Quy trình thiết kế tạo hình rối nước dân gian Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tạo hình trong múa rối nước dân gian việt nam (Trang 32)

NAM

2.3.1. Tạo tính cách nhân vật

Nghệ thuật thiết kế tạo hình rối nước dân gian được hình thành trên mảnh đất Việt cổ đã từ lâu đời, gắn liền với những con người vùng làng quê. Vì vậy mà cách tạo hình cho quân rối cũng rất giản dị, chân thực, hầu hết chúng đều mang dáng vẻ quê mùa, thô sơ, đơn giản chứ không phải là nghệ thuật tinh xảo, chau chuốt. Thông qua thiết kế tạo hình rối nước chúng ta thấy các nghệ nhân xưa đã nhìn nhận thực tế cuộc sống rất khái quát và thể hiện lên sân khấu rất lạc quan, yêu đời. Tính cách nhân vật được tạc rất cô đọng và phóng khoáng thể hiện qua việc khắc họa các quân rối lên trên gỗ.

Trên sân khấu rối nước chúng ta gặp nhiều tính cách tiêu biểu cho nhiều loại người của tầng lớp xã hội khác nhau. Số nhân vật thường xuất hiện không nhiều trong một trò. Mỗi nhân vật này thường không được xây dựng một cách hoàn chỉnh, sự đa dạng sâu sắc với lai lịch rõ ràng, quá trình phát triển trọn vẹn và thường được trích diễn vào một vài giai đoạn công việc tiêu

biểu.

Tính cách của nhân vật rối nước thường được khắc họa chủ yếu bằng ngoại hình, thể hiện cụ thể bằng tài nghệ thuật tạo hình quân rối và bằng một số động tác hình thể hạn chế. Hành động của nhân vật ít dừng lại để mổ xẻ

nội tâm thể hiện qua các trạng thái phức tạp của tình cảm con người. “Tính cách nhân vật rối nước được khắc hoặc chủ yếu bằng hình dạng và hành động ngoại hình. Tài năng tạo hình qua hình khối, đường nét, màu sắc làm lộ tính nghề nghiệp, tính địa phương, tuổi tác... Còn nghệ thuật điều khiển đóng góp bằng hành động” [19; 81].

Ở rối nước cổ truyền chưa có nhân vật điển hình, toàn diện như trong chèo, tuồng... Mỗi nhân vật rối nước chỉ mang những nét chung chung. Nhân

vật tiêu biểu nhất trong sân khấu múa rối nước chính là chú Tễu. Trải qua nhiều năm, người dân Việt Nam từ chốn cung đình cho đến các làng mạc nông nghiệp nghèo nhất, ai ai cũng yêu mến chú Tễu và coi chú Tễu là con rối quan trọng nhất, là linh hồn của rối nước, là cầu nối giữa người biểu diễn và người xem.

Tễu là nhân vật rối quen thuộc với khán giả. Tễu không phải là vai hề như ở sân khấu chèo, mà là quân trò dẫn chuyện, điều khiển chương trình, giáo trò, dẹp trật tự và chuyển trò. Ở mỗi phường Tễu có dáng vẻ riêng. Có Tễu trông hiền lành, có Tễu lại rất lanh lợi, có Tễu trông hơi ngốc song nói chung Tễu đều là một chàng trai lực điền vạm vỡ, vui vẻ, yêu đời, lạc quan, thẳng thắn, duyên dáng, nghịch ngợm, táo bạo, luôn chăm lo đến mọi việc,

mọi người (việc làng việc nước). Nguồn gốc của Tễu được khẳng định là: “… dòng tiên trên thiên đường, bởi hái trộm đào tiên nên bị giáng xuống trần. Thấy sự đời lắm nỗi đa đoan, nên mới phải lo toan sự rối…”. (Trích lời giáo

trò của Tễu) [3; 91].

Trong chữ Nôm, Tễu có nghĩa là tiếng cười, Tễu là nhân vật táo bạo, luôn luôn diễu cợt, chế nhạo. Trong các vở diễn, Tễu là người mở màn, người bình luận, người kể chuyện và là người chỉ trích quan lại tham nhũng. Ở một số phường rối, chú Tễu lại là người phất cờ hoặc châm pháo. Một số người coi Tễu là tên mõ làng hay giúp đỡ các cụ già, có người nghĩ Tễu là người đi mổ lợn, mổ trâu, mổ bò, có người khác lại nói Tễu có cô vợ xinh xắn, hấp dẫn.

Tất cả các phường rối đều dùng Tễu làm nhân vật mở màn tuy rằng nội dung giới thiệu của các phường là khác nhau. Chính vì vậy mà Tễu được thiết kế tạo hình theo ý niệm của người lao động trên đất Việt cổ. Tuy không phải là vai hề nhưng khi xuất hiện Tễu luôn đem đến cho khán giả sự vui vẻ, thoải mái bởi những lời thoại dí dỏm pha lẫn hài hước. Giáo trò Tễu thường xuất

hiện một mình trên sàn diễn, chính vì vậy Tễu cũng được tạc lớn hơn hẳn các rối khác ở những trò có nhiều rối cùng xuất hiện (nông nghiệp, nhi đồng hý thủy…) trên sân khấu. Điều đó có tác dụng gây chú ý cho người xem, đồng thời cũng tạo bố cục chặt chẽ trên sân khấu. Tễu không phải là nhân vật điển hình của múa rối nước dân gian, nhưng là quân trò tương đối tiêu biểu, thân quen với khán giả của múa rối nước. Khi nhắc đến Tễu, những ai yêu múa rối nước đều nhớ ngay đến thủy đình, đến hội làng. Một số phường rối không dùng Tễu, mà lại tạo ra anh Ba Khí (phường Đào Thục), ông Nhất (phường Bìu Xá), ông Khổng lồ (phường Đồng Ngư)… Rối Tễu đẹp hơn cả làng Tễu của phường Đông Các (Đông Hưng – Thái Bình).

Tễu các phường múa rối nước Đông Các được tạc là một thiếu niên khỏe mạnh, nét mặt hớn hở, vui vẻ, tóc để 2 trái đào. Cổ đeo kiềng bạc có khánh trừ tà. Tễu không mặc quần mà đóng khố điều. Trong tất cả các rối của múa rối nước dân gian, duy nhất có chú Tễu được mặc áo cộc tay may bằng vải (2 lớp). Bàn tay trái của chú Tễu nắm chặt tỏ ý chí kiên quyết, bàn tay phải ngón trỏ chỉ thẳng biểu hiện quyết tâm không khoan nhượng, lùi bước trước khó khăn.

Trong các trò diễn, Tễu là nhân vật tiêu biểu, vừa là quan tòa, vừa là thẩm phán, đồng thời cũng là nạn nhân. Tễu lên án, tố cáo, phê phán, buộc tội một cách gắt gao một sự thật, một hiện tượng mà nhân dân quần chúng đang theo dõi hay cần thiết phê phán thì chú là người thay mặt cho họ nói lên tiếng nói chính nghĩa.

Những người nông dân trong các trò múa rối nước được các nghệ nhân khắc họa rất chi tiết về ngoại hình để làm nổi bật lên tính cách, phẩm chất của người nông dân Việt Nam. Họ luôn gắn bó với mảnh đất quê hương: với cánh đồng, con đê, ao làng… họ luôn hăng say lao động sản xuất để nuôi sống gia đình, đồng thời góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đó là

những người cần cù, chịu thương, chịu khó, hiền lành, lam lũ… Chúng ta có thể kể ra một số nhân vật tiêu biểu cho những người nông dân nơi làng quê Việt Nam được khắc họa trong múa rối nước đó là: “Ông bà lão chăn vịt” tuy gầy nhưng là một lão nông dân rắn chắc, nét mặt thể hiện sự hài lòng với đàn vịt béo của mình. Ông chẳng mặc áo, mình trần đóng khố, tay cầm que xua vịt, đường nét tạo hình đơn giản thể hiện đặc trưng, tiêu biểu nhất của người già: má hóp, miệng móm, bụng chảy. Còn bà lão chăn vịt mới thật ngộ nghĩnh: nét mặt hốt hoảng, lo lắng. Váy yếm đều cộc, trông thật lôi thôi. Đầu tóc vấn vội. Bà tê tái xua đàn vịt về để không bị cáo bắt mất. “Anh đánh dậm” ôm khư khư chiếc nơm để úp cá. Anh không còn trẻ, tuổi đã nhàng nhàng. Tuy anh ham úp cá nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội ghẹo vợ anh thuyền chài. Anh được tạc với hình khối thô tháp khỏe mạnh. Tinh thần và nét mặt không hóm hỉnh như nhân vật Tễu. “Các chị thợ cấy” tuổi đã nhồng nhồng, dáng hình lom khom, có khớp ở bụng và ở tay để cúi xuống cấy lúa, mặt chăm chú vào công việc đang làm. Trang phục không giành cho thiếu nữ, mà đúng là cho các bà, các chị đã có tuổi ở nông thôn ta ngày xưa: yếm đào, váy xắn cao để làm việc cho tiện.

Các nhân vật trẻ thơ trong múa rối nước thì được tạo hình rất giản dị, bằng những hình khối mộc mạc nhằm làm toát lên sự ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên nhưng cũng rất tinh nghịch của những đứa trẻ nơi làng quê. Trong số đó, có một số nhân vật đã trở hành những hình tượng đầy sinh động như chính cuộc sống hàng ngày: “Cu tý chăn trâu” được tạc hình đầy chất thơ. Tý ngồi trên mình trâu được đẽo tạc rất giản dị về hình khối. Tý đeo nón mê, tay nâng sáo ngang miệng để thổi. Chú trâu đen béo hiền lành. Cả hai rối toát lên sự yên lành, thanh bình của cuộc sống nơi làng quê Việt Nam, nhất là khi quân trò ra biểu diễn có tiếng sáo vi vu vang lên. “Nhi đồng hý thủy” được tạo hình khá đặc biệt: rối không thiết kế toàn thân, mà chỉ tạo có phần đầu,

mình, chân và tay. Phần mông của rối vạt thẳng, không có đế để thực hiện việc trồng nụ trồng hoa của các quân trò. Hình hài rối là những đứa trẻ mũm mĩm, trông gần giống những con tò he hay những chiếc kẹo bột. Tay chân rối thả lỏng khớp để cử động tự do được nhờ lực đẩy của nước. Máy điều khiển rất đơn giản, song nhờ lực đẩy của nước, trò diễn trở nên vô cùng sôi động – những con rối gỗ trở thành bầy trẻ nhỏ vô cùng nghịch ngợm đang nô đùa trên sông nước.

Đó là các nhân vật người. Còn các nhân vật là con vật cũng được người nghệ nhân khắc họa theo những nét riêng. Những quân rối này không được khắc họa một cách tỉ mỉ, chi tiết như các bức tượng ở đình chùa mà được giản lược một số chi tiết. Mặc dù vậy nó vẫn không mất đi vẻ tinh xảo và khi diễn trò, người xem vẫn bị lôi cuốn theo các màn diễn. Các quân rối là loài vật thuờng mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện những ước mong của con người về thiên nhiên (mưa thuận gió hòa), con người được sống hạnh phúc, ấm no. Hình ảnh “con trâu” trong múa rối nước dân gian rất đẹp. Thiết kế tạo hình mang tính khái quát, ước lệ rất cao. Con trâu là người bạn thân thiết của nhà nông, người nông dân hiểu và yêu quý con trâu, biết giá trị của người bạn chăm chỉ hiền lành và rất tận tụy này. Chính vì vậy dù ở dạng thể nào (trâu cho cu Tý cưỡi, trâu đi cày, trâu để chọi trâu) đều được các nghệ nhân điêu khắc tạo tạc rất đẹp.

“Lân, Rồng” là rối linh vật. Những rối này tạo tạc theo hình mẫu điêu khắc dân gian ở đình, chùa, nhưng được giản lược các chi tiết không cần thiết. Cấu trúc thiết kế tạo hình con rối dựa trên cấu tạo cử động của con vật: thân rồng chia ra nhiều khúc.

Các quân rối sau khi tạc xong đem hom, bó, sơn vẽ rồi mới lắp các khúc vào dây xích và lắp máy điều khiển. Cử động của quân trò còn dựa vào

lực đẩy của nước, nên việc thiết kế tạo hình rất đơn giản, nhưng khi biểu diễn rối trông rất sinh động.

Qua thiết kế tạo hình múa rối nước dân gian chúng ta nhận biết được nhiều vấn đề, nhiều thông tin về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người xưa.

Người lao động nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công, mỹ nghệ, mỹ thuật, điêu khắc, kiến trúc đều phát triển. Đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh rất phong phú. Ý tưởng về nghệ thuật cũng rất táo bạo – từ những khúc gỗ đã tạo ra những con rối và sử dụng mặt nước tạo nên loại hình nghệ thuật sân khấu đặc sắc để lại cho con cháu là chúng ta ngày nay.

2.3.2. Thiết kế phục trang

Nói tới trang phục của múa rối nước truyền thống là nói tới các loại áo quần, khăn yếm, đầu tóc, đồ trang sức, hình thức trang điểm cho các nhân vật con rối người. Còn đối với các con rối là loài vật, dù chưa gặp con rối nào được nhân cách hóa trong khâu trang phục, ta cần hiểu những hiện tượng tạc, khắc, tô vẽ của nghệ nhân trên các con rối này coi như là nghiên cứu về trang phục của chúng.

Ở nghệ thuật múa rối nước, trang phục của con rối người không giống như trang phục nhân vật thuộc các loại hình nghệ thuật sân khấu. Cụ thể là, nhìn chung người ta không may áo, quần, khăn yếm thật cho con rối nước bằng các loại vải hay lụa thật mà chỉ tạc khắc con rối từ những khúc gỗ, nghệ nhân đồng thời tạo hình và xử lý màu sắc các loại trang phục, đồ trang sức… ngay trên hình con rối ấy.

Sau khi tạo hình xong được các nhân vật, các nghệ nhân sẽ “mặc” vào cho con rối những bộ trang phục cần thiết để càng làm nổi bật lên được tính cách mà các quân rối thể hiện trên sân khấu. Ta thấy con rối Tễu thường cởi trần, phía dưới được tạc một mảnh khố điều rộng bản. Tễu đầu tạc hai trái đào (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

hoặc được gắn hai bím tóc đen (bằng lông đuôi ngựa…) ở hai bên, đâm xiên ra một cách ngộ nghĩnh. Hai cổ tay tạc hai cái vòng to. Về sau có phường rối cho Tễu đeo thêm một cái vòng cổ (thật) cùng một cái khánh đính hai hay ba quả nhạc bằng đồng thật. Lại còn cho Tễu mặc áo không có tay bằng vải màu đen viền nẹp chỉ vàng.

Nhìn chung, những con rối nhân vật lao động được xuất hiện nhiều hơn cả và được khắc họa trang phục rất đặc thù: người đi cày, người úp nơm, người câu cá… thường chỉ cởi trần, đóng khố dây mảnh dẻ, người thì buộc khăn đầu rìu, người đội nón… Trang phục của họ rất đơn giản, mộc mạc, mang đậm chất nông dân Việt Nam.

Có phường rối đã tạc trang phục người đi câu cá chít khăn đầu rìu màu đỏ, mặc áo ngắn cổ chéo, thắt lưng bỏ giọt, quần xắn móng lợn đeo nón lá sau lưng. Các đô vật thì cởi trần khỏe mạnh, đóng khố nhiều màu sắc khác nhau… Còn các bà thường khăn vấn, tóc đen yếm thắm, hai cánh tay và lưng để trần, váy mặc cũn cỡn, thắt lưng màu, buông hai dải trước bụng. Có bà mặc áo cánh màu hò thủy, mở ngực lộ tấm yếm hoa hiên. Đi lễ, đi hội, nhân vật đứng tuổi mặc áo dài vắt chéo vạt, người trẻ tuổi mặc áo dài tứ thân, yếm cổ xây hai cổ xé, đều vấn khăn. Tóc rẽ ngôi giữa, thắt lưng màu nhiều vòng, buộc múi và thả hai dải ra ngoài áo. Có người đeo hoa cuống giá, hoặc hoa nụ tròn…

Đặc biệt, có quân rối bà chăn vịt được tạo hình rất độc đáo với búi tóc đỉnh đầu, nhưng lệch lạc với tấm váy xắn cao, vòng yếm đỏ quá hẹp không đủ để che hai bầu vú quả mướp lòi cả ra ngoài, đi đôi với nét mặt đăm chiêu thể hiện ở đôi mắt, khóe miệng… gợi lên hình ảnh một lớp người phụ nữ sớm khuya tần tảo, lao động cực nhọc để nuôi sống gia đình… Qua tấm yếm buông lơi, người xem còn có thể thấy được đây là một bà nông dân có con nhỏ, bà vừa cho con bú đã phải ra đồng trông coi đàn vịt, chẳng kịp quan tâm

đến sự kín đáo cần thiết của người phụ nữ và khi có việc lại phải về ngay với con, kẻo con đói sữa.

Nhìn chung, với các con rối là nhân vật nông dân lao động, trang phục được tạc nông liền khối thân con rối với những loại khăn, áo, khố hay yếm… giản dị, mộc mạc góp phần nói lên tính cách nhân vật.

Đối với những con rối đóng vai vua quan thì nghệ nhân thường cho các nhân vật vua mặc áo chéo, vạt dài, quan văn đội mũ cánh chuồn, mặc áo cổ tròn, quan võ đội mũ võ, mặc giáp phục… Có con rối quan chít khăn lượt, búi tóc, mặc áo ngắn gọn gàng, cổ chéo, choàng văn kiên, thắt lưng ngang bụng, chân đi ủng.

Các nhân vật cô Tiên (trong trò Bát tiên) đầu đội mũ hoa sen, tóc đen buông sau lưng, đeo hoa tai quả bầu, hai cánh tay để trần trắng nõn. Áo màu vàng, màu đỏ hoặc màu xanh, ngực đeo vân kiên cổ tròn hơi cao, có tua trước ngực, khác màu với màu áo. Phía dưới thắt lưng buộc múi giữa tấm che bụng, hoặc thắt qua những miếng trang trí hình cánh sen màu sắc khác nhau và cùng đè lên những dải vải hẹp kiểu dải phướn, mép viền, mũi nhọn chờm lên nhau, dải thì màu đỏ, dải màu xanh, màu vàng, thả dài xuống gấu váy.

“Trang phục” hóa trang của các con rối là con vật có thể hiểu là phần

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tạo hình trong múa rối nước dân gian việt nam (Trang 32)