7. Cấu trúc khóa luận
1.3.2. So sánh gián tiếp (so sánh chìm)
Loại so sánh này kín đáo tế nhị hơn, mang giá trị nghệ thuật ở một mức cao hơn. Nét giống nhau giữa hai vế không được phô bày bằng các từ ngữ cụ thể mà lẩn vào trong hai vế của phép so sánh để người đọc suy nghĩ mới tìm ra được, đòi hỏi sự “đồng sáng tạo”. Chính vì thế mà tạo ra sự liên tưởng rộng rãi.
So sánh vắng cơ sở so sánh:
“Gái có chồng như gông đeo cổ” [1, 144]
Đặc điểm so sánh (vất vả, chật chội) được ẩn đi, đòi hỏi sự suy nghĩ của người đọc để tìm ra nét tương đồng giữa hai đối tượng so sánh. Tuy nhiên phải căn cứ theo từng ngữ cảnh mà người ta tìm ra được cơ sở so sánh của hai đối tượng được so sánh. Vì vậy so sánh chìm làm người đọc có điều kiện liên tưởng, tư duy nghệ thuật cao hơn so sánh nổi. Bởi so sánh này không có tính chất tường minh như so sánh nổi.
“Đôi ta như lửa mới nhen, như trăng mới mọc, như đèn mới khêu”
Trong câu ca trên, người nói sử dụng biện pháp so sánh tu từ chìm. Yếu tố được đem ra so sánh A (đôi ta) và B (lửa mới nhen, trăng mới mọc, đèn mới khêu). Người đọc dựa vào đặc điểm của “lửa, trăng, đèn” để tìm ra cơ sở so sánh giữa A và B, cả ba đối tượng ở vế B với những trạng thái “mới nhen, mới mọc, mới khêu” đều mang tính chất “mới”: sự bắt đầu, mới mẻ và trong trẻo. Cấu trúc so sánh này cũng được sử dụng nhiều trong hệ thống so sánh của ca dao.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Câu ca dao trên, xuất hiện đầy đủ vế A và B cùng với quan hệ từ so sánh “như” nhưng ẩn đi cơ sở so sánh giữa hai vế. Tuy nhiên căn cứ vào ngữ cảnh của câu ca dao và đặc điểm của những đối tượng trong vế B (núi Thái Sơn, nước
trong nguồn) người đọc có thể tìm ra ý nghĩa ẩn tàng được thể hiện trong câu ca dao. Cả hai đối tượng ở vế B là những yếu tố chỉ sự bao la, to lớn; vĩnh hằng, vĩnh cửu cùng trời đất. Đó là những sự vật, hiện tượng thiên nhiên vô thủy vô chung; tồn tại hiển nhiên bất chấp sự thay đổi, chuyển dịch của dòng thời gian. Qua đó, câu ca thể hiện sự lớn lao của công ơn mẹ cha. Hoặc giữa hai vế không có liên từ “như”, “là”, “như thể”,… Đây chưa phải ẩn dụ vì chủ thể chưa ẩn hoàn toàn mà có sự kết hợp giữa so sánh và ẩn dụ:
“Cây rầu thì lá cũng rầu Anh về anh bỏ mối sầu cho ai”
Câu lục là vế A nêu lên bức tranh thiên nhiên với những đặc điểm có tính chất ổn định mang tính quy luật của thiên nhiên và câu bát (vế B) chính là bức tranh tâm trạng con người có nét giống để tạo nên sự so sánh ngầm.