PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ

Một phần của tài liệu Tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy Giáo dục công dân ở THCS (Trang 54)

1.Phương pháp dạy học pháp luật trong môn GDCD ở Trường THCS

1.1.Một số quan điểm chung

- Phương pháp dạy học pháp luật trong môn GDCD ở THCS phải phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình dạy học.

-Giáo viên phải nắm chắc mục tiêu môn học, cấp học. Phải căn cứ vào mục tiêu cụ thể của bài học, căn cứ vào năng lực, trình độ của học sinh, vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể mà thiết kế nội dung giáo dục pháp luật trong GDCD cho phù hợp.

- Dạy học pháp luật trong môn GDCD phải gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thực tiễn: Giáo dục pháp luật phải hướng dẫn học sinh liên hệ với từng bài học, với đời sống cá nhân, tập thể và địa phương. Hướng dẫn học sinh điều tra, tìm hiểu thực tế chấp hành pháp luật ở trường học, địa phương, xã hội thông qua nội dung bài học.

- Cần kết hợp và sử dụng hợp lý các phương pháp và hình thức dạy học với phương pháp và hình thức giáo dục đối với dạy học pháp luật trong môn GDCD ở THCS.

1.2.Một số phương pháp dạy học cụ thể 1.2.1.Phương pháp kích thích tư duy

*Đặc điểm:

Kích thích tư duy là một kỹ thuật dạy học của giáo viên. Dựa vào sự hiểu biết sẵn có của học sinh, giáo viên đặt ra một hệ thống câu hỏi gợi mở, kích thích để học sinh liên tưởng giữa điều đã biết với thực tiễn, hình thành ở các em ý tưởng mới, đề xuất cách giải quyết những mâu thuẫn để học sinh hiểu biết các vấn đề pháp luật.

*Cách sử dụng:

- Giáo viên nêu lên vấn đề cần được tìm hiểu trước cả lớp hoặc trước nhóm qua một số câu hỏi gợi mở để học sinh suy nghĩ.

- Khích lệ mọi người phát biểu và đóng góp ý kiến càng nhiều càng tốt.

- Liệt kê tất cả các ý kiến phát biểu, không loại trừ một ý kiến nào, trừ trường hợp trùng lặp.

- Phân loại các ý kiến

- Làm sáng tỏ những ý kiến chưa rõ ràng và thảo luận sâu từng ý.

- Tổng hợp ý kiến của mọi người và hỏi xem còn thắc mắc hay bổ sung gì không.

*Những điều cần lưu ý khi sử dụng:

- Sử dụng phương pháp kích thích tư duy để lý giải một vấn đề pháp luật nào đó trong môn GDCD phải phù hợp ít nhiều với những vấn đề đã quen thuộc trong thực tế của học sinh.

- Các ý kiến phát biểu nên ngắn gọn.

- Tất cả các ý kiến đều được các giáo viên hoan nghênh, chấp nhận.

- Cuối giờ thảo luận, giáo viên nên nhấn mạnh kết quả sự tham gia chung của mọi người.

1.2.2.Phương pháp thảo luận nhóm *Đặc điểm:

Phương pháp thảo luận nhóm là giáo viên chia học sinh theo từng nhóm nhỏ; giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm thảo luận 1-2 câu hỏi, mọi ý kiến của các thành viên nêu lên trong nhóm cần được bàn bạc thống nhất.

Sau khi thảo luận, một đại diện của nhóm lên trình bày trước lớp. Sau khi các nhóm trình bày, giáo viên mời học sinh cả lớp góp ý kiến bổ sung nội dung trình bày của các nhóm.

Hệ thống câu hỏi của các nhóm trình bày chính là cấu trúc nội dung của bài học, hoặc một phần của bài học.

Đây là phương pháp sử dụng rộng rãi nhằm giúp học sinh tham gia một cách chủ động vào quá trình học tập. Học sinh có thể chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến hay để giải quyết vấn đề một tình huống pháp luật nào đó trong môn GDCD.

*Cách sử dụng:

- Giáo viên giới thiệu chủ đề cuộc thảo luận. - Nêu câu hỏi liên quan đến chủ đề.

- Chia học sinh thành các nhóm, giao nhiệm vụ để các nhóm tiến hành thảo luận và ghi kết quả thảo luận ra giấy khổ lớn. Có thể bắt đầu cuộc thảo luận bằng một câu chuyện hoặc bức tranh gợi ý.

- Cần khích lệ mọi học sinh tham gia đóng góp ý kiến, không nên chê bai một ý kiến nào.

- “Nhóm trưởng” hoặc “thư ký” ghi chép các ý kiến. - Đại diện nhóm trình bày kết quả thảo luận trước lớp.

*Những điều cần lưu ý:

- Câu hỏi thảo luận phải sát với nội dung bài học và phù hợp với trình độ học sinh.

- Cách chia nhóm phải hết sức linh hoạt, luôn thay đổi để tạo điều kiện cho mỗi học sinh được giao lưu với tất cả các bạn trong lớp học chứ không phải chỉ trong một nhóm cố định.

- Kết quả thảo luận nhóm phải được trình bày trên bảng hoặc giấy khổ lớn treo xung quanh tường lớp học.

- Nhiệm vụ “nhóm trưởng”, “thư ký” nên luân phiên để mọi người cùng làm.

1.2.3.Phương pháp giải quyết vấn đề

*Đặc điểm:

Giải quyết vấn đề là phương pháp giáo viên đặt ra một số vấn đề hoặc gợi ý học sinh phát hiện ra một vấn đề có mâu thuẫn cần được giải quyết. Giáo viên hướng dẫn học sinh xem xét, phân tích những vấn đề pháp luật đang tồn tại và xác định cách thức giải quyết vấn đề đó.

Ví dụ: Trong thanh thiếu niên học sinh hiện nay có hiện tượng nghiện ma túy.Vì sao có hiện tượng như vậy? Giả sử trong gia đình em có anh hay em, hoặc trong lớp em có bạn nghiện hút thì em sẽ giải quyết như thế nào?

*Cách sử dụng:

- Giúp học sinh tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cần giải quyết (hiện tượng nghiện ma túy…)

- Giúp học sinh nêu lên cách giải quyết vấn đề.

- Phân tích ưu, nhược điểm của các giải pháp khác nhau. - Quyết định chọn giải pháp tốt nhất.

*Những điều cần chú ý khi sử dụng:

- Vấn đề nêu ra phải phù hợp với mục tiêu chương trình và gắn với thực tế, phù hợp với trình độ học sinh, huy động được vốn sống, kiến thức của các em.

- Phải phát huy được sự suy nghĩ sáng tạo của người học. - Cách giải quyết vấn đề phải là giải pháp có lợi nhất. - Cần kết hợp các phương pháp dạy học khác.

1.2.4.Phương pháp tổ chức diễn đàn thanh niên

*Đặc điểm:

Diễn đàn là hình thức tổ chức cho thanh niên được bày tỏ quan điểm, ý kiến về một vấn đề nào đó liên quan đến pháp luật, vừa có tính thời sự, vừa có tính lý luận được chuẩn bị trước.

Trong khi trình bày, diễn giả có thể nêu lên các băn khoăn thắc mắc mà bản thân chưa giải đáp được. Người dự có thể hỏi, có thể chất vấn diễn giả về những điều chưa rõ, chưa đồng tình…và mọi người cùng trao đổi tìm ra ý kiến chung, tiếng nói chung về vấn đề cùng trao đổi.

Khi vận dụng hình thức diễn đàn vào dạy học pháp luật trong môn GDCD ở THCS thì không thể bỏ lửng những vấn đề tranh cãi đúng, sai của học sinh. Khi tổng kết diễn đàn, giáo viên (người chủ trì diễn đàn) cần bày tỏ ý kiến có lý, có tình, cảm hóa được người nghe, thể hiện sự ủng hộ quan điểm đúng, không phê phán gắt gao quan điểm sai, hay chưa đúng của học sinh. Nhất thiết phải định hướng được dư luận theo hướng tích cực.

*Tác dụng của hình thức diễn đàn:

- Học sinh được chuẩn bị trước, hình thức này rèn cho học sinh biết suy nghĩ, biết cách lập luận (bằng cơ sở khoa học, tìm ví dụ minh họa), biết xây dựng đề cương cho một vấn đề cần trình bày, kiến thức sẽ sâu sắc hơn.

- Giáo dục các em có ý thức trách nhiệm về bản thân trước tập thể, trước diễn đàn.

- Rèn luyện được rất nhiều kỹ năng như: kỹ năng nắm bắt ý kiến của người khác, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng diễn đạt, kỹ năng tổ chức, kỹ năng tự quản…

*Lưu ý khi sử dụng hình thức diễn đàn:

- Không phải bài nào cũng tổ chức diễn đàn. - Tổ chức diễn đàn theo lớp, theo khối lớp.

- Học sinh cần chuẩn bị trước, quán triệt sâu sắc mục tiêu, yêu cầu, nội dung, cách thức tổ chức.

- Khi mỗi học sinh chuẩn bị đề cương trao đổi, giáo viên cần gợi ý, giúp học sinh có suy nghĩ sắc sảo, gợi ý nguồn tư liệu và người có thể giúp các em…để các em biết cách tiếp cận thông tin, thu thập dữ kiện.

- Chủ trì diễn đàn nhất thiết phải có giáo viên, chủ tọa diễn đàn nên có vài ba người (thầy cô giáo, học sinh, đại biểu dự) có thư ký.

Nên lưu ý không khí diễn đàn phải sôi nổi, có ý kiến tranh luận, bổ sung, thể hiện quan điểm suy nghĩ độc lập của học sinh. Tránh không khí căng thẳng, đồng thời tránh không khí trầm lắng. Có thể có tiết mục văn nghệ xen kẽ cho học sinh cho sinh động và đỡ mệt mỏi.

Khi trao đổi không nhất thiết chỉ có ý kiến của trò. Khi cần, khi quá trầm lắng, hoặc khi căng thẳng nên có ý kiến của các thầy cô, đại biểu tham dự.

1.2.5.Dạy học pháp luật trong môn GDCD theo hình thức tổ chức đối thoại

*Đặc điểm:

- Đối thoại là phương pháp trao đổi trực tiếp của người có trách nhiệm (thầy cô giáo, các chuyên gia, nhà quản lý…) với mọi người nhằm giải đáp, trao đổi những vấn đề người đến đối thoại cần biết hoặc người chủ trì đối thoại muốn truyền đạt, muốn tuyên truyền về một vấn đề pháp luật nào đó.

- Đối thoại về bản chất là sự trả lời, giải thích những câu hỏi, những vấn đề người đến dự đặt ra cho người chủ trì. Nhưng để đạt được mục tiêu giáo dục pháp luật trong môn GDCD ở THCS, cũng như trong tuyên truyền pháp luật thì ngoài ý kiến người

đến dự hỏi, người chủ trì phải tự đặt ra câu hỏi theo một mạch của nội dung cần trao đổi.

Cần lưu ý: Người chủ trì đối thoại không nên đặt câu hỏi dưới dạng hỏi lại người dự, người đối thoại, mà hình thức đặt ra tế nhị như một người thứ ba khác đặt ra. Ví dụ “vấn đề này (…) có người (có bạn, có em…) ở trường A, trường B… hỏi…Người chủ trì đối thoại có kinh nghiệm là dựa vào một ý người hỏi trực tiếp, mở rộng bằng những câu hỏi sâu hơn để trình bày một vấn đề.

*Tác dụng của hình thức đối thoại:

- Phát huy được tính tích cực tư duy, vai trò của chủ thể học sinh trong việc tiếp thu những vấn đề cần đối thoại.

- Giải đáp kịp thời những thắc mắc, băn khoăn của học sinh.

- Thông qua đối thoại hiểu được nhận thức, mong muốn, nguyện vọng của học sinh, giải tỏa được những băn khoăn, xác định cho các em phương hướng rèn luyện.

*Cách thức sử dụng đối thoại:

- Giáo viên cần định hướng cho học sinh trước những vấn đề sẽ tổ chức đối thoại: gợi ý cho học sinh nêu những câu hỏi, những băn khoăn thắc mắc, có thể đó là vấn đề lý luận, có thể là vấn đề của thực tế.

- Người chủ trì đối thoại càng phải được chuẩn bị trước những vấn đề học sinh có thể đặt ra. Người chủ trì nếu là khách mời (các nhà quản lý, hoạt động xã hội…) thì giáo viên bộ môn cần trao đổi với họ thật chu đáo về các vấn đề: mục tiêu, đối tượng đối thoại, thời gian thực hiện, mức độ kiến thức, kỹ năng cần trang bị cho học sinh.

- Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có thể hỏi người chủ trì cùng với học sinh.

1.2.6.Xây dựng các tình huống pháp luật trong dạy học GDCD ở THCS *Yêu cầu:

Xây dựng tình huống là một trong những năng lực không thể thiếu của người giáo viên. Các tình huống giả định các em thực hiện trong quá trình học tập sẽ giúp cho học sinh có những cách giải quyết tốt nhất, phù hợp nhất khi có các tình huống tương tự xảy ra trong cuộc sống.

Các tình huống xây dựng phải ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với nội dung bài học và gần gũi với cuộc sống học sinh.

*Một số tình huống minh họa:

- Sử dụng câu chuyện pháp luật, trường hợp điển hình thông qua câu chuyện pháp luật, nhằm cung cấp cho học sinh những câu chuyện pháp luật có thật diễn ra trong cuộc sống thực tiễn, thông qua câu chuyện để học sinh có thái độ,ý kiến riêng của mình về câu chuyện đó, tạo điều kiện cho các em được củng cố hành vi của bản thân phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Ví dụ khi dạy bài 15 (GDCD 9): "Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí của công dân".Giáo viên có thể sử dụng câu chuyện pháp luật: Cái giá phải trả

Chu Văn Đức (1963) và Trịnh Thị Hạnh Phương (1962) làm nghề bán phở. Năm1993 vợ chồng Đ - P nuôi một người giúp việc tên là Nguyễn Thị T (1987). Trong quá trình giúp việc tại gia đình này, chị T không chỉ bị vắt kiệt sức lao động mà còn bị vợ chồng Đ - P đánh đập, chửi bới và hành hạ rất dã man: Dùng muôi nước phở hắt nước nóng vào người, dùng thanh tre, thanh gỗ đánh vào người, dùng dao nhọn đâm vào ống đồng chân trái gây thương tích, dùng kìm kẹp thịt hai bên mạng sườn... Do không chịu được việc hành hạ, chị T đã bỏ trốn và tố cáo hành vi của vợ chồng Đ - P với công an.

Việc chị T bị đánh đập hành hạ đã để lại trên khắp cơ thể 424 vết sẹo, gây tổn hại sức khoẻ 34%.

Toà án đã xét xử vợ chồng Đ - P về tội: “Hành hạ người khác” và “Gây tổn hại sức khoẻ cho người khác”. Cụ thể Chu Văn Đức 36 tháng tù cho hưởng án treo, Trịnh Thị Hạnh Phương 45 tháng tù giam, buộc 2 bị cáo bồi thường thiệt hại, về vật chất cho nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Giáo viên: Qua câu chuyện trên chúng ta thấy vợ chồng Đ – P đã vi phạm pháp luật, cái giá phải trả của gia đình Đ – P vì hành vi hành hạ ngược đãi chị T là hoàn toàn thích đáng. Mọi công dân nếu vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lí trước pháp luật. Vậy vi phạm pháp luật là gì? Chịu trách nhiệm pháp lí là gì? Chúng ta sẽ đến với nội dung này.

- Lan là học sinh lớp 5, em học giỏi, được cô giáo và các bạn yêu quý, nhưng vì nhà nghèo, bố nghiện rượu, mẹ phải tần tảo nuôi 5 chị em Lan. Bố của Lan bảo em phải nghỉ học để ở nhà giúp mẹ. Lan cố gắng thuyết phục nhưng không được. Lan rất buồn và mong ước được đến trường.

Câu hỏi: Lan đã bị xâm phạm vào quyền gì của trẻ em?

- Tuấn là một học trò thông minh, được nhiều bạn yêu quý nên rất hay gọi điện cho Tuấn. Bố mẹ Tuấn cho rằng các bạn có thể sẽ rủ Tuấn đi chơi nên thường quản lý bằng cách nghe trộm điện thoại. Một hôm Phương gọi điện mời Tuấn đến nhà chơi, Tuấn xin phép bố mẹ, nhưng chưa kịp nói lí do thì bố mẹ đã không cho đi. Tuấn tỏ ra bực tức khi biết bố mẹ vẫn thường xuyên nghe trộm điện thoại của mình.

Câu hỏi: Tuấn đã bị xâm phạm quyền gì của trẻ em?

Một phần của tài liệu Tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy Giáo dục công dân ở THCS (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(73 trang)
w