Dựa vào kết quả nghiên cứu, có thể đưa ra một số hàm ý chính sách cho các nhà quản lý điểm đến và các nhà quản lý kinh doanh dịch vụ như sau:
Một là, các thuộc tính và nhân tố được cho là biểu hiện tốt, là những hình ảnh thuận lợi nhất của điểm đến Đà Lạt nên cần có những chính sách để duy trì và bảo vệ. Những nhân tố có biểu hiện thấp hoặc trung lập, được cho là những hình ảnh kém thuận lợi nhất nên cần lên lên kế hoạch để cải thiện nhanh chóng.
“Bầu không khí và đặc sản”, “Sự hấp dẫn của tự nhiên và kiến trúc” là hai nhân tố có điểm trung bình cao nhất (>4), chứng tỏ du khách rất đồng ý về những biểu hiện này của Đà Lạt và những thuộc tính thuộc 2 nhân tố này cần phải được duy trì.
Đáng chú ý nhất là thuộc tính “Khí hậu mát mẻ, trong lành”. Đây là thuộc tính được đánh giá cao nhất (4,51), là hình ảnh tích cực và thuận lợi nhất về Đà Lạt. Đà Lạt nằm ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và có những cánh rừng thông khắp thành phố, chính nhờ vậy mà trong suốt những năm qua đã tạo ra thứ tài sản lớn nhất của Đà Lạt: khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Do đó, cần phải duy trì và bảo vệ những rừng thông này, tránh tình trạng chặt phá bừa bãi làm nhiều rừng thông dần biến mất và bị thay thế bởi các công trình xây dựng hoặc những vùng canh tác nông nghiệp, ảnh hưởng xấu đến khí hậu vốn có của Đà Lạt.
Hình ảnh Đà Lạt cũng thường gắn với “nhiều tòa nhà/ kiến trúc độc đáo, thú vị”, tuy nhiên để duy trì hình ảnh này cần phải có biện pháp bảo tồn và giữ gìn, tránh tình trạng phát triển thiếu quy hoạch làm cho kiến trúc đô thị vốn là đặc trưng của Đà Lạt trở nên biến dạng.
Tóm lại, sự phát triển và quá trình đô thị hóa là tất yếu nhưng cần có chiến lược phù hợp, tránh mất đi vẻ tự nhiên và kiến trúc vốn có của thành phố.
“Cơ sở hạ tầng du lịch”, “Dịch vụ và môi trường” là hai nhân tố có điểm trung bình thấp nhất (từ 3 đến 3,5). Đây là những hình ảnh thể hiện phản ứng trung lập của du khách khi đánh giá về hình ảnh điểm đến Đà Lạt. Những hình ảnh này có thể là kết quả của sự thiếu hiểu biết về khu vực như là một điểm đến du lịch hoặc là du khách không muốn cho ý kiến về điểm đến. Tuy nhiên, người mà có hình ảnh trung lập hoặc hình ảnh kém thuận lợi về một điểm đến có thể sẽ không xem xét đến điểm đến đó khi họ quyết định lựa chọn một địa điểm để đi du lịch. Vì vậy, ban quản lý điểm đến và các cơ quan quản lý kinh doanh dịch vụ cần phải có những chính sách để nhanh chóng cải thiện hoặc quảng bá những hình ảnh này.
Đáng chú ý nhất là thuộc tính “Giá cả hợp lý” bởi đây là thuộc tính được đánh giá thấp nhất (3,09). Nhìn chung, tình trạng “chặt chém” du khách là tình trạng chung của một số điểm du lịch trong nước và Đà Lạt cũng không phải là ngoại lệ. Các dịp lễ tết, hầu hết khách sạn tại Đà Lạt (trừ những khách sạn cao cấp) đều tăng giá 50% - 100%, thậm chí có thời điểm tăng đến 300%. Nguyên nhân của tình trạng “chặt chém”, tăng giá phòng khách sạn và dịch vụ ăn uống vẫn diễn ra trong các dịp cao điểm là do các cơ sở lưu trú và cơ sở bán hàng đặc sản sử dụng “cò” nên phải chi phần trăm cao cho “cò” làm giá bị đội lên chót vót. Do đó, các cơ quan ban ngành cần tổ chức các đội kiểm tra yêu cầu nhà hàng, khách sạn phải niêm yết giá công khai và có biện pháp xử lý “cò” du lịch như giám sát các địa điểm thường xuyên xuất hiện “cò”, cung cấp điện thoại đường dây nóng để du khách có thể cung cấp thông tin và phản hồi về các địa điểm bán không đúng với giá niêm yết. Nhờ đó mà cơ quan ban ngành có thể kiểm tra và xử lý tình trạng vi phạm góp phần tránh tạo ra
những hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến việc thu hút du khách đến với Đà Lạt.
Một số thuộc tính khác như “Hệ thống toilet – thông tin công cộng” và
“Nhiều điểm ATM/ điểm rút tiền/ thanh toán bằng thẻ tín dụng” nên được xem xét. Nhìn chung hầu như ở Việt Nam, thành phố nào cũng thiếu nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, để tăng tiện nghi thiết yếu cho du khách, thành phố Đà Lạt cũng đã lắp đặt nhiều toilet – thông tin kèm theo việc trưng bày và cung cấp miễn phí cho du khách về các tài liệu du lịch. Ngoài ra còn có các nhà vệ sinh miễn phí đặt tại trung tâm, bên cạnh là các trụ ATM thuận tiện cho du khách rút tiền. Đà Lạt có trên 25 điểm đặt máy ATM, tại trung tâm thành phố có các điểm đặt ATM của hầu hết các ngân hàng nên cũng tạo sự thuận tiện cho du khách. Như vậy, các thuộc tính “Hệ thống toilet – thông tin công cộng” và “Nhiều điểm ATM/ điểm rút tiền/ thanh toán bằng thẻ tín dụng” thực chất là biểu hiện tốt ở Đà Lạt nhưng du khách lại đánh giá ở mức trung lập, do đó cần phải có những chỉ dẫn, giới thiệu về những địa điểm lắp đặt để du khách có thể cảm thấy sự tiện lợi khi đi du lịch ở Đà Lạt.
Hai là, về các hình ảnh chung và riêng có của điểm đến Đà Lạt.
Nhìn chung, số lượng hình ảnh chung mà du khách liên tưởng mạnh về Đà Lạt là rất ít. Những hình ảnh chung như cảnh quan thiên nhiên đẹp cũng có thể tìm thấy được ở nhiều nơi khác trong nước. Các nhà tiếp thị điểm đến Đà Lạt cần phải có một lựa chọn định vị cho điểm đến Đà Lạt dựa trên tiềm năng và những hình ảnh chung thuận lợi được du khách nhận thức. Hơn nữa, thông điệp về hình ảnh cần phải rõ ràng, khác biệt, hiện thực và là sự kết hợp giữa thành phần chức năng và tâm lý.
Xét về khía cạnh hình ảnh độc đáo/ khác biệt của một điểm du lịch, khí hậu mát mẻ/ trong lành được du khách cho là nét riêng có của Đà Lạt, vì vậy đây là điểm thu hút chính đối với du khách. Do đó, như đã trình bày ở trên hình ảnh này cũng phải được duy trì để thu hút khách đến Đà Lạt. Ngoài ra, du
khách cũng cho rằng thành phố hoa là nét độc đáo và khác biệt của Đà Lạt. Có thể nói, không có nơi nào trong cả nước mà hoa có thể xem như là một sản phẩm chính của ngành du lịch như ở đây. Xuất phát từ lợi thế này, để phát huy du lịch hoa của thành phố cần phải có sự gắn kết giữa ban quản lý điểm đến, các doanh nghiệp và các hộ nông dân để có được sản phẩm hoa đạt chất lượng, trưng bày những mẫu mã hoa đẹp và tạo thêm nhiều hình thức quảng bá hoa ngoài triển lãm hoa tại các điểm tham quan chính (Công viên hoa Đà Lạt, Đồi Mộng Mơ, Thung lũng Tình yêu, vườn sinh thái Thung Lũng Vàng,… ) mà còn tại các làng hoa, trang trại hoa, vườn hoa hay thậm chí là những nhà vườn trồng hoa thuần tuý. Ngoài các địa danh như Hồ Xuân Hương, Thung lũng Tình yêu và Thiền viện Trúc Lâm ra thì các điểm tham quan khác như Chợ Đà Lạt, Dinh Bảo Đại, Đà Lạt sử quán,… cũng là những nét riêng có của Đà Lạt nhưng lại có ít người nhắc đến. Điều này cho thấy những gì đặc trưng, khác biệt về điểm du lịch Đà Lạt trong tâm trí du khách là khá mờ nhạt. Vi vậy, ban quản lý điểm đến cần có những chiến lược marketing phù hợp để quảng bá những hình ảnh đặc trưng của địa phương.
Ba là, kết quả kiểm định sự khác biệt về hình ảnh điểm đến Đà Lạt giữa các nhóm có đặc điểm hành vi khác nhau cho phép đưa ra đề xuất là đa dạng sản phẩm và tăng cường phục vụ nhóm du khách đi cùng gia đình bởi nhóm này sẽ tạo ra được nhiều hình ảnh thuận lợi nhất. Ngoài ra, các công ty lữ hành đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo tập hình ảnh điểm đến của du khách nên trong quá trình truyền thông điệp từ điểm đến đến khách hàng, ngoài các phương tiện truyền thông thì cần có sự trợ giúp của các công ty lữ hành, giúp đưa hình ảnh thuận lợi, phù hợp với tiềm năng của điểm đến mà các nhà quản lý điểm đến muốn xây dựng.