góp phần vào việc đưa đất nước hội nhập khu vực và thế giới, nhằm phát triển nhanh kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh”, coi đó là sự định hướng lý tưởng, niềm tin của tuổi trẻ và là cương lĩnh hành động của sinh viên hiện nay. Như vậy, khi nói đến vị trí, vai trò của sinh viên cần nói đến vai trò xung kích trong học tập, phát huy trí tuệ tài năng và tính tích cực của họ, góp phần mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2.2. Tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên Việt Nam hiện nay viên Việt Nam hiện nay
2.2.1. Giáo dục đạo đức hướng tới mục tiêu hoàn thiện nhân cách cho sinh viên Việt Nam
Với Hồ Chí Minh, nhân cách là một thể thống nhất của đức và tài. Một nhân cách được xem là hoàn thiện khi có đủ đức lẫn tài, “hồng” và “chuyên”, trong đó đạo đức là gốc. Gốc là nơi sinh ra, tạo ra những cái khác đồng thời còn là bộ phận vững chắc nhất, dựa trên đó các bộ phận khác tồn
tại và phát triển. Ở đây, ý nghĩa “đức là gốc” được hiểu theo 2 khía cạnh như sau:
+ Thứ nhất, đạo đức là bộ phận cốt yếu nhất của nhân cách. Sự khác
nhau giữa nhân cách này với nhân cách khác, trước hết là sự khác nhau ở mặt đức của nó, ở hệ thống các phẩm chất xã hội của con người. Chính vì thế đạo đức là tiêu chí hàng đầu khi xem xét, đánh giá nhân cách của một người; là thước đo bản chất “người” của một con người. Hồ Chí Minh quan niệm: “Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng” [23, tr. 568].
+ Thứ hai, đạo đức là cơ sở cho việc định hướng và phát triển năng
lực của mỗi cá nhân để hoàn thiện nhân cách. Theo Hồ Chí Minh, người thực sự có đức thì bao giờ cũng cố gắng học tập, nâng cao trình độ, năng lực để làm những việc ích quốc lợi dân.
Hơn nữa, người có đạo đức thì không bao giờ đố kỵ mà luôn yêu quý và tiến cử hiền tài. Họ luôn luôn ủng hộ và sẵn sàng nhường bước cho những ai có tài hơn mình vượt lên trước. Là thành tố cơ bản của nhân cách, đạo đức được biểu hiện trong lối sống, trong quan hệ ứng xử. Nói cách khác, lối sống là thể hiện cụ thể quan niệm đạo đức trong những hình thức hoạt động của con người trong xã hội; là sự thể hiện chủ nghĩa nhân đạo và tinh thần nhân văn trong quan hệ giữa người với người nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh, tiến bộ. Do đó, lối sống có quan hệ với nhân cách và là mặt thể hiện của nhân cách ra bên ngoài.
Thống nhất với các nhà kinh điển, Hồ Chí Minh quan niệm: nhân cách, bản tính con người không phải là bẩm sinh, tự nhiên vốn có mà được hình thành, phát triển trong mối quan hệ nhiều chiều giữa cá nhân với gia đình và xã hội. Như vậy, nhân cách là sự phát triển về mặt xã hội của con
người. Trong quá trình tham gia hoạt động xã hội, mỗi cá thể người luôn chịu sự tác động có định hướng của xã hội. Qua đó mỗi cá thể hấp thụ và phát triển những năng lực người đặc trưng, trưởng thành như một nhân cách xã hội. Mặt khác, mỗi khi nhân cách được hình thành, bản thân nó mang tính tích cực, trở thành chủ thể của các quan hệ xã hội. Với tư cách là chủ thể của các quan hệ xã hội, con người bằng hoạt động của mình tác động trở lại xã hội.
Trong các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách, Hồ Chí Minh xem giáo dục là yếu tố giữ vai trò chủ đạo. Người viết: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên” [15, tr.383]. Vai trò chủ đạo của giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức đối với sự hình thành và phát triển nhân cách thể hiện ở chỗ:
+ Giáo dục đạo đức góp phần to lớn trong việc chuyển các quan niệm đạo đức từ tự phát sang tự giác, từ bị động sang chủ động, không ngừng nâng cao trình độ nhận thức các giá trị đạo đức cho mỗi người. Qua giáo dục đạo đức, nội dung các phạm trù, các quy tắc, các chuẩn mực đạo đức được nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn hơn, góp phần điều chỉnh hành vi con người phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội.
+ Giáo dục đạo đức góp phần tích cực trong việc truyền lại cho thế hệ đang trưởng thành những giá trị đạo đức mà các thế hệ trước tạo ra. Trên cơ sở đó giúp họ nhận ra giá trị của các giá trị đạo đức, nhận thấy giá trị và ý nghĩa cuộc sống mang tính nhân bản, nhân ái, nhân văn sâu sắc. Giáo dục đạo đức có vai trò to lớn trong việc nhân đạo hóa con người và đời sống xã hội của con người, trong việc hình thành, củng cố những giá trị nhân cách tốt đẹp.
+ Giáo dục đạo đức góp phần hình thành thái độ, niềm tin, tình cảm đạo đức cho mọi người. Là kết quả của giáo dục và rèn luyện, tình cảm đạo đức có tác dụng hướng dẫn hành vi con người làm sao để đạt giá trị đạo đức
cao nhất. Đây chính là sức mạnh tinh thần giúp cho con người vươn tới chân, thiện, mỹ.
Theo Hồ Chí Minh, giáo dục là để hình thành và phát triển nhân cách cho con người. Do đó, giáo dục phải bao gồm cả dạy người lẫn dạy chữ, trong đó dạy người là mục tiêu cao nhất. Sự nghiệp cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, suy cho cùng là nhằm mục tiêu giải phóng con người, hướng con người tới chân - thiện - mỹ, làm cho con người ngày càng hoàn thiện hơn. Mặt khác, con người có đạo đức, trí tuệ là động lực quan trọng đưa cách mạng đến thắng lợi. Từ nhận thức đó Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa... Đạo đức xã hội chủ nghĩa là cần kiệm xây dựng nước nhà”[16, tr.679].
Đánh giá cao vai trò sinh viên, đồng thời Hồ Chí Minh còn nhìn nhận sinh viên như là một chủ thể đang trong quá trình phát triển hoàn thiện nhân cách. Do đó, rất cần có sự định hướng của giáo dục. Bên cạnh những ưu điểm, sinh viên cũng có lắm khuyết điểm. Khuyết điểm của sinh viên là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Những khiếm khuyết trong nhân cách của sinh viên nếu không sớm được khắc phục thì sinh viên rất dễ đánh mất vai trò là người chủ tương lai của nước nhà. Để khắc phục, một mặt Hồ Chí Minh yêu cầu sinh viên phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện trên mọi phương diện: trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn, rèn luyện ý chí và lòng dũng cảm… Mặt khác, Người đòi hỏi gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần thấy rõ trách nhiệm của mình, phải thật sự quan tâm đến việc công tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên để họ trở thành những công dân hữu ích của xã hội.
2.2.2. Giáo dục đạo đức, lối sống là biện pháp tốt nhất giúp sinh viên nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với dân tộc
Sinh viên là bộ phận quan trọng của dân tộc, là rường cột, là tương lai của nước nhà. Vì thế, trong lịch sử sinh viên luôn là đối tượng tác động chủ yếu của các thế lực phản cách mạng. Chúng tìm mọi cách từ lừa bịp đến mua chuộc, dụ dỗ nhằm lôi kéo sinh viên đi vào con đường phản động. Hay ít nhất cũng làm cho sinh viên quay lưng lại với dân tộc, quên câu “đất nước hưng vong thất phu hữu trách”. Chủ nghĩa thực dân - một quái thai của chế độ tư bản, là bậc thầy trong việc “ru ngủ” thanh niên thuộc địa. Chiêu thức, thủ đoạn của chúng vừa đa dạng vừa tinh vi, hiểm độc.
Thời Pháp thuộc sinh viên Việt Nam bị chính quyền thực dân đầu độc bằng rượu cồn và thuốc phiện. Chúng ngăn cản sinh viên tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng tiến bộ trên thế giới bằng chính sách ngu dân và cấm tự do ngôn luận. Trong 1.000 làng thì có đến 1.500 cửa hàng rượu và thuốc phiện, nhưng cũng trong 1.000 làng đó, thì chỉ có vẻn vẹn 10 trường học [16, tr.38]. Trường học thực dân không nhằm mục đích nâng cao dân trí, thực hiện sứ mệnh “khai hóa” như đã tuyên truyền mà để đào tạo đội ngũ tay sai. Đó là một nền giáo dục đồi bại còn nguy hiểm hơn cả sự dốt nát. Nó không dạy người học tình yêu đối với quê hương đất nước, sự kính trọng và lòng biết ơn đối với các vị anh hùng của dân tộc.
Trái lại, điều duy nhất mà sinh viên thuộc địa có thể nhận được từ nền giáo dục thực dân là sự phục tùng, là lòng trung thành tuyệt đối với nước mẹ ở chính quốc. Nền giáo dục đó làm cho sinh viên từng bước quên đi cội nguồn dân tộc, đánh mất bản thân mình. Ngoài ra, chúng còn du nhập và ra sức cổ vũ cho lối sống phương Tây trong sinh viên. Đó là lối sống cá nhân ích kỷ chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình. Yêu thích và say mê với cái mới nhưng chưa đủ hiểu biết để phân biệt đâu là cái tiến bộ và phản tiến bộ
nên một bộ phận sinh viên đã lầm đường lạc lối. Thờ ơ trước vận mệnh của dân tộc, chỉ biết thụ hưởng cho riêng bản thân hay co mình lại trong cái tôi nhỏ bé với những “giấc mơ con đè nát cuộc đời con” là bức tranh toàn cảnh của sinh viên Việt Nam lúc bấy giờ. Thực trạng đó làm cho Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vô cùng lo lắng cho tiền đồ của dân tộc. Năm 1925 trong thư gửi sinh viên Việt Nam, Người viết:
“Thế thì sinh viên của ta đang làm gì? Nói ra thì buồn, buồn lắm: họ không làm gì cả. Những sinh viên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; những người có phương tiện thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác; còn những kẻ đã xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi! Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám SV sớm già cỗi của Người không sớm hồi sinh” [16, tr.133].
Sau năm 1954, Đế quốc Mỹ thay chân Pháp thống trị ở miền Nam. Để che giấu bộ mặt xâm lược, chúng thực hiện chủ nghĩa thực dân mới. Tuy có nhiều điều chỉnh trong chính sách cai trị nhưng chính sách đầu độc làm băng hoại sinh viên là không thay đổi. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong xã hội cũ, có nhiều nọc độc nó làm hại thanh niên, sinh viên. Nhất là văn hóa độc ác của Mỹ, nó dùng mọi cách như sách báo, phim ảnh,… để làm cho thanh niên, sinh viên hư hỏng, trụy lạc. Thậm chí một số thanh niên, sinh viên hóa ra lưu manh, trộm cắp, cờ bạc,…” [25, tr.455]. Thiếu kinh nghiệm do chưa từng trải nên không ít sinh viên miền Nam quên đi trách nhiệm, bổn phận của mình đối với tiền đồ của dân tộc, tự đánh mất vai trò “người chủ tương lai” của đất nước.
Mặt khác, các quan hệ đạo đức, tư tưởng phản động vốn là tàn dư của xã hội cũ luôn tồn tại dai dẳng. Một bộ phận sinh viên miền Bắc tuy sinh trưởng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn không tránh khỏi những tác
động, ảnh hưởng tiêu cực của nó. Họ trốn tránh những nhiệm vụ khó khăn, chỉ biết chăm lo cho lợi ích của riêng mình mà không quan tâm đến lợi của tập thể, của xã hội. Tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng trên, Hồ Chí Minh nhận thấy là do: “Ảnh hưởng của xã hội cũ, của chế độ thực dân, phong kiến còn lại. Bọn đế quốc, phong kiến tuyên truyền lừa bịp, xúi giục phỉnh phờ làm cho một số người lạc hậu trốn tránh nghĩa vụ, làm trái pháp luật, trái đạo đức công dân” [25, tr.452-453]. Vì thế mà Người xác định thói quen, truyền thống lạc hậu, chủ nghĩa cá nhân cũng là những kẻ địch to và nguy hiểm không kém so với chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc. Bởi vì nó làm cho mọi người thoái bộ, nó ngăn trở sinh viên một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Từ nhận thức đó mà Người cho rằng thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể tách rời với cuộc đấu tranh nhằm loại bỏ “những cái xấu xa do chế độ cũ để lại trong xã hội và trong mỗi con người” [26, tr.558].
Quyết tâm giành lại sinh viên từ tay bọn thực dân đế quốc, Hồ Chí Minh ra sức thức tỉnh sinh viên. Thông qua giáo dục đạo đức cách mạng và định hướng lối sống, Người giúp sinh viên nhận rõ tương lai của họ gắn chặt tương lai của dân tộc “Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên, sinh viên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên, sinh viên mới được tự do” [25, tr.398], và thanh niên, sinh viên “Muốn tiền đồ mình vẻ vang, nhất định vẻ vang, thì phải làm cho tiền đồ của Tổ quốc, của dân tộc vẻ vang, phải gắn tiền đồ của mình với tiền đồ dân tộc, tiền đồ giai cấp, không thể tách riêng được” [16, tr.381]. Người còn dạy thế hệ trẻ sống là phải có lý tưởng cao đẹp và phải phấn đấu đến cùng cho lý tưởng đó. Lý tưởng của thế hệ trẻ và cũng chính là lý tưởng mà suốt cuộc đời Người theo đuổi là “Làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập,
làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới” [18, tr.93].
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trước những cám dỗ của kinh tế thị trường, đã làm mai một nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đạo đức suy đồi phai nhạt lý tưởng, lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền , thiếu hoài bão, cá nhân, ích kỷ, vô trách nhiệm đang lỏi trong đời sống của thế hệ trẻ. Nhiều thanh niên, sinh viên sống buông thả, thờ ơ với mọi tình hình chính trị xã hội của đất nước, không có ý thức rèn luyện đạo đức, tự lực, tự cường, coi thường các giá trị nhân văn,…Thực tế cho thấy nạn đua xe trái phép, mê tín dị đoan, cướp giật,…đặc biệt là tình trạng nghiện hút, buôn bán và sử dụng ma túy đang tập trung hầu hết nơi thế hệ trẻ. Chính vì vậy, việc giáo dục đạo đức cách mạng và định hướng lối sống cho thế hệ trẻ giúp họ nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với dân tộc là hết sức quan trọng. Trước tình đó, Đảng ta có sự chỉ đạo kịp thời: “Đối với thế hệ trẻ, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp, giải quyết việc làm, phát triển tài năng và sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [3, tr.126].
Tóm lại, giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên chính là để giúp họ trở thành những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ xứng đáng của nước nhà và là người cách mạng chân chính. Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng; là công việc gốc của Đảng và Chính phủ, của Đoàn thanh niên, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
2.2.3. Hình thành đạo đức cách mạng, lối sống văn minh tiến bộ cho