Giọng suy tư, chiêm nghiệm triết lí

Một phần của tài liệu Giọng điệu thơ Lưu Quang Vũ trong tuyển tập Gió và Tình yêu thổi trê đất nước tô (Trang 50)

8. Bố cục khóa luận

3.2.2. Giọng suy tư, chiêm nghiệm triết lí

Hướng về cuộc đời trong khát vọng chiếm lĩnh bản chất hiện thực của nó cho phép thơ Lưu Quang Vũ dung nạp nhiều sắc thái giọng điệu khác nhau. Bên cạnh đắm đuối, nông nàn, xót xa, cay đắng, giọng thơ Lưu Quang Vũ cũng mang nhiều chiêm nghiệm, triết lí sâu sắc. Nó là sản phẩm của một cái tôi không ngừng suy tư, trăn trở về nhân sinh, thế sự. Ngay ở lứa tuổi 20, Lưu Quang Vũ đã có những vần thơ giàu tính chiêm nghiệm và chất triết lí. Nói như nhà thơ Anh Ngọc thì: “Lưu Quang Vũ là nhà thơ cổ điển ngay ở lứa tuổi 20”. Giọng thơ ông mang nhiều chiêm nghiệm ở những khía cạnh khác nhau: về đất nước, về cuộc chiến tranh, về trách nhiệm của nhà thơ với cuộc đời, và hơn cả là trách nhiệm của người cha với con.

Thơ là tiếng lòng, thơ là tiếng nói bên trong, tiếng nói của tâm hồn với chính nó. Thơ Lưu Quang Vũ cho thấy thơ ông là tiếng lòng ông. Thơ ông không chỉ bày

tỏ tiếng lòng qua những điều riêng tư nhất mà khi viết về quê hương, đất nước thì thơ ông vẫn ghi dấu ấn riêng về những điều nhà thơ nghĩ.

Đất nước đàn bầu với giai điệu suy tư sâu lắng, Lưu Quang Vũ đã có những chiêm nghiệm sâu sắc về đất nước: “Đất mênh mông tràn ngập ánh mặt trời/ Gió thổi lồng những đốm lủa không nguôi/ Tôi nhận hết, tôi là người tiếp nối/ Là dĩ vãng nhưng chẳng là bóng tối/ Nước mắt tôi ướt đẫm những dây đàn/ Quả bầu khô là tâm sự của cả vườn/ Mặt đàn gỗ là của rừng xanh thẳm/ Điệu bát ngát là của đồng của đất/ Lời vụng về là tha thiết lòng tôi”.

Giọng suy tư, chiêm nghiệm gắn liền với độc thoại nội tâm. Giọng điệu này cho ta thấy một Lưu Quang Vũ thường băn khoăn, hoài nghi. Vì thế có thể nói, thơ ông là những khoảng lặng trong cuộc sống ồn ào. Lưu Quang Vũ luôn thành thật phơi bày nỗi lòng của mình trong thơ. Những vui buồn, hờn giận,… luôn hiện lên trong thơ ông một cách chân thực.

“Thành phố lớn lao, bí mật tựa cuộc đời Tốt đẹp mà dang dở

Tôi dâng trọn đời tôi còn chưa đủ Không đắn đo gửi hết niềm tin”

(Viết lại một bài thơ Hà Nội)

Độc thoại nội tâm thường đi liền với suy tư chiêm nghiệm. Thơ Lưu Quang Vũ đậm chất suy tư, khó tìm thấy trong thơ ông những bài thơ nóng hổi tính thời sự. Giọng suy tư, chiêm nghiệm thường gắn với hoài niệm, nỗi nhớ và những trăn trở đời thường. Nhiều bài thơ của ông là những trải nghiệm chứa đựng những tâm sự, những suy nghĩ vô cùng cảm động và sâu sắc: “Anh sống hết những bài thơ anh đã viết/ Em thương ơi, khi đó em hiểu hết/ Điều anh không biết nói hôm nay/ Ta ngoảnh đầu nhìn lại tháng năm dài/ Mùa thu ấy vẫn còn nguyên ở đó”.

Trong suốt mấy chục năm chiến đấu và xây dựng đất nước, khi nhiều nhà thơ chỉ nói về cái vui của chiến đấu và chiến thắng thì Lưu Quang Vũ lại nói về cái xót xa, mất mát:“Đất nước tôi ơi!/ Những dòng sông đã cho tôi gương mặt/ Những chân trời đã cho tôi một tiếng hát/ Xin người tha thứ, Việt Nam ơi!/ Xin người đừng

trách giận, Việt Nam ơi!/ Và sống chết cùng người, đất nước mến thương ơi!”. Cũng thế, trong ngày hòa bình đầu tiên khi mọi người đang náo nức ngây ngất hạnh phúc thì nhà thơ lại suy tư về một đất nước “hậu chiến tranh” nghèo xơ xác: “Tết hòa bình đầu tiên/ Đất nước nghèo xơ xác”.

Thơ Lưu Quang Vũ không triết lí khô khan, không ồn ào lên gân mà lặng lẽ đem đến cho đời, cho sự cảm nhận về chân lí, về đức thủy chung ân tình. Trong giọng điệu suy tư về thời cuộc, về đạo lí ta đều nhận thấy tấm lòng nhân hậu đối với cuộc đời và con người:Em bảo cuộc đời này thảm hại lắm, xấu xa lắm/ Tất cả đều buồn cười vô nghĩa lí/ Mà khổ sở mà chết người/ Nhưng em ơi!/ Đâu đã là tuyệt vọng/ Nếu mọi người tốt đều lặng im/ Giữ riêng bàn tay trong sạch/ Ai là người dọn đi bùn rác/ Ai là người gieo hạt/ Cho ban mai tươi lành?” (Người con giai đến phòng em chiều thu).

Bên cạnh sự chiêm nghiệm về quê hương đất nước, về chiến tranh thì Lưu Quang Vũ còn có sự chiêm nghiệm về trách nhiệm của nhà thơ và thơ ca với cuộc đời:

“Thơ không phải là chứng minh

Không phải là hào quang phản chiếu của tấm gương Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa

Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả …

Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật”

(Nói với mình và các bạn)

Đây không chỉ là những chiêm nghiệm riêng của một con người đã trải qua một hành trình cuộc đời, một hành trình thơ nhiều cay đắng mà còn là tuyên ngôn nghệ thuật của các nhà thơ cùng thời với Lưu Quang Vũ và cho cả thế hệ các nhà thơ hôm nay, mai sau. Chất giọng chiêm nghiệm được cấu thành bởi hệ thống các câu thơ có cấu trúc định nghĩa và những hình ảnh thơ mang tính biểu tượng đó đã truyền đến bạn đọc nhiều nghĩ suy.

Thơ Lưu Quang Vũ là bản tổng kết về hành trình cuộc đời đầy giông bão mà mình vừa trải qua: “Gió đã dừng nơi cuối chót không gian/ Mưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳm/ Người đã sống tận cùng năm tháng/ Sau vô biên sẽ chỉ có vô biên”

Bình thản để nhìn nhận lại những được, mất; những buồn, vui; những hạnh phúc và đắng cay trong cuộc đời, Lưu Quang Vũ bắt đầu nhắc nhiều đến “phút cuối”, đến “cát bụi”, “cõi hư vô”, …:

“Có lẽ nào

Khi cánh cửa cuối cùng khép lại Chẳng còn gì ngoài cõi hư vô”

(Buổi chiều ấy)

Tình yêu trong những năm tháng ngọt ngào, hạnh phúc cũng đã có những

Lời cuối cho đôi lứa: “Xanh trên đời chốc lát/ Mà tình cờ gặp nhau/ Vừa ngắn ngủi vừa dài lâu/ Lúc tan xuống lại mỗi người một ngả/…/ Cả cuộc đời là ở sân ga/ Trước chuyến đi vô tận/ Cuộc lên đường tối tăm đơn độc/ Người ta chết có một mình/ Đó là điều buốt nhất/ Ở bên nhau trước khi tàu đến/ Ở bên nhau tấm vé đã nằm trong túi”.

Qui luật cuộc đời của mỗi con người là “Từ cát bụi sẽ trở lại cát bụi” nhưng điều quan trọng là con người phải dám sống, dám đi đến cái đích cuối cùng của cuộc đời:

“Đường xa lắm mà cuộc đời thật ngắn

Phải có sức lực và lương ăn cho mỗi chuyến đi Phải hiểu thấu mọi điều để thắng nỗi hoài nghi

Để sống với đời thường và sống cùng giấc mơ phía trước”

(Em II)

Lưu Quang Vũ không chỉ suy tư về cuộc sống, đất nước, con người mà những vần thơ viết cho con cũng hiện lên một giọng điệu đầy nghĩ suy về tương lai con sau này: “Nhìn con ngủ mơ màng/ Bố cứ nghĩ miên man/ Đến những dòng sông rộng/ Ngày mai con khôn lớn/ Biết có còn khổ không?”.

Giọng thơ Lưu Quang Vũ luôn trầm lắng, đôi khi buồn thương nhưng chưa bao giờ hết hi vọng vào những điều tốt đẹp cho cuộc sống của con người. Giọng điệu suy tư chiêm nghiệm cho thấy một “kiểu nhà thơ” có phẩm chất, trí tuệ thâm trầm, sâu sắc nhưng lúc nào cũng ấm áp sự tin yêu. Suy tưởng là một trong những bài đậm chất suy tư chiêm nghiệm của ông: “Xưa anh như lá thư không địa chỉ/

Con tàu không lửa than, con thuyền cũ không buồm/ Xưa anh thích những lời nói đẹp/ Nay anh thích những lời nói đúng/ Trước anh tự hào thấy mình chẳng giống ai/ Nay anh vững tâm thấy mình với mọi người/ Chung nỗi khổ, niềm vui, ước vọng…”

Lưu Quang Vũ đối lập hai khoảng thời gian “Xưa và nay” để suy ngẫm. “Xưa” “như lá thư không địa chỉ”, “thích những lời nói đẹp” còn nay “thích những lời nói đúng”, tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia với mọi người. Và từ đó anh đã nhận ra: “Con người cần đến nhau, con sông về biển rộng/ Muốn gặt hái phải tự mình gieo hạt/ Không làm người thua cuộc ở trong đời…” (Suy tưởng).

Như vậy, đi sâu vào khám phá những chiêm nghiệm, triết lí trong giọng điệu thơ Lưu Quang Vũ, chúng ta sẽ có cái nhìn trọn vẹn về nhân cách con người và bản năng thi sĩ của ông - một con người không ngừng suy tư, trăn trở trước những biến động của cõi trần ai này. Những chiêm nghiệm, triết lí sâu sắc mà Lưu Quang Vũ gửi gắm trong đó khiến thơ ông luôn bền bỉ với thời gian, bền bỉ với lòng người.

Một phần của tài liệu Giọng điệu thơ Lưu Quang Vũ trong tuyển tập Gió và Tình yêu thổi trê đất nước tô (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)