6. Cấu trúc khóa luận
2.1.3. Sự kết hợp, chuyển dịch các ngôi trần thuật
Nếu trần thuật ngôi thứ ba đem lại một cái nhìn khách quan cho người trần thuật, trần thuật ngôi thứ hai mang lại độ tin cậy cao đồng thời là sự phức tạp của việc phân thân đa ngã của người kể chuyện thì sự kết hợp các dạng thức trần thuật là một sáng tạo mới mẻ của Mạc Ngôn. Là một nhà văn đương đại, Mạc Ngôn đã sử dụng hình thức trần thuật mới bằng việc kết hợp tất cả các dạng thức trần thuật với hình thức người trần thuật ngôi thứ ba “biết tuốt”; hình thức trần thuật ngôi thứ hai phân thân đa ngã và hình thức trần thuật xưng “tôi” trong tác phẩm.
Thập tam bộ là tiểu thuyết có sự hiện diện của cả người trần thuật ẩn tàng và người trần thuật là nhân vật xưng “tôi”. Đây là dạng trần thuật tạo giá trị nghệ thuật cao khi vừa đảm bảo tính khách quan của câu chuyện (do người trần thuật “biết tuốt” kể lại) vừa có thểđi sâu khám phá thế giới nội tâm của nhân vật (nhân vật tự thuật về mình). Sự kết hợp ba kiểu trần thuật từ ngôi thứ ba, ngôi thứ hai và ngôi thứ nhất có thể diễn ra theo những hình thức sau: người trần thuật toàn năng thuật lại câu chuyện rồi trao quyền cho nhân vật trong truyện kể lại với tư cách người trần thuật tiếp sức; người trần thuật toàn năng chỉ làm nhiệm vụ dẫn lối, đưa đường cho câu chuyện kể của nhân vật “anh”, “tôi”.
Trong Thập tam bộ là cả một quá trình phân thân đa ngã của người kể chuyện nên sự kết hợp, hoán đổi các hình thức trần thuật rất linh hoạt, đa dạng. Sự kết hợp, hoán đổi các ngôi trần thuật một cách linh hoạt khi thì từ ngôi thứ ba đến ngôi thứ hai đến ngôi thứ nhất; khi thì hoán đổi ngôi thứ nhất đến ngôi thứ ba rồi lại quay về ngôi thứ nhất… tạo nên nét độc đáo góp phần thành công cho tiểu thuyết.
Đây là đoạn thuật lại tâm trạng của Đồ Tiểu Anh: “Như hai con rắn, hai câu chuyện này đang bò ngang bò dọc trong trí óc Đồ Tiểu Anh, tâm thần cô đang bất định, đứng ngồi không yên. Chồng chết là một cách để thử thách đàn bà. Nếu lúc này có một chú tiểu xuất hiện, liệu tôi có thể chế ngự được lòng ham muốn của mình?”
[18, tr.277]. Theo mạch cảm xúc, người kể chuyện dùng “Đồ Tiểu Anh” ngôi thứ ba để kể, rồi sau đó lại dùng ngôi thứ hai “cô” để kể tiếp, để thể hiện sựđồng cảm và chia sẻ với những suy nghĩ ở trên, người kể chuyển sang dùng ngôi thứ nhất “tôi”, mặc nhiên thừa nhận mình là Đồ Tiểu Anh, xem đây là câu chuyện của mình. Mặc dù sự thay đổi ngôi kể liên tục nhưng lại không làm dán đoạn mạch cảm xúc, nội dung của
câu chuyện được kể. Do mang lại hiệu quả nên hình thức trần thuật này được tác giả sử dụng tương đối nhiều trong tiểu thuyết Thập tam bộ.
“Lý Ngọc Thiền giận dữ nhổ nước bọt vào mặt lão, dùng chân đá vào hạ bộ lão, dùng bàn tay còn lại móc mắt lão. Lão cũng chẳng kém, dùng bàn tay còn lại bóp chặt vai phải của cô ta. Toàn thân Lý Ngọc Thiền rung động, tê buốt, ngay lập tức ngồi thụp xuống (…) Trong cảnh sắc huy hoàng của ráng chiều, hoa Thạch Lựu đã bắt đầu tàn để chuẩn bị cho những quả non hình thành. Cô không để ý gì đến tay phóng viên có chiếc mũi cực kì mẫn cảm với mọi chuyện ấy, mở cổng, trong ánh sáng rực rỡ của ráng chiều bước vào khoảng không gian của mỹ nhân họ Lạp ngày xưa – nay trở thành ấn tượng khó phai trong kí ức của cô. Trong khi ấn vào miệng bà ta những thức ăn có trộn thuốc ngủ, làm sao cô có thể không hồi tưởng lại bóng cây Thạch Lựu lấp loáng trong vại nước có nuôi mấy con cua xanh xanh? (…) Trên những cành cây Thạch Lựu, những mầm lá non màu vàng nhạt cũng đã đâm ra, những chú chim yến trên trán có vệt lông màu huyết bay vào nhà tôi và làm tổ dưới mái nhà…người mẹ phong lưu một thời của tôi, cho đến bây giờ đã bị những con rận bám vào da thịt của bà để biến làn da nõn nà ngày xưa trở thành tờ giấy nhàu nát. Cô giết rận cho bà ta, trộn vào thức ăn của bà một ít bột sâm núi…” [18, tr.382, 383]. Đây là đoạn người kể chuyện kể về cô chuyên gia chỉnh dung Lý Ngọc Thiền, trước tiên người kể dùng ngôi thứ ba (Lý Ngọc Thiền) để kể nhưng theo diễn biến tâm trạng của Lý Ngọc Thiền, người kể dường như phân thân, tiến gần hơn với người được kể và kết quả là kể bằng ngôi thứ hai (cô), trong quá trình miên man suy nghĩ, hồi tưởng về quá khứ tươi đẹp người kể lại buột miệng xưng “tôi” - dùng ngôi thứ nhất giống như đây là câu chuyện của tôi, kể về tôi vậy. Việc hoán đổi này diễn ra tự nhiên và cũng thật phù hợp. Nó mang lại cảm giác đồng điệu như hòa mình vào câu chuyện được kểđối với người đọc, như chính mình là nhân vật đang được nhắc đến vậy.
“Dường như có một bộ móng vuốt thật sắc nào đó đang cào cấu những bộ phận bên trong thân thể anh ta…tôi cảm thấy đau đớn vô cùng. Tiếng kêu khàn đục với những dòng nước mắt đặc sệt cùng xuất hiện một lúc trên miệng và trên mắt của tôi.
Tôi cần về nhà, tôi phải về nhà… Bài ca về gia đình vang lên trong lòng anh ta… - tôi
chờ ở đây làm gì? ... Thầy giáo vật lý bật dậy khỏi ghế, nhảy bổ về phía cửa, vung tay đấm rầm rầm vào cánh cửa sắt… thả tôi ra! Tôi muốn về nhà! Mày là đồ ngốc nghếch – Cánh cửa kêu lên – Đúng, tao là đồ ngốc nghếch. Từ bên ngoài, tiếng ồn ào của
nhịp sống thành phố vọng vào… Sức lực của anh đã cạn kiệt, anh lê bước về chiếc ghế da, đôi mắt mệt mỏi khép lại” [18, tr.450, 451]. Đoạn này tác giả đã kể chuyện bằng hai hình thức là ngôi thứ ba (thầy giáo Vật lý) và ngôi thứ nhất (tôi) đan xen, giống như hai người đang giao tiếp với nhau nhưng thực chất đó chỉ là một mình thầy giáo Vật lý đang dày vò, chế nhạo bản thân mình, tiếp đó ngôi thứ hai (anh) lại tạo nên một hình thức giống tự vấn, kẻ hô người đáp phối hợp nhịp nhàng, đều đặn, đồng thời thể hiện được sự gấp gáp, khát khao được quay về nhà của thầy giáo Trương Xích Cầu. Nhưng mọi cố gắng của anh ta đều vô vọng.
“Hình như bụng anh đang cất tiếng ca. Đây là bài ca nói lên mối quan hệ biện chứng giữa gia đình và tình yêu, giữa đau khổ và hạnh phúc. Bài ca kể về một thầy giáo trung học bị chức phận giam cầm mấy mươi năm, bị cuộc sống nặng nề đè nặng mấy mươi năm, bị xã hội tao loạn vùi dập mấy mươi năm, sau đó được giải phóng, trong túi có một ít tiền, bị những giằng xé giữa tính dục và tình yêu… đang do dự giữa tiến và lùi. Tiếng ca như một đóa hoa đang từ từ nở bung ra trong bụng thầy giáo Vật lý” [18, tr.358, 359]. Đoạn này cũng được tác giả chuyển dịch các ngôi trần thuật, từ ngôi thứ hai (anh) như tâm tình, đối thoại, mổ xẻ tâm tư của Trương Xích Cầu lại chuyển sang ngôi thứ ba (thầy giáo Vật lý) giống như một nhận định, một nhận xét rằng đây là tình hình chung của các thầy giáo Vật lý, thực trạng chung của mọi người. Ai cũng bị ràng buộc, đang cố vùng vẫy để thoát khỏi vòng xoáy mưu sinh nhưng đó là điều không thể.
Như vậy, sự kết hợp, chuyển dịch các ngôi trần thuật là một bước tiến của tiểu thuyết Mạc Ngôn. Ngoài việc sử dụng một cách sáng tạo các hình thức kể chuyện quen thuộc từ ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, hình thức kể chuyện từ ngôi thứ hai là một biểu hiện dấn thân của ngòi bút Mạc Ngôn trong tác phẩm này. Thông qua các hình thức kể chuyện, người kể như gần hơn với nhân vật của mình, nhìn nhận sự việc ở mọi góc độ và đôi khi còn bày tỏ thái độ của mình với câu chuyện được kể. Trần thuật ở ngôi thứ ba tạo sự khách quan cho câu chuyện được kể; ngôi thứ nhất khiến thế giới tâm hồn của con người được hiện lên chân thực và cảm động bằng cảm quan của nhà văn; đồng thời hình thức trần thuật ở ngôi thứ hai mang lại một diện mạo mới khi nhân vật tự phân thân mình, xem mình như người khác để phân tích, chì chiết, chế giễu, cảm thông với chính mình. Bởi vì ngoài việc tự vấn với bản thân, các nhân vật dường như không tìm thấy được niềm an ủi nào, sự tin tưởng nào với người khác. Phải chăng vì xã hội
mà họ sống có đầy rẫy những mưu mô, tính toán và con người đang sống hời hợt, vô tình với nhau.
Thông qua việc dùng các phương thức trần thuật linh hoạt và đa dạng, tác giảđã chuyển tải một cách toàn vẹn về bức tranh cuộc sống của các nhân vật trong tác phẩm. Các kiểu trần thuật đó mang người đọc đến gần với câu chuyện hơn, như người đọc đang cùng tham gia vào câu chuyện để cùng suy ngẫm, nhận xét, chia sẻ và đưa ra quyết định trước mỗi biến cố cuộc đời của các nhân vật. Đây là một trong những minh chứng cho thành công của ông về nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Thập tam bộ.