Từ kết quả phân tích ảnh hưởng của các thành phần chất lượng cuộc sống công việc đến sự thỏa mãn công việc và sự đánh giá của nhân viên ngân hàng thương mại cổ phần về các yếu tố này, tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống công việc qua đó giúp gia tăng sự thỏa mãn công việc của nhân viên ngân hàng thương mại cổ phần.
Yếu tố điều kiện làm việc
Kết quả hồi quy cho thấy điều kiện làm việc là yếu tố có tác động mạnh nhất đến sự thỏa mãn công việc của nhân viên ngân hàng thương mại cổ phần (beta=0.316). Như vậy, để nâng cao sự thỏa mãn công việc, các nhà lãnh đạo ngân hàng cần đảm bảo những điều kiện làm việc tốt nhất có thể cho nhân viên của mình. Cụ thể trang thiết bị làm việc của nhân viên cần được chú trọng trang bị đầy đủ và hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên có thể xử lý các giao dịch một cách nhanh chóng nhất, đáp ứng được khối lượng giao dịch lớn phát sinh trong ngày và rút ngắn được thời gian giao dịch.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cần chú ý đến việc đảm bảo sự an toàn cho họ tại nơi làm việc như lắp đặt các thiết bị báo động cháy và các bình phòng cháy chữa cháy đồng thời hướng dẫn cho họ cách thức sử dụng để đề phòng khi có sự cố xảy ra.
Ngoài ra, việc bố trí an ninh chặt chẽ tại nơi làm việc cũng cần được chú trọng vì điều đó giúp nhân viên và khách hàng có thể yên tâm hơn khi thực hiện giao dịch tại đơn vị.
Yếu tố cân bằng công việc và cuộc sống
Từ kết quả phân tích hồi quy cho thấy yếu tố cân bằng công việc và cuộc sống có ảnh hưởng dương đến sự thỏa mãn công việc của nhân viên ngân hàng (beta=0.235). Do vậy, để nâng cao sự thỏa mãn của nhân viên thì các nhà quản trị ngân hàng cần phải giúp nhân viên có thể cân bằng công việc và cuộc sống của họ.
Thật vậy, việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên được xem là một yếu tố mang tính chiến lược trong lĩnh vực quản lý nhân sự tại các công sở trong thế kỷ 21. Nếu không có điều này, sức khỏe và các mối quan hệ sẽ bị ảnh hưởng, mức độ căng thẳng tăng cao, và năng suất công việc sẽ chững lại. Như vậy, các nhà quản trị nên có những biện pháp hỗ trợ nhằm giúp nhân viên cân bằng cuộc sống và công việc cụ thể như:
- Giảm bớt sự gò bó về thời gian cho nhân viên mà vẫn đảm bảo năng suất làm việc của họ như giữ nguyên thời gian làm việc 8g/ngày, nhưng thời gian bắt đầu và kết thúc có thể thay đổi sao cho phù hợp với giờ giấc của cả nhân viên và tổ chức. Hoặc người lao động có thể làm nhiều giờ hơn trong một ngày và ít ngày hơn trong một tuần, miễn sao họ đảm bảo làm việc đủ 40g/tuần hay 48g/tuần. Những cách sắp xếp này cho phép người lao động quản lý thời gian của mình dễ dàng hơn và họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho các nhu cầu khác của cuộc sống cá nhân.
- Thành lập câu lạc bộ thể dục thể thao tại đơn vị như mở các lớp tập Gym, Yoga… miễn phí dành cho nhân viên. Qua đó, các nhân viên có thể nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần của mình.
- Cung cấp các giải pháp để giảm bớt nỗi lo lắng cho nhân viên của mình, ví dụ như: các chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người già, cho nghỉ phép trong trường hợp ốm nặng, cố vấn cách thức quản lý và giải quyết công việc gia đình….
- Có chế độ nghỉ mát hàng năm cho nhân viên và ưu đãi cho người thân khi đi cùng.
- Thường xuyên tổ chức các cuộc trao đổi để nắm bắt tình hình và chia sẻ áp lực đối với nhân viên.
Yếu tố cơ hội phát triển nghề nghiệp
Yếu tố cơ hội phát triển nghề nghiệp có ảnh hưởng dương đến sự thỏa mãn công việc của nhân viên (beta=0.12). Do đó để nâng cao sự thỏa mãn công việc thì các nhà quản trị cần tạo ra nhiều cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên của mình.
Chẳng hạn các nhà quản trị cần đầu tư đúng mức cho việc xây dựng một kế hoạch phát triển nghề nghiệp cho nhân viên. Kế hoạch này cần tập trung vào những nhu cầu phát triển của nhân viên và những chương trình hỗ trợ cần thiết mà doanh nghiệp nên cung cấp để giúp họ có thể đạt được mục tiêu.
Mặt khác, các nhà quản trị cần tạo điều kiện cho các nhân viên được tham gia các khóa đào tạo nội bộ và bên ngoài nhằm giúp nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ của họ. Với những ngân hàng có nguồn ngân sách hạn hẹp thì vẫn có nhiều hình thức khác để đào tạo và phát triển nhân viên. Đào tạo tại chỗ, một hình thức học từ công việc là một ví dụ. Với hình thức này, nhân viên có thể học và ứng dụng ngay kiến thức vừa học vào công việc một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để đầu tư cho đào tạo và phát triển nhân viên thật sự hiệu quả thì bộ phận nhân sự nên phối hợp với các trưởng bộ phận khác thảo luận với nhân viên trước và sau khi thực hiện các chương trình để hiểu rõ hơn nhu cầu đào tạo, tổ chức các khóa học đáp ứng đúng nhu cầu và đánh giá được tác dụng của các khóa học.
Ngoài ra, các nhà quản trị có thể thực hiện cơ chế đào tạo cán bộ nguồn bằng cách tổ chức các cuộc thi tuyển vào các vị trí chức danh quản lý ví dụ trưởng phòng, phó phòng, kế toán trưởng, giám đốc… cho các nhân viên có thâm niên và có năng lực chuyên môn cao, muốn có cơ hội thăng tiến. Những người trúng tuyển sẽ được đào tạo, bồi dưỡng, đưa đi thực tập tại các phòng ban hội sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch và sẽ được bố trí vào các vị trí quản lý còn trống.
Yếu tố lương thưởng
Yếu tố lương thưởng có ảnh hưởng dương đến sự thỏa mãn công việc của nhân viên ngân hàng (beta=0.141). Do đó để nâng cao sự thỏa mãn công việc thì các nhà quản trị cần xây dựng chính sách lương thưởng công bằng, hợp lý và mang tính cạnh tranh so với thị trường.
Về tiền lương: cần đảm bảo một mức thu nhập tương xứng với năng lực, kinh nghiệm, khối lượng công việc mà nhân viên được giao cũng như những đóng góp thực sự của mỗi nhân viên cho tổ chức.
Về tiền thưởng: cấu trúc tiền thưởng phải được đảm bảo công bằng, nhất quán và minh bạch. Các nhà quản trị cần giải thích cặn kẽ cho nhân viên về các tiêu chuẩn của chế độ tiền thưởng thì sẽ càng thúc đẩy họ làm việc hăng hái và thành công hơn.
Về chương trình phúc lợi: cần thể hiện sự quan tâm của tổ chức với nhân viên. Một số chế độ phúc lợi dành cho nhân viên cần được quan tâm như mua bảo hiểm tai nạn 24/24 giờ, bảo hiểm nhân mạng cho các nhân viên, mua bảo hiểm du lịch cho những người đi công tác ở các nước, cung cấp các chương trình chăm lo cho con em CB-CNV: ngày hội gia đình, khen thưởng con CB-CNV có thành tích học tập tốt…
Yếu tố hòa nhập trong tổ chức làm việc
Yếu tố hòa nhập trong tổ chức làm việc có ảnh hưởng dương đến sự thỏa mãn công việc của nhân viên ngân hàng (beta=0.14). Do đó để nâng cao sự thỏa mãn công việc thì các nhà quản trị cần tạo điều kiện cho các nhân viên hòa nhập trong tổ chức làm việc.
Một môi trường làm việc tốt trong đó các nhân viên đoàn kết, quan tâm chia sẻ, sẵn sàng hợp tác với nhau thực hiện công việc thực sự là điều mà các nhà quản trị cần quan tâm xây dựng nhằm nâng cao sự hòa nhập của các nhân viên trong tổ chức.
Ngoài ra, các nhà quản trị cũng cần thể hiện sự quan tâm của mình đến cấp dưới. Sự quan tâm này nhiều khi đối với nhân viên còn quan trọng hơn cả những lời khen trong cuộc họp hay trong đợt đánh giá thành tích hằng quý, hằng năm và nó có giá trị động viên rất lớn.
Bên cạnh đó các nhà quản trị cần phải đảm bảo việc đối xử công bằng với tất cả mọi người mà sự công bằng có được là dựa trên những chuẩn mực cụ thể, được sếp vận dụng nhất quán. Việc thông báo rõ ràng nguyên nhân ra một quyết định nào đó đối với nhân viên này hoặc nhân viên kia sẽ giúp tránh được tình trạng các nhân viên cho rằng sếp của họ thiên vị trong đối xử.
Yếu tố phát triển năng lực cá nhân
Năng lực cá nhân được hiểu là kiến thức, kỹ năng, khả năng và hành vi mà người lao động cần phải có, thể hiện ổn định, đáp ứng yêu cầu công việc và là yếu tố giúp một cá nhân làm việc hiệu quả hơn so với những người khác.
Từ kết quả phân tích hồi quy cho thấy yếu tố phát triển năng lực cá nhân có ảnh hưởng dương đến sự thỏa mãn công việc của nhân viên (beta=0.118). Do đó để nâng cao sự thỏa mãn công việc thì các nhà quản trị cần tạo điều kiện cho mỗi nhân viên được phát triển năng lực của mình.
Nhà quản trị cần giúp nhân viên tự chủ trong công việc cụ thể khi giao việc cho nhân viên thực hiện thì nhà quản trị không nên can thiệp sâu vào từng công việc nhỏ nhặt của các nhân viên mà nên để cho họ tự chủ thực hiện công việc theo cách thức riêng của mình. Về dài hạn, cách để nhân viên mắc lỗi và tự sửa sai này sẽ dẫn tới đội ngũ làm việc thông thái, tự tin, hiệu quả và có khả năng hơn. Đồng thời chính sự tự chủ trong công việc sẽ đem lại sự thỏa mãn và hứng thú cao trong công việc cho nhân viên và họ làm việc cũng sáng tạo hơn. Tuy nhiên, mỗi loại công việc sẽ phù hợp với từng người hoặc từng nhóm người nhất định do vậy nhà quản trị cần chọn đúng đối tượng để có thể giao việc phù hợp.
Ngoài ra, nhà quản trị cũng có thể giao cho nhân viên những công việc vượt năng lực của họ một chút nhằm kích thích phát triển những năng lực tiềm tàng của mỗi người.
Bên cạnh đó, nhà quản trị cần tạo điều kiện cho nhân viên thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau nhằm làm đa dạng các kỹ năng của họ.
Yếu tố sự tuân thủ luật và bảo vệ quyền lợi của nhân viên
Yếu tố tuân thủ luật và bảo vệ quyền lợi của nhân viên có ảnh hưởng dương đến sự thỏa mãn công việc của nhân viên ngân hàng (beta=0.116). Do đó để nâng cao sự thỏa mãn công việc thì các tổ chức cần tuân thủ luật và bảo vệ các quyền của nhân viên như quyền tự do các nhân, quyền được tham gia phát biểu ý kiến của mình đồng thời tôn trọng các đặc tính cá nhân của nhân viên tại nơi làm việc. Mặc khác, các chính sách và nội quy làm việc mà tổ chức đưa ra cũng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Yếu tố nhận thức trách nhiệm xã hội của tổ chức
Từ kết quả phân tích hồi quy cho thấy yếu tố nhận thức trách nhiệm xã hội của tổ chức có tác động ở mức thấp nhất đến sự thỏa mãn công việc của nhân viên ngân hàng (beta=0.097). Mặc dù sự tác động chỉ ở mức thấp nhất nhưng để nâng cao sự thỏa mãn công việc của nhân viên thì các nhà quản trị
cũng cần quan tâm cải thiện yếu tố này. Việc tích cực đóng góp cho cộng đồng và xã hội thông qua các hoạt động xã hội trực tiếp, các hoạt động tài trợ, các phong trào từ thiện một mặt thể hiện được trách nhiệm của tổ chức vì sự phát triển của xã hội mặt khác có thể giúp doanh nghiệp nâng cao được nhận thức và trách nhiệm xã hội của mỗi thành viên.
Bên cạnh đó doanh nghiệp phải luôn đảm bảo mang lại cho khách hàng các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao. Có như thế nhân viên mới cảm nhận được sự đóng góp đầy ý nghĩa của họ và vì vậy họ cảm thấy tự hào hơn về nghề nghiệp, về hình ảnh và thương hiệu của công ty.