Đối với Ukraina

Một phần của tài liệu chính sách của liên bang nga đối với cộng đồng các quốc gia độc lập (sng) tư 1992 đến 2008 (Trang 27)

Liên bang Nga và Ukraina là hai nước cộng hòa lớn nhất, có tiềm lực nhất của Liên Xô cũ. Hai dân tộc Nga và Ukraina đều thuộc dân tộc Slavơ, được sinh ra dưới một mái nhà

chung – KievskayaRus – suốt chiều dài lịch sử đã cùng chia sẻ số phận chung, đấu tranh với

những kẻ thù chung vì những lợi ích chung. Song, sau khi trở thành những quốc gia độc lập, giữa họ đã nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp lớn, mà nổi cộm là vấn đề xử lý kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô cũ nằm trên lãnh thổ Ukraina, vấn đề quy chế bán đảo Crưm, vấn đề Hạm đội biển Đen…

Với ý thức của một quốc gia mới giành độc lập, Ukraina luôn xác định mình là một quốc gia châu Âu mặc dù điều đó không cần thiết. Do vậy, về mặt chiến lược, Ukraina có nhiều điểm khác so với Nga. Ukraina không chấp nhận quan điểm của Nga về không gian hậu Xô viết như một vùng lợi ích chiến lược của họ; về sự bành trướng của nguồn vốn không bị kiểm soát của các nhà tư bản Nga; về hoạt động quá mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng trên lãnh thổ Ukraina; về sự kéo dài sự có mặt về quân sự của Nga trên lãnh thổ Ukraina; về việc cùng đồng thời gia nhập WTO; về duy trì sự độc quyền cung cấp năng lượng cho Ukraina[17, tr.141].

Sau khi Liên Xô sụp đổ, với tư tưởng mình thuộc về phương Tây và tham vọng được phương Tây coi là “tiền đồn của nền dân chủ ở phương Đông”, Ukraina thi hành chính sách thân phương Tây nhằm tìm cơ hội phát triển, đồng thời nhanh chóng thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nga.

Nước Nga trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Yeltsin cũng có lập trường gần phương Tây, trông chờ vào sự giúp đỡ của họ để duy trì quyền lực, chống lại các lực lượng đối lập trong nước, trong khi đó chính sách đối ngoại của Ukraina cũng hướng sang phương Tây, mà thực chất là định hướng sang Mỹ. Ngay từ năm 1994, Ukraina đã ký Hiệp ước Hữu nghị với Mỹ trong khi đó họ chỉ ký Hiệp định Hợp tác Hữu nghị với Nga vào năm 1997. Hơn nữa, đặc điểm dân tộc của Ukraina cũng ảnh hưởng rất lớn đối với định hướng chiến lược hướng sang phương Tây. Khu vực

phía Tây của Ukraina trong lịch sử luôn chống lại Liên Xô trước đây và Nga ngày nay có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách đối ngoại của Ukraina.

Một thời gian dài vấn đề đầu tiên và phức tạp nhất trong một loạt vấn đề quan hệ song phương là kho vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ukraina: Ai sẽ kiểm soát và sở hữu chúng sau khi Liên Xô tan rã? Vấn đề còn phức tạp thêm ở chỗ Nga được sự ủng hộ của phương Tây. Phương Tây luôn khẳng định rằng họ chỉ dành cho một mình nước Nga quyền thừa kế Liên Xô với tư cách là một cường quốc hạt nhân. Ngay trong nội bộ Ukraina, quyền duy trì vũ khí hạt nhân cũng gây nhiều tranh cãi, bởi lẽ Ukraina không hề dấu diếm những khó khăn về kỹ thuật và những do dự của giới quan chức chính trị trong việc lợi dụng tiềm năng răn đe của loại vũ khí này. Rốt cuộc một quan điểm lành mạnh về vấn đề hạt nhân đã thắng thế ở Ukraina. Kết quả của những nỗ lực chung là ngày 14/01/1994, tại cuộc gặp các Tổng thống Nga, Mỹ và Ukraina ở Moscow đã thông qua tuyên bố mà theo đó tất cả đầu đạn hạt nhân cần được chuyển từ Ukraina về Nga để sau đó tháo gỡ ngay [90, tr.9]. Ngày 5/12/1994, Ukraina chính thức gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT 1968), cam kết từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình để có thể thực thi các hiệp ước START hủy bỏ hàng nghìn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Trong vòng 7 năm, Ukraina cùng với Kazakhstan và Belarus sẽ chuyển giao cho Nga việc phá hủy toàn bộ số vũ khí hạt nhân của họ.

Ngoài vấn đề vũ khí hạt nhân, số phận của Crưm – Sevastopol và Hạm đội Biển Đen cũng luôn là vấn đề xung đột tiềm tàng giữa Nga và Ukraina.

Nằm ở phía Nam Ukraina, bên bờ biển Đen, bán đảo Crưm, nơi chủ yếu người dân nói tiếng Nga sinh sống là một phần lịch sử của Liên bang Xô viết trước đây. Năm 1954, Nikita Khrushchev, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1953 đến 1964, đã “tặng” bán đảo Crưm vốn thuộc Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga cho Cộng hòa XHCN Xô viết Ukraina. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, bán đảo này vẫn là một bộ phận của nước Ukraina độc lập. Tuy nhiên, mỗi khi có bất hòa Nga luôn đe dọa Ukraina về việc sẽ thu hồi lại khu vực này. Quan hệ giữa Nga và Ukraina có phần căng thẳng xung quanh vấn đề bán đảo Crưm khi Ukraina tỏ những động thái muốn gia nhập NATO.

Thời kỳ đầu, vào đầu năm 1992, Xô viết tối cao Nga đã ủng hộ phong trào ly khai của người Nga ở Crưm đòi tách ra khỏi Ukraina. Tháng 5/1992, Xô viết tối cao Nga ra tuyên bố về việc trao Crưm cho Ukraina vào năm 1954 “ngay từ đầu đã vô giá trị” [9, tr.91]. Việc

quản lý Crưm gắn liền với việc kiểm soát Hạm đội Biển Đen, mà theo các nhà lãnh đạo chủ chốt của Nga lúc đó, Hạm đội này chỉ thuộc thẩm quyền của Nga.

Xét trên bình diện quân sự chiến lược, Hạm đội Biển Đen đóng vai trò quan trọng ở

sườn biển của nước Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập. Lợi ích an ninh quốc gia của Nga và các nước SNG khác ở sườn phía Nam đòi hỏi phải duy trì ở Biển Đen một lực lượng hải quân mạnh để bảo vệ lợi ích của cả Cộng đồng. Hơn nữa, trong khi khối Warszawa giải thể, thì khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) không những không giải thể, mà còn có những động thái tiếp tục mở rộng sang phía Đông. Trong bối cảnh đó, Hạm đội Biển Đen vẫn có vai trò quan trọng ở sườn phía Nam của các nước SNG. Ngoài ra, sự phát triển tình hình chính trị – an ninh cùng xung đột khu vực vẫn đang tiếp diễn ở khu vực phía Nam của nước Nga và khu vực ngoại Kavkaz cũng đòi hỏi phải có những lực lượng để vừa duy trì

hòa bình và an ninh ở khu vực này, vừa có thể chấm dứt can thiệp có thể có từ nước ngoài

vào công việc nội bộ của Nga và các nước SNG. Hạm đội Biển Đen phải đóng vai trò đó, đồng thời còn là nhân tố đảm bảo an ninh cho ngành vận tải buôn bán đường biển của các nước SNG.

Như vậy, trên bình diện quân sự – chiến lược, Hạm đội Biển Đen là một lực lượng vũ trang mạnh, có khả năng giải quyết các nhiệm vụ chiến lược của Nga và Ukraina cũng như các nước SNG khác. Do vậy, chỉ một tháng sau khi SNG ra đời, vào cuối tháng 01/1992, Tổng thống Nga B.Yeltsin đã đi thăm Hạm đội Biển Đen và tuyên bố: “Hạm đội Biển Đen thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập, nên Hạm đội này không chỉ bảo vệ riêng một quốc gia nào, mà phải bảo vệ cả cộng đồng” [9, tr.155]. Tất nhiên, tuyên bố của Tổng thống Nga còn liên quan đến việc Ukraina, lúc đó khăng khăng tuyên bố rằng Hạm đội Biển Đen phải hoàn toàn thuộc Ukraina, luận chứng rằng vì Hạm đội Biển Đen nằm trên lãnh thổ nước họ. Về sau, Ukraina có lẽ hiểu rằng luận chứng đó không xác đáng, vì quả thật, không thể chia lực lượng vũ trang của Liên Xô cũ và xây dựng lực lượng vũ trang riêng theo dấu hiệu lãnh thổ. Lực lượng vũ trang Xô viết là do cả Liên bang xây dựng, và việc phân bố các tập đoàn quân sự thời Liên Xô cũ hết sức không đồng đều theo vùng lãnh thổ. Những lực lượng tinh nhuệ nhất về mặt chiến đấu và đáng kể nhất về số lượng và chất lượng không nằm ở các vùng trung tâm của Liên bang, mà gần các biên giới phía Tây của nó. Do đó, về sau Ukraina chỉ đòi chia phần trong Hạm đội Biển Đen. Liên bang Nga, mặc dù đã có ba hạm đội khác (Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội Baltic và Hạm đội Thái Bình Dương), nhưng không thể không có Hạm đội Biển Đen, vì vị trí và vai trò của nó đối với nước Nga. Hạm

đội Biển Đen có tính chất biểu tượng đối với cả Nga lẫn Ukraina, gây nên những tranh chấp, tranh cãi gay gắt ở hai nước và buộc giới quan chức chính trị có thái độ đặc biệt thận trọng đối với những nhượng bộ có thể có. Mặc dù ban lãnh đạo hai nước đã có nhiều cuộc họp, thảo luận đưa ra các phương án giải quyết vấn đề Hạm đội Biển Đen như: cả Nga và Ukraina sẽ phối hợp chỉ huy, hoặc sẽ chia Hạm đội hay bán Hạm đội cho Nga…. nhưng chưa có giải pháp nào hợp lý cho cả hai bên. Do đó, vấn đề Hạm đội Biển Đen cứ đè nặng lên quan hệ hai nước từ đó đến nay.

Ngoài vấn đề bán đảo Crưm, Nga và Ukraina còn căng thẳng trên nhiều phương diện. Để

thể hiện thái độ chống Nga và thân phương Tây của mình, năm 1997, Ukraina cùng với Gruzia, Azerbaizan và Moldova đã ký thông cáo chung thành lập tổ chức GUAM (viết tắt tên của 4 nước). Tháng 4/1999, Uzbekistan được kết nạp vào tổ chức này. GUAM hoạt động ngoài khuôn khổ SNG, nhưng trong phạm vi của Hội đồng đối tác châu Âu – Đại Tây Dương bao gồm các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự và chương trình đối tác vì hòa bình của NATO. Mục đích của GUAM thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, chống khủng bố, chống các hoạt động tội phạm có tổ chức, buôn bán vận chuyển ma túy. GUAM hoạt động dựa vào sự ủng hộ của Mỹ (ngân sách hàng năm Mỹ dành cho nhóm nước này là 40 triệu USD) với hy vọng sẽ trở thành đối trọng của SNG và Cộng đồng kinh tế Á – Âu. Cho đến nay, chỉ còn Ukraina và Gruzia vẫn mong muốn duy trì GUAM và thực thi các chính sách chống Nga [16, tr 79 - 81].

Sự băng giá trong quan hệ giữa hai nước, trước hết là do Ukraina dưới thời cầm quyền của Tổng thống Kravchuc đã đặt mọi hy vọng của họ trong quan hệ với phương Tây. Mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện đôi chút khi Tổng thống Kuchma lên thay Kravchuc, tiến hành điều chỉnh chính sách đối ngoại, theo đó loại bỏ quan điểm hướng về phương Tây, nhấn mạnh tới quan hệ với Nga, không coi Nga là nguồn gốc của sự đe dọa từ phía Đông. Năm 1997, Tổng thống Nga B.Yeltsin và Tổng thống Ukraina – L.Kuchma đã ký Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác và Đối tác. Hiệp ước này đã điều chỉnh một số vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, đảm bảo sự bình đẳng, công nhận vô điều kiện toàn vẹn lãnh thổ, đường biên giới không thể bị xâm phạm của Ukraina, từ chối sử dụng vũ lực và các biện pháp kinh tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trong chuyến thăm nhà nước của Tổng thống Kuchma đến Moscow ngày 27/2/1998, hai bên đã ký Hiệp ước Hợp tác giai đoạn 1998 – 2007 và chương trình hợp tác trong giai đoạn nói trên. Hai bên đã ký Hiệp định về Biên giới trên bộ giữa Ukraina và Nga, Hiệp định về hoạt động của Hạm đội Biển Đen

của Nga tại Ukraina và thành công lớn nhất trong thời gian từ sau sự sụp đổ của Liên Xô đó là thành lập không gian kinh tế thống nhất EEP.

Một phần của tài liệu chính sách của liên bang nga đối với cộng đồng các quốc gia độc lập (sng) tư 1992 đến 2008 (Trang 27)