Giọng cô đơn, khắc khoải

Một phần của tài liệu Giọng điệu thơ Lưu Quang Vũ trong tuyển tập Gió và Tình yêu thổi trê đất nước tô (Trang 32)

8. Bố cục khóa luận

2.2.4. Giọng cô đơn, khắc khoải

Với Lưu Quang Vũ, thơ là một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Đọc thơ ông ta thấy rõ từng chặng đường đời của ông. Tác giả gửi gắm vào thơ tình cảm chân thành nói như Vũ Quần Phương: "Thơ là nơi anh kí thác nhiều nhất".

Ở tập thơ đầu tay Hương cây, ta bắt gặp một giọng thơ nồng nàn, trong trẻo, "đắm đuối đến mê hoặc" thì sau này ta lại bắt gặp một Lưu Quang Vũ nhiều suy tư, âu lo với một chất giọng đầy cô đơn, lẻ loi.

“Có những lúc tâm hồn tôi rách nát

Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn Một tấm gương chẳng biết soi gì”.

Cuộc sống trở nên buồn tẻ vô vị, có những lúc trong mắt nhà thơ tất cả đều cô đơn, rách nát, đổ vỡ. Sự cô đơn đậm đặc, triền miên thường trực đã đi cùng ông trong suốt năm tháng không bình yên. Với ông, nỗi cô đơn là một trạng thái bủa vây từ cả hai phía: khách quan do hoàn cảnh bị động và chủ quan do cái tôi nhà thơ chủ động tách mình ra khỏi sự đơn điệu, buồn tẻ, chọn con đường riêng cho mình: “Tôi chán cả bạn bè”, vì họ “chẳng nói được câu gì mới”, “Tôi bỏ ra đi” và “họ ngồi ở lại”; cuối cùng chỉ một mình nhà thơ trong “vắng ban đêm” (Có những lúc). Ông đã cô đơn ngay trên con đường mình chọn: “Anh là con ong bay giữa trời lận đận / Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao” (Bầy ong trong đêm sâu). Lưu Quang Vũ hoàn toàn mất niềm tin vào cuộc đời, vì vậy ông nhìn đâu cũng thấy nỗi cô độc: “Thời đau khổ chung quanh đều đổ nát/ Nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực” (Lá thu). Qúa nhạy cảm khiến nhà thơ nhận ra sự cô đơn của những người xung quanh khi chính họ không cảm biết được: “Những lá thư không biết gửi về đâu/ Những hải cảng không có tầu cập bến” (Lá thu). Ông không chỉ mất niềm tin vào cuộc đời mà có lúc ông còn mất niềm tin vào chính bản thân mình, xa lạ ngay bên cạnh những người ruột thịt thân yêu:Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/ Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao” (Mấy đoạn thơ, viết 1971). Lưu Quang Vũ đã khéo léo lựa chọn những hình ảnh vốn gợi ra cảm giác bình yên, đông vui: “ngồi cạnh mẹ”, “giữa lớp học” , “giữa đường phố”, nhưng ông vẫn cô đơn, lẻ loi.

Cô đơn và hồ nghi hết thảy, không biết nương tựa vào đâu. Muốn khát khao yêu người thì không sao yêu được. Muốn nương tựa vào tình yêu thì tình yêu tan vỡ: “Mặt tôi âm u như khu rừng rậm/ Nghe em cười giữa bạn bè đông vui” (Có những lúc).

Những kỉ niệm tuổi thơ mà cách đó vài năm nhà thơ hay chi chút quay về, bây giờ cũng không đủ an ủi tác giả nữa. Có lúc lòng ông thật hoang vắng thật rêu phong, cõi lòng của một người mới ngoài hai mươi tuổi. Mang cõi lòng ấy nhìn đổ vỡ chiến tranh. Lưu Quang Vũ có những câu thơ thật ấn tượng:

“Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ Sao hạt mưa có màu đen, ai biết?

Có lúc ông như kẻ bất đặc trí, cười khóc thảng thốt, nói năng văng mạng, rồi lại ngồi lặng xót xa. Thơ Lưu Quang Vũ lúc này có một sức chứa nội tâm rất lớn. Nhà thơ đã giúp cho chúng ta thấy một phía khác của chiến tranh, cái phía mà - vì cần cổ động cho chiến đấu - cả nền thơ đã phải nén lại và giấu đi. Ngày nay chiến tranh đã qua đi, kẻ thù cũ đã thành bạn bè mới, đọc lại những dòng thơ Lưu Quang Vũ chúng ta càng hiểu cái giá của tự do sau độc lập mà dân tộc đã phải trả. Thắng một cuộc chiến với Mỹ, đâu phải chuyện nhẹ nhàng. Chúng ta đã đọc những tổn thất về người về của, giờ đây chúng ta đọc thêm những tổn thất của tâm trạng. Và chúng ta hiểu rằng trong cõi người này, những vui buồn thật đa dạng. Trước một sự kiện có thể có nhiều tâm trạng. Ngay một dạng thức tình cảm cũng mang nhiều sắc thái khác nhau, trái ngược nhau. Trong một bài thơ mang cái tên rất dài Đêm đông chí, uống rượi với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn, các nhân vật gọi nhau bằng bác ấy đều chưa quá ba mươi tuổi và hình như lúc ấy họ đều không biết uống rượu:

“Tối đen thành phố đêm lưu lạc Máy bay giặc rít ở trên đầu Ba đứa da vàng ngồi uống rượu Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu”.

Không chỉ buồn bã, cô đơn có những lúc cái tôi ấy nguội lạnh vô cảm trong tâm hồn: “Giờ lạnh tanh anh không còn xao động nữa/ Không nỗi buồn không cay đắng không niềm vui” (Anh đã mất chi anh đã được gì).

Lưu Quang Vũ đã xây nên cái ốc đảo riêng cho mình: “Tôi viết những bài thơ chông lại chính tôi/ Chông lại bóng đen trì trệ của đời” (Nói với mình và các bạn - 1970).

Những dòng thơ trong thời kì ấy đã từng bị xem là “lạc điệu”, song cùng với thời gian chúng ta càng hiểu, trân trọng hơn tấm lòng của Lưu Quang Vũ, cảm thông chia sẻ với cảnh ngộ của ông. Có lẽ cũng từ những cõi lòng cô đơn, đắng cay ấy khiến Lưu Quang Vũ trưởng thành hơn trong cuộc đời và sáng tác.

Một phần của tài liệu Giọng điệu thơ Lưu Quang Vũ trong tuyển tập Gió và Tình yêu thổi trê đất nước tô (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)