Đặc điểm tâm lý của học sinh THCS (thiếu niên)

Một phần của tài liệu thực trạng hành vi lệch chuẩn xã hội ở học sinh trung học cơ sở tp bạc liêu – tỉnh bạc liêu (Trang 56)

a. Định nghĩa hành vi lệch chuẩn

1.2.2.2.Đặc điểm tâm lý của học sinh THCS (thiếu niên)

Sự phát triển của tự ý thức là một trong những phẩm chất nổi bật ở tuổi thiếu niên. Nếu như ở mẫu giáo và nhi đồng các em chưa có nguyện vọng tự đánh giá về mình, chưa biết tự đặt ra những câu hỏi “ Mình là người có giá trị như thế nào? ”, “Mình là người như thế nào? ”. Đến tuổi thiếu niên các em bắt đầu xuất hiện sự quan tâm đến bản thân, đến phẩm chất nhân cách của mình. Ở các em xuất hiện nhu cầu tự đánh giá, nhu cầu so sánh mình với người khác... Thiếu niên dường như khám phá ra “cái tôi” mới của mình vì vậy người ta gọi tuổi thiếu niên là thời kỳ hình thành “cái tôi” lần thứ hai. Tự ý thức được hình thành ở lứa tuổi thiếu niên là do các em đã tích cực lĩnh hội từ thế giới người lớn những giá trị, những chuẩn mực, những phương thức hành vi khác nhau.

Sự phát triển tự ý thức đã để lại dấu ấn trên toàn bộ đời sống tâm lý của thiếu niên. Nội dung sự phát triển tự ý thức cũng rất phong phú và đa dạng. Các em không chỉ chú ý phân tích những đặc điểm bên ngoài của cơ thể còn

quan tâm đến những nét tính cách của bản thân, những rung cảm mới, tự phê phán những xúc cảm của mình và cố gắng bắt chước người lớn ở mọi phương diện. Tuy nhiên, do nhu cầu nhận thức bản thân của các em cao nhưng kỹ năng phân tích đánh giá những phẩm chất còn thấp, nên thường nảy sinh mâu thuẫn giữa mức độ kỳ vọng của thiếu niên với địa vị thực tế trong xã hội và trong nhóm bạn bè, mâu thuẫn giữa thái độ của các em với thái độ của người lớn. Đa số các em đánh giá mình cao hơn so với năng lực thực tế, còn người lớn (đặc biệt là giáo viên) thì có xu thế đánh giá năng lực của các em thấp hơn. Vì thế các em cho rằng thái độ đánh giá của người lớn là không công bằng, dẫn đến việc giận dỗi, đa nghi, mất lòng tin vào người lớn. Một số thiếu niên xuất hiện rung cảm tiêu cực như tự ti, chán nản, thù ghét giáo viên, người lớn.

Mặc dù có những khiếm khuyết trong sự phát triển tự ý thức, nhưng có thể khẳng định rằng phần lớn ở thiếu niên với sự xuất hiện nhu cầu tự khẳng định mình, tự ý thức về bản thân đã giúp thiếu niên tự tin hơn khi bước vào giai đoạn mới của cuộc đời, đồng thời nó giúp các em phát triển khả năng tự đánh giá, tự giáo dục.

Ở thiếu niên xuất hiện những cảm giác mới về sự trưởng thành của bản thân. Cảm giác thấy những điều mới mẻ đặt ra trước mắt các em vì vậy các em thấy mình lớn hẳn lên. Cảm giác mình được là người lớn biểu hiện ở chỗ các em có lòng tự trọng và tự tôn rất cao, các em thích độc lập và muốn khẳng định mình với người xung quanh nhất là với người lớn.

Thiếu niên có nhu cầu mở rộng quan hệ với người lớn và mong muốn người lớn quan hệ với nó một cách bình đẳng, không muốn người lớn coi nó là trẻ con như trước đây nữa. Các em muốn cải tổ quan hệ với người lớn theo chiều hướng là hạn chế quyền hạn của người lớn nhưng lại mở rộng quyền hạn của mình. Các em muốn người lớn tôn trọng nhân cách của nó muốn

được tin tưởng và mở rộng tính độc lập. Nói cách khác, trẻ muốn được quyền bình đẳng nhất định với người lớn và cố gắng làm cho người lớn chấp nhận điều đó. Những hình thức chống cự hoặc không phục tùng khác nhau ở thiếu niên được xem là những phương tiện nhằm thay đổi quan hệ cũ bằng quan hệ mới. Cụ thể, thiếu niên bắt đầu chống đối các yêu cầu trước đây mà nó thực hiện một cách tự nguyện, thiếu niên dễ chạm tự ái và chống cự khi người lớn hạn chế tính độc lập của nó. Thiếu niên không thích khi người lớn quá chăm sóc, điều khiển, kiểm tra hoạt động hoặc bắt mình nghe lời hay trừng phạt nó như “trẻ con”. Nhưng ngược lại, thiếu niên lại đòi người lớn phải quan tâm đến hứng thú, thái độ của mình.

Mặc dù mong muốn và nguyện vọng độc lập, muốn trở thành người lớn ở thiếu niên phát triển nhưng lại mâu thuẫn với quan điểm chưa thay đổi của người lớn, người lớn vẫn duy trì quan hệ với thiếu niên như trẻ con. Một mặt quan hệ này mâu thuẫn với những nhiệm vụ giáo dục và ngăn cản sự trưởng thành của thiếu niên và những quyền hạn mới. Chính mâu thuẫn này là nguồn gốc của những xung đột và khó khăn trong quan hệ với người lớn, đặc biệt là với cha, mẹ. Nếu người lớn không thay đổi thái độ với thiếu niên thì tự các em sẽ khởi xướng kiểu quan hệ mới. Thiếu niên chống đối lại người lớn bằng những kiểu bướng bỉnh và có thể nổi loạn. Xung đột trong quan hệ giữa thiếu niên với người lớn là do người lớn không biết hoặc không muốn tìm cho thiếu niên một vị trí mới ở bên cạnh mình. Vì vậy có thể nói tính độc lập và quyền bình đẳng trong quan hệ với người lớn là vấn đề phức tạp và gay gắt nhất trong sự giao tiếp của thiếu niên với người lớn. Nếu người lớn không hiểu được nhu cầu, nguyện vọng đó, không thay đổi kiểu quan hệ mới thì trong quan hệ với thiếu niên thường rất căng thẳng. Các em thường hay biểu hiện sự chống đối yêu cầu của người lớn.

Một đặc điểm trong sự phát triển tâm lý của thiếu niên không thể không kể đến đó là sự phát triển đời sống tình cảm của thiếu niên. Đời sống tình cảm của thiếu niên phong phú và phức tạp hơn so với nhi đồng. Theo đánh giá chung thì tuổi thiếu niên tràn đầy cảm xúc, dễ xúc động khó kiềm chế xúc cảm bột phát, dễ bị tổn thương, không ổn định, thoắt vui rồi lại thoắt buồn, khó kiểm soát xung tính, dễ bị kích động. Do đó, tâm trạng thay đổi nhanh chóng, dễ dàng, đang vui nhưng có thể buồn ngay tình cảm nhiều khi có sự mâu thuẫn. Tuy vậy, tình cảm của thiếu niên đã bắt đầu biết phục tùng lí trí. Tình cảm đạo đức được phát triển mạnh. Dần dần với kinh nghiệm sống tăng lên thì tính bột phát trong tình cảm có ý thức giảm xuống, mất đi nhường chỗ cho tình cảm có ý thức phát triển.

Ở lứa tuổi thiếu niên, nhu cầu giao tiếp với bạn bè phát triển rất mạnh. Sự giao tiếp với bạn bè vượt ra ngoài phạm vi độc lập, phạm vi nhà trường, nó bao quát những hứng thú mới, những việc làm, những quan hệ mới và nổi lên thành một lĩnh vực độc lập rất quan trọng trong đời sống thiếu niên. Đối với thiếu niên giao tiếp với bạn bè có giá trị rất lớn, đôi khi giá trị nâng cao đến mức đứa trẻ đẩy lùi việc học tập xuống hàng thứ hai, hạ thấp cả mối quan hệ giao tiếp với người thân trong gia đình. Các em quan niệm giao tiếp với bạn bè cùng tuổi là quan hệ riêng của cá nhân vì thế nó được phép hành động một cách độc lập theo ý mình. Các em cho rằng mình có quyền làm điều đó và bảo vệ quyền lợi đó của mình. Chính vì vậy, sự can thiệp thiếu tế nhị của người lớn khiến cho thiếu niên cảm thấy bị xúc phạm và các em thường có biểu hiện chống đối lại. Nếu như quan hệ giữa thiếu niên và người lớn không thuận lợi thì vị trí của mối quan hệ bạn bè càng lớn và ảnh hưởng của bạn bè đến thiếu niên càng mạnh.

Dấu ấn đặc biệt trong đời sống tình cảm của thiếu niên là ở các em đã xuất hiện tình bạn khác giới. Ở thiếu niên xuất hiện những rung cảm mới lạ về

nhau, xuất hiện sự quan tâm lẫn nhau, do đó các em rất quan tâm đến vẻ bề ngoài của mình. Ở các em xuất hiện tính ngượng ngùng, nhút nhát, e thẹn. Ở một số em điều đó lại được che dấu bằng thái độ thờ ơ, tỏ ra khinh khỉnh với bạn khác giới.

Hứng thú với bạn khác giới có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển nhân cách của thiếu niên. Tình cảm lãng mạn này có thể động viên, gợi lên nguyện vọng muốn trở thành người tốt hơn, kích thích các em làm điều tốt, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau. Tuy nhiên, quan hệ khác giới ở thiếu niên có thể dẫn đến những lệch lạc, quan niệm về tình bạn khác giới không đúng, dẫn đến chỗ các em hay chơi bời, đua đòi, bê trễ trong học tập. Vì vậy, nhà giáo dục, người lớn phải hướng dẫn uốn nắn cho tình bạn khác giới của thiếu niên diễn ra lành mạnh trong sáng. Đồng thời cũng phải hết sức khéo léo tế nhị, không tỏ thái độ cấm đoán nếu không sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng tiêu cực ở các em mà hậu quả của nó nhiều khi người lớn không thể lường trước được.

Tóm lại, đời sống tâm lý của thiếu niên rất phức tạp, phong phú nhưng chứa đầy mâu thuẫn. Trong bước quá độ vươn lên làm người lớn, trong quá trình hình thành và khẳng định “cái tôi” có ý nghĩa xã hội, các em gặp không ít khó khăn, trở ngại phải vượt qua. Vì vậy, thiếu niên rất cần sự hỗ trợ đắc lực, có hiệu quả của người lớn và xã hội. Cụ thể là phải tạo ra những môi trường thuận lợi, phải khích lệ động viên, phải tin tưởng vào khả năng để giúp các em dần vượt qua những khó khăn, giải quyết mâu thuẫn để trưởng thành và chuyển sang giai đoạn phát triển mới.

Một phần của tài liệu thực trạng hành vi lệch chuẩn xã hội ở học sinh trung học cơ sở tp bạc liêu – tỉnh bạc liêu (Trang 56)