Phương pháp phát hiện truy vấn đã xử lý QD1 và QD

Một phần của tài liệu Phân tích đánh giá hiệu suất hoạt động của giao thức định tuyến theo vùng ZRP trong mạng ad hoc bằng phương pháp mô phỏng máy tính (Trang 48)

Chương 3 Thuật toán định tuyến theo vùng ZRP 3.1 Giới thiệu chung

3.2.4.3. Phương pháp phát hiện truy vấn đã xử lý QD1 và QD

Nhằm hạn chế hơn nữa lưu lượng các gói tin yêu cầu định tuyến dư thừa truyền trên mạng, hai phương pháp phát hiện truy vấn đã xử lý (Query Detection) được triển khai trong thành phần truy vấn ngoại biên BRP được gọi là QD1 và QD2 [7], [8], [22].

Như đã biết, các trạm làm việc thuộc cây truy vấn ngoại biên (cây được xây dựng bởi thành phần BRP) phải chịu trách nhiệm chuyển tiếp gói tin yêu cầu định tuyến. Do vậy, chúng có thể ghi nhớ các truy vấn đã chuyển tiếp và lần sau, khi gặp lại truy vấn đó, chúng sẽ phát hiện ra truy vấn đã được xử lý. Đó là kỹ thuật phát hiện truy vấn đã xử lý QD1.

Trong mạng đơn kênh (mạng chỉ sử dụng một tần số tín hiệu - single channel network), tất cả các trạm làm việc thuộc vùng phủ sóng của trạm đang truyền gói tin yêu cầu định tuyến đều có thể thu được nội dung gói tin yêu cầu định tuyến. Chúng chỉ đơn giản ghi nhớ truy vấn này và biết rằng truy vấn đã được xử lý. Lần sau khi gặp lại truy vấn này, chúng sẽ loại bỏ gói tin yêu cầu định tuyến. Đây là kỹ thuật phát hiện truy vấn loại QD2, còn được gọi là kỹ thuật loại bỏ truy vấn bằng phương pháp nghe trộm (eavesdropping).

Hình 24 minh họa cả hai kỹ thuật phát hiện truy vấn đã xử lý. Trong đó, S gửi gói tin yêu cầu định tuyến đến hai trạm làm việc ngoại biên B và D thông qua các trạm A và C. Do đó, các trạm A, C có thể phát hiện truy vấn bằng kỹ thuật phát hiện truy vấn QD1. Nếu kỹ thuật phát hiện truy vấn QD2 được áp dụng, thì khi A gửi gói tin yêu cầu định tuyến đi, E, mặc dù không thuộc cây truy vấn ngoại biên nhưng nằm trong vùng phủ sóng của A nên cũng có thể thu được nội dung gói tin yêu cầu định tuyến và ghi nhớ rằng truy vấn này đã được xử lý trong vùng. Các gói tin yêu cầu định tuyến lặp lại sau đó sẽ bị E loại bỏ.

Hình 24. Kỹ thuật phát hiện truy vấn đã xử lý 3.2.4.4. Truy vấn ngoại biên có chọn lọc

Thay vì gửi gói tin yêu cầu định tuyến tới tất cả các trạm làm việc ngoại biên, trong nhiều trường hợp chỉ cần gửi cho một vài trạm trong sốđó. Điều này sẽ làm giảm lưu lượng gói tin yêu cầu định tuyến do việc gửi truy vấn chồng chéo gây nên.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, thành phần định tuyến nội vùng IARP phải cung cấp thông tin định tuyến của một vùng có bán kính rộng gấp 2 lần bán kính vùng định tuyến thông thường, gọi là vùng định tuyến mở rộng. Trong phần này, để phân biệt các trạm làm việc ngoại biên của vùng định tuyến thông thường với các trạm làm việc thuộc biên của vùng định tuyến mở rộng ta dùng tương ứng hai cụm từ “trạm làm việc ngoại biên” như vẫn gọi (hoặc trạm làm việc ngoại biên trong) và “trạm làm việc ngoại biên mở rộng” (hay trạm làm việc ngoại biên ngoài). Như vậy, trong hình minh họa 25 dưới đây, đối với S, các trạm A, B, C là các trạm làm việc ngoại biên thông thường còn F, G, H, X, Y, Z là các trạm ngoại biên mở rộng.

Hình 25. Truy vấn ngoại biên chọn lọc

Trước khi gửi gói tin yêu cầu định tuyến, một trạm làm việc phải xác định được các trạm ngoại biên mở rộng, từ đó chọn ra những trạm làm việc ngoại biên (trạm ngoại biên trong) cần thiết để gửi gói tin yêu cầu định tuyến. Chẳng hạn, hình 25 cho thấy H và X là các trạm ngoại biên của B nhưng cũng đồng thời lần lượt là các trạm ngoại biên của A và C. Như vậy, S không cần phải gửi gói tin yêu cầu định tuyến đến B vì F, G, H sẽ nhận được gói tin yêu cầu định tuyến gửi tới từ A, còn X, Y, Z sẽ nhận được thông qua C.

Để thực hiện được kỹ thuật này, S phải tính toán để chia các trạm làm việc của vùng định tuyến mở rộng thành một số nhỏ nhất các tập hợp không giao nhau, mỗi tập hợp được bao quát bởi các trạm ngoại biên (trong) tương ứng. Nói cách khác, S phải chọn ra được các trạm ngoại biên đủ ít để vùng định tuyến của các trạm làm việc này bao quát hết vùng định tuyến mở rộng của S. Cụ thể, trong hình 25, các trạm làm việc ngoại biên ngoài được chia làm hai tập hợp {F, G, H}được bao quát bởi A, còn {X,Y,Z} được bao quát bởi C.

Khi gửi gói tin yêu cầu định tuyến tới mỗi trạm ngoại biên (trong) đã được lựa chọn, S sẽ gắn kèm một danh sách tương ứng các trạm ngoại biên mở rộng. Danh sách này chứa các trạm ngoại biên mở rộng thuộc phần bao quát của trạm ngoại biên trong tương ứng. Đây cũng chính là danh sách các trạm làm việc sẽ nhận được gói tin yêu cầu định tuyến do các trạm ngoại biên trong gửi đi sau đó. Như vậy hướng chuyển gói tin yêu cầu định tuyến đã được xác định trước, dần xa khỏi trạm làm việc nguồn. Điều này sẽ giảm bớt được việc gửi gói tin yêu cầu định tuyến một cách chồng chéo, cũng không có truy vấn lặp xảy ra.

Tuy nhiên, trả giá cho các lợi ích trên, kỹ thuật này đòi hỏi thành phần IARP cung cấp thông tin định tuyến của cả vùng định tuyến mở rộng, có nghĩa là lưu lượng gói tin yêu cầu định tuyến sẽ tăng lên. Thêm vào đó, kích thước của gói tin yêu cầu định tuyến cũng phải lớn hơn vì còn phải chứa danh sách các trạm ngoại biên mở rộng tương ứng. Bù lại, lưu lượng gói tin yêu cầu định tuyến không cần thiết do vấn đề chồng chéo các vùng định tuyến sẽ giảm đi.

Một phần của tài liệu Phân tích đánh giá hiệu suất hoạt động của giao thức định tuyến theo vùng ZRP trong mạng ad hoc bằng phương pháp mô phỏng máy tính (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)