7. Cấu trúc khóa luận
2.2.1. Hình ảnh “thân em” đẹp đẽ, sang trọng
Với hình ảnh so sánh mang ý nghĩa biểu đạt này, ta có các mô hình cấu trúc sau:
Câu lục: “Thân em như” + [sự vật đẹp]
Câu bát: [hoạt động tự nhiên của sự vật đẹp ấy]
Trong nỗi đắng cay về thân phận mình, họ vẫn tự tin khẳng định vẻ đẹp, giá trị vốn có với hình ảnh so sánh đẹp đẽ, cao quý. Trong chuỗi dài xót xa với những bài ca dao mang âm hưởng ai oán, ngậm ngùi ta vẫn thấy vút lên đâu đó những câu ca đầy tự tin, lạc quan thể hiện niềm yêu đời:
“Thân em như chim phượng hoàng
Khi bay qua bể, khi đậu ngàn sơn lâm” [1, 537]
Loài chim “phượng hoàng” tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn vốn gắn liền với bậc chân mệnh thiên tử. Đó là một trong tứ linh (long, ly, quy, phượng) nay được sử dụng làm chất liệu so sánh với “thân em” đủ cho ta thấy sự cao giá, đẹp đẽ của thân phận người con gái. Người con gái được ví với loài chim quý với sự tự do khi được sải cánh trong khung trời với không gian bao la “bể, sơn lâm”. Vì thế, câu ca dao không gợi lên sự ai oán, ngậm ngùi vốn có trong những lời ca suy ngẫm về thân phận mà nó thể hiện sự tự tin, kiêu hãnh của “em” khi nghĩ về thân phận mình. Những hình ảnh so sánh đẹp đẽ đầy sức sống như thế xuất hiện tương đối ít trong ca dao song chúng đều có giá trị thẩm mĩ độc đáo:
“Thân em như cây lúa trĩu bông”
Ngả nghiêng dưới ngọn nắng hồng ban mai” [1, 658 ]
Người con gái được ví với “cây lúa trĩu bông” tràn trề sức sống xuất hiện dưới không gian trong trẻo, mới mẻ “nắng hồng ban mai” thể hiện niềm yêu đời, lạc quan của người con gái đang ở độ đẹp nhất cuộc đời. Trong xã hội xưa, liệu có mấy “thân em” may mắn có được niềm hạnh phúc ấy.
Hình ảnh so sánh với ý nghĩa biểu đạt “thân em” đẹp đẽ, sang trọng còn gắn với mô hình sau:
Câu lục: “Thân em như” + [sự vật quý]
Câu bát: [vị trí cao sang, trọng vọng của sự vật quý ấy] “Thân em như thể chuông vàng
Ở trong thành nội có một ngàn quân lính hầu” [6, 262 ]
“Thân em” được so sánh với những hình ảnh cao quý, sang trọng được người đời trân trọng “chim phượng hoàng” và nay ở câu ca dao này là “chuông vàng”. “Chuông vàng” là loại chuông quý đầy giá trị, bản thân chuông khánh đã không tầm thường nhưng nói đến sự quý giá thì phải kể đến chuông vàng. Loại chuông ấy chỉ có trong cung và được canh giữ nghiêm ngặt. Qua đó người nghệ
sĩ dân gian khẳng định giá trị không hề tầm thường của người con gái. Giá trị bản thân được khẳng định đầy tự tin và tự hào trong xã hội “nam quyền” vốn không coi trọng tiếng nói của nữ giới. Hình ảnh “thân em như...” được so sánh đẹp đẽ, cao quý lạ thường xuất hiện trong ca dao không ít:
“Thân em như quả mãng cầu
Đặt lên hương án, hạc chầu hai bên” [6, 2032] Hay:
“Thân em như cá hóa long
Chín tầng mây phủ, ở trong da trời” [1, 317]
Người con gái ví mình như “cá hóa long”, từ thân phận thấp hèn vươn lên khẳng định giá trị bản thân mình với thân phận cao quý, sang trọng. Cuộc đời “em” thay đổi không còn cái mặc cảm, ám ảnh thân phận của kiếp đời “cá chậu chim lồng” đầy sự gò bó, hèn kém. Người con gái nay có một cuộc đời mới đầy tự do “chín tầng mây phủ, ở trong da trời”. Đó là kiếp đời mới mà bao cô gái sống trong xã hội xưa phải khao khát ước ao mà không sao có được.
“Thân em như giọt nắng xuân Mơ vào cửa phủ thấm nhuần thơ anh”
Người con gái trong câu ca dao hiện ra thật đẹp đẽ, trong trẻo khi được so sánh với “giọt nắng xuân”. Trong bốn mùa của đất trời mùa xuân là mùa khởi đầu với bao sinh khí khi tạo vật ở độ căng tràn nhựa sống. Cho nên “giọt nắng xuân” ấy cũng mang trong mình bao sức sống với cái màu nắng rực rỡ. Đó là hình ảnh để ám chỉ người con gái đang ở độ đẹp nhất cuộc đời với bao ước vọng và khao khát về tình yêu, mong muốn gắn kết đồng cảm với người mình yêu thương “thấm nhuần thơ” anh. Cô gái ý thức được giá trị bản thân, vẻ đẹp của mình và niềm khao khát về hạnh phúc lứa đôi của cô cũng không hề tầm thường, suồng sã. “Thân em” không chỉ đơn giản chấp nhận một cuộc sống thấp kém, mà cô gái hướng tới cuộc sống cao sang mà mình đáng được nhận. Đó chính là cuộc sống sung túc, đầy đủ nơi “cửa phủ”. Trong ca dao trữ tình thật hiếm những câu
ca dao viết về thân phận mà vẫn tràn ngập niềm tin tưởng và lạc quan như thế. Hình ảnh so sánh “tấm lụa đào” xuất hiện nhiều trong ca dao: khi chịu cảnh “phất phơ” hay bất công “vá vào áo tơi” song có khi lại là sự khẳng định mạnh mẽ giá trị bản thân cùng với niềm tự hào:
“Thân em như tấm lụa đào
Đã nhiều nơi chuộng lại nhiều nơi ưa” [6, 2037]
“Tấm lụa đào” nay trở thành niềm ao ước, khát khao của bao người. Người con gái ý thức được giá trị mình và người đời cũng ý thức được điều ấy. “Em” - người con gái trong câu ca dao trên thật may mắn bởi trong xã hội xưa với bao quan niệm cổ hủ thì giá trị người phụ nữ mấy khi được khẳng định và công nhận như thế. Tương tự:
“Thân em như thể trái chanh
Lắt lẻo trên cành nhiều kẻ ước ao” [6, 2031]
Đó là những câu ca dao khẳng định giá trị bản thân của “phái đẹp” với sự cao giá, đáng quý trọng.
Tuy nhiên, những hình ảnh so sánh ấy mới chỉ thiên về vẻ đẹp hình thức. Người nghệ sĩ dân gian không chỉ đơn thuần khẳng định vẻ đẹp về hình thức mà còn khẳng định vẻ đẹp về tâm hồn họ. Điều đó được thể hiện thông qua những hình ảnh so sánh khác với hai mô hình nhỏ sau:
Mô hình “Thân em như…” với hình ảnh bình thường nhưng cần thiết: Câu lục: “Thân em như” + [sự vật bình thường]
Câu bát: [tính chất hay phẩm chất cần thiết của sự vật ấy]
Mô hình này sử dụng những hình ảnh so sánh không quá đẹp đẽ, quý giá nhưng cũng đủ thể hiện sự tự tin vào giá trị bản thân với niềm lạc quan, tin tưởng tuyệt đối:
“Em như ngọn gió qua đồng
Thơm thanh hương đất, thơm nồng hương cây” [1, 521]
“Ngọn gió qua đồng” mang cho đời bao nhiêu lợi ích thiết thực cho đất, cho cây. Người con gái tựa như “ngọn gió” kia bình dị mà lặng lẽ dâng cho đời biết
bao điều và có tầm quan trọng không nhỏ. Song cũng có khi, lời tự khẳng định giá trị ấy lại ẩn chứa bao ngậm ngùi:
“Thân em như thể bình vôi Bỏ lăn bỏ lóc mồ côi một mình
Chị em ai thấy đừng khinh
Đỏ môi thắm miệng nhờ mình chớ ai?”
Không phải đến thời thơ mới với luồng suy nghĩ cách tân trong thơ Huy Cận, ta mới thấy sự tự ý thức đầy tiến bộ ấy :
“Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ”
Ngay trong xã hội phong kiến với nhiều nếp nghĩ cổ hủ, những câu ca dao tự tin tự khẳng định giá trị bản thân mình của người phụ nữ đã cất lên thật mạnh mẽ với hình ảnh so sánh đẹp. Đó là sự tự khẳng định của những “thân em” trong xã hội, trong thời đại mà ở đó giá trị của không biết bao “thân em” bị người đời phủ nhận, quên lãng:
“Thân em như thể trăng rằm
Mây đen có phủ khôn nhầm giá trong” [6, 2031] Với mô hình này, ta thấy xuất hiện khá nhiều trong ca dao:
“Thân em trái khế trên chùa Ông đi bà lại, thấy đồ chua cũng thèm” Hay:
“Thân em như cải mùa đông
Non thì làm ghém, có ngồng làm dưa” [1, 184] Tương tự:
“Thân em cam quýt bưởi bòng
Ngoài tuy cay đắng, trong lòng ngọt ngon” [6, 664]
Trong nỗi đau chua xót về thân phận mình với bao nỗi ngậm ngùi ai oán, họ vẫn tự tin khẳng định giá trị của mình trong cuộc đời. Đó là lời tiếng nói của bao phận người lỡ sinh ra là phận gái phải sống giữa xã hội phong kiến.
Vẻ đẹp về hình thức của “em” nay hoàn thiện với hình ảnh so sánh thể hiện vẻ đẹp tâm hồn mang biểu hiện sự thủy chung:
“Thân em như cây quế tiên non
Trăm năm khô rụng còn dính vỏ cây” [1, 537]
“Cây quế” trăm năm vẫn còn đó bất chấp sự thay đổi của dòng thời gian đổi thay. Đó cũng chính là sự thủy chung son sắc của người con gái. Dòng thời gian trôi đi với sức hủy diệt, cuốn đi những giá trị không bền chặt song tấm lòng chung thủy của “em” tận “trăm năm” vẫn còn và sẽ còn mãi. Sự chung thủy ấy đã khiến “cây quế” kia chiến thắng sức xói mòn của tạo hóa và mặc nhiên đứng đó trước dòng thời gian phi tuyến tính.
Tương tự:
“Thân em như tấm lụa đào
Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai” [6, 2029]
Ngoài ra, hình ảnh “em” còn hiện ra đẹp đẽ, sang trọng khi xuất hiện đồng thời với hình ảnh “anh” thể hiện sự đẹp duyên đôi lứa:
Câu lục: Thân em như + [sự vật đẹp đẽ, cao quý]
Câu bát: Thân anh như + [sự vật đẹp đẽ, cao quý tương ứng] “Thân em như trến mít chạm rồng
Thân anh như kèo chua chạm phụng, đẹp vô cùng anh ơi” [6, 2032] Câu ca dao hình ảnh so sánh “thân em như...” được đặt cao hơn với “thân anh”. Điều đó thể hiện nỗi khát khao về tình yêu, cuộc sống hôn nhân hạnh phúc trong xã hội phủ nhận giá trị của những “thân em”. Hai hình ảnh so sánh ấy thể hiện sự xứng đôi vừa lứa giữa “anh” và “em” với niềm hạnh phúc “đẹp vô cùng”.