đại, hậu hiện đại
Trong tâm thức dân gian, con người là hoa của đất, là tinh tuyển của đất trời, bởi vậy, dù có nghèo khổ, dị dạng, bị phù phép biến thành động vật, bị ghét bỏ hay đối xử tệ bạc, đến cuối cùng vẫn được hưởng hạnh phúc. Tất nhiên, đó là hạnh phúc có tính lí tưởng. Con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng chịu nhiều thiệt thòi như tật nguyền (Hạnh – Giọt máu, Tốn – Không có vua, Cún – Cún, Pùa và Khó – Trái tim hổ, Hoán – Mưa Nhã Nam), xấu xí (Trương Chi – Trương Chi), nghèo khổ (chị Thắm – Chảy đi sông ơi, lão Hạ – Cún)… nhưng không phải ai cũng có một kết cục hoàn mĩ thậm chí hầu như họ đều đi đến cái chết vì những lí do khác nhau, người còn sống cũng không đảm bảo có một cuộc sống bình thường, hạnh phúc. Nói cách khác, con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có hình hài cổ tích nhưng mang thân phận của con người ở thời mà trong mắt họ, biển thì “không có thủy thần” mà đất thì “không có vua”.
Con người trong bối cảnh có thân phận không được thừa nhận, bị gạt ra ngoài lề cuộc đời, sống không được thành người như Cún (Cún), Hạnh (Giọt
máu),Tốn (Không có vua), không được hạnh phúc như Khó và Pùa (Trái tim hổ). Hạnh (Giọt máu) là nhân vật chỉ xuất hiện thấp thoáng nhưng đầy ma quái trong truyện, sinh ra trong gia đình giàu có nhưng mang tật từ nhỏ, mẹ ngoại tình, bố bị đi tù, cuối cùng Hạnh châm lửa đốt nhà trả thù kẻ hại bố mình và bị đánh chết trong đám cháy. Thân phận của Hạnh là “con ong cái kiến”, không có ý nghĩa và không được thừa nhận với bất cứ ai, tồn tại như một bóng ma. Dấu ấn lớn nhất của cuộc đời con người mà Hạnh để lại có lẽ chính là vụ cháy trả thù cùng cái chết của mình. Cún (Cún) còn bị bỏ rơi từ lúc mới sinh, chỉ có gương mặt đẹp, ngoài ra nó Cún thậm chí không thể đứng cân bằng trên mặt đất. Cún được người cưu mang nhưng sống không khác gì công cụ để kiếm tiền của lão Hạ. Cún khao khát làm người nhưng đó chỉ là giấc mơ không thể thực hiện được. Hy vọng cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi không thành người của Cún là đứa con có được một cách tình cờ trong cuộc trao đổi tiền – xác thịt với cô Diệu. Nhưng đây chưa phải là cái kết cuối cùng của bi kịch, thân phận của Cún không chỉ bị gạt đi phần tiểu sử ban đầu mà còn bị phủ nhận trong cái kết hư cấu của tác giả. Trong khi Tốn (Không có vua) dù có bị các anh và cả bố giấu đi vì thể diện nhưng ít nhất vẫn có một anh che chở thì Pùa và Khó (Trái tim hổ) thực sự lớn lên với nỗi cô độc và thân thể tật nguyền. Hy vọng của họ đến từ lời đồn về trái tim hổ và dù Khó phải trả giá sinh mệnh cho nó thì trái tim vẫn bị đánh cắp. Họ không chỉ bị số phận từ chối mà còn bị chính con người đẩy vào cái chết của tuyệt vọng. Không có một cái kết hạnh phúc nào chờ đợi hai người, chỉ có bất hạnh và cuối cùng là cái chết cho thân phận của những con người bất hạnh. Còn những người bình thường, có cuộc sống giản dị thì lại chìm trong sự hoảng sợ, mông lung, cô độc của mình, sống cuộc đời giống những mảnh ghép vừa
thống nhất hoàn chỉnh vừa rời rạc, đơn lẻ như Chương (Con gái thủy thần), Ngọc (Những người thợ xẻ), Hiếu (Những bài học nông thôn).
Có lẽ chưa bao giờ con người lại có thân phận rẻ rúng như trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn có xu hướng bị vật hóa. Vật hóa không phải là một thủ pháp lạ với văn học hiện đại. Trong truyện ngắn “Hóa thân”, nhà văn Kafka đã sử dụng thủ pháp này để thể hiện nỗi cô đơn cùng cực cùng với thân phận lạc loài của con người ngay giữa đồng loại của mình. Còn với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, đó là dấu vết của lối ví von thường thấy trong văn học dân gian so sánh con người như con ong, cái kiến với thân phận nhiều đau khổ hay vất vả long đong như con cò, con vạc. Con người thường bị ví với động vật, không theo lối thô bỉ miệt thị mà kiểu khẩu ngữ, có khi nó dùng để lột tả thần thái vặn vẹo, khổ nhục và xấu xí của con người như cách Chương hình dung về những người quanh mình: “Cứ nhắm mắt lại là thấy toàn mặt quen, tựa như mặt bà Hai Khởi trông vừa to, mũi đỏ như quả cam sành, hoặc như mặt chị Vĩnh, dài mà tái như dái trâu, như mặt cô Hỷ, đỏ như tôm luộc, mặt anh Dư, xương hàm bạnh ra như mặt ngựa. Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ” (Con gái thủy thần). Hay mặt ông Thuyết dưới cái nhìn của Bường “mặt đen mà tái như da ở bìu dái, lông mày rậm, răng vẩu
mà vàng như răng chó” (Những người thợ xẻ). Đó là những gương mặt con
người bị biến dạng bởi thân phận và bản chất của mình. Một mặt sự biến dạng trong cảm nhận đưa đến cái nhìn có màu sắc bi quan và cực đoan về mảng tối của con người, mặt khác nó động đến ý nghĩa về thân phận bi ai của con người trong sự đối sánh với con vật. Lối so sánh này làm con người hiện lên trong tác phẩm trở nên thô nhám và chân thật, đặc tả con người ở khía cạnh
“con” nhiều hơn là “người”. Con người ở đây, với lốt vật hư cấu, lốt vật xuất hiện trong liên tưởng của người khác và bản thân mình không thể “lột xác” biến hình như những nhân vật cổ tích mà tồn tại như nhân chứng thật nhất về bản chất con người của thời đại mình. Không thấy hình ảnh so sánh kì vĩ, ngoạn mục như kiểu mắt rồng, mắt phượng, mày ngài, mà khía cạnh được so sánh có thể là đặc điểm thân phận của con vật, như Bường (Những người thợ xẻ)nói về nhóm thợ xẻ của mình: “Chó ngựa thì có chọn chủ bao giờ. Bà chị ơi”(Những người thợ xẻ). Đó là thân phận gần như nô lệ, nô lệ của số phận, của sự nghèo đói và cuộc mưu sinh, không có quyền chọn lựa điều kiện tốt hơn. Ngoài ra, sự hoang dã và thất thế của con người cũng xuất hiện trong hình ảnh ví von với con sói. Người đàn bà trong Đời thế mà vui ví bố của con mình như sói, thằng bé con của bà, lại nghĩ về người đàn ông đến ở nhờ một đêm là “con sói đi ven rừng, cúp đuôi lại”. Còn trong Bạc Kỳ Sinh (Chuyện tình kể lúc nửa đêm) thì đau đớn “đứng lên tru một tiếng khủng khiếp như chó sói hú”trong đêm chia tay với người yêu. Câu chửi “ngu như chó” cũng thường thấy ở các nhân vật như một kiểu khẩu ngữ quen thuộc trong đó nghĩa lăng nhục không nặng bằng nghĩa so sánh. Con người bị ví như chó “Đồ mặt chó”, có khi tự nhận những hành động của mình tương tự động vật: “Tôi hộc lên như chó”(Ngọc – Những người thợ xẻ).
Trong tâm thức dân gian, thường người phụ nữ có thân phận phụ thuộc, trôi nổi, không có quyền quyết định hạnh phúc của mình. Còn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không chỉ có phụ nữ mà con người nói chung bị xem như một phần của cuộc đời, của trò chơi. Thuần (Tướng về hưu) nhận ra cuộc đời như trò đùa và hẳn rằng anh cùng những người thân của mình chỉ là một phần trong đó. Còn Nguyễn Ánh (Phẩm tiết) xem cấp dưới của mình chỉ là con cờ trong trò chơi đế vương, sống chết không có ý nghĩa với cuộc chơi lớn,
cuộc chơi quyền lực, xem phụ nữ như con gà con vịt nuôi trong nhà, không có giá trị. Cũng bởi thế Đặng Phú Lân (Kiếm sắc) mặc dù lập công đầu nhưng ở phút cuối, thân phận cũng chỉ như bèo nước, bị cuộc chiến xô đẩy và gục ngã ngay dưới lưỡi kiếm của mình. Con người, ở thế rộng lớn hơn, là trò chơi của số phận, không thể tự tin nắm trong tay vận mệnh, hào sảng, tin tưởng vào tương lai, hạnh phúc hay bất cứ điều gì gần như thế, mà loanh quanh trong sự đổ vỡ niềm tin của bản thân vào cuộc sống và chính con người. Tất nhiên, sự rạn vỡ này không lan rộng, nó vẫn bị làm chậm lại tốc độ bởi cố gắng đi tìm, đi ổn định lại trật tự của con người hiện đại. Điều này lí giải vì sao con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp luôn sẵn sàng buông bỏ tất cả ra đi đuổi theo những tín niệm của riêng mình mặc dù kết quả không bao giờ trùng với mơ ước. Những cuộc ra đi này gợi nhớ đến những chuyến đi xuyên rừng, vượt biển của nhiều nhân vật truyện cổ, có điều thành quả không hề giống nhau.
Chương (Con gái thủy thần) chỉ gặp được những mảnh ghép, những tín sứ của Mẹ Cả và mãi không tìm được biển, không gặp được thủy thần, cũng có nghĩa là không tìm thấy những điều cao cả, đẹp đẽ vượt qua những thứ phàm tục, tầm thường, giả dối, đê tiện trong cảm nghĩ của anh. Hay Sạ (Sạ) rời bản Hua Tát để tìm thấy bầu trời của tự do và khát vọng thể hiện mình từ thế giới bên ngoài nhưng nhiều năm sau, khi trở lại bản sống đoạn cuối cuộc đời, lại nhận ra đây mới là thời gian nhiều ý nghĩa nhất. Dường như tất cả những gì trước đó phút chốc hóa phù vân, vô nghĩa lí. Còn Lù (Nạn dịch) đã mất đi người vợ yêu quý sau chuyến ra ngoài kiếm bạc của mình. Con người sa vào hỏa mù do chính những trăn trở của mình tạo nên, gần như mất phương hướng với lòng nhiệt huyết bị hút khô cạn sau những chuyến đi.
Có lẽ con người có thân phận trôi nổi, đau đớn đến đâu vẫn không khổ sở bẳng bi kịch của con người chối bỏ nguồn gốc, thân phận của mình và họ
thường trượt sâu vào nó với cái kết là những cái chết đau đớn, hoặc không cũng bị cưỡng ép trở lại nơi mình sinh ra. Hiếu (Những bài học nông thôn)
trốn chạy thành thị, thậm chí có lúc quên mất bố mẹ, quên nhà, quên đường về nhà chỉ bởi vì nơi đó cậu không tìm được không gian để trưởng thành. Còn thầy giáo Triệu, cùng trong Những bài học nông thôn đã chối bỏ thân phận của mình, cắt đứt ràng buộc với gia đình, bố mẹ ở thành phố, tự nhận mình sinh ở nông thôn vì anh thấu hiểu sâu sắc bản chất xấu xa của cái gọi là gốc gác của mình. Trong khi Hiếu trở về thành phố do lời đe dọa của bố thì thầy giáo Triệu chết khi cứu người. Hoặc gia đình Phong trong Giọt máu trong nỗ lực đi tìm công danh nhằm gột sạch gốc tích nông dân thiếu chữ của mình bằng con đường bất chính đã nhận lấy không chỉ nhục nhã, lụn bại mà còn sự trừng phạt của công lí kiểu dân gian với cái chết của không ít người trong đó có Phong và đứa con trai nhỏ.
Con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn nhìn vào thân phận mình trong sự đối sánh với một nửa khác trong cặp đôi được xem như biểu tượng của sự cân bằng âm dương: đàn ông – đàn bà. Trong thế đối sánh này, người phụ nữ xinh đẹp, thủy chung, là kết tinh của vẻ đẹp, là cội nguồn sự sống và cứu rỗi trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nhưng đồng thời cũng được nhìn ở phía đối lập với đàn ông, họ vừa huyền bí, hấp dẫn vừa bí ẩn, đáng kính sợ. Một mặt họ chỉ nhìn vào những khía cạnh ma quỷ của người phụ nữ như ông giáo Hội (Chăn trâu cắt cỏ) xem đàn bà là “bộ xương khô”,
còn thầy giáo Triệu thì thấy đàn bà “để yên thì hạnh kiểm phi thường, đụng vào là tan nát như chơi”, và Vũ Văn Toàn (Phẩm tiết) thì miệt thị: “đàn bà trơn mà nhanh như rắn, động ổ là chuồn, biết đâu mà lần?” (Phẩm tiết), hay chàng trai (Sang sông) sau phút tình tự với bạn gái lại buông một câu nhận xét:“Đàn bà… quỷ sứ… Tất cả đều chẳng ra gì… Bẩn thỉu”. Mặt khác tự
thừa nhận hấp lực và ảnh hưởng không thể chối từ khi đối mặt với người phụ nữ “Cô ấy là đàn bà, sao lại chối từ đàn bà được”(Ông giáo Quỳ – Thương nhớ đồng quê). Nguyễn Huệ (Phẩm tiết) thấy Vinh Hoa thì “rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cả cốc”, còn Nguyễn Ánh “thở dài, ngã quay ra đất, ngất lịm”. Từ góc độ thân phận, đây là một cái nhìn không lạ với quan niệm dân gian nhưng nó khác ở chỗ người đàn ông nói về đàn bà với hình dung vừa mê hoặc vừa đáng sợ, với thái độ thành kính, giãy giụa giữa khát vọng và sợ hãi, đàn bà như những mê lộ, vừa bí ẩn hấp dẫn vừa tiềm tàng nguy hiểm, khiến đàn ông vừa khao khát chinh phục, vừa khinh bỉ, chán ghét bởi nỗi lo âu không thể khám phá được vẻ đẹp thực sự ẩn sâu nơi đó, bởi cảm giác nhỏ bé trước sự to lớn của người phụ nữ. Như Xuân Hương trong Chút thoáng Xuân Hương chẳng hạn, hình ảnh của nàng xuất hiện chủ yếu dưới cái nhìn của những người đàn ông có liên quan đến cuộc đời nàng: Tổng Cóc, ông phủ Vĩnh Tường, ấm Huy, tri thuyện Thặng nhưng tâm hồn đó không hề chỉ thấp thoáng mà nó bao trùm lên tất cả, là tấm gương để những người đàn ông soi vào mà nhìn lại mình. Nếu như Tổng Cóc “ngờ ngợ bà to lớn hơn ông, bà mạnh mẽ hơn, sống có dũng cảm hơn” thì ấm Huy “trọng Xuân Hương vì bà sáng suốt hơn chồng. Bà gieo ở chàng nỗi kính phục, sợ hãi” và ngay cả tri huyện Thặng – nổi tiếng với mánh khóe cai trị, đục khoét – cũng kính nể nàng. Trong mắt những người đàn ông này, Xuân Hương là con người của tầm mức cao hơn, xa hơn mà họ chủ yếu chỉ kính trọng, sợ hãi mà không thể tiến vào thế giới của nàng để an ủi nỗi cô đơn của nàng. Nhưng, số phận của Xuân Hương dường như tương ứng với tài tình, với sự to lớn rộng dài của tâm hồn của bản thân. Đàn ông và đàn bà luôn được đặt trong thế đối sánh với giá trị nghiêng về đàn bà cùng nỗ lực khẳng định quyền lực và sự phụ thuộc của người phụ nữ đối với đàn ông. Cũng theo ý đó, ông giáo Chi nói với các cô
giáo học trò của mình lời chiêm nghiệm về đàn ông và đàn bà: “Bọn đàn ông, tớ biết rõ…Một phần cũng bởi tại giới nữ các cô kích động nữa…chúng nó là
bọn láo khoét, không có phúc đức gì đâu. Phúc đức tại mẫu” (Sống dễ lắm). Trong nỗ lực khẳng định vai trò của mình, giảm ảnh hưởng của người phụ nữ và che giấu nỗi sợ hãi cũng như ảnh hưởng từ lực hấp dẫn của người phụ nữ lên mình, những người đàn ông trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp xem mình là chủ thể của sự sống, chi phối và yêu cầu người phụ nữ sống theo ý mình. Ngọc (Những người thợ xẻ) cho rằng: “Với phụ nữ, tự tin với tự do nghĩa là bất trắc, là hiểm họa, là thiếu thốn, thậm chí còn còn có khả năng là bất hạnh và điếm nhục. Với riêng tôi, nhân cách của người phụ nữ trước hết là sự phụ thuộc của nàng đối với chính tôi. Mãi mãi. Vĩnh viễn là như thế”, nghĩa là người phụ nữ chỉ tìm thấy sự an toàn và tự do khi đứng dưới sự bảo hộ của người đàn ông, phụ thuộc tuyệt đối, vĩnh viễn vào họ. Người đàn ông còn bộc lộ sự yếu đuối của mình trước phụ nữ và trước cuộc sống, bởi vậy hiếm có ở đâu mà người đàn ông lại khóc nhiều như trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Vẫn những hình tượng không mấy xa lạ trong văn học, người đàn ông anh hùng (Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Đề Thám, Đặng Phú Lân), người đàn ông thiên tài (Nguyễn Du), người đàn ông có tấm lòng cao thượng (ông phủ Vĩnh Tường), thất thế (Tú Xương), chịu nhiều tai tiếng với lịch sử (Nguyễn Ánh), thư sinh (Ấm Huy), thiệt thòi (Trương Chi)… nhưng họ đồng thời là những người hiểu rõ hơn cả sự khốn cùng, sự gò bó, sự đau