Con người trong tâm thức dân gian với đời sống tâm linh thời hiện đại,

Một phần của tài liệu truyện ngắn nguyễn huy thiệp – nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại (Trang 77)

hiện đại, hậu hiện đại

Đời sống tâm linh là một phần quan trọng trong văn hóa của người phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng. Đời sống tâm linh là sự chú ý của con người về một bộ phận thuộc thế giới tinh thần, nơi mà biểu hiện của nó mang đến những linh cảm không thuộc những chiều thời gian thực tại. Từ điển tiếng Việt định nghĩa mục từ tâm linh nghĩa là: (1) Tâm hồn, tinh thần. (2) Khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra với mình, theo

quan niệm duy tâm [98, tr. 897]. Ngoài cách hai nghĩa trên, nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Vịnh trong bài viết Văn hóa tâm linh – Lý luận và thực tiễn còn bổ sung thêm tâm linh là tinh – khí – thần của người. Còn tác giả Nguyễn Đăng Duy trong Văn hóa tâm linh cho hay “Tâm linh là cái thiêng liêng, cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được động lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm” [18, tr. 83]. Khi ghép tâm linh với văn hóa, tác giả Hồ Sĩ Vịnh xem văn hóa tâm linh là “hình thái văn hóa của một tộc người gồm: tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian (folklore) và một phần của sáng tạo khoa học, nghệ thuật như sự thăng hoa, phút xuất thần, “tia chớp” cảm hứng sáng tạo, trí tuệ phát sáng của nhà khoa học và nghệ sĩ” [97], theo nghĩa này văn hóa tâm linh có những đặc điểm nổi bật như: tính thiêng, tính hòa giải, năng lực dự báo nhờ linh tính. Cũng định nghĩa về văn hóa tâm linh, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Duy cho rằng “Văn hóa tâm linh là văn hóa biểu hiện những giá trị linh thiêng trong cuộc sống đời thường và biểu hiện niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo” [18, tr. 83]. Như vậy, có thể nói yếu tố tâm linh xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người, ở hầu hết các nền văn hóa. Và do đó, đời sống tâm linh là một phần của đời sống tinh thần con người, theo sự thể hiện con người trong văn học, đời sống tâm linh trở thành một trong những đặc điểm của con người ở thời đại mình.

Văn hóa tâm linh gồm cả văn hóa hữu hình và văn hóa vô hình, biểu hiện ở những giá trị linh thiêng trong đời thường và trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, trong văn học các thời đại văn hóa tâm linh chủ yếu được thể hiện ở khía cạnh văn hóa vô hình, đó có thể là tính thiêng của địa danh, con

người, là khả năng tiên nghiệm được những việc sắp xảy ra hay niềm tin của con người về những giá trị thiêng liêng hữu hình.

Yếu tố tâm linh vốn không hề xa lạ trong văn học Việt Nam. Các truyện cổ dân gian. Trong truyện cổ tích, đó là niềm tin vô điều kiện của con người về những giá trị thiêng liêng biểu hiện qua hình ảnh của những vị thần linh. Trong truyền thuyết, đó là những vùng đất thiêng “địa linh nhân kiệt”, khả năng đoán trước vận mệnh hay sự kiện xảy ra của con người. Kế thừa truyền thống này, những sắc màu khác nhau của đời sống tâm linh được thể hiện đa dạng trong văn học trung đại ở các tác phẩm: Truyền kì mạn lục (Nguyễn

Dữ), Việt điện u linh tập (Lí Tế Xuyên), Lĩnh Nam chích quái (Vũ Quỳnh – Kiều Phú), Truyện Kiều (Nguyễn Du)hay trong văn học hiện đại ở Nỗi buồn chiến tranh (Thân phận tình yêu – Bảo Ninh), các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, truyện ngắn của Võ Thị Hảo, Phạm Thị Hoài. Và Nguyễn Huy Thiệp chính là một trong số những người sử dụng yếu tố tâm linh nhuần nhuyễn, linh hoạt trong việc thể hiện hình ảnh con người dân gian với đời sống tâm linh rất riêng ở thời hiện đại, hậu hiện đại.

Những hoạt động thuộc về đời sống tâm linh xuất hiện rất nhiều trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp như bói toán (Cánh buồm nâu, Chuyện tình kể lúc nửa đêm, Giọt máu), đi chùa lễ Phật (Chăn trâu cắt cỏ, Huyền thoại phố phường), việc đọc kinh siêu thoát cho người chết (Tội ác và trừng phạt, Không có vua), thờ thành Hoàng làng (Thương nhớ đồng quê), quan niệm về thế giới của người chết (Tướng về hưu). Những biểu hiện này phản ảnh đời sống tâm linh phong phú của người dân Việt Nam với những hoạt động tâm linh, tín ngưỡng có từ lâu đời. Tuy nhiên, nếu con người trong tâm thức dân gian có niềm tin thành kính vào những lực lượng thần bí, những giá trị thiêng liêng thì con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, vẫn mang hình

bóng, thậm chí có dấu vết tư duy dân gian nhưng niềm tin thiêng liêng của họ lại rơi vào thế lưỡng phân của có và không tồn tại. Họ tin có thế giới bên kia, tin cuộc sống có vay có trả, tin vào khả năng siêu thoát của kinh Phật, tin vào sự linh thiêng của Thành Hoàng làng. Con người vẫn tin có lực lượng thần bí, ảnh hưởng bao quát lên hết thảy, bảo vệ và mang đến sự an ủi, bình yên cho con người như cách Nhâm (Thương nhớ đồng quê) nghĩ về những lực lượng siêu việt: “Tôi tin chắc ở lực lượng siêu việt bên trên tôi, đang chuyển vận rầm rộ kia, thấu hiểu tất cả, phân minh lắm, rạch ròi, chắc chắn bảo dưỡng tính thiện trong tâm linh con người, có khả năng an ủi, âu yếm đến từng số phận. Điều ấy khiến tôi an lòng”, nhưng nhiều khi bản thân những giá trị thiêng liêng đó lại nằm trong vùng mờ của sự thật. Ở đó, nó có thể là sản phẩm của hư cấu, cũng có thể là kết quả của niềm tin cá nhân hay là hóa thân của khát vọng, biểu tượng của hy vọng. Có thể thấy điều điều này ở lời thề trong khu rừng, trước tượng linga, được kể lại như một tin đồn và nhân vật chính (ông Móng – Chuyện ông Móng) nửa đùa nửa thật thề. Sau đó lời thề bị lãng quên. Bị phủ nhận ở cuối truyện. Hay lời đồn về sự ra đời của mẹ Cả, sự tồn tại của mẹ Cả, nửa tin nửa ngờ, có người tin, có người phủ nhận, tung hỏa mù vào niềm tin, khiến con người không xác định được giá trị của niềm tin thiêng liêng. Còn trong Chuyện tình kể trong đêm mưa, khi nghe ông già người Hoa bói bằng những con xúc xắc, con người “xuýt xoa, trầm trồ, sợ hãi. Tất cả đều thành thực, tin tưởng” nhưng cũng cảm thấy “Có cái gì vừa như huyền bí, vừa như đe dọa, lại vừa như lường gạt trắng trợn lơ lửng đâu đây ở trên đầu đám đông” và sau đó Bạc Kỳ Sinh khẳng định: “Đừng có tin lừa dối đấy”. Người ta không tìm thấy niềm tin tuyệt đối vào yếu tố tâm linh ở đây. Niềm tin về những điều bí ẩn thiêng liêng xen lẫn với cảm giác sợ hãi

âu lo cùng sự nghi ngờ những thứ đó như trò lừa bịp đối với đám đông mông muội.

Con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn có khả năng dự đoán những việc sắp xảy ra như Vinh Hoa (Phẩm tiết), thầy phong thủy và bà Tôn Nữ Phương (Giọt máu), mẹ của Nhâm (Thươngnhớ đồng quê), cô đồng Xuyến (Cánh buồm nâu) nhưng khác với truyền thuyết, truyện cổ tích, khả năng dự đoán của con người ở đây không thể nào cản trở diễn tiến của sự việc. Hầu hết những dự đoán, linh cảm của họ đều dành nhiều cho những việc bất trắc. Vinh Hoa dự đoán nhà Tây Sơn không được bao lâu, thầy phong thủy dự báo những điềm xấu nếu gia đình ông Phạm Ngọc Liên có người đi học, bà Tôn Nữ Phương dự đoán tai họa chết người của Thiều Hoa, mẹ của Nhâm lại linh cảm trước cái chết tàn khốc của con gái. Điều này cho thấy thực tại khắc nghiệt và khắc sâu sự bất lực của con người trước cuộc đời. Niềm tin tâm linh, tín ngưỡng của con người trở nên không trọn vẹn. Nó đôi khi trở thành hoài niệm, thành biểu tượng của niềm tin bị đánh mất như cậu bé trong

Chảy đi sông ơi hoài niệm về hình ảnh con trâu đen thuở ấu thơ hoặc luôn không thể chạm tới được như hình ảnh mẹ Cả trong suy nghĩ của Chương.

Niềm tin vào những đấng thiêng liêng, cao cả trong tôn giáo, tín ngưỡng xuất hiện nhiều trong đời sống tâm linh của con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Khác với trong văn học dân gian, nơi dấu vết của các tín ngưỡng không mang nặng sự ngưỡng mộ gần như tuyệt đối xen lẫn sợ hãi, bất lực mà còn bộc lộ muốn vươn lên khám phá, chinh phục những bí ẩn siêu nhiên cúa con người. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những tín ngưỡng dân gian dưới con mắt của con người hiện đại là sự hiển hiện của thế giới linh thiêng thần thánh thuộc về tâm hồn nhưng đôi khi bị mai một, bị “mất thiêng” hoặc giải thiêng khi xuất hiện trong hình thức của những lời đồn

làm rậm rạp thêm hiện thực vốn ngồn ngộn thông tin ảo. Điều này khiến tín ngưỡng như bị “giải thiêng”, khiến đời sống tâm linh rơi vào sự giằng co của tín và bất tín. Ở Chuyện ông Móng, niềm tin thậm chí xuất hiện trong tin đồn, về lời thề chung thủy của ông Móng trước bệ thờ thuộc về tín ngưỡng phồn thực trong rừng. Sự linh thiêng không được chứng thực về giá trị, thậm chí bị rơi vào sự nhập nhèm thực ảo của tin đồn xung quanh cuộc đời ông Móng. Truyện ngắn Huyền thoại phố phường còn cho thấy sự biến chất của tín ngưỡng và dấu vết giải thiêng đối với tín ngưỡng như sự linh thiêng của thần Phật bị đem ra làm đối tượng cho ván cược của bà Thoa và người bạn về tờ vé số, và thần linh dường như tham gia cuộc giao dịch cái linh thiêng bằng những xấp tiền giấy cúng cao ngất và bàn tay xòe ra đầy những tờ tiền. Tín ngưỡng bị kéo vào trò chơi của con người, bị vấy bẩn và mất đi màu sắc linh thiêng. Bởi vậy, con người có lúc thờ ơ, nghi hoặc trước niềm tin tôn giáo với ngôi chùa gần nhà, tham gia nhưng không nhập tâm mà nhìn bằng con mắt lạnh với nghi lễ tôn giáo như Năng ở lễ hội Thành Hoàng làng (Chăn trâu cắt cỏ). Con người không tìm thấy sự giải thoát trong tâm linh, cũng không cố gắng trốn chạy vào thế giới đó để an ủi tâm hồn mình.

Như thế, đời sống tâm linh của con người dân gian ở thời hiện đại, hậu hiện đại là sự tổ hợp của niềm tin thiêng liêng với nỗi âu lo, nghi hoặc về những giá trị sống.

Tiểu kết

Con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là sự kết hợp nhuần nhị của con người trong tâm thức dân gian với con người cô đơn, bất lực, loay hoay vùng vẫy trong tâm thế lạc lõng giữa cuộc đời, thấu hiểu và xót thương sâu sắc thân phận mình, có niềm tin tâm linh không trọn vẹn. Ở đó, nỗ lực

vùng vẫy thoát khỏi sự vây bủa của nỗi cô đơn và hy vọng của họ đến từ những khát vọng sâu xa về tự do, hạnh phúc, niềm tin chân lý, về ý nghĩa tồn tại của con người. Tuy nhiên, nỗ lực này có thành công hay không vẫn là một câu trả lời mở với con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Điều này khiến con người, trong tác phẩm của ông có sức hấp dẫn đặc biệt ở chiều sâu triết lí của sự biểu hiện được tạo nên bởi sự phức hợp của sắc màu cổ tích từ lối nhại rất tinh tế và cái nhìn nghi ngại âu lo xen lẫn hy vọng của thời hiện đại cùng với sự hoài nghi bất tín của đôi mắt hậu hiện đại.

Chương 3 TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP VỚI VIỆC HIỆN ĐẠI

HÓA, HẬU HIỆN ĐẠI HÓA YẾU TỐ KỲ ẢO DÂN GIAN VÀ NGÔN NGỮ DÂN GIAN

Một phần của tài liệu truyện ngắn nguyễn huy thiệp – nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)