a, Khái niệm giải thoát
Giải thoát theo tiếng Phạn là Moksha, mukti( mộc xoa, mộc đề). “Giải”
nghĩa là gỡ ra, cởi ra, chia tách ra hay giải thích cho rõ; “Thoát” nghĩa là vượt ra khỏi sự trói buộc, sự ràng buộc.[2,tr 45].
Trong Từ điển Phật học Hán – Việt khi bàn đến “giải thoát” có viết: “Giải thoát có nghĩa là lìa bỏ mọi trói buộc mà được tự tại. Cởi bỏ sự trói buộc của nghiệp, thoát ra khỏi khổ quả của tam giới. Còn là tên khác của Niết bàn, bởi vì dùng Niết bàn để lìa bỏ sự trói buộc. Còn chỉ tên gọi khác của Thiền định như tam giải thoát, bất tư nghị giải thoát. Thoát ràng buộc và được tự tại là đức tính của Thiền định” [3]
Trong Phật học từ điển, tác giả Đoàn Trung Còn nói về giải thoát như sau: “Giải là lìa khỏi sự trói buộc, được tự tại, mở những dây trói buộc của nghiệp lầm (hoặc nghiệp). Thoát là ra ngoài quả khổ tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới)…Giải thoát tức là Niết bàn, nó là thể Niết bàn, vì lìa tất cả sự trói buộc”.[4]
Trong tư tưởng của Veda(Ấn Độ), đặc biệt trong kinh Upanishad, cho rằng tinh thần thế giới là Brahman- đó là linh hồn vũ trụ tối cao và Atman là linh hồn cá thể, tồn tại trong mỗi con người. Atman do nằm trong thể xác con người và bị vây hãm bởi vỏ bọc của thể xác nên luôn bị chi phối bởi những dục vọng thấp hèn của con người trong cuộc sống, đây cũng chính là nguyên nhân gây ra nỗi khổ đau của con người, đưa con người sống trong luân hồi nghiệp báo do những hành động, việc làm của mình gây ra. Giải thoát chính là cách thức đưa Atman trở về với Brahman, hòa nhập với linh hồn vũ trụ để thoát khỏi mọi sự ràng buộc và sự khổ đau của kiếp sống luân hồi. Con đường giải thoát không chỉ nhờ vào tha lực với sự cầu xin các thần linh cứu độ, như trong kinh Veda, mà còn bằng con đường tự lực với quá trình tu luyện hành động(karma yoga) và tu luyện tri thức (Jana yoga).
Khái niệm giải thoát trong Phật giáo Ấn Độ cho rằng: giải thoát là trạng thái tinh thần con người vượt mọi ràng buộc của thế giới nhục dục, là sự diệt hết mọi dục vọng hay dập tắt ngọn lửa dục vọng và đạt tới cảnh trí Niết bàn với cái Tâm tuyệt đối thanh tịnh, không vọng động, an lạc, bất sinh, bất diệt và tự do, tự tại bằng con đường tu luyện đạo đức, giữ nghiêm giới luật và tu luyện tri thức, thiền định, thực hiện tâm linh để đạt tới giác ngộ theo Tam học: Giới – Định – Tuệ.
[3], Từ điển Phật học Hán Việt, Tr 597.
Trong Phật giáo, “giải thoát” là sự thoát khỏi những ràng buộc của phiền não như tham, sân, si, nghi, mạn, vọng động … và làm cho tâm thức trở nên trong sạch, thanh cao, thánh thiện và đi tới sự giác ngộ, hiểu rõ chân lý, có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc trong thân tâm.
b, Nội dung, vị trí tư tưởng giải thoát trong Phật giáo.
Đối với Phật giáo thì tư tưởng giải thoát chính là một trong những nội dung quan trọng trong hệ thống giáo lý nhà Phật. Tư tưởng giải thoát chính là sự khởi đầu của con đường tu đạo của Thích Ca Mâu Ni, nó cũng giữ vai trò chủ đạo xuyên suốt trong hệ thống giáo lý Phật giáo qua triết lý Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Chính Đạo. Trong Tứ Diệu Đế thì Khổ đế và Tập đế chỉ ra nguồn gốc và những nỗi khổ của con người, đây chính là động cơ, điểm xuất phát của tư tưởng giải thoát; Diệt đế là chính là mục mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản của sự giải thoát; Đạo đế là con đường, phương tiện và cách thức đi tới sự giải thoát thông qua việc tu tập thực hành Bát chính đạo, Ngũ giới, Lục độ.
Thập Nhị Nhân Duyên chính là chuỗi liên hệ nhân quả và nguồn gốc sinh tử, luân hồi của mọi sự đau khổ của con người. Trong đó Vô minh chính là điểm khởi đầu của chuỗi mắt xích nhân duyên, gây nên mọi khổ đau cho con người. Muốn thoát khổ con người phải tu tập, thực hành Bát chính đạo, Ngũ giới, Lục độ để tu luyện đạo đức, trau dồi trí tuệ, thiền định. Đó cũng chính là con đường Tam học “Giới – Định – Tuệ” đi tới sự giải thoát cho con người.
Trong tư tưởng Phật giáo thì “giải thoát” là một nội dung cơ bản nhất, đồng
thời cũng là mục tiêu của Phật giáo, để giúp con người thoát khổ và giác ngộ chân lý, từ đó có được cuộc sống hạnh phúc. Còn đối với các bậc tu hành thì đó là cuộc hành trình tu tập, trải nghiệm để thấu đạt chân lý, giác ngộ, có được cuộc sống an nhiên tự tại và tiến tới nhập vào cõi “Niết bàn” với Thường- Lạc- Ngã- Tịnh của các bậc Thánh.
Niết Bàn theo tiếng Phạn là Nirvana, tiếng Pali là Nibbãna, được hiểu là thanh tịnh, trong sạch, không hôi tanh, không dơ bẩn. Theo tiếng Hán là: Diệt,
Diệt tận, Diệt độ, Tịnh diệt, Bất sinh, Viên tịch, Vô vi, Giải thoát, An lạc, có nghĩa là dập tắt ngọn lửa phiền não.
Trong Phật giáo nguyên thủy Niết bàn được xem là đoạn triệt luân hồi, đó là sự tận diệt gốc rễ của ba nghiệp bất thiện là tam độc Tham- Sân- Si, không còn chịu sự tác động của Nghiệp, của nhân duyên và đã đạt tới trạng thái vô vi, tịch tĩnh, an lạc, không còn khổ đau.
Theo quan niệm của Phật giáo nguyên thủy thì Niết bàn có hai dạng: Hữu dư Niết bàn và Vô dư niết bàn.
Hữu dư niết bàn là một trạng thái giải thoát của các bậc thánh nhân đã giác ngộ không còn phiền lụy bởi khổ đau, phiền não, luân hồi, tái sinh. Các vị này vẫn còn sống trên đời nên vẫn còn Ngũ uẩn, có thể trạng, nên gọi là Hữu dư. Niết bàn Hữu dư đến niết bàn Vô dư có 4 quả vị tiểu thừa :
Tu đà hoàn: là những người đã thấu đạt chân lý, hiểu rõ tứ diệu đế, nên có thể nhập thánh lưu.
Tư đà hàm: là những bậc còn một lần sinh vào cõi dục giới.
Anahàm: là những bậc không trở về dục giới nhưng thân vẫn còn.
Alahán: là bậc đã đạt quả vị trong hàng tiểu thừa. Không còn sinh trong dục giới.
Vô dư niết bàn có nghĩa là sự tận diệt không còn vướng mắc trong tái sinh luân hồi, các A-la-hán sau khi chết không còn tái sinh, đạt tới cảnh giới Đại bát niết bàn.
Trong Phật giáo Tiểu thừa thì mục đích tối hậu của sự tu tập là tận diệt mọi khổ đau, diệt dục để đạt tới Vô dư niết bàn. Vì vậy khuynh hướng chung của phái Tiểu thừa là xuất gia tu đạo, xa lánh cuộc sống trần tục, ly dục, coi trọng giới luật, kinh điển, thiền định để thu nhiếp, an định thân tâm mong cầu giác ngộ, diệt trừ mọi khổ đau, chấm dứt mọi luân hồi sinh tử, giải thoát cá nhân đi tới nhập vào Vô dư niết bàn, thế giới của bậc Thánh, thế giới cực lạc, hạnh phúc tuyệt đối với Thường – Lạc – Ngã – Tịnh.
Tư tưởng giải thoát Phật giáo tiểu thừa chính là hướng tới Vô dư niết bàn, nên coi trọng kinh sách và giới luật, coi đó là phương tiện cứu cánh của giải
thoát cá nhân. Vì vậy Tiểu thừa đã biến Phật giáo thành hệ tư tưởng có trình độ học vấn cao, mang tính bác học, uyên thâm, kinh viện, và chỉ dành cho những người có cơ duyên đặc biệt.
Trong Phật giáo đại thừa do nhấn mạnh tích chất Bồ Tát trong việc cứu nhân độ thế nên Niết bàn mặc dù là mục đích cao nhất của sự giải thoát, nhưng vì lòng từ bi thương xót chúng sinh mà các Bồ Tát đã phát lời thệ nguyện sẽ chỉ gia nhập Niết bàn khi mọi chúng sinh không còn chịu khổ đau. Nên Phật giáo đại thừa phân biệt Niết bàn có Vô trụ Niết bàn và Thường trụ Niết bàn.
Trong quan niệm Phật giáo Đại thừa thì mục tiêu tối hậu không chỉ là sự giải thoát khổ đau cá nhân mà còn phải cứu vớt chúng sinh ra khỏi bể khổ. Đó cũng là con đường tu tập để tích phúc thiện và trải nghiệm cuộc sống để thấu hiểu những nỗi khổ của chúng sinh mà phát triển lòng từ bi, giác ngộ, thành Phật. Nên chủ trương của Phật giáo Đại thừa là gắn đạo với đời, gắn cái riêng với cái chung, gắn lợi ích cá nhân con người với lợi ích chung của toàn xã hội, đất nước và dân tộc, rộng hơn nữa là toàn nhân loại cùng chúng sinh trong các cõi.
Tư tưởng giải thoát của Phật giáo Đại thừa luôn gắn liền với lợi ích quần sinh, có tính tha nhân, phổ thông và quần chúng hơn. Nên đã trở thành hệ tư tưởng có tác động lớn tới đời sống xã hội. Giúp con người sống hòa nhập với cộng đồng và xây dựng nên cho mình đạo đức lý tưởng trong sáng, hoàn thiện nhân cách, phát huy được vai trò cá nhân trong hiện thực đời sống xã hội.
Như vậy trong giáo lý Phật giáo Tiểu thừa thì tư tưởng giải thoát là mục tiêu cơ bản, là nội dung quan trọng nhất để hướng con người tới Vô dư niết bàn, có tính chất cá nhân. Còn tư tưởng giải thoát trong Phật giáo Đại thừa cũng được coi là một nội dung quan trọng trong giáo lý nhà Phật, nhưng sự giải thoát đó có tính tha nhân, gắn liền với lợi ích quần sinh, thể hiện cái hạnh của các vị Bồ Tát từ bi, cứu khổ, cứu nạn, phổ độ chúng sinh. Vì vậy có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển xã hội. Tuy nhiên dù dưới góc độ nào thì Phật giáo nói chung cũng đều coi tư tưởng giải thoát đóng một vị trí quan trọng trong giáo lý của nhà Phật, bởi đó chính là mục tiêu con người hướng tới.
c. Tư tưởng giải thoát thời Trần
Thời Trần Phật giáo đóng một vai trò quan trọng tới sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tư tưởng giải thoát thời kỳ này cũng là một nội dung quan trọng trong Phật giáo thời Trần. Các vua Trần với vai trò vị trí của một đấng quân vương có trách nhiệm lớn lao đối với dân tộc và đất nước, nên tư tưởng giải thoát của các vua Trần ở đây luôn gắn liền với lợi ích quốc gia dân tộc và làm cho quốc thái dân an. Vì vậy tư tưởng giải thoát Phật giáo Việt Nam theo khuynh hướng Đại thừa. Tuy nhiên tư tưởng giải thoát Phật giáo Việt Nam thời Trần có đặc điểm khác so với Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo Trung Hoa ở chỗ đó là sự dung hợp giữa tính kinh viện, bác học, hàn lâm của phái Phật giáo Tiểu thừa với tính đại chúng, tha nhân của Phật giáo Đại thừa, đưa Phật giáo phát triển lên một tầm cao mới về mặt hệ tư tưởng, gắn lý luận với thực tiễn, tạo nên đặc điểm riêng của Phật giáo Việt Nam.