đại hóa, hậu hiện đại hóa
Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không những tiếp thu và đổi mới các yếu tố thành phần của ngôn ngữ dân gian như thành ngữ, tục ngữ, khẩu ngữ, yếu tố tục, yếu tố thơ... mà còn tiến tới tiếp thu và đổi mới hai loại diễn ngôn tự sự dân gian: diễn ngôn nhân vật và diễn ngôn người kể chuyện.
Trước hết, diễn ngôn (discoure), còn được dịch là lời nói, là một khái niệm được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật, xã hội ..., là đối tượng của ngành nghiên cứu phân tích diễn ngôn, và trong trào lưu cấu trúc cũng như những trào lưu xuất hiện sau đó, diễn ngôn trở thành một trong những khái niệm trung tâm với phạm vi nghĩa rất rộng. Trong ngôn ngữ học, diễn ngôn là một tập hợp nhiều câu, là đơn vị ngôn ngữ trên câu nhưng không phải là văn bản. Còn trong lí thuyết tự sự học, diễn ngôn trần thuật được xem là văn bản được tạo ra bởi hoạt động kể dưới dạng truyền miệng hoặc viết và văn bản trần thuật gồm có diễn ngôn của người kể chuyện (kể, tả, bình luận) và diễn ngôn của nhân vật (đối thoại, độc thoại. Hai loại diễn ngôn này “móc nối” và “luân phiên” (Dolezel) nhau trong một văn bản trần thuật.
Trong các tác phẩm tự sự dân gian, ảnh hưởng của kiểu kể chuyện với điểm nhìn bao quát, “biết hết” của người kể chuyện, diễn ngôn người kể chuyện chiếm dung lượng gần như lấn át hoàn toàn diễn ngôn nhân vật. Phải đến các tác phẩm văn xuôi tự sự hiện đại về sau, tương quan giữa hai loại diễn ngôn này, cũng như cấu trúc của chúng mới dần thay đổi. Văn học trung đại Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nặng của lối kể truyền thống, bởi vậy tương quan giữa hai loại diễn ngôn tự sự trên chưa có thay đổi mạnh mẽ. Phải đến các tác phẩm tự sự hiện đại, cùng với sự du nhập của những kỹ thuật kể chuyện mới trong tiểu thuyết phương Tây, và những biến đổi trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, việc tiếp thu và đổi mới hai loại diễn ngôn này mới thực sự rõ rệt. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một trong số những tác phẩm cho thấy rõ nét sự tiếp thu vào đổi mới hai loại diễn ngôn tự sự này.
Trong truyện cổ dân gian, diễn ngôn người kể chuyện chủ yếu chuyển tải thông tin, không mang phong cách của ai, không mang sắc thái chủ thể của nhân vật, tính cách, người kể chuyện nào đó, hầu như không gặp truyện nào có người kể chuyện xưng “tôi” hay mượn vai nhân vật, lời nhân vật để kể. Ví dụ dưới đây là đoạn kể trong truyện cổ tích Trương Chi – Mỵ Nương: “Ngày xưa có một ông quan thừa tướng sinh được người con gái tên là Mỵ Nương, nhan sắc tuyệt trần. Nàng ở nơi cấm cung trong ngôi lầu cạnh bờ sông. Bấy giờ có một chàng trai con nhà thuyền chài tên là Trương Chi, ngày ngày đến thả lưới kiếm ăn trên khúc sông đó”. Diễn ngôn người kể ở đây hoàn toàn trung tính, không mượn giọng, không bộc lộ ấn tượng gì về người kể. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ngược lại, diễn ngôn người kể chuyện được phong cách hóa, mượn giọng, lời của ai đó để kể lại. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, bên cạnh diễn ngôn nhân vật và diễn ngôn người kể chuyện trung tính, với sự lấn át của diễn ngôn người kể chuyện xuất hiện trong một số truyện
như Những ngọn gió Hua Tát, Trương Chi, Thiên văn khi người kể chuyện hoàn toàn không xuất hiện trong câu chuyện, diễn ngôn người kể chuyện được phong cách hóa, mượn lời người khác, mang đậm sắc thái chủ thể nhân vật. Cũng lấy tên là Trương Chi, nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại dùng một giọng kể khác hẳn ngay từ những dòng mở đầu: “Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông. Nhà nàng ở phía ấy. Sương xuống lạnh. Một nỗi buồn da diết choáng ngợp lòng chàng. Chàng gác chèo và mặc kệ dòng sông cuốn con thuyền đi”. Lời kể ở đây mượn lời Trương Chi để kể lại, mang tâm trạng và nỗi lòng của Trương Chi. Đặc điểm này được còn bộc lộ rõ nét qua diễn ngôn người kể chuyện xưng “tôi” xuất hiện ở 11/43, chiếm tỉ lệ 25,5 % trong các truyện: Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Những bài học nông thôn, Quan âm chỉ lộ, Chuyện tình kể trong đêm mưa, Tướng về hưu, Những người thợ xẻ, Tội ác và trừng phạt, Thương Nhớ đồng quê, Thổ cẩm, Những người muôn năm cũ. Người kể chuyện ở đây không giữ giọng thản nhiên mà giọng điệu, lời lẽ in đậm dấu ấn cá nhân. Chẳng hạn như diễn ngôn người kể chuyện trong Con gái thủy thần
nặng trĩu suy tư về mẹ Cả và những suy nghĩ của chàng trai nông dân về cuộc sống, con người, về sự cô đơn và hy vọng. Còn diễn ngôn người kể chuyện trong Những người thợ xẻ lại là lời của một thiếu niên lần đầu xa nhà, với những suy nghĩ vừa ngây thơ, lí tưởng bên cạnh hành động nhiều khi có vẻ “lưu manh” trí thức.
Trong diễn ngôn người kể chuyện của truyện cổ dân gian diễn ngôn kể chiếm ưu thế, rất ít diễn ngôn tả, diễn ngôn bình luận. Còn diễn ngôn người kể chuyện của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ngoài lời kể, còn có lời bình luận, thậm chí đưa cả bài thơ vào bình luận trữ tình ngoại đề, ít lời tả. Diễn ngôn người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường mang
thái độ của người kể chuyện trong những lời bình luận ở cuối câu chuyện như trong các truyện Cánh buồm nâu, Giăng lưới bắt chim, Trương Chi, Mưa Nhã Nam. Hoặc xen lời kể với lời bình như lời kể về hai vợ chồng mới cưới Cấn và Sinh trong truyện ngắn Không có vua: “Cậu Cấn chồng cô Sinh là thương binh. Họ quen biết nhau trong dịp tình cờ. Hai người cùng trú dưới hiên nhà trong một trận mưa. Truyện này đã có người viết (thế mới biết nhà văn ở ta xông xáo!). Theo đồn đại, đại để đấy là một xen (scènce) về tình yêu giản dị, trong sáng, không vụ lợi cuộc sống là duy vật biện chứng, hài hòa, đẹp, đáng yêu, v.v...”. Trong đoạn văn trên, người kể chuyện vừa kể về nguyên nhân dẫn đến cuộc gặp gỡ và kết hôn của hai vợ chồng Cấn – Sinh (Cậu Cấn chồng cô Sinh là thương binh. Họ quen biết nhau trong dịp tình cờ. Hai người cùng trú dưới hiên nhà trong một trận mưa.) vừa thêm vào lời bình luận (Truyện này đã có người viết (thế mới biết nhà văn ở ta xông xáo!) với giọng điệu hài hước, châm biếm. Người kể chuyện còn trực tiếp xuất hiện để “trình bày” suy nghĩ của mình về kết truyện trong truyện ngắn Trương Chi: “Tôi – người viết truyện này – căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy. Qủa thực, cái kết thúc ấy là tuyệt diệu và cảm động, trí tuệ dân gian đã nhọc lòng làm hết sức mình. Còn tôi, tối có cách kết thúc khác. Đấy là bí mật của riêng tôi. Tôi biết giây phút cuối đời Trương Chi cũng sẽ văng tục. Nhưng đấy không phải lỗi ở chàng. Mỵ Nương sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc.
Điều ấy vừa tàn nhẫn, vừa phi lý. Lẽ đời là thế” (Trương Chi). Lời của người kể chuyện không khách quan mà thể hiện rất rõ thái độ yêu ghét cũng như quan điểm của bản thân về câu chuyện. Hay lời bình trữ tình ngoại đề bằng thơ nhằm bộc lộ tâm trạng, suy tư của người kể về cuộc đời, định mệnh như trong truyện Thiên văn:
Định mệnh cứ cuồn cuộn chảy Bồi và lở
Được và mất
Con thuồng luồng nào nín hơi dưới đáy [...]”.
Diễn ngôn người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã được phong cách hóa, thoát khỏi tính chất trung tính của truyện dân gian hay các tác phẩm tự sự thời trung đại và mang tính cá nhân rõ nét.
Để thấy được nỗ lực tiếp thu và đổi mới hai loại diễn ngôn tự sự này trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp so với văn bản tự sự dân gian (chủ yếu là truyện cổ tích và truyền thuyết), chúng tôi đã đi vào khảo sát tần số đối thoại trong 20 truyện ngắn của ông [81] trong sự đối sánh với 20 truyện cổ tích [58] và 20 truyền thuyết [32] (xem các bảng 3.1, 3.2, 3.3 phần phục lục), kết quả khảo sát thu được như sau:
20 truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chiếm 417 trang với 343 cuộc thoại và 1574 lượt lời. Như vậy trung bình cứ một trang thì có 0,8 cuộc thoại và 3,8 lượt lời.
20 truyện cổ tích chiếm 59 trang với 62 cuộc thoại và 96 lượt lời. Trung bình cứ 1 trang thì có 1,05 cuộc thoại và 1,62 lượt lời.
Còn 20 truyền thuyết chiếm 48 trang, 54 cuộc thoại và 119 lượt lời. Như thế, cứ một trang có 1,1 cuộc thoại và 2,5 lượt lời.
Kết quả thống kê cho thấy, so với truyện cổ tích và truyền thuyết, đối thoại chiếm tỉ lệ lớn trong diễn ngôn trần thuật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Hơn nữa, khác với lời thoại đơn giản thiên về diễn đạt hành động, thái độ trong truyện cổ, lời thoại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ngắn gọn, ít thành phần phụ, gai góc, thô nhám và sống động lột tả sắc nét những dấu ấn cá nhân, lời của nhân vật này không giống với bất cứ nhân vật nào khác.
Chẳng hạn như, cùng là các nhân vật lớn tuổi nhưng đây là lời của ông Hân
(Cánh buồm nâu)mang đậm chất khẩu ngữ dân gian và bộc lộ một hình ảnh một người nông dân chất phác, hiền lành, lúc nào cũng bị vợ bắt nạt:
“Ông Hân nghe tiếng được tiếng mất cằn nhằn:
-Dào ôi... già rồi còn dại, bói với toán gì!”
-Thì mặc u con chúng tôi! – Ông biết cái gì, cái đồ gàn dở kia!
-Ừ thì tôi gàn! Tiền mất tật mang. Không khéo mua lo vào mình.
-Thì ai lấy tiền của ông! Đồ keo kiệt... Mà cái ngữ ấy làm gì có nổi một đồng cắc nào trong người.”
Còn lời của lão Kiền (Không có vua)lại “độc địa”, khô cằn, trắng đen rõ ràng, thể hiện thái độ “thích gây gổ”, không tế nhị cũng không vòng vo với những lời thoại ngắn, nghi vấn kèm theo câu trả lời. Đây là lời mắng con của lão: “Như Đoài, lão bảo: “Mày ấy à? Công chức gì mày? Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét!” Hay với Khảm, cậu sinh viên năm thứ hai: “Đồ ruồi nhặng! Học với chả hành! Người ta dạy dỗ mày cũng phí cơm toi”. Với Cấn lão có đỡ hơn, thỉnh thoảng cũng khen, nhưng lời khen lại quá lời chửi “Hay thật, cái nghề cạo râu ngoáy tai của mày thì nhục nhưng hái ra tiền!!”. Lão Hạ (Cún) lại thể hiện cái nhàu nhĩ và đau đớn của thân phận mình qua lời nói đứt đoạn đi cùng với trước lúc chết: “Cún này, mày đã lớn rồi... Tao sắp chết rồi...Mày sắp mất tao, mất chỗ dựa rồi... – Lão Hạ thều thào bảo Cún. Thực ra tao cũng chẳng phải chỗ dựa của mày. Cả tao và mày cùng sống... Sống như con giun con dế, như con ong, cái kiến... – Lão ho sù sụ rồi khóc. - Con người sống khác... Trời ơi, sao trời lại hành hạ chúng con như thế? Chúng con muốn sống như mọi người thôi mà sống không được”.
Hay tướng Thuấn (Tướng về hưu) cho thấy một con người “ngơ ngác” trước đời sống qua lời nói của mình qu những câu nghi vấn ngắn và dường như
không bao giờ hài lòng với đáp án. Ông hỏi con trai về việc làm của mình:
“Nghỉ rồi cha làm gì?” con trai ông khuyên viết hồi kí, ông đáp “Không”,
con dâu khuyên nuôi vẹt, ông hỏi: “Kiếm tiền à?”. Khi ông chia vải đều cho tất cả mọi người trong nhà, con trai ông nói: “Cha bình quân!”, ông bảo:
“Đấy là lẽ sống”. Ông nói với cô Lài: “Con ơi, con không hiểu rằng cả tin chính là sức mạnh để sống hả con?”.
Cấu trúc diễn ngôn trần thuật của ông khác nhiều với cấu trúc diễn ngôn trần thuật truyện cổ tích và truyền thuyết khi diễn ngôn nhân vật (đối thoại) không còn bị áp đảo bởi diễn ngôn người kể chuyện thậm chí giữ vị thế trội hơn hẳn so với diễn ngôn người kể chuyện. Trong các văn bản tự sự dân gian, diễn ngôn nhân vật thường bị lấn át gần như triệt để bởi diễn ngôn người kể chuyện. Mọi tâm tư, diễn biến tâm lý, thậm chí hành động, ngôn ngữ của nhân vật được tái hiện thông qua lời người kể chuyện. Diễn ngôn nhân vật ở đây thiếu vắng hẳn lời độc thoại, độc thoại nội tâm. Ngược lại, trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nói riêng và truyện ngắn hiện đại nói chung, diễn ngôn nhân vật không những không bị lấn át mà còn phát triển mạnh mẽ. Cùng với sự xuất hiện của ngôi kể thứ nhất, thứ ba, diễn ngôn người kể chuyện mất đi thế thượng phong, điểm nhìn trần thuật có thể di chuyển từ diễn ngôn nhân vật sang diễn ngôn người kể chuyện, thông qua diễn ngôn nhân vật, nhân vật có thể tự nói về mình, không còn lệ thuộc vào trần thuật của người kể chuyện.
Nếu diễn ngôn người kể chuyện trong truyện cổ tích thường không để lộ ra bất cứ thái độ, cảm xúc nào và nắm vai trò điều phối toàn bộ diễn tiến của câu chuyện, diễn ngôn người kể chuyện trong truyền thuyết dù vẫn trung tính nhưng đã có ý thức hơn với những lời bình ngắn về nhân vật, sự kiện ở cuối truyện thì diễn ngôn người kể chuyện trong một số truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng có xu hướng lấn lướt lời thoại của nhân vật. Khi khảo sát 43
truyện ngắn của ông, chúng tôi thu được hơn một trăm lượt thoại mà lời đáp hoặc lời trao được thuật qua lời người kể chuyện hoặc hành động đáp lại bằng hành động được miêu tả như “mỉm cười”, “gật đầu”. Diễn ngôn người kể chuyện ở đây không chỉ có vai trò phối cảnh cho những cuộc thoại của nhân vật mà còn tham gia vào những cuộc thoại ấy. Tuy nhiên diễn ngôn người kể chuyện trong truyện của ông đồng thời lại không hoàn toàn có uy quyền tuyệt đối như diễn ngôn người kể chuyện trong truyện cổ dân gian. Sự di chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật tạo ra tính linh hoạt trong tương tác giữa hai loại diễn ngôn. Câu chuyện không diễn ra đơn điệu theo một chiều kể mà trao đổi luân phiên giữa các điểm nhìn, góc nhìn. Nhân vật do đó được soi chiếu ở nhiều góc độ, diễn ngôn người kể chuyện không nắm bắt được toàn bộ diễn biến câu chuyện, nhiều khi chỉ tiến theo diễn biến như trong truyện ngắn Sang sông.
Như đã trình bày ở trên, đối thoại có tần suất cao trong thành phần diễn ngôn trần thuật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, nhiều truyện số cuộc thoại dày đặc như Sang sông, Không có vua, Con gái thủy thần. Nguyễn Huy Thiệp ít dùng lời kể để miêu tả, khắc họa nội tâm nhân vật mà chủ yếu miêu tả đối thoại và độc thoại, độc thoại nội tâm. Ngoài đối thoại, diễn ngôn nhân vật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường độc thoại chẳng hạn đoạn độc thoại đầy toan tính của Hạnh (Huyền thoại phố phường) hay nặng trĩu suy tư về triết lí đời sống của ông Diểu (Muối của rừng). Nhân vật cũng hay “lẩm bẩm”, nghĩ, nói để bộc lộ ý định của mình mà không chờ hồi đáp . Có thể tìm thấy trong nhiều truyện ngắn hiện tượng này như:
-“Năng nghĩ: mười bảy tuổi là tuổi ngốc nghếch”(Chăn trâu cắt cỏ)
- Chắc lái buôn! Chắc mới “trúng quả”?“sộp” ra “sộp”! Trông cái
“cà vạt” kìa, lụa tơ tằm hẳn hoi, đúng là “xịn”!” (Đưa sáo sang sông)
-“Cấn cầm dao mài soàn soạt vào miếng da bò, lẩm bẩm: “Hôm nay cắt được chục cái đầu thì hay””(Không có vua)
-“Nhà thơ lẩm bẩm: Tình yêu làm con người ta cao thượng”” (Sang
sông)
-“Tôi nghĩ thầm: Số thằng này trời bắt ăn đất, không phải lỗi ở mình”
(Những người thợ xẻ)
Như vậy, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ tiếp thu mà còn góp phần đổi mới các loại diễn ngôn tự sự dân gian. Ông vận dụng khéo léo phương thức thể hiện của các loại diễn ngôn tự sự dân gian đồng thời lại thay đổi tương