Nhân vật dân gian giữa thời hiện đại, hậu hiện đại

Một phần của tài liệu truyện ngắn nguyễn huy thiệp – nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại (Trang 101)

3.1.3.1. Nhân vật

Nhân vật văn học là phương tiện để nhà văn khái quát hiện thực, “miêu tả thế giới một cách hình tượng” [70, tr. 277] thể hiện hiểu biết, quan niệm, mong ước của mình về con người, cuộc sống. Trong tác phẩm văn học, nhân vật có thể là con người với những cái tên cụ thể hoặc không có tên, được miêu tả chi tiết cả về ngoại hình và tính cách, thế giới nội tâm hoặc chỉ được khai thác ở một khía cạnh nào đó phục vụ ý đồ của tác giả. Nhân vật đôi khi chỉ là hiện tượng nổi bật trong tác phẩm. Không có tác phẩm văn học nào thiếu vắng nhân vật. Sự khác biệt về phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn, cách thức cũng như mục đích xây dựng tạo nên số lượng nhân vật đa dạng, phong phú trong các tác phẩm văn học.

Văn học dân gian, nhân vật kì ảo chủ yếu là nhân vật chức năng giải cứu, phù phép như Bụt, Tiên, Thần, Phật. Còn trong văn học trung đại (Truyền kì mạn lục, Lĩnh Nam chích quái…) nhân vật kì ảo thường là những hồn ma. Trong nỗ lực tìm kiếm cách thức mới khám phá hiện thực đời sống, yếu tố kì ảo được xử dụng ngày càng nhiều trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn từ sau những năm 1980. Xu hướng xây dựng nhân vật cũng chịu ảnh hưởng lớn của việc sự chuyển biến này. Nhân vật văn học được tăng cường chất ảo, được làm mờ đi, kéo dãn khoảng cách với nguyên mẫu thực tế. Trong truyện ngắn của Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo… nhân vật không bình thường cả về nhân dạng và tính cách xuất hiện ngày càng nhiều. Nguyễn Huy Thiệp cũng xây dựng nhân vật mang màu sắc kì ảo nhưng

ông khác biệt ở chỗ sử dụng nhiều những kĩ thuật xây dựng kì ảo có trong văn học dân gian để thể hiện quan niệm hiện đại của mình về con người và cuộc sống. Số lượng nhân vật kì ảo của Nguyễn Huy Thiệp không nhiều, dạng thức biểu hiện cũng chưa thật phong phú song có tác dụng không nhỏ trong việc tạo nên không khí dân gian và thể hiện cái nhìn mới về con người của ông.

3.1.3.2. Yếu tố kỳ ảo với việc xây dựng nhân vật dân gian của thời hiện đại, hậu hiện đại

Trong hơn bốn mươi truyện ngắn đã xuất bản của Nguyễn Huy Thiệp, không ít nhân vật có sự xuất hiện và biến mất hết sức lạ kì. Nhân vật Ngô Thị Vinh Hoa xuất hiện ở hai trong ba truyện của chùm truyện giả lịch sử nổi tiếng (Kiếm sắc và Phẩm tiết) có xuất thân hết sức kì ảo. Trong Phẩm tiết,

Hai lần Vinh Hoa xuất hiện (khi được khai quật trong ngôi mộ cổ và lúc chào đời) đều có những dấu hiệu kì lạ. Khi Vinh Hoa sinh ra, “trên mái nhà có đám mây ngũ sắc bay đến”, “có bảy tràng hoa quấn cổ”, tay cầm viên ngọc có chữ “thiên mệnh”. Còn mẹ Cả (Con gái thủy thần) được sinh ra trong cơn mưa bão lớn, sét đánh đổ cây muỗm cổ thụ. Những dấu hiệu kì ảo xuất hiện bên cạnh việc ra đời của nhân vật (mưa to gió lớn, tràng hoa quấn cổ, mây ngũ sắc trên mái nhà) thường xuất hiện trong các truyền thuyết mà dân gian cho rằng đó là biểu hiện sự ra đời của một quý nhân, của người anh hùng hoặc mĩ nhân. Trong truyền thuyết, truyện cổ tích thần kì, những dấu hiệu này là thủ pháp cường điệu, kì ảo hóa nhằm tôn vinh nhân vật, tạo lên không khí thiêng liêng quanh nhân vật, trong quan niệm dân gian thì những người này là tinh hoa của trời đất hội tụ, đại diện cho nhân dân và thường là người có vai trò quan trọng nếu là nhân vật có thật trong lịch sử. Sự ra đời huyền ảo của những nhân vật trong truyện cổ dự báo cuộc đời vinh quang hiển hách của họ. Trong khi đó, ở truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, hai nhân vật có xuất hiện kì

ảo đều có khả năng kì diệu, Vinh Hoa có khả năng đoán trước tương lai, mẹ Cả cứu người sắp chết, nhưng lại tồn tại giữa sự mông lung hư thực khó có thể nắm bắt được. Vinh Hoa được xem như biểu tượng của cái đẹp, mẹ Cả là biểu tượng của cái gì đó là “ảnh hình của nửa thế giới bên trên, hoặc bên dưới tôi, của thượng giới và trần gian”.Nhưng Vinh Hoa cuối cùng biến mất, mẹ Cả chỉ gửi đến “những tín sứ” – những mảnh ghép của mình cho trần gian. Vinh Hoa lên núi, trở về với vùng đất thiêng, thanh khiết. Mẹ Cả mãi ở biển – không gian của nước – nơi khởi nguồn của sự sống. Sự ra đời và biến mất của Vinh Hoa đều hết sức huyền bí, linh thiêng. Nàng biến mất không ai biết, và khi được khai quật lên lại là “một ngôi mộ kết” mà khi mở nắp quan tài thì “thấy có lớp vải hồng. Dưới lớp vải lụa hồng, là một màng trong suốt như thạch, hiện lên hình một phụ nữ đẹp rực rỡ, khuôn mặt tươi tỉnh như

người sống” (Phẩm tiết). Còn mẹ Cả, thậm chí sự ra đời còn là một điều không được xác tín, những “lời đồn” khác nhau về mẹ Cả khiến nhân vật này rơi ranh giới hư ảo. Cả hai nhân vật đem đến sự hoài nghi về sự tồn tại thực sự của mình, đẩy con người vào thế lưỡng lự, nghi hoặc, giằng xé của niềm tin. Bởi vậy, Chương đã đi hết những nơi có thể hỏi để xác định sự tồn tại của mẹ Cả nhưng không có được câu trả lời chính xác. Mà Vinh Hoa có lên miền núi hay không, vẫn chỉ là một giả thuyết. Còn nhân vật khách (Thiên văn)

xuất hiện và biến mất mà không rõ nhân dạng trong hành trình qua bến sông như đi qua cả cuộc đời. Nhân vật này cũng chỉ còn lại trong lời đồn như một thiên thần để lại dấu bàn chân to trên bờ sông sau đêm mưa khiến cô lái đò ướm thử rồi mang thai, nó khiến người đọc nhớ về câu chuyện cổ Sọ Dừa

nhưng lại bị “tung hỏa mù” bởi lời dự đoán “cũng có thể qua sông hôm ấy là một thi sĩ”. Nhân vật dường như không bị vây quanh bởi sự linh thiêng từ những điều kì ảo mà thấp thoáng sau những lời dự báo, tin đồn khó xác định

tính chân thực. Sự xuất hiện và biến mất kì ảo của nhân vật dân gian chỉ giống với nhân vật trong truyền thuyết, cổ tích ở những dấu hiệu, sự tồn tại lại mang một ý nghĩa khác. Một mặt, sự hoài nghi về tồn tại được tạo nên bởi thủ pháp siêu hư cấu nhân vật cho thấy đây là nhân vật của thời mà việc xác định phân chia ranh giới thực ảo là điều không dễ dàng. Không có một mẫu gốc, một sự tồn tại cụ thể, chính xác độc bản của bất cứ sự vật, sự kiện nào. Mặt khác, nó khắc sâu sự hoang mang của con người trước niềm tin bị phân rã thành những mảnh rời không chắc chắn. Những nhân vật này luôn là đối tượng kiếm tìm của con người, vì biểu tượng thiêng liêng thần thánh của nó, nhưng nó cũng chính là tác nhân khiến con người bộc lộ sâu sắc hơn bao giờ cái nhìn về một thế giới không nguyên vẹn, thiếu xác tín và thiếu niềm tin, trong khi những giá trị chân – thiện – mĩ còn đang được kiếm tìm.

Những nhân vật có khả năng hóa thân rất thường gặp trong truyện cổ tích thần kì, được các nhà văn của chủ nghĩa hiện đại sử dụng nhiều trong đó người có thể hóa thú vì một lời nguyền nào đó. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng có một số nhân vật như vậy. Đó là những nhân vật không rõ xuất thân, không có tên tuổi, có khả năng thay đổi nhân dạng. “Hắn” (Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt) xuất hiện bất ngờ, không ai rõ “hắn” từ đâu tới, không ai biết nghề nghiệp của “hắn”, ngay cái tên cũng mơ hồ (Hồ Điệp) – gợi nhớ đến giấc mộng hóa bướm trắng của Trang Chu – với ý nghĩa cuộc đời như mộng ảo. Sau khi biết cô gái mình chờ đã chết, “hắn” (Hồ Điệp) cũng hóa thành hạc bay đi. Nhân vật được bao quanh bởi sự bí ẩn về thân thế được tạo nên bằng cách làm mờ đi những nét chính trong tiểu sử. Khác với truyện cổ tích, nhân vật có tiểu sử rõ ràng, sự hóa thân thành vật nằm trong diễn biến cốt truyện như là hệ quả của những tình tiết trước đó, nhân vật biến hình có khi để tái sinh, trả thù, (Tấm trong Tấm Cám), có khi vì bị trừng phạt (Lí Thông trong

Thạch Sanh), còn hóa thân trong Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt là sự trốn chạy nỗi đau của con người. Hơn nữa, bản thân nhân vật (Hồ Điệp) không phải là hình ảnh hóa thân thuần nhất, nửa đầu câu chuyện và tên nhân vật gợi cho người đọc hình ảnh bướm trắng – Trang Chu, ở đoạn kết lại là hình ảnh con hạc – tượng trưng cho sự thanh cao, xa rời thế tục của người xưa. Cả hai hình ảnh đều có màu sắc hư huyễn, thoát tục nhưng tiếng kêu “thảng thốt”

(hoảng hốt do chấn động mạnh về tinh thần) chất chứa sự mất mát và trống trải vô tận lại gần với con người trần thế thời hiện đại. Như thế, tạo hình nhân vật của tác giả mang đến cảm giác đứt đoạn, chắp nối trong sự thống nhất liền mạch, một kiểu pha trộn giữa các tầng bậc khác nhau của những tính chất sự vật, đó là kiểu tổ chức chỉ xuất hiện trong các truyện ngắn hiện đại, hoặc hậu hiện đại. Nhân vật mụ vợ lão thợ săn (Con thú lớn nhất) không có cấu tạo phức tạp như trên. Truyện ngắn này gợi nhớ đến câu chuyện về nàng công chúa út trút bỏ lốt chim để về là vợ một chàng trai. Một ngày, khi nhớ về cuộc sống trước kia, nàng lại mặc bộ áo lông chim vào và bay về trời. Chỉ khác là, bộ lông công ở đây là dấu tích của lão thợ săn trong một lần đi săn, lão bắn hạ một trong hai con công. Sau đó, lão bắn nhầm chính vợ mình vì tưởng đó là một con công đang múa vào mùa rừng hết thú, lão tuyệt vọng vì không kiếm được cái ăn. Mụ vợ lão thợ săn, cũng như lão, không có tên tuổi, xuất xứ rõ ràng, lại là người ngụ cư, bị người trong bản xa lánh, ngoại hình thì “khô đét, đen ngòm”. Mụ nhóm lửa đợi chồng về thì ngọn lửa ấy “như có ma ám, không đỏ mà lại xanh lét như mắt chó sói”. Hình ảnh mụ vợ hóa thân thành con công đang múa có thể là ảo ảnh tạo nên do sự kết hợp giữa khát vọng của lão thợ săn về con thú lớn với tình cảnh suy kiệt, không còn minh mẫn vì cái đói do không săn được mồi. Sự hóa thân của nhân vật có tác dụng như sự trừng phạt với con người và kết thúc bi thảm của tham vọng làm được một

việc vĩ đại trong cuộc đời, về bản chất khát vọng này có ích, nhưng trên thực tế, nó lại là sự tàn phá những giá trị của cuộc sống, mà cụ thể là cái đẹp của thiên nhiên.

Trong truyện cổ tích và truyền thuyết, nhân vật thường mơ những giấc mơ kì ảo thiêng liêng, như một kiểu điềm báo hoặc trong đó họ gặp được thần nhân, nhận được sự chỉ bảo, giúp đỡ để hoàn thành thử thách hoặc công việc. Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp cũng mơ những giấc mơ kì ảo, nhưng giấc mơ ấy chủ yếu ngưng tụ lại từ tham vọng, khao khát không lành mạnh của họ, được giải nghĩa ra cũng là điềm báo nhưng chỉ liên quan đến tiền bạc. Điều này khiến những giấc mơ và bản thân tâm hồn nhân vật trở nên dị dạng, méo mó. Hạnh (Huyền thoại phố phường) mơ thấy pho tượng đồng đen “đứng lên đi lại, bật cười ha hả” dùng “bàn tay có những móng dài xòe trước mặt y những xấp tiền mới”. Giấc mơ này là tác nhân trực tiếp khiến Hạnh nảy ra ý định đánh cướp tờ vé số đã được mang đi các chùa cầu khấn. Sự thiêng liêng, linh nghiệm của giấc mơ thần bị giễu nhại, bị mất thiêng bởi chính con người. Lòng tham, sự thèm khát vật chất một cách phi lí của Hạnh là động lực để giấc mơ xuất hiện. Cũng là giấc mơ trong truyện dân gian sở dĩ huyền hồ, linh thiêng bởi nó là phương thức thể hiện con đường đi từ khát vọng đến việc hiện thực hóa những mơ ước về bình đẳng, mưu cầu hạnh phúc không chỉ cho riêng mình mà đôi khi là cho cả dân tộc. Còn giấc mơ của các nhân vật trong truyện Nguyễn Huy Thiệp lại là nơi vạch trần những khát vọng đen tối của con người hoặc nơi con người đối diện với tội ác của mình như một hình thức ám ảnh tâm hồn (Phong trong Giọt máu).Khảm (Không có vua) mơ thấy “đi giết lợn, giết mãi không chết, con lợn cứ nhe răng cười, thế là bị đuổi đi dọn một bể cứt […]. Mưa bão đến, bể cứt trôi phăng phăng, em ngập trong ấy, cứt vào cả mồm, cả lỗ tai”. Giấc mơ được Đoài – anh trai Khảm – giải thích

là điềm “có lộc”, chơi xổ số thế nào cũng trúng. Còn Phong (Giọt máu) “mơ

thấy mình lạc vào địa ngục. Một cái vạc to lửa cháy bùng bùng, những con quỷ dạ xoa mặt đen tóc dài đang chụm củi đun. Trong vạc những người rên la thảm thiết”, và Phong gặp lại ông cha, và ba người phụ nữ mà Phong trực tiếp hoặc gián tiếp hại chết. Giấc mơ của Phong là dạng giấc mơ dịch chuyển không gian. Nó giống với giấc mơ cũng có kiểu tương tự - thấy mình đi xuống địa ngục hoặc lên trời – trong truyện cổ tích, nhưng nó không dùng để đi tìm, đi giải oan cho người thân bị chết oan mà là một dạng cảnh báo thức tỉnh con người. Ma quỷ và địa ngục trong giấc mơ là yếu tố làm nên chất kì ảo. Có một ngoại lệ đó là giấc mơ của Đăng (Tâm hồn mẹ). Đăng mơ thấy Thu có thể đi và bay trong không khí. Đó là giấc mơ trong đó sự kiện kì ảo hiện ra xuất phát từ hoài niệm về bóng hình người mẹ, từ khao khát yêu thương của nhân vật. Đây có thể xem là giấc mơ thuần khiết và cao cả nhất trong các giấc mơ của nhân vật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhân vật ma quái, không hiện hình, chỉ tồn tại trong cảm giác của nhân vật, gây nên sự khiếp sợ, ghê rợn. Đó là “nó” – thần chết, cái chết trong cảm nhận của Cún (Cún ):“Nó đấy! Nó thò cái lưỡi vô hình, đen như đêm tối liếm

vào đôi mắt Cún”. Thần chết, hay Diêm Vương trong quan niệm của người

Việt thường được miêu tả với hình dạng dữ dằn, ma quái, nhưng ở đây hoàn toàn không thấy cái chết hiện hình, “nó” không có hình dạng, không có âm thanh, “nó” hoàn toàn đến từ lời trần thuật của nhân vật, sự tồn tại của “nó”

đe dọa trực tiếp đến sự sống nhân vật. Cún thậm chí “thỏa thuận với cái chết”, “cầu xin nó từng ngày” và nó đã “đồng ý cho Cún chờ đến cái phút con Cún ra đời”. “Nó” là hình ảnh của cuộc đối đầu trực tiếp, cuộc chiến đấu giữa con người với cái chết được nhân vật hóa. Cuộc chiến này không có được chiến thắng vẻ vang là sự hồi sinh như trong cổ tích, nó chỉ kéo dài thêm

cái chết cô độc và đau đớn của Cún. Việc vô hình hóa nhân vật tạo nên cảm giác huyền ảo, mơ hồ, khiến cho không khí của sự giằng co sống – chết trở nên căng thẳng, kinh hãi hơn. Một nhân vật không hiện hình tạo nên cảm giác tương tự trong cảm nhận của thằng bé (Đời thế mà vui). Thằng bé ở nhà một mình, một ngôi nhà cô đơn trên đồi, vào ban ngày và bỗng nghe thấy “như có con gì bò khẽ vào nhà”, nó thấy “cái bóng ngoằng ở xó tối”, một “con gì đang bò chầm chậm, ráo riết, lì lợm, lạnh lùng ở dưới gậm giường” và “Tiếng kéo lê sền sệt, tiếng nhai xương rau ráu. Tiếng nhai khẽ, ngấu nghiến, nhẩn nha. Tiếng hút tủy. Tiếng xương vỡ vụn”. Đó là những âm thanh ghê rợn, uy hiếp con người. Nhân vật vô hình này dễ khiến người ta nghĩ đến việc xuất hiện của nó là do sự sợ hãi đến mức tự ám thị của con người bởi khi

Một phần của tài liệu truyện ngắn nguyễn huy thiệp – nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại (Trang 101)