Chương 3 Thuật toán định tuyến theo vùng ZRP 3.1 Giới thiệu chung
3.2.5. Tham số kích thước vùng
Chọn được tham số kích thước vùng phù hợp sẽ làm giảm đáng kể lưu lượng truyền gói tin yêu cầu định tuyến trên mạng ad-hoc sử dụng thuật toán định tuyến ZRP. Tham số này phụ thuộc vào các đặc điểm cụ thể của mạng, bao gồm kích thước mạng, mật độ trạm làm việc, tính di động của mạng, nhu cầu và tần suất trao đổi số liệu giữa các trạm làm việc... Lưu lượng các gói tin cập nhật định tuyến nội vùng tỷ lệ thuận với mật độ của các trạm làm việc, vì mật độ càng lớn, số trạm làm việc trong vùng định tuyến càng nhiều. Còn tốc độ di chuyển của các trạm làm việc cao sẽ làm cho số lượng các kết nối bị mất nhiều hơn, các trạm làm việc phải định tuyến lại và trao đổi thông tin định tuyến nhiều hơn.
Khi vùng định tuyến càng lớn, tính hiệu quả của việc bảo trì định tuyến và phương pháp gửi truy vấn ngoại biên càng cao. Tuy nhiên, tăng bán kính của vùng định tuyến, đồng nghĩa với việc lưu lượng các gói tin định tuyến trong vùng tăng lên, do sự thường xuyên cập nhật thông tin định tuyến giữa các trạm làm việc.
Đối với những mạng mà các trạm làm việc thường xuyên di chuyển (mạng có tính di động cao) hoặc ít có nhu cầu định tuyến thì vùng định tuyến có kích thước nhỏ sẽ tốt hơn. Ngược lại, nếu nhu cầu định tuyến lớn, trong khi mạng ổn định thì kích thước vùng định tuyến lớn sẽ làm cho việc định tuyến hiệu quả hơn.
Zygmunt J. Haas giới thiệu hai phương pháp xác định kích thước vùng tối ưu. Phương pháp thứ nhất gọi là phương pháp xác định kích thước vùng nhỏ nhất (min searching). Theo đó kích thước vùng định tuyến sẽ được giảm dần cho tới khi lưu lượng các gói tin định tuyến truyền trong toàn mạng là nhỏ nhất. Thông thường giá trị này không chỉ đúng cho một vùng mà đúng cho toàn mạng vì lưu lượng gói tin định tuyến của cả hai thành phần IARP và IERP đều liên quan đến tham số kích thước vùng bằng một hàm lồi [8]. Phương pháp thứ hai gọi là phương pháp điều chỉnh theo tỷ lệ lưu lượng gói tin định tuyến (traffic adaptive), dựa trên tương quan giữa lưu lượng các gói tin định tuyến của hai thành phần IARP và IERP, bằng việc so sánh tỷ lệ gói tin định tuyến giữa hai thành phần IERP/IARP với giá trị một ngưỡng t (giá trị mà Zygmunt J. Haas cho là tốt nhất). Kích thước vùng định tuyến sẽ được tăng lên nếu IERP/IARP>t và ngược lại, sẽ được giảm đi khi IERP/IARP<t. Tuy nhiên với cách này, có thế xảy ra hiện tượng “dao động” quanh giá trị tối ưu mà không chọn được giá trị này. Hiện tượng xảy ra khi kích thước vùng định tuyến mang giá trị nhỏ. Vì với kích thước vùng định tuyến bằng 1 thì thuật toán định tuyến theo vùng ZRP mang tính
chất của một thuật toán định tuyến theo yêu cầu thuần tuý. Cách khắc phục là sử dụng kết hợp cả hai phương pháp vừa nêu. Khi giá trị kích thước vùng nhỏ (bằng 1 hoặc 2), ta sử dụng phương pháp xác định kích thước vùng nhỏ nhất. Phương pháp điều chỉnh theo tỷ lệ lưu lượng gói tin định tuyến được sử dụng trong trường hợp còn lại.