Quân rối nước chính là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian, vừa gần gũi lại hiện thực, vừa mộc mạc, đằm thắm, trữ tình. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, mang tính hài và tính tượng trưng cao.
Nhân vật người bao gồm cả nam và nữ, già, trẻ… thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội: chú Tễu, bà chăn vịt, ông đi cày, cô gái dệt vải, ông sư, bà vãi… Các nhân vật thần tiên hay ác quỷ đều thuộc nhân vật người.
Nhân vật con vật bao gồm các loại: trâu, bò, chó, ngựa, vịt, gà, ếch, nhái, rùa, báo, hổ… Các con linh thú hay bán huyền thoại như: rồng, phượng, lân, sư tử… cũng thuộc loại nhân vật con vật.
Việc xây dựng nhân vật chịu sự chi phối của trò, tích trò và tính cách của nhân vật. Người nghệ nhân đã dựa vào những yếu tố này để xây dựng nên những nhân vật trong múa rối. Qua thiết kế tạo hình rối nước của các nghệ nhân xưa đã để lại cho chúng ta ngày nay hàng nghìn nhân vật rối. Nhân vật của rối nước rất đa dạng và phong phú. Có nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Có nhân vật thực sự biểu thị cho những con người mang bản chất
giai cấp khác nhau trong xã hội (xã hội phong kiến là chủ yếu), có nhiều nhân vật thần tiên, nhiều nhân vật mang tính biểu trưng, biểu tượng.
Sân khấu rối nước đã để lại hàng trăm nhân vật của trò và tích trò. Nhân vật của mỗi tiết mục rối nước thường không nhiều, hành động đơn giản. Tính cách nhân vật rối nước vì vậy không quá đa dạng, thường chỉ tiêu biểu cho từng mặt (tốt – xấu, địch – ta…), chung cho cả giới, cả tầng lớp (nam, nữ, già, trẻ, nông dân, nho sĩ, quan, lính, giàu, nghèo…), biểu tượng (long, lân, quy, phượng…), tưởng tượng (thần tiên, phật, thần thánh, ma quỷ…). Nhân vật rối nước trừ loại lịch sử, còn thường không có lai lịch rõ ràng, phát triển trọn vẹn mà chỉ xuất hiện trong một công việc hay một giai đoạn tiêu biểu. Nhân vật của sân khấu rối nước chủ yếu là: những người nông dân bình thường, quần nâu áo ngắn, tay cầy tay cuốc, mình vận khố trong các keo vật ngày hội làng, cầm lựu đạn chặn giặc trong thôn xóm… Những phụ nữ gập mình cấy lúa, nhổ mạ, tay thoăn thoắt lao thoi dệt cửi, chân chồn trên cối giã gạo canh khuya… Những cô gái mặc áo tứ thân, thắt lưng hoa đào hoa lý, chân tay vừa rửa sạch vết bùn đã uyển chuyển nhún mình trên cây đu ngày tết, trong điệu múa câu ca… Những ông già bà lão da mồi tóc bạc hiền hậu…
Trên sân khấu rối nước ta còn gặp các nhân vật lịch sử vừa chân thực vừa cụ thể, vừa kì vĩ vừa lý tưởng. Bà Triệu, Bà Trưng tay kiếm ngồi trên mình voi. Lê Lợi cưỡi thuyền rồng trên hồ trả lại Rùa vàng gươm báu, Trần Hưng Đạo dũng mãnh trên chiến thuyền chỉ huy binh tướng đánh tan quân Thoát Hoan trên sông Bạch Đằng. Những anh Vệ quốc quân bắn chìm tàu trên sông Lô, phá đồn bốt giặc trên đường 10.
Bên cạnh những nhân vật được coi trọng thì đối tượng đả kích của sân khấu rối nước là những tên giặc cướp nước tàn bạo, nhưng tên bán nước hèn hạ thể hiện qua những Liễu Thăng, Thoát Hoan, quan Tây, lính ngụy.
Sân khấu rối nước ngoài những nhân vật biểu tượng như Tứ linh (long, ly, quy, phượng) còn có nhiều nhân vật gần gũi với đồng ruộng, gắn bó với cuộc sống no đủ, yên ấm của người nông dân như con trâu, con bò, đàn vịt, đàn cá…
Một nhân vật quan trọng mà chúng ta không thể không nói tới là nhân vật chú Tễu. Chú là linh hồn, là nhân vật quan trọng nhất của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.
Kho tàng nhân vật rối nước thực ra mới chỉ là những gương mặt thân quen thường ngày nơi làng xóm, có cuộc sống bình lặng sau lũy tre, cày sâu cuốc bẫm, giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh, hết giặc lại cùng con trâu ra đồng, sản xuất lúa gạo nuôi gia đình… Đó chính là hình ảnh của những người nông dân đang hăng say lao động: các cô, các chị đang cấy lúa, say thóc, giã gạo; các chú, các anh đang cày bừa; cô tát nước; anh đánh dậm; bác câu cá… và nhân vật chú Tễu.
Trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhân vật rối nước cùng các tích trò vẫn không thay đổi. Các trò diễn vẫn chủ yếu là diễn tả cuộc sống sinh hoạt nơi làng quê với những gương mặt thân quen, gắn bó với bộ môn nghệ thuật này ngay từ khi nó mới ra đời. Chính những điều này đã làm nét đẹp của văn hóa Việt Nam.