Một số nhận xét về chính sách của Liên bang Nga đối với Cộng đồng các quốc

Một phần của tài liệu chính sách của liên bang nga đối với cộng đồng các quốc gia độc lập (sng) tư 1992 đến 2008 (Trang 66)

2008)

3.1. Một số nhận xét về chính sách của Liên bang Nga đối với Cộng đồng các quốc

độc lập từ 1992 – 2008

Vấn đề đầu tiên đặt ra ở đây là tại sao Cộng đồng các quốc gia độc lập luôn chiếm vị trí ưu tiên đặc biệt trong chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga dù dưới thời Tổng thống Yeltsin hay Putin?

Trước hết, xuất phát từ lợi ích địa chính trị. Bước ra vũ đài quốc tế với tư cách là quốc gia kế tục Liên Xô, Liên bang Nga có nhiều thuận lợi là được thừa hưởng phần lớn tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật… từ Liên Xô. Liên bang Nga đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, trong nước, nền kinh tế khủng hoảng, Nga rơi xuống hàng các “quốc gia hạng hai”, tình hình chính trị không ổn định, nguy cơ chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố, nổi cộm là vấn đề Chesnhia đe dọa nền an ninh của Nga; ngoài nước, trong bối cảnh thế giới sau Chiến tranh lạnh, Nga không có kẻ thù công khai, trực tiếp, nhưng cũng không có đồng minh. Nước Nga hầu như tách biệt khỏi xu thế khu vực hóa, quốc tế hóa. Trong những năm đầu nắm quyền lãnh đạo đất nước, Yeltsin thực hiện chiến lược đối ngoại “định hướng Đại Tây Dương”, đặt trọng tâm vào việc xây dựng các mối quan hệ với Mỹ và các nước tư bản phương Tây. Tuy nhiên, sau mấy năm thực hiện (1991 – 1993), những kết quả mà Liên bang Nga đạt được quá ít ỏi. Nhìn chung Nga vẫn còn đứng ngoài lề quá trình liên kết sôi động ở cả hướng Tây lẫn hướng Đông, cũng chưa tìm được chỗ đứng trong các tổ chức chính trị, quân sự quan trọng do các nước phương Tây lập ra thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nước Nga hầu như bị cô lập hoàn toàn. Hơn nữa, Mỹ và các nước phương Tây thông qua các tổ chức NATO, EU ngày càng có xu hướng mở rộng về hướng Đông, tìm cách nhảy vào “chỗ trống quyền lực” ở Đông Âu, vào các nước phần châu Âu của Liên Xô cũ với tham vọng kìm chế, cô lập Nga, ngăn ngừa sự tái lập của một “Đế chế Nga”.

Đứng trước tình hình an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng cả bên trong lẫn bên ngoài, Nga cần có một chính sách đối ngoại cho phép bảo đảm hòa bình, an ninh ở các vùng biên giới, tránh được sự cô lập quốc tế để bảo vệ lợi ích của Nga ở những khu vực có ý

nghĩa sống còn đối với mình. Về vị trí địa lí, hầu hết các nước SNG đều có đường biên giới chung với Nga, tạo thành một hành lang bảo vệ biên giới phía Tây cho nước Nga. SNG là con đường thông ra phía Tây của nước Nga để sang châu Âu. Các nước SNG còn là hành lang bảo vệ an ninh cho Nga khi NATO đang mở rộng về phía Đông. Từ các nước SNG, Nga có thể kiểm soát được con đường tiến xuống Nam Á, xuống vùng Ấn Độ Dương, ngăn chặn các thế lực tôn giáo cực đoan tiến vào nước Nga. An ninh của Nga sẽ không đảm bảo nếu an ninh các nước SNG không được đảm bảo hoặc các nước SNG bị phân tán, chia rẽ, xung đột, vì đó là cơ hội cho các thế lực khác từ bên ngoài thâm nhập, lôi kéo từng nước đi theo họ. Do vậy, những nhiệm vụ hàng đầu của chính sách đối ngoại Nga với Cộng đồng các quốc gia độc lập là: chống lại mưu toan của các nước thứ ba nhảy vào chỗ trống hình thành sau khi Liên Xô tan rã; duy trì ảnh hưởng của Nga đối với Cộng đồng các quốc gia độc lập; đảm bảo sự an ninh biên giới vòng ngoài SNG và ổn định tình hình ở các điểm nóng do sự lỏng lẻo của biên giới các nước này. Với những lý do đó, SNG trở thành ưu tiên số một trong chiến lược đối ngoại của Nga là điều dễ hiểu.

Thứ hai, thái độ của các nước tư bản phương Tây và Mỹ đối với Liên bang Nga cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà lãnh đạo Nga luôn coi hợp tác với các nước SNG là ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của mình.

Bước ra vũ đài quốc tế với tư cách là quốc gia kế tục Liên Xô, dù đã đánh mất vị trí siêu cường nhưng Nga vẫn có đủ tiềm lực cần thiết về kinh tế, truyền thống dân tộc và đặc biệt là sức mạnh quân sự, để phục hồi và giành lại vị thế của mình ở châu Âu và trên thế giới. Mỹ và phương Tây xem đây là nhân tố đe dọa tiềm tàng và thách thức đối với họ. Chính vì vậy, Mỹ và các nước tư bản phương Tây đã thực hiện chính sách hai mặt với Nga. Một mặt, Washington ủng hộ, giúp đỡ Moscow chuyển đổi cơ chế kinh tế, thực hiện dân chủ theo mô hình phương Tây nhằm giảm thiểu sự bất ổn do việc tan vỡ Liên bang Xô viết để lại. Mặt

khác, Mỹ và các nước tư bản phương Tây dùng con bài mở rộng NATO sang phía Đông

nhằm cô lập Nga giữa các đồng minh cũ, đe dọa trực tiếp an ninh Nga, làm giảm dần ảnh hưởng của Nga ở khu vực và cản trở hành trình tìm kiếm vị trí quốc tế đã mất của nước này.

Thực tế đã chứng minh điều đó, trong những năm đầu cầm quyền, Tổng thống B. Yeltsin đã

thực hiện đường lối đối ngoại thân phương Tây với hy vọng trông chờ vào sự giúp đỡ của Mỹ và phương Tây để thoát khỏi tình trạng khó khăn trong nước và mau chóng đưa nước Nga hòa nhập vào thế giới phương Tây. Nhưng kết quả đã không như người Nga mong đợi. Những viện trợ nhỏ giọt của Mỹ và phương Tây không thể giúp Nga vượt qua khó khăn, tệ

hại hơn là Liên bang Nga cũng không được Mỹ và các nước phương Tây xem là bạn bè, là đồng minh, thậm chí không coi Nga là đối tác bình đẳng trong các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Mỹ và phương Tây luôn đặt Nga vào “sự đã rồi” khi giải quyết các vấn đề quốc tế. Biểu hiện là việc khối NATO, bất chấp sự phản đối của Nga, đã quyết định kết nạp thêm ba thành viên mới ở Đông Âu là Ba Lan, Czech và Hungary. Kết quả là Nga không có bạn đồng minh, vẫn bị cô lập trên trường quốc tế. Chính vì điều đó khiến cho các nhà lãnh đạo Nga hiểu rằng Nga không thể trở thành một cường quốc thật sự nếu không có đồng minh, trước hết là các đồng minh trong không gian Xô viết cũ, tăng cường quan hệ với các nước này sẽ giúp Nga khắc phục được sự lệ thuộc vào phương Tây, giúp Nga đảm bảo an ninh quốc gia và vị trí trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, chính sách của Liên bang Nga đối với Cộng đồng các quốc gia độc lập dưới

hai đời Tổng thống Yeltsin và Putin cũng có những điểm khác biệt.

Trong những năm đầu nắm quyền, Tổng thống Yeltsin sử dụng chính sách ngoại giao thân phương Tây, không quan tâm nhiều đến các nước SNG thậm chí “thoát li” trước mọi vấn đề xảy ra ở những nước này. Ở nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Yeltsin đã có sự điều chỉnh chính sách ngoại giao. Theo đó, SNG được đưa lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên có thể thấy rằng trong thời gian này chính quyền của Yeltsin chủ yếu dùng sức mạnh quân sự gây sức ép, lôi kéo các nước SNG về phía mình, không xem các nước SNG là đối tác bình đẳng. Thậm chí các nước phương Tây còn cho rằng chính sách của Liên bang Nga đối với SNG trong giai đoạn này là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc mới. Trên thực tế ở giai đoạn cầm quyền của Yeltsin ngoài bước tiến đáng kể nhất là quan hệ giữa Nga và Belarus, đã phát triển từ “Cộng đồng Nga – Belarus (4/1996), “Liên minh Nga – Belarus (4/1997), “Quốc gia liên minh Nga – Belarus (12/1998) lên thành lập Nhà nước Liên bang Nga – Belarus (12/1999). Còn quá trình liên kết giữa Nga với các nước SNG khác, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, diễn ra hết sức chậm chạp, khó khăn.

Những nguyên nhân có thể kể đến đó là, thứ nhất, ở giai đoạn đầu khi mới thành lập hầu hết các nước thành viên SNG gặp rất nhiều khó khăn không ít nước thành viên SNG – kể cả Liên bang Nga có xu hướng “hướng ngoại”, hy vọng dựa vào nước ngoài để thoát khỏi tình trạng khó khăn trong nước. Hơn nữa sau khi Liên Xô sụp đổ, các nước thành viên trở thành các quốc gia độc lập, việc phân chia tài sản, nợ liên bang, tranh chấp lãnh thổ giữa các nước đã trở thành vấn đề nổi cộm, cản trở sự liên kết giữa các nước.

Thứ hai, về phía Nga, nước lớn nhất trong Cộng đồng các quốc gia độc lập cũng chưa có những động thái thực sự tích cực để gắn kết các thành viên lại với nhau. Trong nhiệm kỳ của mình B.Yeltsin ít thực hiện các chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa nguyên thủ quốc gia Nga và các nước lân cận để bàn bạc, tìm cách giải quyết kịp thời những vấn đề lớn trong quan hệ song phương giữa Nga với từng quốc gia SNG cũng như quan hệ đa phương trong khuôn khổ SNG.

Ngoài ra, theo như Công sứ Đại sứ quán Nga tại Nhật V.Paplin: “Sau khi Liên Xô bị phân chia, nước Nga đã phải đương đầu với một thời kỳ khó khăn trong việc tìm kiếm một nhận diện mới. Nước Nga đã có thói quen hàng thế kỷ tự coi là trung tâm của một Đế chế. Đột nhiên lại xuất hiện nhiệm vụ phát hiện lại vị trí của mình trong phạm vi những đường biên giới mới, thiết lập các quan hệ với những nước trước đây hầu như là bộ phận cấu thành

của mình và xác định lại những lợi ích quốc gia mới của mình” [9, tr.149]. Do vậy, trong

nhiệm kỳ của mình, Tổng thống B.Yeltsin vẫn chưa làm được gì nhiều trong “khu vực lợi ích sống còn”, được ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của mình là SNG, nếu không muốn nói là Nga đang mất đi ảnh hưởng tại các nước SNG.

Khác với thời kỳ Yeltsin, chính quyền Putin chủ trương sử dụng các đòn bẩy kinh tế để lôi kéo các nước SNG thay vì sử dụng các hình thức đe dọa, gây sức ép về chính trị – quân sự. Một mặt, Nga tuyên bố các nước SNG có quyền tự quyết định đường lối đối ngoại của mình, mặt khác ra sức củng cố các cơ chế hợp tác trong SNG trên cơ sở vì lợi ích và tăng cường sự có mặt của mình trong không gian SNG.

Tiếp tục coi quan hệ hợp tác toàn diện với các nước SNG là ưu tiên đối ngoại số một, Tổng thống V.Putin thực hiện một loạt chuyến thăm và làm việc tại các nước SNG. Đối với Putin, hợp tác với các nước SNG là quan hệ đối tác “chiến lược bình đẳng”. Nga sẵn sàng bỏ hàng tỷ đô la cho vay, viện trợ và xóa nợ giúp Belarus vượt qua khủng hoảng, bán khí đốt với giá ưu đãi giúp Belarus không phải chịu gánh nặng về việc thiếu nhiên liệu, nhưng đổi lại Nga được sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Belarus mà không phải trả tiền. Nói một cách khác, Belarus phải luôn là đồng minh trung thành của Nga, ủng hộ Nga trong các vấn đề quốc tế, cuộc chiến Nam Ossetia là một ví dụ điển hình. Chính vì vậy, Mặc dù SNG vẫn còn là một tổ chức liên kết lỏng lẻo, hiệu quả liên kết, hợp tác thấp, song so với thời kỳ Yeltsin thì vai trò của Liên bang Nga trong một số nước SNG và một số tổ chức của SNG đang tăng lên. Quan hệ đồng minh giữa Nga –

Belarus được củng cố, quan hệ giữa Nga với các nước ở Trung Á phức tạp hơn, song thông qua một số tổ chức liên kết, hợp tác Thượng Hải, Trung tâm chống khủng bố, Hiệp định hợp tác quân sự,… mà Nga đóng vai trò chủ đạo, Nga từng bước xác lập lại ảnh hưởng của mình ở khu vực địa – chính trị quan trọng này.

Đối với những nước ngã theo phương Tây, thi hành chính sách chống đối Nga thì Putin cũng có những hành động rõ ràng và cứng rắn hơn. Putin đã dùng “con bài khí đốt” để trừng phạt Ukraina, sẵn sàng xung đột vũ trang với Gruzia trong cuộc chiến Nam Ossetia. Những

mâu thuẫn đó khiến tình hình tại đây luôn nóng bỏng, đe dọa đến hòa bình, ổn định trong

khu vực và sự tồn tại của SNG. Chính vì vậy, cho đến nhiệm kỳ của mình, Putin vẫn chưa giành được ảnh hưởng ở khu vực truyền thống này như người Nga mong đợi.

Như vậy, dù Cộng đồng các quốc gia độc lập luôn chiếm vị trí ưu tiên đặc biệt trong chiến lược đối ngoại của Nga dưới thời Tổng thống Yeltsin hay Putin và chính quyền Liên bang Nga luôn dùng mọi biện pháp cả quân sự lẫn ngoại giao để lôi kéo các quốc gia này về quỹ đạo của mình thì Nga vẫn chưa giành lại được ảnh hưởng tại khoảng không gian hậu Xô viết. Không những thế, xu hướng ly tâm trong SNG cũng tăng dần lên đẩy Nga vào nổi lo mất đi vùng ảnh hưởng truyền thống của mình.

Một phần của tài liệu chính sách của liên bang nga đối với cộng đồng các quốc gia độc lập (sng) tư 1992 đến 2008 (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)