực trong cơ chế hành pháp. - Tác động bất lợi của môi trường vĩ mô. - Mặt trái của cơ chế thị trường [32].
Có thể nêu một số nguyên nhân cụ thể như sau: • Nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình
Môi trường gia đình là yếu tố chủ yếu gây nên rối loạn tâm lý, hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nhiều tác giả cho rằng hầu hết mọi hành vi lệch chuẩn ở trẻ em đều bắt nguồn từ gia đình, đặc biệt là ở những gia đình bất hoà, bố mẹ ly thân, ly hôn… Hoặc bố mẹ không nhất quán trong việc giáo dục con cái hoặc bố mẹ là tấm gương xấu như nghiện ngập, cờ bạc, trộm cắp.
Gia đình bất hoà: thường thì bắt đầu từ những mâu thuẫn, xung đột, cãi cọ, thậm chí tệ hơn là bạo lực từ phía cha mẹ. Nếu bố mẹ thường xuyên cãi cọ nhau thì trẻ có thể có những vấn đề về sức khoẻ như trầm uất, lo lắng và rối loạn hành vi.
Xung đột hôn nhân của bố mẹ có hậu quả trực tiếp đối với trẻ em, làm chúng khổ sở về tình cảm; còn hậu quả gián tiếp của nó là giảm sự quan tâm của của bố mẹ đối với trẻ vì lúc này hầu như bố mẹ chỉ lo việc đối phó với nhau. Đứa trẻ, sau khi buồn rầu lo lắng hoặc trầm cảm do xung đột hôn nhân của bố mẹ sẽ trở nên hay than vãn, hay cãi cọ, không nghe lời, không kính trọng bố mẹ. Thường thì ở trẻ tiểu học có thể không hiểu rõ nguyên nhân tại sao bố mẹ hay cãi nhau và đôi khi có xu hướng cắn rứt lương tâm vì cho rằng mình là nguyên nhân gây nên xung đột giữa cha và mẹ hoặc bản thân mình phải chịu một phần trách nhiệm trong việc này. Đối với thanh thiếu niên, các em không bị ám ảnh bởi tâm lý này nhưng lại bị trầm uất và có thể thu mình lại, tách khỏi gia đình và dễ bị lôi kéo bởi bạn bè xấu vào những hành vi trốn học, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút.
Như vậy, trong những gia đình xung đột, bất hoà gay gắt thì đứa trẻ thường xuyên phải gánh chịu những cú sốc tình cảm dữ dội, những cách đối xử thô bạo, thậm chí mang tính chất thù địch của bố mẹ đem đến cho trẻ tình cảm lo hãi. Lúc này, hình ảnh bố mẹ không đạt đến chuẩn lý tưởng cho đứa trẻ noi gương hoặc đồng nhất hoá, nhiều khi đứa trẻ còn khinh ghét bố mẹ và nguy hiểm hơn là nó có thể di chuyển sang các lĩnh vực xã hội. Những mâu thuẫn, bất hoà của bố mẹ có thể gây ra những trở ngại cho sự phát triển thể chất, tâm lý và đặc biệt là dễ gây cho trẻ những rối loạn về tâm lý, hành vi.
• Nguyên nhân xuất phát từ phía nhà trường
Ngoài gia đình, nhà trường cũng là một yếu tố quan trọng đối với đời sống của trẻ. Ở đây, trẻ được trải nghiệm, được lớn lên với những hoài bão, ước mơ của mình, với những quan hệ thầy cô, bạn bè
Có rất nhiều vấn đề trong môi trường trường học có thể gây ra hành vi lệch chuẩn, cảm xúc ở trẻ. Chẳng hạn như quan hệ với thầy cô, bạn bè không tốt có thể gây cho trẻ những thất vọng, hẫng hụt; sự đối xử không công bằng
của giáo viên làm xuất hiện ở trẻ sự ganh tỵ, ghen ghét bạn bè… Hiện nay, có một số thầy cô có những biểu hiện không gương mẫu trước học sinh như sỉ nhục, trù úm học sinh, thiên vị, mua bán điểm… ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn của các em. Điều này cũng dễ dàng gây tổn thương cho học sinh. Nhiều em có những biểu hiện chống đối như không làm bài tập, trốn học, bỏ giờ… ngoài ra, tình trạng ép học quá sớm, quá nhiều, tình trạng mà chúng ta gọi là “bệnh chạy theo thành tích” của nhà trường, cha mẹ và giáo viên cũng là một nguyên nhân gây nên hành vi lệch chuẩn, cảm xúc ở học sinh trung học cơ sở. Gần đây, dư luận của xã hội đã phản đối rất nhiều về sự quá tải nội dung học tập. Đã rất nhiều ý kiến cho rằng sự tăng thêm quá nhiều về nội dung, chương trình đã gây nên sự căng thẳng, lo lắng ở học sinh. Theo chúng tôi, đây được xem như là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng hành vi lệch chuẩn ở học sinh.
• Nguyên nhân chủ quan từ phía đứa trẻ
Đặc điểm về tâm lý, nhân cách của trẻ cũng là một nhân tố ảnh hưởng và gây ra hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Chẳng hạn như, tình cảm kém bền vững, dễ thay đổi, dễ bị kích động thì trẻ dễ có những hành động công kích, thái quá khi gặp những khó khăn, bất lợi trong cuộc sống. Hoặc trẻ có tính độc lập và tự trọng cao, nếu bị trừng phạt nặng nề hoặc bị xúc phạm đến nhân phẩm, thì chúng thường có phản ứng quyết liệt, thậm chí có hành vi tiêu cực.
Bên cạnh đó, còn thấy có những nguyên nhân sau:
- Trong hoạt động, trong lúc thể hiện các hành vi, trẻ có sự hiểu biết không thật đúng, không chính xác về các chuẩn mực xã hội, vì vậy trong hành động, trẻ có những hành vi lệch chuẩn vì nhận thức không đúng đó. Trong trường hợp này chủ thể các hành vi lệch chuẩn không biết rằng mình đã và đang thực hiện các hành vi sai lệch nhất định.
- Trong quá trình tham gia vào các mối quan hệ xã hội, có thể trẻ không chấp nhận những chuẩn mực xã hội nào đó, nhận thức của trẻ về chuẩn mực không thống nhất với mô hình chung của xã hội, trẻ hành động theo quan niệm riêng, mục tiêu riêng của mình, khác với chuẩn mực chung. Trong trường hợp này, trẻ thực hiện những hành vi một cách có ý thức với sự tin tưởng và trẻ luôn cho mình đúng, không chịu thừa nhận mình sai.
- Trong quá trình hoạt động, trẻ biết mình sai nhưng vẫn không chịu từ bỏ mục tiêu của mình, vẫn vi phạm chuẩn mực chung. Những hành vi lệch chuẩn này xảy ra do trẻ không tự kềm chế được mình, xã hội cũng không có những biện pháp tác động thích hợp để kiểm tra, tỏ thái độ một cách chính xác.
- Trong quá trình phát triển chung, xã hội có những biến đổi nhất định, các chuẩn mực cũng thay đổi theo sự biến đổi ấy, chuẩn mực xã hội không còn phù hợp với điều kiện xã hội lịch sử, cá nhân không có những tiêu chuẩn mới để làm chỗ dựa, nên thực hiện những hành vi sai lệch.
Tóm lại, những hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng gia tăng. Những hành vi lệch chuẩn đó do nhiều nguyên nhân gây ra, vì vậy cần tìm hiểu nguyên nhân để có chiến lược điều chỉnh kịp thời, làm mất những triệu chứng bất thường và khôi phục chức năng tâm lý bình thường vốn có ở trẻ, hướng trẻ tới những hành vi phù hợp với chuẩn mực xã hội.