Thân rối

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tạo hình trong múa rối nước dân gian việt nam (Trang 26)

Thân rối là phần nổi lên trên mặt nước, thể hiện thân hình nhân vật. Thân rối gồm đầu, mình, 2 tay và 2 chân. Đôi chân của rối không cần tạc toàn bộ, 2 bàn chân tạc lẫn vào đế rối. Trường hợp trò có yêu cầu cử động chân, lúc đó mới tạc cụ thể 2 bàn chân (trò bơi, trò leo lên cây đốt pháo…). Sở dĩ không cần tạc đôi bàn chân. Vì khi quân trò ra sàn diễn để rối ngập dưới mặt nước, đôi bàn chân (trên đế rối) dù có tạc chi tiết, cụ thể thì khán giả cũng không thể nhìn thấy khi quân trò dập dềnh trên mặt nước. Hơn nữa, nếu tạc cụ thể đôi bàn chân rối dễ bị gãy do va đập khi biểu diễn. Rối được tạc thân với đế là một khối liền, khi chuyển động là chuyển toàn thân. Các cử động của rối nước được thiết kế theo yêu cầu của trò diễn, như cử động đầu thì tạo khớp ở cổ, cử động tay thì tạo khớp ở vai, ở khuỷu tay, cử động chân thì tạo khớp ở bụng…

Rối nhân vật là người sau khi hoàn thành phần điêu khắc sẽ đục rỗng, phơi khô. Máy điều khiển rối sau sẽ lắp ở bụng rối.

Rối là loài vật sẽ phụ thuộc vào cấu tạo và yêu cầu cử động để tạo khớp. Ví như trâu, bò, ngựa cũng được đục rỗng ở bụng để giảm trọng lượng cho rối. Đế cho loài vật 4 chân là một bàn đế dài theo chiều dài của rối (sau khi sơn vẽ song mới đóng rối vào bàn đế). Bàn đế vừa để đóng rối, vừa để lắp máy điều khiển, đồng thời cũng có tác dụng như phao giúp cho con rối nổi trên mặt nước.

Nếu rối là loài bò sát như rồng, rắn hay cá không cần đế hay bàn đế. Thân rối tạo thành các khúc liên kết để quân trò cử động, uốn lượn trên mặt nước. Rối sư tử, lân chỉ tạc phần đầu và phần mông với đôi chân rồi được chốt lỏng vào hai bên mông. Cử động của chân rối lân, sư tử nhờ vào tác động của lực nước đẩy khi điều khiển rối biểu diễn. Phần thân của lân và sư tử là các vòng trong được làm từ mây hoặc tre, sau phủ vải vẽ để trang trí, dưới

bụng rối để trống (không bọc vải). Như vậy rối lân và rối sư tử chỉ có đầu và mông là tạc bằng gỗ, phần thân là vòng mây hoặc tre được phủ vải lên trên tạo hình khối giả. Các rối rồng, lân, sư tử đều nằm trên mặt nước, cử động của quân trò nhờ vào lực đẩy của nước. Riêng với rồng tương đối nặng nên có phao gắn ở đầu sào (phía dưới phần đầu của rồng) giúp cho nghệ nhân điều khiển rối dễ dàng, nhẹ nhàng hơn. Những con rối nhỏ như rắn, cá, ếch… không cần đế, máy điều khiển chỉ là bánh lái gắn ở đầu sào nơi lắp rối. Cử động của rối của rối cùng tận dụng lực đẩy của nước.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tạo hình trong múa rối nước dân gian việt nam (Trang 26)