Đổi mới nội dung, thiết kế lại chương trình, đa dạng hoá hình thức giáo

Một phần của tài liệu Sự vận dụng tư tưởng hồ chí minh về đạo đức cách mạng vào công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên việt nam hiện nay (Trang 65)

giáo dục đạo đức cho sinh viên

Trong nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên, có rất nhiều lần Bộ đã tổ chức biên soạn giáo trình và tài liệu tham khảo để phục vụ giảng dạy môn học; tổ chức nhiều hội thảo đánh giá về thực trạng đạo đức sinh viên nước ta. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, môn đạo đức học vẫn chưa được các trường Đại học, Cao đẳng đưa vào giảng dạy. Ngoài trừ một số trường thuộc khối sư phạm và khoa học xã hội nhân văn đưa vào giảng dạy.

Về nội dung, một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục đào tạo là nội dung chương trình. Nội dung chương trình càng hiện đại, thiết thực, phù hợp với đối tượng và môn học bao nhiêu thì kết quả, chất lượng của quá trình đào tạo càng cao bấy nhiêu. Hiện nay, nội dung chương trình đạo đức được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng nhìn chung còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được đòi hỏi của sinh viên. Giáo viên dạy môn đạo đức học phần lớn giảng dạy kiêm môn, đa số giáo viên dạy môn đạo đức xuất phát từ giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin. Họ chưa được đào tạo chuyên sâu về đạo đức học, vì vậy gặp không ít khó khăn trong quá trình giảng dạy, chưa đáp ứng được mục tiêu của môn học; từ đó chất lượng giảng dạy môn đạo đức còn thấp, hiệu quả mang lại chưa cao. Do vậy, đổi mới nội dung môn đạo đức học là tất yếu, khách quan, rất cần thiết và cần có chiến lược cụ thể mang tính lâu dài.

Thực tế cho thấy rằng, sinh viên để trở thành con người có đạo đức không nhất thiết phải học tập và nghiên cứu môn đạo đức. Có thể thông qua việc giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Thế nhưng để sinh viên phấn đấu trở thành người công dân tốt, mẫu mực, thực sự có đạo đức, thì cần phải có một niềm tin khoa học thực sự, không bằng con đường nào khác và tốt hơn là nghiên cứu và học tập môn đạo đức học và các thành tựu của các ngành khoa học khác. Cho nên, các trường đại học và cao đẳng cần xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên giảng dạy môn đạo đức học, sớm đưa môn đạo đức học vào giảng dạy và trở thành một môn học bắt buộc, với nội dung và chương trình hợp lý, phù hợp với sự vận động phát triển của xã hội. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Đạo đức học phải là ngành khoa học xã hội nhân văn và những người có trách nhiệm phải đi sâu nghiên cứu chuyên cần hơn nữa, phải trở thành môn khoa học không thể thiếu được trong các trường Đại học” [7, tr.79].

Về phương pháp: Phương pháp được hiểu là cách thức, biện pháp mà con người dùng để nhận thức và hoạt động nhằm biến đổi hiện thực. Theo cách hiểu đó, phương pháp giảng dạy được hiểu: là cách thức hoạt động tác động giữa người dạy (chủ thể dạy - người thầy) trực tiếp hoặc gián tiếp (qua các phương tiện như: sách, nghe nhìn…) với người học (vừa là đối tượng của việc dạy vừa là chủ thể học, tự học) nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung dạy học. Phương pháp giảng dạy là một trong những nhân tố thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục đào tạo. Khi đã xác định được mục tiêu, xây dựng xong nội dung chương trình thì phương pháp giảng dạy sẽ quyết định chất lượng của quá trình đào tạo. Phương pháp giảng dạy càng phù hợp với đối tượng và môn học bao nhiêu thì kết quả, chất lượng của quá trình dạy học càng cao bấy nhiêu.

Trong thực tế việc giảng dạy môn đạo đức học chưa đưa lại hiệu quả cao, một mặt là do nội dung chương trình sáo rỗng, chưa phù hợp; phương pháp giảng dạy môn đạo đức học hiện nay mang tính chất truyền thống, nặng về thuyết trình, giáo viên vẫn là trung tâm của lớp học. Cho nên, sinh viên tiếp thu đạo đức học một cách thụ động, họ không đưa ra được chứng kiến của mình trước các vấn đề bất cập của đạo đức xã hội hiện nay. Làm cho các buổi học môn đạo đức của sinh viên nhàm chán, họ thấy không thiết thực, học với mục tiêu là không phải thi lại, chứ không phải học để từ đó ứng dụng vào thực tế rèn luyện bản thân. Dẫn đến kết quả, khi thi, kiểm tra, sinh viên chỉ biết thuộc bài, nhắc lại những kiến thức đã được lĩnh hội ở lớp một cách máy móc, thiếu sáng tạo, năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn còn nhiều hạn chế, tạo ra giữa khoảng cách lý luận và thực tiễn.

Để đổi mới phương pháp giảng dạy môn đạo đức học cho sinh viên cần phải chú ý tới một số vấn đề sau:

Thứ nhất, trong giảng dạy đạo đức học hiện nay, cần phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp giáo dục truyền thống và hiện đại, tránh sự áp đặt, giáo dục một chiều với những nội dung chung chung, trừu tượng. Mà phải sử dụng các phương pháp sư phạm linh hoạt, mềm dẻo, tuỳ vào những ngành mà sinh viên đang theo học để truyền thụ cho họ. Với phương pháp truyền thống cần phải sử dụng tốt phương pháp nêu gương, với những ví dụ cụ thể về người tốt việc tốt trong các phong trào thi đua và cũng kịch liệt phê phán những hành vi trái với đạo đức, lương tâm và danh dự theo chuẩn mực đạo đức mà các ngành quy định. Phương pháp giảng dạy hiện đại là lấy sinh viên làm trung tâm, kết hợp sử dụng các phương tiện kỹ thuật vào giảng dạy; đặt ra những tình huống có vấn đề để sinh viên trao đổi, đánh giá, đưa ra những kinh nghiệm ứng xử của mình.

Kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại phải hướng tới người học, tạo ra hứng thú cho người học, làm cho sinh viên luôn trăn trở về những kiến thức đạo đức mình được tiếp nhận và thực tế công việc hàng ngày của mình. Muốn làm được điều đó, thì phải kết hợp giáo dục đạo đức cho sinh viên với hoạt động thực tiễn mà nền kinh tế thị trường đang đặt ra cho các chuẩn mực đạo đức. Bài giảng của giảng viên phải luôn mang hơi thở của thời đại, các nội dung đạo đức phải được làm phong phú, thiết thực.

Để công tác giáo dục đạo đức mang lại hiệu quả, không chỉ là đổi mới nội dung và phương pháp mà cần phải có chiến lược con người hợp lý. Đó chính là đội ngũ giảng viên giảng dạy môn đạo đức học, cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đây là vấn đề then chốt nhất mang ý nghĩa quyết định. Cần phải đào tạo giảng viên có trình độ chuyên sâu về môn đạo đức học, thường xuyên có những lớp bồi dưỡng kiến thức đạo đức học cho giảng viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải kết hợp với các bộ, ban ngành khác để cung cấp thực tiễn đạo đức trong các ngành của mình quản lý cho các giảng viên trong các đợt tập huấn hàng năm. Mặt khác, các giảng viên giảng dạy môn đạo đức phải là tấm gương đạo đức cho sinh viên, họ phải ý thức được mình đang giảng dạy môn học có ý nghĩa quan trọng hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức cho người học.

Thứ hai, phải đa dạng hoá các hình thức giáo dục đạo đức cho sinh viên. Đó chính là chúng ta lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức trong các hoạt động xã hội, từ các sân chơi giải trí cho đến các cuộc thi, các phong trào do Đoàn và Hội sinh viên tổ chức. Bằng các phương pháp như sử dụng truyền thông, tổ chức các sân chơi trên truyền hình, giáo dục qua

thực tế các tấm gương đạo đức, giáo dục thông các hoạt động mang tính chính trị - xã hội của các phong trào sinh viên.

Thế giới và nước ta đang đứng trước bối cảnh toàn cầu hoá, cuộc cách mạng khoa học, công nghệ đã làm cho xã hội bùng nổ thông tin, sinh viên tiếp thu tri thức phong phú và đa dạng trên nhiều kênh thông tin khác nhau. Do vậy, giáo dục đạo đức cho sinh viên phải có những hình thức phù hợp, thu hút được mọi người tham gia, giáo dục thông qua tấm gương đạo đức để lại ấn tượng rất lớn. Hiện nay, nhân dân cả nước đang hưởng ứng cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào: “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” với nội dung rèn đức, luyện tài đang có tác động rất lớn tới nhận thức và hành động của sinh viên cả nước. Những tấm gương đạo đức sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sinh viên, dễ lôi cuốn họ tự nguyện rèn luyện mình theo các chuẩn mực đạo đức từ những tấm gương tốt.

Giáo dục đạo đức cho thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng, là vấn đề cần thiết của đất nước trong giai đoạn hiện nay, đây là vấn đề Đảng và Nhà nước cần phải quan tâm và có chiến lược lâu dài cùng với chiến lược xây dựng con người Việt Nam, con người xã hội chủ nghĩa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp hiện đại hoá đất nước. Xây dựng đạo đức mới cho sinh viên cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của gia đình, nhà trường, xã hội để các em hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện “đức - trí - thể - mỹ”. Mặt khác, phải giáo dục cho sinh viên ý thức tự học, tự rèn luyện, tự chịu trách nhiệm, hăng hái tham gia các phong trào sinh hoạt đoàn thể nhằm giúp cho sinh viên hiểu rõ giá trị của cuộc sống, các giá trị của nhân văn, giá trị đạo đức trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Sự vận dụng tư tưởng hồ chí minh về đạo đức cách mạng vào công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên việt nam hiện nay (Trang 65)