8. Bố cục khóa luận
2.2.2. Giọng tâm tình, ngợi ca
Thơ sở dĩ dễ đi vào lòng người, làm rung động tâm hồn của triệu triệu con người, có lẽ bởi nó đã diễn tả được những cảm xúc mong manh, sâu lắng trong tâm hồn. Để rút ngắn con đường vào trái tim độc giả, để những thổn thức của con tim khi nhìn về chiến tranh, về cuộc sống được bày tỏ một cách tự nhiên và tinh tế nhất, Lưu Quang Vũ đã sử dụng giọng tâm tình làm nền cho rất nhiều bài thơ của mình.
Như bao nhà thơ nổi danh khác, ngay từ buổi đầu cầm bút, hồn thơ Lưu Quang Vũ chứa chan tình mẹ và tác giả đã dàng cho mẹ những câu thơ thật âu yếm, mang một giọng điệu tâm tình, sâu lắng và xúc động: “Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ/ Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta” (Gửi mẹ). Nhà thơ dành cho mẹ những tình cảm chân thành của người con hiếu thảo. Nhà thơ tự nhận trong cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ của mẹ có một phần trách nhiệm của mình. Đúng như nhận xét của PGS.TS. Lưu Khánh Thơ: “Ấn tượng về những ngày kháng chiến gian khổ đã in đậm trong tâm hồn của cậu bé Lưu Quang Vũ, mà hình ảnh nổi bật lên vẫn là hình ảnh người mẹ tảo tần một nắng hai sương”… Những điều ấy trở thành nguồn cảm hứng cứ trở đi trở lại mãi trong các sáng tác sau này của ông:
“Mẹ vá áo mới biết con chóng lớn Mẹ không còn se chỉ để xâu kim Áo con có đường khâu tay mẹ vá
Thương mẹ nhiều con càng yêu áo thêm”
(Áo cũ)
Bài thơ Áo cũ được viết khi Lưu Quang Vũ mới 15 tuổi, nhưng những câu thơ đã thể hiện sự trưởng thành của người con khi cảm nhận được nỗi vất vả của mẹ theo năm tháng. Nhà thơ tự nhận mình là “đứa con nhiều lỗi lầm ương ngạnh”, tình yêu kính mẹ lại dạt dào, vô tận hơn:
“Phố huyện mấy lần tàu bay giặc bắn Nhà ta năm ấy cháy tan hoang
Mẹ ơi thương mẹ nhiều mưa nắng Những năm dài khoai sắn nuôi con”.
Giọng thơ tâm tình, thủ thỉ của Lưu Quang Vũ còn được thể hiện rõ nét trong những bài thơ viết về Xuân Quỳnh - người bạn đời. Bởi Xuân Quỳnh là người luôn yêu thương, che chở cho anh, nên khi Xuân Quỳnh “một tháng nằm bệnh viện”, anh trăn trở:
“Có phải vì mười lăm năm yêu em Trái tim em đã mệt”
Là một tâm hồn nhân hậu nên lúc nào Lưu Quang Vũ cũng tự nhận mình có lỗi trước tất cả mọi khổ đau, mọi vất vả của những người thân yêu. Trước sự nhọc nhằn của người bạn đời mình tự cho rằng chính mình làm em khổ đau: “Người yêu ơi/ Có nhịp tim nào buồn khổ vì anh”.
Bởi thế, anh đã dành tất cả tình yêu, lo lắng, sự chăm sóc, ân cần chu đáo cho tổ ấm của mình: “Trái tim hãy vì anh mà khỏe mạnh/ Trái tim của mùa hè tổ ấm chở che anh”.
Ngoài những vần thơ viết về mẹ, vợ,… Lưu Quang Vũ viết rất nhiều bài thơ cho con. Trong thơ ca xưa nay viết nhiều về tình mẫu tử nhưng tình phụ tử ít được đề cập, song ta thấy Lưu Quang Vũ viết khá nhiều. Ông gửi cho đứa con nhỏ tình cảm rất thiêng liêng: “Tháng tư, nắng trở trời/ Con thường hay ốm vặt/ Mẹ lo, đêm thức suốt/ Bố thương ngày bế hoài” (Thằng Mí).
Ta nhận thấy Lưu Quang Vũ - người cha rất mực yêu thương con bằng tình yêu giản dị mà sâu sắc. Khi con ốm bố đau, ông luôn lo lắng… Niềm vui lớn nhất trong ngày của nhà thơ cũng thật giản dị:
“Sau mỗi ngày bận rộn Bố có niềm vui lớn Buổi chiều đi đón con”
(Buổi chiều đón con)
Những vần thơ mộc mạc, giọng thơ tâm tình, nhẹ nhàng, thủ thỉ tràn đầy tình cảm yêu thương. Đó là một cái tôi dạt dào cảm xúc. Lưu Quang Vũ phải là người sống nội tâm, đa cảm, giàu tình yêu thương thì mới cảm nhận hết niềm vui trong cuộc sống gia đình đến như vậy.
Khi Lưu Quang Vũ có hạnh phúc làm cha, ông đã diễn tả được rất nhiều cung bậc yêu thương của lòng mình. Đó là nỗi lòng náo nức yêu thương, niềm vui đón đợi ngày đứa con đầu lòng Lưu Minh Vũ - chào đời: “Con thân yêu - người bạn nhỏ của cha” (Gửi em và con). Con là nơi ông gửi gắm những tâm sự. Cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, con ông mới tròn một tuổi, ông đã tâm sự với con về nỗi đau khổ và cả sự dằn vặt trong lòng. Lòng ông tê tái, bầm dập vì đau xót trong Nói với con cuối năm mà thực tình những điều sâu thẳm nhất của lòng cha hôm nay là dành để nói với ngày mai: “Lòng cha dẫu héo khô cành mận dại/ Nhựa âm thầm buốt trắng những chùm hoa/ Con ơi con hãy tha thứ cho cha/ Cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được/ Đời cha nắng gắt/ Mẹ con cần suối mát của đồng vui/ Con khôn lớn trên đời/ Hãy yêu thương mẹ/ Và hãy hiểu cho cha”.
Lưu Quang Vũ lại viết về con với tất cả sự dịu dàng, nâng niu và chiều chuộng. Ông chắt chiu từ niềm vui Buổi chiều đón con đến những lời ru đã cũ của cha và gửi gắm vào đó biết bao yêu thương mong mỏi: “Ôi ngày mai yêu thương của con/ Bố mẹ chắc sẽ già/ Như lời ru đã cũ/ Chẳng được cùng con qua/ Những mùa thu mùa hạ/ Dòng sông và biển cả/ Cánh buồm nào chờ con”.
Tình cảm yêu thương quyến luyến gia đình, người thân đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ và mang đến cho cuộc sống của tác giả nhiều niềm vui, nhiều ý nghĩa. Chính vì thế, những câu thơ viết về những người thân yêu nhất của ông luôn tràn đầy tình cảm.
Có lúc ông tâm sự cùng những người thân trong gia đình để một phần vơi bớt nỗi buồn, một phần thể hiện tình yêu, niềm hi vọng. Có những lúc ông đối thoại, tâm tình tranh luận với các bạn quan niệm thiếu hợp lí về thơ của một thời, về nhiệm vụ thơ ca thời lửa bỏng, về những cố gắng đổi thay thơ trong thầm lặng của mình. Lưu Quang Vũ đã chỉ ra cho các bạn thấy vai trò của các nhà thơ thời anh hùng:
“Thế hệ mình cần những người dũng cảm Dũng cảm yêu thương, dũng cảm căm thù”.
(Nói với mình và các bạn)
Có khi Lưu Quang Vũ lại gục đầu vào Tổ quốc bao la để tâm sự nỗi lòng rách nát, để thú nhận những phút giây yếu đuối của tâm hồn: “Tổ quốc là nơi tỏa
bóng yên vui/ Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh/ Nhưng nghĩ đến Người lòng ta rách nát/ Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi!” (Việt Nam ơi).
Ông thể hiện sự tha thiết yêu thương, gắn bó của mình với Việt Nam mến yêu bằng giọng điệu tâm tình: “Tôi làm sao sống được nếu xa Người/ Như giọt nước đậu vào bụi cỏ/ Như châu chấu ôm ghì bông lúa/ Người đẩy ra tôi lại bám lấy Người”
(Việt Nam ơi). Những lời tâm sự đến cháy lòng của Lưu Quang Vũ với Tổ quốc yêu thương đã kéo thơ ông đến gần bạn đọc hơn, bởi mỗi độc giả đều hiểu rằng ẩn đằng sau nỗi đau, nỗi buồn về thời cuộc chính là tình yêu quê hương đất nước vô bờ.
Bên cạnh giọng điệu tâm tình, chất giọng ngợi ca cũng được sử dụng nhiều trong thơ Lưu Quang Vũ, đặc biệt mảng thơ viết về chiến tranh. Tuy nhiên, giọng điệu này ít được sử dụng hơn, nó chủ yếu chỉ xuất hiện trong những sáng tác giai đoạn đầu khi cảm xúc trong thơ ông chưa chịu nhiều những va quệt của hiện thực.
Khi đi qua sông Thương - dòng sông đầy nước mắt xa xưa, nhà thơ chẳng thấy “Những suối buồn gửi tới mênh mang” nữa, mà chỉ thấy sự khỏe khoắn, kiên trung của dòng sông và con người:
“Sông Thương ơi, đang những ngày đánh Mỹ Nên đôi bờ nòng pháo hướng trời mây
Những cô lái đò súng khoác trên vai Đời đẹp vô cùng dòng lệ hóa dòng vui”.
(Qua sông Thương)
Không chỉ qua sông Thương mà khi chở về phố huyện, Lưu Quang Vũ cũng thấy những nhịp bước hành quân, rầm rập của đoàn quân cách mạng anh hùng:
“Người vượt pháo quân ta rầm rập bước/ Vẫn ánh trăng soi áo người Vệ quốc/ Phố huyện ơi, ta lại hành quân” (Phố huyện).
Giai đoạn sau, giọng tâm tình, giọng ngợi ca đã góp phần làm cân bằng hơn cảm xúc của Lưu Quang Vũ trong mảng thơ viết về chiến tranh. Giọng điệu này là yếu tố cần thiết để người đọc thấy được muôn mặt của Lưu Quang Vũ về chiến tranh: Có buồn thương, đau xót song ông vẫn tìm thấy những chấm sáng tin yêu để có quyền hi vọng vào một ngày sum họp non sông.