Đặc điểm sinh lý của học sinh THCS (thiếu niên)

Một phần của tài liệu thực trạng hành vi lệch chuẩn xã hội ở học sinh trung học cơ sở tp bạc liêu – tỉnh bạc liêu (Trang 54)

a. Định nghĩa hành vi lệch chuẩn

1.2.2.1.Đặc điểm sinh lý của học sinh THCS (thiếu niên)

Độ tuổi của học sinh Trung học cơ sở là lứa tuổi dậy thì, với đặc điểm cơ bản là sự chuyển biến từ lứa tuổi trẻ em sang tuổi trưởng thành, với sự hoàn thiện các cơ quan sinh dục và sự phát dục.

Ở lứa tuổi thiếu niên diễn ra những biến đổi căn bản trong cơ thể của trẻ. Có thể nói đây là giai đoạn phát triển rất mạnh nhưng không đồng đều về mặt cơ thể.

Những năm đầu của tuổi thiếu niên, hệ xương phát triển mạnh. Sự phát triển của hệ xương mà chủ yếu là xương tay, xương chân diễn ra rất mạnh nhưng xương lồng ngực lại phát triển chậm. Do đó, các em rất lóng ngóng, vụng về và điều đó gây ra một số biểu hiện tâm lý, thường xuyên xấu hổ về sự vụng về đó. Các em thường che dấu sự vụng về của mình bằng cách cố tỏ ra thô bạo hoặc can đảm để tỏ ra khác người, không chú ý đến vẻ bề ngoài của mình. Vì vậy, có thể một sự mỉa mai, chế giễu nhẹ nhàng đối với thân hình, dáng đi, điệu bộ của các em đều có thể gây ra những phản ứng mạnh mẽ. Các

em thường cảm thấy rất đau khổ vì nghĩ rằng mình lố bịch trước mặt người khác.

Những thay đổi về dáng vẻ bề ngoài khiến các em có dáng dấp như người lớn. Ở tuổi này xương chưa được cốt hoá hoàn toàn (dưới 14 tuổi), miền giữa các đốt xương sống còn nhiều sụn do đó xương sống dễ bị cong do đứng ngồi không đúng tư thế, khi phải làm việc quá sức. Sự phát triển của hệ xương không tương xứng với hệ cơ dẫn đến sự mất cân đối trong sự phát triển cơ thể, song đây chỉ là sự mất cân đối mang tính chất tạm thời.

Hệ tim mạch ở thiếu niên phát triển không cân đối. Thể tích tim tăng nhanh trong khi đó đường kính của tim mạch tăng chậm. Điều đó dẫn đến một số rối loạn tạm thời của hệ tuần hoàn như huyết áp tăng nhanh, vì thế dễ có hiện tượng chóng mặt, đau đầu…

Hệ thần kinh của thiếu niên phát triển ngày càng phức tạp, các chức năng của não hoàn thiện dần: số lượng các dây thần kinh liên hợp tăng lên, các tế bào của não được phân hoá như của người lớn. Tuy nhiên, do sự phát triển không cân đối của hệ tim mạch, thể hiện ở chỗ quá trình hưng phấn chiếm ưu thế rõ rệt, ức chế phân biệt kém đi, quá trình hưng phấn mang tính chất lan toả hơn. Vì vậy thiếu niên rất hay bực tức, dễ xúc động, nổi nóng, dễ có phản ứng gay gắt, dễ có hành vi bất thường. Hệ thần kinh của thiếu niên còn chưa có khả năng chịu đựng được các kích thích mạnh, đơn điệu, kéo dài. Những kích thích này thường gây ra tình trạng bị ức chế hoặc ngược lại xảy ra tình trạng kích động mạnh. Vì vậy, những ấn tượng phong phú cũng như những chấn động thần kinh mạnh hoặc sự chờ đợi lâu dài về những biến cố gây xúc độngđều có thể tác động mạnh mẽ đến thiếu niên, có thể làm cho một số em trở nên uể oải, thờ ơ, bị ức chế; một số trở nên cáu kỉnh, mất bình tĩnh, bắt đầu vi phạm kỷ luật, thậm chí có thể có những hành vi khác hẳn với bản chất, làm cho nhà giáo dục, giáo viên và cha mẹ khó giải quyết.

Khi nói về tuổi thiếu niên, không thể không nói đến một sự thay đổi độc đáo, một bước nhảy vọt về mặt giới tính, một hiện tượng mới đặc trưng cho lứa tuổi này, đó là hiện tượng dậy thì. Trong giai đoạn này, ở nữ xuất hiện kinh nguyệt, còn các em trai xuất hiện hiện tượng mộng tinh. Đồng thời, xuất hiện những dấu hiệu tính dục phụ khác như: Em trai có hiện tượng vỡ giọng, em gái giọng nói trở nên ấm áp hơn, dịu dàng hơn; em trai bị nổi mụn trứng cá, mọc râu, em gái thì bộ ngực bắt đầu nở nang, các mô mỡ phát triển khiến cho tóc mượt hơn và tạo ra những nét mềm mại, những đường cong uyển chuyển của cơ thể.

Tóm lại, tuổi dậy thì, tuổi thiếu niên với những biến chuyển “đột phá” trong cơ thể, có ý nghĩa lớn đối với việc nảy sinh những cấu tạo tâm lý mới, ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý của các em.

Một phần của tài liệu thực trạng hành vi lệch chuẩn xã hội ở học sinh trung học cơ sở tp bạc liêu – tỉnh bạc liêu (Trang 54)