PHẦN III: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1 Kết luận

Một phần của tài liệu Mở rộng và nâng cao hiệu quả cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bắc Quảng Bình (Trang 56)

1. Kết luận

Trong bối cảnh của nền kinh tế hiện nay, cả quốc tế và trong nước đều có những biến động phức tạp. Đặc biệt, trong giai đoạn 2007 -2008 có thể thấy nền kinh tế bị khủng hoảng trầm trọng và hoạt động của các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp trong đó có DNVVN phải đối mặt với những khó khăn thách thức lớn. Do vậy, việc mở rộng và nâng cao hiệu quả cho vay nói chung và cho vay đối với DNVVN nói riêng là một vấn đề rất quan trọng và cấp thiết đối với các ngân hàng thương mại. Điều này giúp cho các ngân hàng thương mại đa dạng hóa khách hàng, mở rộng thêm các dịch vụ tiện ích khác, tăng lợi nhuận, phân tán rủi ro đồng thời giúp cho các DNVVN đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Như ta đã biết, nền kinh tế Việt Nam có điểm xuất phát thấp nhất trên thế giới. Vì vậy các DNVVN đóng vai trò quan trọng, mang tính chất chiến lược, đón góp đáng kể vào sự tăng trưởng GDP, tạo ra một khối lượng lớn hàng hóa và dịch vụ...Xác định được vai trò, vị trí của DNVVN đối với sự phát triển của nền kinh tế, BIDV trong những năm qua đã có những định hướng chính sách tín dụng như: tăng tỷ trọng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các DNVVN, không ngừng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tín dụng mới, nâng cao chất lượng sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu của khách hàng nói chung và các DNVVN nói riêng. Với những định hướng và những giải pháp thực hiện đúng đắn của mình, BIDV đã đạt được những kết quả nhất định, bên cạnh những thành tựu đạt được thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế, trong thời gian thực tập tại chi nhánh và tập trung nghiên cứu đề tài: “ Mở rộng và nâng cao hiệu quả cho vay đối với các DNVVN tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bắc Quảng Bình”, dựa trên cơ sở phân tích thực trạng tôi đã tìm ra một số nguyên nhân và đã đưa ra một số giải pháp kiến nghị nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả cho vay đối với DNVVN tại chi nhánh. Do đó, chi nhánh cần phải cố gắng hơn nữa trong việc khắc phục những mặt còn hạn chế, phát huy những thế mạnh của mình trên cơ sở sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, các ban ngành

nhằm phát triển an toàn và bền vững trong giai đoạn cùng đất nước hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

2. Kiến nghị

Dựa trên những mặt còn hạn chế và những nguyên nhân như đã phân tích ở trên về chi nhánh, tôi có thể đề xuất một số kiến nghị sau để hoạt động kinh doanh của chi nhánh cũng như của hệ thống ngân hàng được cải thiện tốt hơn.

2.1. Đối với Nhà nước và các ban ngành có liên quan

- Nhà nước cần sớm hoàn thiện và thống nhất các văn bản pháp luật, văn bản dưới luật nhằm tạo ra môi trường kinh tế và môi trường pháp lý ổn định là căn cứ vững chắc cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng.

- Nhà nước cần phải chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các chế độ kế toán, kiểm toán hiện hành để đảm bảo cung cấp thông tin chính xác về tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp giúp cho ngân hàng có quyết định tín dụng chính xác nhất để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng nói chung và của chi nhánh nói riêng.

- Các cơ quan có thẩm quyền cần có chính sách hỗ trợ cho các DNVVN trong việc xúc tiến thương mại, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, dự báo thị trường để nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm làm giảm bớt nợ quá hạn cho chi nhánh. Tổ chức các lớp đào tạo cho các DNVVN về công tác tổ chức quản lý, điều hành SXKD trong xu thế hội nhập để các DNVVN hoạt động tốt và có hiệu quả hơn, ngân hàng cũng yên tâm hơn trong việc mở rộng cho vay đối với đối tượng khách hàng này.

2.2. Đối với Ngân hàng nhà nước

- Ngân hàng nhà nước (NHNN) cần đưa ra các biện pháp cải tổ thủ tục hành chính như: giảm bớt thủ tục cho vay, đưa ra các quy định khi cấp tín dụng một cách linh hoạt hơn, giảm tối đa thời gian thẩm định tín dụng giúp cho các doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh đồng thời ngân hàng có thể giảm chi phí trong việc cấp tín dụng.

- Thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra dưới nhiều hình thức để kịp thời phát hiện những hành vi tiêu cực để hoạt động của ngân hàng được tốt hơn.

- Xây dựng các chế tài đối với các hành vi vi phạm quy trình xử lý, cung cấp, khai thác thông tin trái với quy định của NHNN Việt Nam. Xử lý kiên quyết, kịp thời các đơn vị vi phạm chế độ báo cáo thông tin tín dụng, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin không chính xác.

2.3. Kiến nghị đối với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

- BIDV cần có cơ chế và tạo điều kiện ưu đãi tốt hơn nữa đối với các DNVVN được đánh giá có năng lực và tiềm năng kinh doanh tốt như ưu tiên giảm lãi suất tối đa nếu có thể, có thể phân công cán bộ đến trực tiếp tại doanh nghiệp kiểm tra tình hình thực tế và tư vấn để tránh những rủi ro có thể xảy ra đối với cả doanh nghiệp và cả ngân hàng.

- BIDV cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng nhà nước để tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là nghiệp vụ thẩm định, đánh giá phương án cho vay cũng như đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ nhân viên đặc biệt là cán bộ tín dụng.

- Cần đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy kiểm tra kiểm soát nội bộ nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng, từng bước thiết lập một mô hình quản trị của ngân hàng hiện đại giúp ngân hàng đứng vững trong điều kiện nền kinh tế có nhiều bất ổn như hiện nay.

2.4. Kiến nghị đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Để tạo điều kiện cho các DNVVN dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng thì bản thân các doanh nghiệp cần phải tự cải thiện và không ngừng nỗ lực để nâng cao năng lực của mình. Phải phối hợp chặt chẽ với cán bộ tín dụng như cung cấp đầy đủ thông tin thực tế về tình hình SXKD, tình hình tài chính của doanh nghiệp để ngân hàng có thể tư vấn, giúp đỡ trong việc cung ứng nhu cầu vốn cũng như trong những lúc doanh nghiệp gặp khó khăn.

- Phải nâng cao năng lực quản lý điều hành của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển kinh doanh. Chủ động trong việc xây dựng phương án đầu tư, SXKD phù hợp với năng lực của mình. Đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tự động hóa cao để tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

- Doanh nghiệp cần có ý thức chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh luật doanh nghiệp và các văn bản liên quan trong hoạt động SXKD của mình. Hiện nay, trong điều kiện hội nhập cần phải có sự hiểu biết về luật pháp quốc tế để có thể hiểu được môi trường kinh doanh, biết được xu hướng phát triển chung để có thể chủ động trong hoạt động SXKD.

- Phải có sự hợp tác giữa các DNVVN với nhau và giữa DNVVN với doanh nghiệp lớn thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp, cần tránh các yếu tố cạnh tranh không lành mạnh.

Một phần của tài liệu Mở rộng và nâng cao hiệu quả cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bắc Quảng Bình (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(60 trang)
w