3.2.1. Tiếp thu và đổi mới ngôn ngữ dân gian theo hướng hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa hóa, hậu hiện đại hóa
Ngôn ngữ dân gian là ngôn ngữ được sử dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Đó là ngôn ngữ mang hơi thở của đời sống, thời đại có thể ở dạng thô, có yếu tố tục, mộc mạc, cũng có thể tồn tại dưới dạng những đơn vị đã được chắt lọc, sử dụng lâu đời như thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ.
Trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ là phương tiện, chất liệu, là đối tượng của văn học, là thứ ngôn ngữ đã được chọn lựa, chắt lọc dựa trên ngôn ngữ đời sống và khả năng sáng tạo của tác giả. Bất cứ nhà văn nào cũng sáng tác trên cơ sở ngữ liệu của dân tộc mình. Ngôn ngữ dân gian được biết đến như là một phần thi liệu của văn học viết. Các nhà thơ trung đại như Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du dùng ngôn ngữ dân gian như một cách để bảo vệ, duy trì tiếng Việt, một cách thể hiện tình yêu với tiếng mẹ đẻ. Thời hiện đại, khi văn học thoát khỏi những yêu cầu khắt khe về chuẩn mực của văn học trung đại, ngôn ngữ dân gian lại càng có cơ hội xuất hiện đa dạng hơn trong văn học viết, trở thành một trong những biểu hiện của nỗ lực
đi gần hơn về phía đời sống, thể hiện sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau trong con người.
Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn hiện đại sử dụng ngôn ngữ dân gian đa dạng trong truyện ngắn của mình. Những yếu tố thuộc về ngôn ngữ dân gian xuất hiện trong hầu hết các truyện ngắn của ông, ở nhiều mức độ, trong cả ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ trần thuật.
Đối thoại là hoạt động sử dụng ngôn ngữ trong lời nói. Trong tác phẩm văn học, đối thoại là một bộ phận thuộc về phạm trù lời nói của tác phẩm tự sự, chủ yếu là lời nhân vật trong mối quan hệ tương tác với lời trần thuật. Ngôn ngữ đối thoại không chỉ là một phần quan trọng trong việc xây dựng hình tượng nhân vật mà còn bộc lộ đặc điểm riêng trong phong cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả.
Trước Nguyễn Huy Thiệp, các nhà văn như Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu đều là những nhà văn xây dựng đối thoại rất thành công. Ngôn ngữ đối thoại trong truyện Thạch Lam giản dị, đời thường, trong truyện Nguyễn Tuân thì sang trọng, cổ kính... nhưng có một điểm chung là ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn trước Nguyễn Huy Thiệp ít thấy sự suồng sã, đối thoại của các nhân vật hướng vào nhau và hướng vào chủ đề giao tiếp, không đi ngoài ngôn ngữ chuẩn mực thường thấy trong văn học Việt Nam trước đó. Nhìn toàn cảnh, ngôn ngữ đối thoại truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vẫn hầu như vẫn đi theo hướng này. Tuy nhiên, khi tiếp cận gần hơn, nhất là ở những truyện ngắn được xem là thành công nhất của ông, có thể thấy những chuyển biến có tính chất tiên phong trong việc làm mới ngôn ngữ đối thoại, nhất là việc sử dụng ngôn ngữ đời sống, khẩu ngữ dân gian, thành ngữ, tục ngữ, yếu tố tục... trong những đối thoại không bình thường. Nguyễn Huy Thiệp không phải là người đầu tiên vận dụng ngôn ngữ
đời sống, khẩu ngữ dân gian, thành ngữ, tục ngữ vào văn học. Tuy nhiên, ông đã thổi vào nguồn chất liệu “cũ” này luồng không khí “mới” của thời đại. Ngôn ngữ đời thường, khẩu ngữ, được dùng trong những đối thoại mà các nhân vật tham gia đối thoại “không hướng vào nhau, không quan tâm đến lời nói của nhau” [63, tr. 92]. Mỗi nhân vật đuổi theo suy nghĩ của mình, dường như chỉ thuộc về thế giới của mình, khiến cuộc thoại bị ngắt quãng và chuyển hướng bất ngờ. Ngôn ngữ do đó trở nên vừa quen vừa lạ. Quen ở hình thức song lạ lẫm ở cách sử dụng và tổ chức.
Đây là đoạn hội thoại trong truyện ngắn Chăn trâu cắt cỏ,
“ Uống rượu một lúc, ông giáo Hội bảo:
- Tôi là người phàm phu, trông lên Phật kính nhi viễn chi. Không dám đến gần. Tửu cũng ham, sắc cũng ham, danh lợi cũng ham. Biết là xấu mà không bỏ được. Bằng tuổi này đau đớn ê chề đủ cả. Nếu bằng tuổi thằng Năng bây giờ, tôi không gần đàn bà – đấy là toàn những bộ xương khô. Tôi không đọc sách báo – đấy toàn là thuốc ngủ, tôi không làm bạn với ai – đấy toàn là yêu quái.
Sư Tịnh cười:
- Thế ông làm gì?
Ông giáo Hội không trả lời, hỏi vu vơ:
-Thế sống là chạy đuổi theo thói xấu với người xấu à?”
Trong đoạn đối thoại trên, ông giáo Hội đã đột ngột dừng lại chủ đề đang nói trước và chuyển hướng tự hỏi chính mình, tạo nên sự đứt gãy bất ngờ.
Ngôn ngữ đời thường còn được dùng trong những đối thoại với nội dung giao tiếp“lệch tâm” để phục vụ ý đồ của riêng mình như trong cuộc trò truyện giữa Đoài và Sinh trong truyện ngắn Không có vua: “Khảm bê mâm, Sinh bảo: “Thiếu cái gì thì gọi”. Đợi Khảm đi khuất Đoài bảo: “Thiếu một tí tình
thôi, Sinh cho tôi xin một tí tình”. Sinh bảo: “Nỡm. Lên nhà trên mà bảo hai cô bạn của chú Khảm ấy”.
Yếu tố tục được dùng trong đối thoại như một cách khắc sâu cảm nhận của nhân vật về thân phận mình và ngôn ngữ đối thoại thô ráp, với nhiều yếu tố tục giúp kéo gần khoảng cách của các lớp ngôn ngữ, cố gắng đưa ngôn ngữ văn học về gần hơn với đời sống trong tinh thần hướng về ngoại vi của ngôn ngữ và văn hóa. Đó là cách bà Lâm trong Những bài học nông thôn nói:
“Chị Hiên mời: “Các cụ xơi tự nhiên”. Thằng Tiến đòi: “Cho em làm các cụ với!”. Mẹ Lâm gạt đi: “Hỗn nào! Chim bằng quả ớt thế thì làm các cụ ra sao?”. Cái Khanh bụm miệng cười. Tôi đỏ mặt. Bà Lâm thở dài: “Các cụ toàn chim to...”. Mọi người cười lăn, chỉ có bố Lâm không cười”. Các nhân vật khác trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp dường như không ngại “văng tục”, Trương Chi trong truyện ngắn cùng tên không chỉ “trật quần đái vọt xuống sông” mà còn văng câu “cứt” năm lần, chú Hảo (Đời thế mà vui)
không ngại văng ra câu chửi “Đồ đĩ! Đồ mặt chó”. Câu “ngu như chó” cũng xuất hiện nhiều lần trong các truyện ngắn khác khiến người đọc không khỏi có cảm giác “rờn rợn”. Tuy nhiên, yếu tố tục trong ngôn ngữ đối thoại của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không đẩy câu truyện vào phạm trù tục tằn, vô văn hóa mà góp phần thể hiện ý thức về thân phận của nhân vật như sự cay đắng của Trương Chi khi thức nhận về “cuộc sống khác” với nhiều nhức nhối, “thối hoắc”hay những triết lí sống dân gian sâu sắc về con người trong lời của bà Lâm.
Ngôn ngữ đối thoại xen kẽ văn vần cũng thường thấy trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Một mặt cách sử dụng thơ xen văn vần tạo cho đối thoại giàu chất thơ truyền thống mặt khác nó khơi sâu khoảng cách giữa các nhân
vật bởi độ “chênh” trong giao tiếp. như đoạn trò chuyện của bà chủ quán và ông khách trong truyện ngắn Đưa sáo sang sông:
“Bà Hai Thoan giật mình. Ông khách đã ngồi trước mặt bà từ lúc nào, miệng hỏi, mắt lơ đãng trông ra ngoài đường.
Vâng, Tết năm nay đông vui hơn mọi năm.... Bà Hai Thoan trả lời – Ông làm cốc rượu “cuốc lủi” cho nó thơm râu ông nhá!
-Được, bà cứ rót đi....Quang cảnh ở đây vẫn như xưa....Cây thì vẫn đứng thế thôi. Hàng thì bán bán ngồi chen nhau...
- Thì nhà quê mà! – Hai Thoan chép miệng – Sống già cả đời chẳng có văn minh gì cả. Ông nên xơi thêm quả trứng luộc, ông ạ...
-Vì người ta đã dìm thuyền...
-Ai dìm thuyền? Ông xơi thêm quả trứng luộc nữa, ông nhá...
-Được! Chốc nữa thế nào cũng giông Sang đò tôi đến giữa đồng là mưa...
-Chẳng mưa được, ông ạ....Mưa suốt từ đầu tháng Chạp đến nay còn
gì...Thế ông chờ hàng về hay ông đợi ai?
-Gọi em một tiếng tưởng xong/
Không ngờ ai nấp trong lòng trộm nghe...
-Chết! Có trộm à? – Bà Hai Thoan hỏi.”
hay đoạn trò chuyện trong Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt:
“Hắn không trả lời. Hắn chỉ cười tủm tỉm. Hắn viết:
-Những một mình em uống rượu hồng... Cậu con trai tán thưởng:
-Tuyệt vời! Thơ hay quá! Tôi cũng muốn xin ông một câu thơ có được không?
Hắn viết lên một tờ giấy khác
-Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây
Cậu con trai sung sướng cầm hai tờ giấy giơ lên như giơ hai bông hoa, như hai báu vật”.
Trong những đoạn đối thoại trên, nhân vật dường như không hiểu nhau, cũng không cố gắng duy trì cuộc giao tiếp. Đôi khi gây ra cảnh “ông nói gà bà nói vịt”. Họ đang giao tiếp nhưng cũng đồng thời đuổi theo những suy tư không gắn với nội dung của cuộc thoại. Ngôn ngữ thiếu vắng sự gắn kết từ trong tư tưởng.
Trong ngôn ngữ trần thuật, yếu tố thơ kết hợp với lời kể là đặc điểm quen thuộc của nghệ thuật trần thuật dân gian được tìm thấy trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Hầu hết các truyện ngắn của ông có hình thức trần thuật văn xuôi xen văn vần. Đoạn văn vần ngắn xuất hiện ở đầu truyện ( trong
Bài học tiếng Việt, Cánh buồm thuở ấy, Con gái thủy thần, Nguyễn Thị Lộ, Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ, Vàng lửa, Giọt máu, Tướng về hưu), ở cuối truyện (trong Huyền Thoại phố phường, Lòng mẹ), hoặc xen vào giữa những lời trần thuật, thậm chí là một phần của lời thoại (là câu trả lời của nhân vật) trong các truyện ngắn Chăn trâu cắt cỏ, Chảy đi sông ơi, Chút thoáng Xuân Hương, Đời thế mà vui, Đưa sáo sang sông, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Không có vua, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Sang sông, Sống dễ lắm, Chuyện tình kể trong đêm mưa, Thương nhớ đồng quê, Thương cả cho đời bạc, Mưa Nhã Nam, Không khóc ở California, Quan âm chỉ lộ, Mưa) hay xuất hiện cả hai hình thức ở đầu truyện và xen giữa truyện (Trương Chi), mở đầu và cuối truyện (Tội ác và sự trừng phạt).
Những đoạn văn vần có thể là một câu thơ trích từ sáng tác của một nhà thơ khác, một đoạn đồng dao của trẻ nhỏ hay những bài thơ do chính nhân vật hát
lên. Sự xuất hiện với mật độ lớn yếu tố thơ (33/43) truyện ngắn là một đặc điểm mang tính chất “bảo tồn âm hưởng của nghệ thuật cổ xưa” [71, tr. 179] cụ thể ở đây là tính nhịp điệu của ngôn ngữ có dấu nhấn được thể hiện một cách tinh tế qua việc phối hợp văn xuôi, văn vần cùng với “ một cấu trúc nhịp nhàng, một giai điệu ẩn náu như bè trầm của văn bản” đằng sau những câu văn Nguyễn Huy Thiệp như nhận định của nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào trong bài viết Sự phát triển nghệ thuật tự sự ở Việt Nam một vài hiện tượng đáng lưu ý [71, tr. 179].