Kết quả thảo luận nhóm cho thấy hầu hết các thành viên đều hiểu rõ khái niệm chất lượng cuộc sống công việc sau khi được tác giả trình bày. Các ý kiến đều cho rằng các thành phần của chất lượng cuộc sống công việc gồm lương thưởng công bằng và thỏa đáng, điều kiện làm việc an toàn và đảm bảo sức khỏe, phát triển năng lực cá nhân, cơ hội phát triển nghề nghiệp, sự hòa nhập trong tổ chức làm việc, sự tuân thủ luật và bảo vệ quyền lợi của nhân viên, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhận thức về trách nhiệm xã hội của tổ chức. Các yếu tố này đã thể hiện đầy đủ các khía cạnh của chất lượng cuộc sống công việc của nhân viên tại các tổ chức và không cần phải
bổ sung thêm yếu tố khác. Bên cạnh đó, khi được hỏi về mối liên hệ giữa các yếu tố trên với sự thỏa mãn công việc thì họ đều đồng tình rằng các yếu tố đó có thể ảnh hưởng đến sự thỏa mãn công việc của họ trong tổ chức.
Tiếp theo, bảng phỏng vấn sơ bộ được phát ra cho các thành viên tham gia nhằm bổ sung, điều chỉnh các biến quan sát đo lường các thành phần và ngôn từ sử dụng trong thang đo chất lượng cuộc sống công việc và sự thỏa mãn công việc cho phù hợp và dễ hiểu đối với các đáp viên. Kết quả cho thấy đa số các đáp viên đều thống nhất bổ sung thêm một biến quan sát “Anh/chị có thể sống hoàn toàn dựa vào tiền lương của mình” vào thang đo “Lương, thưởng công bằng và thỏa đáng” và loại một biến quan sát “Các ý tưởng và sáng kiến mới của anh/chị luôn được ủng hộ” trong thang đo “Sự hòa nhập trong tổ chức làm việc” do họ cho rằng biến này có nội dung chưa rõ ràng và không phù hợp.
Sau khi điều chỉnh, tác giả hoàn tất bảng câu hỏi phỏng vấn chính thức để sử dụng cho nghiên cứu định lượng.