- Các hoạt động triển khai văn bản pháp luật mới;
Chuyên đề 10: CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI VÀ VIỆC THỰC HIỆN Ở VIỆT NAM
3.1. Khái niệm về quyền con ngườ
Trong sâu thẳm trong tư duy và tâm hồn của nhân loại là niềm tin chắc chắn rằng mỗi người và tất cả mọi người đều có các quyền, trong đó có quyền tự do không bị áp bức, quyền tự do lựa chọn và không phải chịu những hành vi tàn bạo. Theo bản năng, hầu hết mọi người đều cảm nhận như vậy, ngay cả khi họ không tin là có thể dễ dàng giành được những quyền đó.
Tất cả các quốc gia văn minh đều nỗ lực xác định và ủng hộ nhân quyền. Ở đâu cũng vậy, cốt lõi của khái niệm này là giống nhau, đó là: nhân quyền là các quyền mà mỗi con người đều có đơn giản là vì họ là con người. Nhân quyền là của mọi người và bình đẳng cho mọi người. Nhân quyền cũng là những quyền bất khả xâm phạm. Các quyền này có thể bị trì hoãn - một cách chính đáng hay sai trái, ở nhiều nơi nhiều lúc - song ý tưởng về các quyền cố hữu không thể bị phủ nhận. Nếu mất đi những quyền này, con người sẽ không còn là con người nữa.
Cho đến nay vẫn có nhiều định nghĩa khác nhau về quyền con người (human rights), tuy nhiên, định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc thường được trích dẫn bởi các nhà nghiên cứu, theo đó : Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động (action) hoặc sự bỏ mặc (omission) làm tổn hại đến nhân phẩm, tự do cơ bản (fundamental freedoms) của con người.
Ở Việt Nam, một số định nghĩa về quyền con người do một số chuyên gia, cơ quan nghiên cứu từng nêu ra cũng không hoàn toàn giống nhau, nhưng xét chung, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.
Trong thực tế ở Việt Nam, bên cạnh thuật ngữ “quyền con người”, có một thuật ngữ khác cũng được sử dụng, đó là “nhân quyền”. Cả hai thuật ngữ này đều bắt nguồn từ thuật ngữ chung bằng tiếng Anh được sử dụng trong môi trường quốc tế, đó là human rights. Từ human rights trong tiếng Anh có thể được dịch là quyền con người (thuần Việt) hoặc nhân quyền (Hán – Việt). Theo Đại Từ điển Tiếng Việt, “nhân quyền” chính là “quyền con người”. Như vậy, xét về mặt ngôn ngữ học, quyền con người và nhân quyền là hai từ đồng nghĩa, do đó, hoàn toàn có thể sử dụng cả hai từ này trong nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động thực tiễn về nhân quyền
Hiện nay có hai trường phái trái ngược nhau bàn về nhân quyền theo góc độ là quyền tự nhiên hay là quyền pháp lý, nhưng dù sao đi nữa thì các quyền con người phải được thực thi một cách nghiêm túc không chỉ ở một quốc gia, dân tộc mà phải được sự đồng thuận, phê chuẩn của tất cả các nước trên thế giới.
3.2. Những điều ước, Công ước quốc tế về quyền con người
Một trong những thành tựu lớn nhất của nhân loại trong thể kỷ 20 là đã tạo dựng được một hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người. Hệ thống này trước hết phải kể đến Hiến chương Liên hợp quốc (1945), Tuyên ngôn Nhân quyền (1948) và hai Công ước quốc tế về quyền con người năm 1966 (Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá và xã hội và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị). Bên cạnh đó, hệ thống này còn có hàng trăm văn kiện quốc tế khác được ban hành dưới nhiều cấp độ pháp lý hình thức khác nhau như điều ước, công ước, nghị định thư, hướng dẫn, khuyến nghị... được các quốc gia thừa nhận và tôn trọng.