0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (120 trang)

Từ phía Maritime Bank

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ GIẢI PHÁP MỞ RỘNG HỌAT ĐỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TẠI NGÂN HÀNG TMCP HÀNG HẢI VIỆT NAM (Trang 60 -60 )

Quy trình, chính sách tín dụng Quy trình tín dụng

Hiện tại, Maritime Bank đã xây dựng quy trình tín dụng riêng cho khối khách hàng là DNVVN. Tuy nhiên quy trình này vẫn còn nhiều bất cập, gây rườm rà thủ tục cho khách hàng. Theo quy trình này thì ngoài những khoản đảm bảo 100% tiền gửi thì tất cả những khoản vay đều thuộc mức phán quyết của trung tâm phê duyệt tín dụng. Điều này dẫn đến phát sinh trường hợp quy trình áp dụng không phù hợp với quy mô doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chỉ có nhu cầu vay mua sắm tài sản cố định, khoản vay có giá trị thấp nhưng hồ sơ cung cấp cũng tương tự những khoản vay có giá trị lớn

Maritime Bank đã thực hiện phân tách quy trình cấp tín dụng thành 3 bộ phận riêng biệt nhằm đảm bảo tính khách quan, kiểm soát giữa các bộ phận cũng như giảm thiểu rủi ro. Việc tách bạch có nhiều ưu điểm trong công tác quản trị rủi ro tuy nhiên việc triển khai lại không đồng bộ, thường xuyên sử dụng các chi nhánh lớn để thí điểm. Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ

đảm trách các bộ phận còn mang tính chủ quan, không dựa vào công việc đã đảm trách trước đây, ít nhiều gây tâm lý không tốt cho khách hàng.

Bên cạnh đó, Maritime Bank vẫn chưa phân định trách nhiệm pháp lý rõ ràng của các phòng ban tham gia vào quy trình tín dụng, dẫn đến tâm lý e ngại, không chủ động xử lý công việc của các cán bộ phòng ban liên quan.

Chính sách chăm sóc khách hàng

Maritime Bank đã ban hành chính sách khách hàng và xây dựng cơ sở phân loại khách hàng. Nhưng các tiêu chí phân loại này chưa cụ thể và rõ ràng, chủ yếu dựa trên báo cáo tài chính và ngành nghề của khách hàng. Những khách hàng truyền thống quan hệ lâu năm cũng không có chính sách ưu đãi riêng biệt. Việc áp dụng ưu đãi về phí, lãi suất và các ưu đãi khác vẫn chưa có cơ sở phân định, chưa rõ ràng, chủ yếu dựa vào cơ sở định tính, chưa hợp lý và khoa học.

Công tác tiếp thị, phát triển sản phẩm cũng đã được triển khai nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Trong bối cảnh mở cửa của hoạt động tài chính, các ngân hàng thương mại trong nước chịu áp lực cạnh tranh khá lớn từ các ngân hàng thương mại nước ngoài. Các ngân hàng này đều xây dựng chính sách chăm sóc riêng cho đối tượng khách hàng là các DNVVN. Vì vậy, hoạt động cho vay DNVVN của Maritime Bank nhìn chung đang bị đe dọa.

Lãi suất cho vay

Maritime Bank đưa ra quy định mức lãi suất cho vay áp dụng chung cho toàn hệ thống. Điều này có một ưu điểm không gây sự cạnh tranh giữa các chi nhánh với nhau. Mức lãi suất áp dụng có dựa trên cơ sở rủi ro của khách hàng, nhưng cơ sở đánh giá này chưa cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên, mặt bằng chung mức lãi suất Maritime Bank áp dụng cho khách hàng là DNVVN còn khá cao.

Sản phẩm tín dụng

Các sản phẩm tín dụng còn đơn giản, kém phong phú, đa dạng, chưa tạo đặc thù riêng. Hầu hết, các sản phẩm tín dụng dành cho DNVVN tại Maritime Bank đều đã được các ngân hàng khác triển khai, sản phẩm ra đời sau nhưng chưa tạo được sự khác biệt. Ví dụ như sản phẩm cho vay VND đối với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ áp dụng lãi suất USD, Eximbank đã triển khai sản phẩm này trước Maritime Bank, nhưng áp dụng được cho tất cả các đối tượng khách hàng chứ không chỉ áp dụng riêng cho khách hàng có nguồn thu ngoại tệ.

Các sản phẩm hiện đang được sử dụng mạnh tại Maritime Bank chủ yếu là cho vay bổ sung vốn lưu động, cho vay đầu tư máy móc thiết bị… Đặc tính của các sản phẩm tín dụng chỉ đơn thuần cho vay, thu lãi chứ không thúc đẩy được hoạt động dịch vụ khác.

Các sản phẩm tín dụng đi kèm các công cụ phòng ngừa rủi ro cho khách hàng kém hấp dẫn. Chưa có đội ngũ tư vấn sử dụng sản phẩm có trình độ chuyên môn cao. Maritime Bank vẫn chưa thực sự cùng khách hàng chịu rủi ro khi sử dụng các sản phẩm này.

Các sản phẩm tín dụng sử dụng tài sản đảm bảo là hàng hóa tồn kho vẫn được Maritime Bank áp dụng nhưng khá hạn chế do mức độ rủi ro cao, nguyên nhân chính cũng là do Maritime Bank chưa xây dựng được hệ thống kho và bảo vệ bảo quản riêng cho các loại hàng hóa thế chấp.

Việc triển khai phát triển sản phẩm còn chậm, không theo kịp nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm đưa ra giới thiệu cho khách hàng luôn có độ trễ so với ngân hàng khác.

Nguồn nhân lực Chế độ đào tạo

Maritime Bank hiện đã xây dựng một công ty riêng chuyên thực hiện các công tác liên quan đến nhân sự. Vì vậy, Maritime Bank cũng đã hình thành chế độ đào tạo cho từng nhóm nhân viên. Tuy nhiên việc đào tạo vẫn chỉ dựa trên cơ sở lý thuyết, chưa thực tế, nhân viên mới chủ yếu học hỏi kinh nghiệm từ những nhân viên đi trước.

Trình độ, năng lực chuyên môn của lao động

Nhìn chung, trình độ, năng lực chuyên môn của người lao động tại Maritime Bank khá đồng đều. Đội ngũ nhân viên còn khá trẻ nên vẫn còn hạn chế về trình độ thẩm định dự án trung dài hạn.

Nguồn lao động

Hiện nay, Maritime Bank vẫn đang triển khai mô hình kinh doanh mới, vì vậy, ở một số đơn vị kinh doanh và phòng ban hỗ trợ, nhân sự vẫn chưa thực sự ổn định.

Nguồn thông tin về các DNVVN

Thông tin đầy đủ về khách hàng là cơ sở để xét duyệt cấp tín dụng cho khách hàng. Tuy nhiên, nguồn thông tin của Maritime Bank về khách hàng nhất là các DNVVN khá hạn chế. Maritime Bank vẫn chưa xây dựng được chương trình hỗ trợ thông tin về ngành nghề cũng như về các doanh nghiệp cho đơn vị kinh doanh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ GIẢI PHÁP MỞ RỘNG HỌAT ĐỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TẠI NGÂN HÀNG TMCP HÀNG HẢI VIỆT NAM (Trang 60 -60 )

×