thái hiện đại, hậu hiện đại
3.1.2.1. Không gian kì ảo trong tâm thức dân gian mang màu sắc hiện đại, hậu hiện đại
Không gian là một phạm trù triết học chỉ hình thức tồn tại của thế giới. Mọi sự vật, hiện tượng của đời sống đều tồn tại trong một không – thời gian nhất định.
Trong tác phẩm văn học, không gian và thời gian nghệ thuật chứa đựng những tín hiệu giải mã cách nhìn của nhà văn về cuộc sống. Không gian và thời gian nghệ thuật là không – thời gian “được tái tạo lại (…) mang cảm xúc và ý nghĩa nhân sinh (…) đầy tính chất chủ quan” (Trần Đình Sử) của người nghệ sĩ dưới một điểm nhìn nhất định, được dùng như phương tiện nghệ thuật để tái hiện cuộc sống. Trong đó, không gian nghệ thuật là “phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật” [70, tr. 42]. Không gian nghệ thuật là “nền cảnh” (Trần Đình Sử) của hình tượng nghệ thuật, là nơi hình tượng tồn tại. Qua không gian nghệ thuật, người nghệ sĩ thể hiện những quan niệm của mình về cuộc sống, con người do đó nó mang tính chất chủ quan của người viết.
Không gian tự nhiên là miền không gian chất chứa nhiều điều kì ảo trong quan niệm dân gian. Do đặc thù của cư dân nông nghiệp, người dân Việt sống gần gũi và dành thiện cảm sâu đậm cho thiên nhiên nói chung và không gian tự nhiên nói riêng. Hơn nữa vẻ đẹp nguyên sơ cùng với sự hoang dã, bí ẩn của miền không gian này là điều kiện thuận lợi để xây dựng những yếu tố kì ảo trong những câu truyện dân gian. Không gian tự nhiên trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp cũng là không gian được ông dành nhiều ưu ái trong việc thể hiện và chứa đựng nhiều yếu tố kì ảo hơn cả. Trong truyện dân gian, không gian tự nhiên là những miền không gian quen thuộc như rừng, núi, biển, sông. Ở những câu truyện cổ, những miền không gian này thường thuộc về thế giới cổ tích, hoặc là nơi sống của thần tiên (thủy cung nơi sống của thủy thần, núi cao – nơi thần Tản Viên ngự trị) hoặc là nơi chứa những chướng ngại, những thử thách mà nhân vật chính phải trải qua để giành lấy hạnh phúc cho mình (người em cưỡi đại bàng vượt biển để lấy vàng – Cây khế, anh trai cày vào rừng tìm cây tre trăm đốt – Cây tre trăm đốt). Còn rừng trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là nơi thâm u tiềm tàng nhiều bất trắc. Ở đó, con người phải đối diện với những hiểm nguy bất ngờ như đánh gấu dưới vực (Những người thợ xẻ), đánh hổ và rơi xuống khe núi (Trái tim hổ),
núi lở (Muối của rừng), rơi vào tổ ong vò vẽ chết (Sống dễ lắm). Và hầu hết những dòng sông chủ yếu được nhắc đến với một vị trí được định vị bên sông (bến Cốc, bến Vân, bến Tầm Xuân, …), như rất nhiều bờ bến trong ca dao, chỉ khác là những bến bờ trong truyện Nguyễn Huy Thiệp vừa có vẻ mơ màng bình yên cổ tích (có cây gạo, có cô lái đò, có bà hàng nước…) vừa cô đơn, bất lực trước những mất mát, chia li, hư ảo của kiếp người (chứng kiến cái chết của cô lái đò, của cô gái trẻ,…). Núi thì có cây thiêng nhưng người chưa kịp chặt đã chết (Đất quên), biển không tìm thấy mà chỉ làm duyên cớ mơ về “con gái thủy thần”. Nguyễn Huy Thiệp tạo hình cho không gian bằng nhiều đường nét và ít màu sắc, trong đó sương mù xuất hiện không ít lần, tuy không chiếm lĩnh hết không gian nhưng điểm vào đó những điểm mờ tạo nên không khí kì quái, hư ảo. Dòng sông phủ đầy những rải sương mờ khiến “không thể phân biệt được ranh giới giữa bến với bờ, giữa đường mặt sông với nền trời”
người thợ xẻ), miệng vực nơi con khỉ nhỏ hảy xuống bỗng “sương mù dâng lên cuồn cuộn, trông vừa kinh dị vừa đầy tử khí”. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những miền không gian này được kiến tạo thông qua việc đan xen thực – ảo. Tác giả chủ yếu dùng những huyền thoại, truyền thuyết nửa hư nửa thực gắn với mỗi không gian thực để kì ảo hóa chúng. Đó là dòng sông – nơi ngự trị của hà bá – với truyền thuyết về con trâu đen trong Chảy đi sông ơi, là biển trong Con gái thủy thần, hay rừng với huyền thoại về trái tim hổ (Trái tim hổ), truyền thuyết về loài hoa tử huyền (Muối của rừng), huyền thoại về cây thiêng (được nhắc đến như một thử thách trong Đất quên), niềm tin về những con khỉ trắng là hóa thân của “cô hồn những bà cô ông mãnh” và Hõm Chết nơi sương mù năm nào cũng “giăng bẫy” con người (Muối của rừng). Những huyền thoại, truyền thuyết này phủ lên không gian thực màu sắc huyền ảo của thế giới kháctồn tại trong sự tương tác với đời sống con người. Nhưng khác với không gian của thế giới đầy phép lạ xác tín như các câu chuyện dân gian, những huyền thoại, truyền thuyết trên tồn tại trong sự hoài nghi của con người. Do vậy, trong truyện Chảy đi sông ơi, truyền thuyết về con trâu đen ở bến sông mà cậu bé hết lòng tin tưởng lại trong mắt lão trùm Thịnh lại chỉ là
“chuyện đồn nhảm nhí”, “là giả” hay trong truyện Con gái thủy thần, câu chuyện về mẹ Cả không được xác thực bởi chính các nhân chứng, thậm chí một trong số đó (bố của đô Thi) còn khẳng định “Tao bịa chuyện mẹ cả đấy. Ai cũng tin” và khả năng kì diệu của trái tim hổ vẫn còn là một ẩn số cùng với sự biến mất của nó (Trái tim hổ - Những ngọn gió Hua Tát).Ở đây không có một niềm tin chắc chắn nào về sự có mặt hay không của huyền thoại, truyền thuyết cũng đồng nghĩa với việc không gian kì ảo chứa đựng chúng trở nên mơ hồ về độ xác thực. Thậm chí còn chỉ là không gian tưởng tượng, còn đang trong quá trình đi tìm (biển - Con gái thủy thần).Việc này khác hẳn với
không gian đầy kì ảo được thừa nhận trong thế giới cổ tích. Xa hơn nữa, những không gian kì ảo này pha tạp cả không khí linh thiêng lẫn những xấu xa, ác độc của đời sống con người: đoạn sông chảy qua bến Cốc vừa có truyền thuyết về con trâu đen, vừa chứng kiến cái ác sinh ra bởi đói nghèo của đám câu cá đêm; bản Hua Tát chìm trong sương bàng bạc hư ảo lại là nơi thành quả của con người bị đánh cướp trắng trợn (Trái tim hổ),nơi vì vàng người ta xúi chồng mình đến nhận những đứa trẻ bị xem là con hoang (Nàng Bua). Sự pha tạp này làm cho không gian đứng ở danh giới của cái thiêng liêng kì ảo và cái hiện thực thông tục, tầm thường. Những truyền thuyết, huyền thoại cũng vì thế chập chờn đứng ở thế không còn hoàn toàn thiêng liêng. Một mặt nó đưa đến cái nhìn đa chiều, dân chủ về đời sống con người, mặt khác lại cung cấp những dấu hiệu của của sự “giải thiêng” huyền thoại, truyền thuyết.
Không gian tự nhiên chứa đầy những yếu tố kì ảo truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là những miền không gian không xác định rõ về tồn tại, và vượt ngoài khả năng thức nhận của con người. Trong cảm nhận của nhân vật, những miền không gian đôi khi không tồn tại thành hình (biển), không tách biệt mà xen vào những không gian sống, không gian hoạt động của con người. Điều này khiến con người có lúc không phân biệt được thực - ảo (ông Diểu –
Muối của rừng) trước những mông lung kì ảo mà nó đem đến. Quan trọng hơn, trước miền không gian thuần khiết, khoáng đạt này, con người đối diện với tất cả những gương mặt của tâm hồn mình, ý thức sâu sắc hơn sự cô đơn, học được những bài học đắt giá từ thiên nhiên. Không gian tự nhiên còn là không gian của những cuộc kiếm tìm, thể hiện khát vọng chinh phục, khát vọng quy trăm sông về một biển, nỗ lực của con người trong chủ nghĩa hiện đại khi hướng tới chân lí. Đó là biển, không gian thiêng, nơi quy về của mọi nguồn nước, là tổ mẫu của sông suối, của nguyên khí nước nơi Chương (Con
gái thủy thần) đi tìm hình bóng huyền thoại mẹ Cả, hay là khu rừng xuất hiện khỉ trắng với bãi sương mù đùn lên ma quái trong Muối của rừng hoặc khu rừng vây quanh bản Hua Tát nơi người dân bản và chàng Khó đi săn tìm trái tim hổ. Chỉ khác là ở vào thời điểm này, không gian mờ ảo, và chân lí thì hiện lên không rõ rệt, mạch lạc, lí tính, mà là những tín điều còn là ẩn số nằm trong những biểu tượng ảo huyền (mẹ Cả, hoa tử huyền, trái tim hổ).
Bên cạnh không gian tự nhiên, không gian làng quê là không gian thực chủ yếu trong truyện cổ tích Việt Nam. Không gian bình yên tương đối, đi ra thường gặp bất trắc. Nhân vật thường gắn với không gian nhất định, không gian ảnh hưởng đến sự hình thành nhân vật. Không gian kì ảo chịu ảnh hưởng bởi những quan niệm tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo. Tồn tại trong tư tưởng, thể hiện tư duy và khát vọng, được dùng như một thủ pháp, như phép thử với nhân vật. Ở miền không gian này, không gian điểm (không gian tĩnh tại, nhỏ, hẹp như ngôi nhà, ngọn đồi, ngôi làng nhỏ vẫn thường gặp trong kịch, thần thoại) và không gian tuyến tính/ phi tuyến tính (không gian nối tiếp, thường gặp trong truyền thuyết) là đặc điểm thường thấy trong truyện dân gian.
Nếu như không gian thiên nhiên trong truyện Nguyễn Huy Thiệp được tạo nên bởi sự pha trộn giữa thực và ảo với âm hưởng chủ đạo vẫn là sự phóng khoáng, huyền bí vốn có của thiên nhiên thì không gian xã hội với làng, bản, phố phần nhiều hẹp, ngột ngạt, bề bộn hoặc cô độc của những vùng nông thôn, bản làng heo hút như bản nhỏ nằm trong thung lũng Hua Tát
(Những ngọn gió Hua Tát), làng của Năng (Chăn trâu cắt cỏ), làng của Chương (Con gái thủy thần), ngôi nhà đơn độc trên đồi (Đời thế mà vui).
Kiểu không gian này được tạo hình bằng nhiều chi tiết mang dấu ấn dân gian như trò chơi trong lễ hội (hội vật, hội thành hoàng, hội làng), hình ảnh giã gạo, đi chùa, cụ bà ăn trầu. Đó là kiểu không gian rất chân thật, gần gũi với
người Việt. Trong không gian ấy, yếu tố kì ảo thường đến từ cảm nhận của nhân vật về lực lượng huyền bí hiện hữu mà không nhìn thấy được, không gian bị rút lại, thu hẹp và đầy áp lực như cảm nhận của Cún về bầu không khí quanh mình lúc cái chết cận kề “Cún có cảm giác như có một vật gì mông
mênh đè nặng lên mình” (Cún) hay không gian bị biến dạng trở nên đông lại, dồn ép với những âm thanh rợn người từ tiếng “kéo lê sền sệt”, “tiếng nhai xương. Tiếng hút tủy. Tiếng chép miệng. Tiếng nhai rau ráu” như cảm nhận của chú bé trong Đời thế mà vui: “Không gian sững lại, nặng nề. Thằng bé bỗng cảm thấy như toàn bộ không khí trong nhà ngừng lại, dồn tất cả lên người nó. Nó bị nén xuống, ép chặt”, thậm chí có cả hình ảnh một thế giới khác đột nhiên xuất hiện rồi biến mất như hư ảo trong Những bài học nông thôn: “Bầu trời bỗng sáng lòa một sắc mỡ gà đẹp lạ lùng. Tất cả trời, đất, cây cối, đồ vật hiện rõ mồn một dưới một sắc mầu huyền ảo rực rỡ. Màu mỡ gà trùm lên tất cả, đến cả những bông hoa dâm bụt có màu đỏ tía cũng bạc cả đi, thành thứ màu khác, hồng như môi người. […] Một thế giới khác, cụ thể, khủng khiếp, chi tiết đến kinh dị hiện ra ở trước mắt tôi. Ít phút sau, bầu trời sầm lại. Tất cả cảnh sắc trở về như cũ”. Không gian xã hội được tái hiện bằng những hình ảnh phố phường tù đọng, quẩn quanh, với đời sống pha màu huyền thoại hiện đại, tấm vé số được ban phúc được đổi bởi tiền âm – như một dạng giao dịch với thần linh. Kiểu không gian này mang đến cho người đọc cảm giác về sự rời rạc chắp nối của đời sống, sự quẩn quanh bất lực cô đơn của con người trước dục vọng của chính mình (Huyền thoại phố phường), trước nỗi sợ đến từ sự ám thị của bản thân (Đời thế mà vui), hay trước sự biến hóa vô cùng của thiên nhiên (Những bài học nông thôn). Yếu tố kì ảo xuất hiện ở đây hầu hết gây ra sự khiếp sợ cho con người. Nhân vật hầu như chỉ cảm nhận và chịu đựng, không thể chống trả, hoang mang, bất
lực trước những thế lực huyền bí: “Tôi thót tim sợ hãi” (Những bài học nông thôn),thằng bé “co rúm người […] cố giữ để không run” (Đời thế mà vui).
Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, không gian đôi khi tồn tại như một tiểu vũ trụ, từ đó con người phóng tứ trí tưởng tượng của mình vào thế giới (Chăn trâu cắt cỏ). Phương vị của không gian dường như không có ý nghĩa nhiều với nhân vật, điều này cũng gần nghĩa với không gian khó xác định ranh giới, hầu như không có tên cụ thể, có chăng chỉ là những điểm. Điểm này khiến không gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp gần với không gian không bị giới hạn trong truyện cổ tích. Nguyễn Huy Thiệp còn tạo nên cả một “bản nhỏ cô đơn” nằm trong thung lũng bốn bề là núi được bao quanh bởi không khí huyền hồ bởi sương khói và những câu chuyện gần với cổ tích trong Những ngọn gió Hua Tát. Những câu chuyện xưa được kể lại đã tái hiện phần nào không gian sống đặc thù của người dân miền núi phía Bắc. Hơi hướng huyền ảo toát ra từ ngay vị trí của bản nhỏ bị bao quanh bởi núi và sương mù bàng bạc, khiến cảnh “chỉ nhìn thấy những nét nhòa nhòa
đại thể” (Những ngọn gió Hua Tát) mà hồn những người xa xưa vẫn còn
“bay thấp thoáng” qua những khau cúi nhà sàn. Bản nhỏ là nơi con người
không tìm được chỗ đứng cho cách sống sôi nổi đặc biệt của mình ra đi, rồi lại trở về. Không gian Hua Tát như một biểu tượng về đất mẹ linh thiêng mà sự giản dị - điều mà hầu như những người ra đi, phải mất rất nhiều thời gian, trả giá nhiều điều mới ngộ ra được.
Không gian kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được xây dựng trên cơ sở kết hợp hai yếu tố thực - ảo với sức nặng nghiêng về phần thực. Dung lượng yếu tố kì ảo không lớn như những truyện ngắn thuộc thể loại kì ảo nhưng lại được dùng với nhiều mục đích (mỗi truyện thường có 1 – 2 chi tiết kì ảo). Một mặt, những yếu tố kì ảo dân gian là chất liệu để kiến thiết
không gian kì ảo đậm sắc màu cổ tích, truyền thuyết. Mặt khác, những yếu tố này lại lại khiến không gian kì ảo trong truyện Nguyễn Huy Thiệp khác biệt với trong truyện cổ tích thần kì, truyền thuyết khi được tác giả “làm mới”. Đó là một không gian kì ảo được siêu hư cấu, tồn tại mà như không tồn tại, đan xen, ghép nối với nhau tạo nên một tổng thể không gian có dấu vết của sự rạn vỡ, hỗn độn như không gian biển xuất hiện trong suy nghĩ và định hướng của Chương (Con gái thủy thần) xen vào những không gian làng, phố mà anh đi qua trên con đường đi tìm mẹ Cả.
Ngoài những miền không gian trên, Nguyễn Huy Thiệp còn tạo ra một kiểu không gian tồn tại yếu tố kì ảo nữa đó là không gian trong những giấc mơ, không gian trong chiều sâu vô thức. Những giấc mơ trong truyện cổ tích hay truyền thuyết thường là người mơ được báo mộng – thường là một vị thần, bụt – báo cho biết những việc nên làm. Giấc mơ là cách ảo hóa hiện thực thông qua sự huyền bí của mộng ảo như Lang Liêu nằm mơ được dạy cách làm bánh trưng bánh giầy, hoặc nhiều nhân vật lịch sử trong truyền thuyết được báo mộng như một hình thức trợ giúp từ thần linh, đặc biệt là trong đánh giặc. Không gian của những giấc mơ không đi đâu xa ngoài những địa dạnh gắn với chiến công của người anh hùng trong truyền thuyết, nhân vật chính trong cổ tích. Nhưng không gian trong giấc mơ của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không như thế. Nếu không là “bể cứt” trong giấc mơ của Khảm (Không có vua) thì cũng là địa ngục trong giấc mơ cuối đời của Phong
(Giọt máu), hoặc chùa chiền với bức tượng Phật đầy mùi tiền tài trong giấc mơ về tấm vé số được cầu phép của Hạnh (Huyền thoại phố phường). Cũng chứa đựng những yếu tố tâm linh nhưng những không gian này gắn với niềm tin méo mó và màu sắc lợi dụng tín ngưỡng để thỏa mãn lòng tham của con