Nói tới trang phục của múa rối nước truyền thống là nói tới các loại áo quần, khăn yếm, đầu tóc, đồ trang sức, hình thức trang điểm cho các nhân vật con rối người. Còn đối với các con rối là loài vật, dù chưa gặp con rối nào được nhân cách hóa trong khâu trang phục, ta cần hiểu những hiện tượng tạc, khắc, tô vẽ của nghệ nhân trên các con rối này coi như là nghiên cứu về trang phục của chúng.
Ở nghệ thuật múa rối nước, trang phục của con rối người không giống như trang phục nhân vật thuộc các loại hình nghệ thuật sân khấu. Cụ thể là, nhìn chung người ta không may áo, quần, khăn yếm thật cho con rối nước bằng các loại vải hay lụa thật mà chỉ tạc khắc con rối từ những khúc gỗ, nghệ nhân đồng thời tạo hình và xử lý màu sắc các loại trang phục, đồ trang sức… ngay trên hình con rối ấy.
Sau khi tạo hình xong được các nhân vật, các nghệ nhân sẽ “mặc” vào cho con rối những bộ trang phục cần thiết để càng làm nổi bật lên được tính cách mà các quân rối thể hiện trên sân khấu. Ta thấy con rối Tễu thường cởi trần, phía dưới được tạc một mảnh khố điều rộng bản. Tễu đầu tạc hai trái đào
hoặc được gắn hai bím tóc đen (bằng lông đuôi ngựa…) ở hai bên, đâm xiên ra một cách ngộ nghĩnh. Hai cổ tay tạc hai cái vòng to. Về sau có phường rối cho Tễu đeo thêm một cái vòng cổ (thật) cùng một cái khánh đính hai hay ba quả nhạc bằng đồng thật. Lại còn cho Tễu mặc áo không có tay bằng vải màu đen viền nẹp chỉ vàng.
Nhìn chung, những con rối nhân vật lao động được xuất hiện nhiều hơn cả và được khắc họa trang phục rất đặc thù: người đi cày, người úp nơm, người câu cá… thường chỉ cởi trần, đóng khố dây mảnh dẻ, người thì buộc khăn đầu rìu, người đội nón… Trang phục của họ rất đơn giản, mộc mạc, mang đậm chất nông dân Việt Nam.
Có phường rối đã tạc trang phục người đi câu cá chít khăn đầu rìu màu đỏ, mặc áo ngắn cổ chéo, thắt lưng bỏ giọt, quần xắn móng lợn đeo nón lá sau lưng. Các đô vật thì cởi trần khỏe mạnh, đóng khố nhiều màu sắc khác nhau… Còn các bà thường khăn vấn, tóc đen yếm thắm, hai cánh tay và lưng để trần, váy mặc cũn cỡn, thắt lưng màu, buông hai dải trước bụng. Có bà mặc áo cánh màu hò thủy, mở ngực lộ tấm yếm hoa hiên. Đi lễ, đi hội, nhân vật đứng tuổi mặc áo dài vắt chéo vạt, người trẻ tuổi mặc áo dài tứ thân, yếm cổ xây hai cổ xé, đều vấn khăn. Tóc rẽ ngôi giữa, thắt lưng màu nhiều vòng, buộc múi và thả hai dải ra ngoài áo. Có người đeo hoa cuống giá, hoặc hoa nụ tròn…
Đặc biệt, có quân rối bà chăn vịt được tạo hình rất độc đáo với búi tóc đỉnh đầu, nhưng lệch lạc với tấm váy xắn cao, vòng yếm đỏ quá hẹp không đủ để che hai bầu vú quả mướp lòi cả ra ngoài, đi đôi với nét mặt đăm chiêu thể hiện ở đôi mắt, khóe miệng… gợi lên hình ảnh một lớp người phụ nữ sớm khuya tần tảo, lao động cực nhọc để nuôi sống gia đình… Qua tấm yếm buông lơi, người xem còn có thể thấy được đây là một bà nông dân có con nhỏ, bà vừa cho con bú đã phải ra đồng trông coi đàn vịt, chẳng kịp quan tâm
đến sự kín đáo cần thiết của người phụ nữ và khi có việc lại phải về ngay với con, kẻo con đói sữa.
Nhìn chung, với các con rối là nhân vật nông dân lao động, trang phục được tạc nông liền khối thân con rối với những loại khăn, áo, khố hay yếm… giản dị, mộc mạc góp phần nói lên tính cách nhân vật.
Đối với những con rối đóng vai vua quan thì nghệ nhân thường cho các nhân vật vua mặc áo chéo, vạt dài, quan văn đội mũ cánh chuồn, mặc áo cổ tròn, quan võ đội mũ võ, mặc giáp phục… Có con rối quan chít khăn lượt, búi tóc, mặc áo ngắn gọn gàng, cổ chéo, choàng văn kiên, thắt lưng ngang bụng, chân đi ủng.
Các nhân vật cô Tiên (trong trò Bát tiên) đầu đội mũ hoa sen, tóc đen buông sau lưng, đeo hoa tai quả bầu, hai cánh tay để trần trắng nõn. Áo màu vàng, màu đỏ hoặc màu xanh, ngực đeo vân kiên cổ tròn hơi cao, có tua trước ngực, khác màu với màu áo. Phía dưới thắt lưng buộc múi giữa tấm che bụng, hoặc thắt qua những miếng trang trí hình cánh sen màu sắc khác nhau và cùng đè lên những dải vải hẹp kiểu dải phướn, mép viền, mũi nhọn chờm lên nhau, dải thì màu đỏ, dải màu xanh, màu vàng, thả dài xuống gấu váy.
“Trang phục” hóa trang của các con rối là con vật có thể hiểu là phần cấu tạo bên ngoài của con rối bao gồm cả đường nét và màu sắc thể hiện. Đối với rối về con vật tạo hình, tạo sắc, cũng như con rối người đều được cách điệu hóa, đa số vẫn được tham khảo từ các bức tượng gỗ ở đình làng, chùa
làng, từ các bức tranh Đông Hồ truyền thống. Các nghệ nhân đã “mặc cho các con rối vật này những trang phục giản đơn hơn và hóa trang cho chúng bằng những điểm nhấn cần thiết” [3; 95]. Như ở các con rối Trâu (trong trò
Chọi trâu), ngoài việc tạc hình con trâu có tướng tốt như “sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn” còn dùng màu con đen, con trắng để người xem dễ phân biệt khi chúng trọi với nhau loạn xạ;
trên mình con trâu còn vẽ những vòng khoáy rất to, trên sừng kẻ những vạch khá rõ.
Các con rối Ngựa (ngựa hồng, ngựa bạch…) lông bờm, lông đuôi được làm bằng sợi đay nhuộm, các bộ phân yên cương, tấm che ngực, quả nhạc ngựa đều được sơn vẽ hay được đính đầy đủ. Những con rối vật này đã được nghệ nhân quan tâm vẽ đôi mắt rất to làm cho chúng có linh hồn sống động.
Con rối Ếch cũng như vậy, mắt to tròn, lồi như hòn bi, miệng rộng, da xanh điểm vàng, đỏ. Những con rối Vịt được tạc giống như Vịt thật nhưng được sơn điểm các màu khác nhau để khi nhìn vào đàn đem lại sự vui mắt cho người xem.
Những con rối Cá là nhân vật quen thuộc trong môi trường nước, ở các tiết mục đánh cá, cá – ba ba, cá – rùa, úp nơm, kéo vó… Con rối Cá thường được làm rất to, có khi bằng con rối người và được sơn nhiều màu khác nhau, vẫn có thể chấp nhận được.
Một số con rối Rồng, Lân, Rùa, Phượng đã được tạc hình chủ yếu dựa vào các linh thú chạm khắc ở các đình làng, chùa làng, nhưng những con rối này đã được giản đơn rất nhiều. Ví như hình Rồng ở đình, chùa tuân thủ các yếu tố: mũi sư tử, mắt phượng mang thú, thân rắn, chân cá sấu, móng chim ưng; có nơi tạc hình rồng với mắt lồi, sừng nai, tai cánh xẻ, mũi sư tử, mang nhỏ, cổ rắn, vây cá chép… thì ở con Rồng trong rối nước, người ta chỉ giữ lại mấy chi tiết điển hình như mũi, chân và đặc biệt là các hàng đao nhọn ở cổ, sống lưng và đuôi, có trang trí bằng những viền sáng màu, rõ nét. Chân Rồng không cần vẽ móng. Thân Rồng chỉ cần chạm nông và tô vài mảnh vẩy, cũng sơn màu chủ đạo là các màu đỏ, vàng hoặc đen để định danh cho Rồng đỏ, Rồng vàng hoặc Rồng đen…
Cũng giống như tượng con Lân ở đình làng, con Lân rối nước đầu gần giống như đầu rồng, mũi to, chán đỏ, mắt lồi, răng nhe trắng nhởn. Đặc biệt
trên thân Lân được trang trí nhiều văn xoắn (giống Lân ở đình chùa) màu vàng, đỏ, hoặc vàng, xanh, đỏ. Nhưng tai Lân (rối) hình quạt như vây cá, có thể cử động. Đuôi cũng vậy, hình hai chiếc lá (sơn màu xanh) khác với con Lân (ở đình chùa) đuôi giống đuôi bò, đuôi ngựa hoặc đuôi hổ.
Quy (con rùa) được thể hiện đơn giản với một mảnh mai màu vàng khắc chìm hoa văn, cổ sơn màu vàng dặm, điểm những khoảng xanh, vàng, đỏ, nghểnh ngáo, đầu dài, mắt tròn, miệng hé. Bốn chân Rùa làm bằng bốn miếng gỗ dẹt màu nâu. Nhìn chung cũng giống như Rùa ở đình chùa nhưng những con Rùa rối có tư thế ngẩng đầu cao, chân dẹt để dễ diễn xuất.
Phượng ở đình chùa được tạc theo những yêu cầu như mỏ vẹt, cổ ngỗng hay cổ rắn, thân gà, đuôi công. Phượng rối thì được nhấn mạnh vào chiếc mỏ vàng khá to, màu đỏ, đôi mắt dài (mày ngài mắt phượng). Suốt chiều cao của cổ Phượng, các nghệ nhân cho cuốn trang trí những dải vải ngắn buông dọc (làm bằng vải sơn) màu đỏ, vàng, xanh gắn giữa vạch trắng. Hai cánh cũng như vậy. Đặc biệt là bộ lông đuôi gồm 4 – 5 dải được làm bằng vải sơn màu đỏ, xanh, vàng có điểm những hình mặt nguyệt như ở lông đuôi con Công. Các dải, hai mép Phượng cắt hình sóng lượn, tạo thành những nét mềm mại, duyên dáng cho con vật được coi là biểu tượng của nữ hoàng trong giai cấp phong kiến xưa.
Nhìn chung, trang phục của các quân rối là con vật chính là những màu sắc được người nghệ sĩ tạo hình thể hiện lên; đồng thời đi kèm theo là một số đạo cụ nhằm khắc họa nên nét độc đáo của quân rối. Mỗi con vật mang một nét đặc trưng riêng để khi ra biểu diễn thì nó đem lại hứng thú cho người xem.
Nghệ thuật múa rối nước tuy không có người (diễn viên) trực tiếp xuất hiện biểu diễn trước công chúng nhưng nó vẫn là một loại hình sân khấu với danh nghĩa đích thực của nó, mang đầy đủ các chức năng nghệ thuật, trong đó
có chức năng phản ánh hiện thực đời sống xã hội. Do đó mà trang phục hóa trang trong rối nước vẫn phải có nhiệm vụ kết hợp khắc họa thân phận, tính cách điển hình của nhân vật, mặc dù những tính cách nhân vật ở đây không quá đa dạng, phức tạp, cho nên không đòi hỏi sự gia công cầu kì, chi tiết như các bộ môn sân khấu khác.