Thiết kế máy móc điều khiển

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tạo hình trong múa rối nước dân gian việt nam (Trang 42)

Múa rối nước gắn liền với truyền thống văn hóa tâm linh Việt Nam. Những đặc sắc biểu hiện sự tinh tế, huyền bí lại gắn liền với kĩ thuật máy móc điều khiển con rối và truyền từ đời này qua đời khác.

Nghệ nhân biểu diễn được giấu kín trong buồng trò. Các con rối được tạo ra bằng vật liệu gỗ dễ kiếm. Các nghệ nhân do biết khai thác mặt nước để diễn trò nên con rối từ một vật vô tri vô giác trở thành những nhân vật sinh động và hồn nhiên, như có “phép lạ” thổi vào. Buồng trò là nơi giấu mình của các nghệ nhân, đồng thời còn là nơi để con rối, để sắp trò, để nhạc công biểu diễn. Ngày xưa, buồng trò làm rất đơn giản, không cầu kì như bây giờ. Theo các nghệ nhân tại phường rối thôn Rạch, xã Nam Trấn, Nam Định, chỉ cần dựng bốn cây luồng hoặc tre bốn góc được cắm sâu dưới nền ao tương đối chắc. Trên đầu cột cũng làm bốn cây gác lên trên bốn đầu cột. Tính từ mặt nước lên 20cm, buộc tiếp các cây vào luồng ba mặt, trừ mặt nước. Sau đó, bắt các tấm phên lên trên sàn để các nhạc công ngồi và để các con rối, chừa ra khoảng 2m để cho các nghệ nhân đứng điều khiển con rối biểu diễn.

Trước khi diễn, buồng trò chỉ dàn hai dàn cờ. Khi chưa được ra trò nhưng dưới mặt nước đã được bài trí các cọc và dây: bộ điều khiển các trò dây và phần lớn hệ thống dây cọc được liên quan từ trong buồng trò chạy ngầm ra. Bên cạnh, về phía trước của buồng trò cùng các cọc ngầm có liên quan đến các tiết mục, được bố trí xa hơn các trò dùng sào để cho các máy sào hoạt động.

Nghệ thuật rối nước lấy mặt nước làm nơi hoạt động cho các con trò, nên nước chính là yếu tố vừa cản trở, vừa hỗ trợ phối hợp cũng với con rối là nhân vật chính. Khung cảnh đặc tính lung linh của nước làm tăng thêm tính mềm mại và uyển chuyển của con rối cùng các động tác của nó. Nước cùng với không gian, âm thanh của buổi diễn (tiếng mõ, tiếng trống, tù và, thanh la, lời thoại) thêm vang vọng. Khi con trò xuất hiện thì mặt nước buồng sôi trào, có những đợt sóng nối đuôi nhau đập vào bờ, tạo nên âm thanh rất ăn nhập với các động tác mà con rối đang diễn trò. Bóng các con rối in xuống mặt nước tạo nên bức tranh kì diệu, lúc ẩn lúc hiện, thật là một giấc mơ kì lạ với khán giả.

Trong múa rối nước, máy điều khiển được coi trọng nhất, giữ gìn bí truyền tuyệt đối trong phường hội. Máy điều khiển tạo nên hành động của quân rối nước trên sân khấu, mấu chốt của nghệ thuật múa rối. Quân rối đẹp mới chỉ có giá trị về mặt điêu khắc, mới là những tác phẩm tạo hình chẳng khác gì các tượng thần tượng thánh ở đền chùa. Sự thành công của quân rối nước chủ yếu trông vào sự cử động của thân hình nó, hành động làm trò đóng kịch của nó. Phần này nhờ vào kỹ thuật chế tạo máy điều khiển và kỹ sảo điều khiển.

Nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò thực hiện nghề nghiệp. Máy không hoàn hảo sẽ bóp méo tài năng nghệ nhân. Máy điều khiển rối nước có thể xếp thành hai loại: máy sào và máy dây. Mặc dù vậy, nhưng loại máy nào cũng có nhiệm vụ: làm di chuyển quân rối; tạo hành động cho nhân vật. Cụ thể là:

Máy sào: Còn được gọi là máy cứng, máy ngang, máy kìm… gồm một

cây sào tre đực già và thẳng, được ngâm dưới ao, sau một thời gian được vớt lên để dùng. Sào có đường kính 3cm, chiều dài khoảng 3m hay 4m làm cán

cầm và một bộ phận gắn trên đầu để lắp quân rối. Tùy theo yêu cầu mà bộ phận này được cấu tạo đơn sơ hay phức hợp:

Loại máy sào đơn giản chỉ giữ và làm di chuyển toàn thân quân rối đi, đứng, ra, vào không cần có sự điều khiển phương hướng. Nghệ nhân đưa đẩy cây sào ngầm dưới mặt nước làm quân rối di chuyển bên trên. Sức cản của nước tác động vào để quân rối hay bánh lái gắn vào đế sẽ làm xoay chuyển hướng thân hình quân rối. Lực cản này mỗi phường sử dụng một cách bằng điều khiển máy của mình. Phường Nủa dùng máy sào có bánh lái giống như phường Bùi Thượng (Hải Hưng), phường Nguyễn, phường Đống, phường An Liệt (Hải Hưng), phường Đông Bình (Hà Nội)… đều có những kiểu máy riêng. Tác dụng của các kiểu máy đều như nhau, nhưng do cách cấu tạo, hiệu quả khác nhau ở chỗ đơn giản, nhẹ nhàng, linh hoạt nhiều hay ít, khéo dùng

sức cản của nước đến đâu như máy đu của Đống. (Đu Đống là một máy sào tinh xảo gồm một lưỡi gà bằng kim loại gắn ở bàn đu, có thể bám chặt vào một ngàm kim loại gắn ở đế quân rối “cô đánh đu” không thể rơi khi bàn đu di chuyển lên xuống, giữ chặt quân rối trên bàn đu. Nhưng quan trọng hơn còn ở bộ máy điều khiển người dún đu. Quấn rối này được lắp vào một đầu sào dài nhờ một bàn máy. Trong bụng quân rối khoét rộng có một hòn chì buộc kéo hai cánh tay quân rối theo kiểu đòn bẩy. Khi ống sắt đòn bẩy cắm vào bụng quân rối sẽ nâng hòn chì lên cao, làm dây kéo hai cánh tay chùng lại, hai cánh tay buông xuôi như thường. Nhưng sau khi đã gài được quân rối vào bàn đu, bàn máy được rút khỏi quân rối thì hòn chì sẽ tụt xuống, kéo căng dây nối vào hai cánh tay làm cho hai cánh tay giơ ngang ra như nắm lấy hai cái đu, nom rất đẹp mắt. Khi lấy quân rối vào thì làm ngược lại. Cốt lõi của kỹ sảo ở đây là sự sáng tạo ra lưỡi gà ở bàn đu và ngàm ở đế quân rối để giữ toàn thân con rối và hòn bi chìm trong bụng làm hai tay quân rối dang rộng hay buông xuôi). Sào bằng loại tre nhỏ, già, chắc, vừa tay cầm, thẳng,

thường dùng xong trò này, lại lắp sang trò khác. Chỉ bộ phận máy gắn ở đầu thay đổi. Dùng gỗ làm sào chỉ thấy ở phường Đống vì dùng diễn trong bể nước, sào gỗ Đống còn được cắt ngắn thành từng đoạn ngắn có chốt lắp nối vào nhau cho dài dần ra. Để giữ bí mật cho phường Rạch (Nam Chấn, Nam Hà) gọi với nhau là cái “mẫu”. Gỗ dùng làm sào là gỗ dẻ, vừa dẻo, cứng, bền, nhẹ…

Máy sào phức hợp có thêm bộ phận để nghệ nhân chủ động làm cử động cho từng phần trên thân hình và toàn thân quân rối. Muốn quân rối giơ tay, đá chân, quay phải, quay trái, cúi đầu… nghệ nhân chỉ kéo, giật, đưa, đẩy các dây nhỏ, các que trên nối từ bộ phận cần cử động ở quân rối, qua bàn máy đầu sào. Sự điều khiển thường phải kết hợp nhiều người như người giữ sào, người kéo dây làm giơ tay, làm quay thân… Kiểu máy này có sự nhẹ nhàng, linh hoạt của máy sào đơn giản đồng thời có sự phức hợp của máy dây. Với máy này, trò có thể gồm nhiều quân rối cùng hoạt động trên một bàn máy. Cũng có loại máy sào chế tạo chuyên dùng cho từng trò. Bàn máy đầu sào thường bằng gỗ, bằng sắt, lắp vào đầu sào bằng các chốt hay lạt buộc. Dây dùng ở máy sào là loại dây nhỏ se bằng tơ tằm, sợi gai, cước, tóc... Cũng có phường dùng một đoạn que tre (gọi là vè) thay đoạn dây từ bàn máy đến tay nghệ nhân dọc theo chiều thân sào.

Máy dây: Hay còn gọi là máy mềm, máy dọc… thay cây sào bằng một

sợi dây chão, dây thép căng trên đầu một hệ thống cọc đóng ngầm dưới mặt nước sân khấu để kéo một bàn máy lớn còn gọi là cũi trên lắp quân rối. Dây chão (còn gọi là dây nọc…) được căng từ trong buồng trò hoặc dài thành vòng (để đầu thả ra, đầu kéo về) hoặc chỉ là một dây thẳng để bàn mái trượt khi bị kéo ra hay co vào. Đường dây chính thường ở giữa sân khấu dùng cho nhiều trò. Bên cạnh còn có nhiều đường dây khác chuyên dùng cho từng trò (như trò Bật cờ, trò quân đóng đường, trò đàn ngũ phương…). Dây chính chỉ

dùng đưa bàn máy quân rối di chuyển. Mọi cử động của quân rối chủ yếu do các dây nhỏ (mắc từ quân rối qua bàn máy) đảm nhiệm. Bàn máy dây Nguyễn là một khung cũi lớn bằng gỗ đặt trên một cái nong. Cái nong vừa làm cho các chân bàn máy không cắm xuống bùn, không làm sục bùn, lại vừa tạo độ trơn trượt nhẹ nhàng khi kéo ra kéo vào. Mặt bàn máy có sẵn các lỗ đục để lắp quân rối và dây điều khiển cử động. Máy dây thường dùng cho các trò tập thể như múa Bát tiên, múa sư tử. Có nhiều nhân vật cùng hành động như các cô tiên vừa múa hai tay, lại nhún mình… múa sư tử có người múa cúi đầu, người múa đuôi, người đánh trống, người múa võ… Hành động ở trò dây chỉ nhắc đi nhắc lại một số động tác nhất định; đi lại cũng theo một đường. Máy dây còn dùng cho những quân rối lớn mà máy sào không đương nổi như chú Tễu, cô Tiên (phường Nguyễn)…

Có phường dùng dây thép thay dây chão (phường Nủa – Hà Nội) với một khung gỗ nhỏ, mắc treo vào dây bằng hai đanh khuy ở cạnh. Mặt dưới buộc thêm gạch đá để giữ cân bằng trên dưới. Mỗi trò được làm sẵn trên một bàn máy riêng để chỉ lắp vào khung gỗ trên dây khi cầm.

Phường Bùi Xá (Hà Bắc) dùng hai dây thép luồn qua khung gỗ lắp bàn máy, không phải dùng gạch đá buộc dưới giữ cân bằng.

Nghệ nhân phường Nguyễn thì buộc trực tiếp vào dây nọc đàn cá đông đúc theo chiều dài, bắt chúng bơi lượn, quẫy lộn. Việc co, kéo, nâng, dìm, nhanh, chậm, mạnh hay yếu tạo nên sự sinh động.

Bằng loại máy dây, phường Nủa đã cho quân rối mang trầu thuốc tới sát bờ mời người xem, hai con trâu phường Đống đã trọi nhau quanh ao. Bàn máy dây còn được chế tạo thành nhiều dạng khác như: thuyền, bè trong trò Tiên thuyền, Tiên bè (phường Nguyễn)… tàu chiến trong trận đánh tàu trên sông Lô (phường Nguyễn)…

“Về căn bản, múa rối nước là trò rối máy (marionettes à claviers). Kĩ thuật chế tạo nhằm đảm bảo giấu các bàn máy trong lòng nước, lợi dụng sức nước, tạo sự điều khiển từ xa, cống hiến cho người xem nhiều điều kì lạ, bất ngờ, trái quy luật thông thường mà khó lí giải, bác bỏ được…” [18; 80].

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tạo hình trong múa rối nước dân gian việt nam (Trang 42)