Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của sự thay đổi trong quy hoạch sử dụng đất đến hệ số tiêu của huyện phú xuyên trong điều kiện biến đổi khí hậu (Trang 43)

2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.3. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải

Hệ thống giao thông rất thuận tiện cả về đường bộ, đường sắt và đường thuỷ. Các xã thị trấn trong huyện đều có đường ô tô vào đến trung tâm. Huyện có một bến cảng Vạn Điểm có thể cho tàu trọng tải 300 tấn trở xuống cập bến an toàn, năng lực khoảng 20 nghìn tấn hàng hoá/năm, có nhà ga xe lửa Phú Xuyên.

Hệ thống đường tránh cho tàu chờ, tàu đỗ tàu tránh thuận lợi nằm tại trung tâm huyện sát với đường Quốc lộ 1A.

2.2.3.1. Giao thông đường bộ

Đường Quốc lộ có đường 1A cũ và đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (gồm cả tuyến Pháp Vân- Cầu Giẽ và Cầu Giẽ- Ninh Bình) với tổng chiều dài tuyến qua địa bàn là 15,2 km.

Đường tỉnh lộ: có 3 tuyến đường tỉnh lộ đi qua địa bàn huyện là ĐT 429 (đường 73), ĐT 428 (đường 75) và đường 1A (Km206+030- Km213+240: Tuyến này do thành phố quản lý từ T7/2008) với tổng chiều dài đường tỉnh lộ qua địa bàn huyện là 35,2 km.

Đường do huyện quản lý: Tổng số 48 km, mặt rộng từ (5- 6,5)m, đa số rộng 5,0 m, Đến nay có khoảng 27,7 km mặt đường được rải bằng vật liệu cứng, trong đó: mặt đường bê tông nhựa 14,0 km, láng nhựa là 5,4 km, bê tông xi măng 7,3 km và mặt đường cấp phối là 21,4 km)

Kết quả thực hiện chương trình giao thông nông thôn:

Trong thời gian qua, được sự quan tâm và chỉ đạo của Trung ương, thành phố, huyện Phú Xuyên và sự đóng góp của nhân dân, hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Các loại phương tiện vận chuyển được phát triển đa dạng thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển. Trong 5 năm (2005- 2010) đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp được khoảng 127,3 km đường chủ yếu là đường bê tông và thảm nhựa.

Kết quả đánh giá thực trạng giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn 26 xã của huyện cho thấy:

Đường trục xã, liên xã: tổng số 99,66 km, đã trải nhựa hoặc bê tông 63,35km (66,57%) Trong đó có 16,01 km chưa đạt chuẩn cần nâng cấp; chưa trải nhựa hoặc bê tông 36,31 km (36,43%).

Đường trục thôn, xóm: tổng số 145,47 km, trong đó 73,02 km (50,2%) đã được cứng hoá, trong đó có 29,2 km đã xuống cấp còn lại 72,45 km (49,8%) chưa đạt chuẩn.

Đường ngõ, xóm: tổng số 337,87 km, trong đó có 192,42 km (56,95%) đã được bê tông hoá, còn 145,45 km (43,05%) là đường đất và cấp phối.

Đường trục chính nội đồng có 386,95 km, trong đó có 38,5 km (9,95%) đã được cứng hoá, xe cơ giới đi lại thuận tiện, và 348,45 km (90,05%) chưa được cứng hoá.

Nhìn chung hệ thống giao thông nông thôn nhiều năm qua đã được các cấp các ngành quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau: nhà nước, doanh nghiệp, người dân đóng góp… cơ bản đáp ứng phát triển kinh tế cũng như nhu cầu đi lại, sinh hoạt của nhân dân, Tuy nhiên, vẫn còn một số xã khó khăn, hệ thống giao thông nông thôn còn ở mức độ hạn chế nên bất lợi cho phát triển kinh tế nói chung và sinh hoạt của người dân nói riêng.

2.2.3.2. Đường sông

Có 3 con sông lớn chảy qua địa phận huyện Phú Xuyên là tuyến đường sông chủ yếu của huyện: sông Hồng dài 17 km, theo hướng bắc – nam, ở phía đông của huyện; sông Nhuệ 17 km chảy theo hướng Tây bắc – Đông nam, ở phía tây của huyện; sông Lương dài 12,75 km theo hướng bắc nam là con sông cụt chảy từ Nam Hà qua các xã Minh Tân, Tri Thuỷ, Bạch Hạ, Đại Xuyên và cuối cùng là xã Phúc Tiến. Ngoài ra có các sông nhỏ khác là sông Duy Tiên 13 km, sông Vân Đình 5 km, sông Hữu Bành 2 km.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của sự thay đổi trong quy hoạch sử dụng đất đến hệ số tiêu của huyện phú xuyên trong điều kiện biến đổi khí hậu (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w