trong đời sống hàng ngày. Lễ giáo, lễ nghi trong CĐLXTT tiếp xúc với văn minh, văn hóa đô thị tạo ra một nét văn hóa mới mang tính hỗn dung là vừa nhã nhặn vừa lịch sự. Sự lịch sự thể hiện rõ ở vẻ bề ngoài, hiện ra ở văn hóa trang phục, ăn mặc sạch sẽ, lịch sự mỗi khi ra phố, đi làm công sở, giao thiệp với đối tác, tham gia giao thông công cộng. Tính nhã nhặn, khiêm tốn, nhún nhường của người nông dân thuần phác đã làm vơi đi, dịu bớt đi tính nóng nảy của người Hàn đô thị vốn chịu nhiều áp lực của thị trường và công nghiệp hóa. Nói cách khác, lễ giáo lễ nghi vốn là “đặc sản” của Nho giáo truyền thống đã có sự biến đổi nhưng không còn cổ
hủ, cứng nhắc mà đã được phát huy thêm giá trị của nó trong văn hóa đô thị hiện
đại Hàn Quốc.
(2) Chữ Hiếu trong văn hóa gia đình vẫn được lưu giữ
Vấn đề chữ Hiếu trong CĐLXTT đã được trình bày ở phần đầu cho thấy rất
đậm nét, rất sâu sắc. Trong đời sống văn hóa đô thị hiện đại với gia đình nhỏ làm trung tâm thì sự thể hiện đã khác xưa rất nhiều. Sự thể hiện nằm trong ý thức là càng thương xót ông bà cha mẹ nhiều hơn, gửi tiền qua tài khoản biếu ông bà cha mẹ ở quê để họ được hưởng cuộc sống tuổi già tốt hơn, no đủ hơn. Sự thể hiện ra bên ngoài rõ rệt nhất là vào những dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán. Những dòng xe ô tô về quê hương, con cháu thăm hỏi vui vẻ bên ông bà cha mẹ, thăm mộ
tổ tiên và cúng lễ thành kính hơn. Do kiếm được nhiều tiền ở đô thị, đời sống nâng cao, người Hàn càng chăm lo tốt hơn, thậm chí xa hoa trong việc xây dựng, trang trí phần mộ tổ tiên, nhà thờ dòng họ, có ý thức sâu sắc hơn trong việc làm lại gia phả dòng họ, đặc biệt là những dòng họ Yang ban xưa.
Như vậy, sự thể hiện đạo Hiếu không còn ra thưa vào chào, không còn nhất nhất làm theo “chỉ thị” của người đứng đầu dòng họ, gia đình trong công việc sự
vụ hàng ngày của gia đình lớn mà biến đổi mang tính sâu sắc hơn, nằm trong tầng sâu của ý thức con người Hàn Quốc.
(3) Nghĩa trong quan niệm của Nho giáo là nét đặc sắc trong văn hóa Hàn Quốc, là nét nổi bật trong quan hệ CĐLXTT Hàn Quốc. Sự thể hiện của nó thông
qua các hành vi phản đối những việc làm phi đạo đức, trái nhân luân, trái lệ làng phép nước; ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ những việc làm đúng trong cộng đồng xã hội.20 Nghĩa còn thể hiện trong hành vi ứng xử với xóm giềng, ứng xử vợ chồng theo ý tốt đẹp, tương tự như một thành ngữ tiếng Việt vẫn nói là “Tình làng nghĩa xóm”. Như vậy, nội hàm của Nghĩa có hai ý rõ rệt. Với ý thứ nhất, người thày của Nho giáo là Khổng Tử có nói: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (Luận ngữ), (Thấy việc nghĩa không làm là người vô dũng). Cụ Đồ Chiểu, tác giả Truyện Lục Vân Tiên ở Việt Nam đã chuyển sang thơ lục bát rất đúng, dễ hiểu hơn:
Nhớ câu kiến ngãi bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
Trong sinh hoạt cộng đồng đô thị hiện đại, sự tham gia vào các sinh hoạt của cộng đồng diễn ra nhiều hơn, phức tạp hơn, nhanh hơn, trong các mối quan hệ lỏng lẻo hơn, sự ràng buộc không chặt chẽ như sinh hoạt cộng đồng làng xã xưa kia thì vấn đề thực hiện điều Nghĩa trên là một nét văn hóa rất đẹp, góp một phần lớn trong việc ổn định xã hội, tạo nên văn minh đô thị mang nét đặc trưng của Á Đông. Trong nhiều khoảng thời gian sinh sống và nghiên cứu ở Hàn Quốc, người viết đã
được chứng kiến nét văn hóa đó ở trong khu dân cư, trong việc tham gia giao thông công cộng, trong sinh hoạt đô thị nói chung. Sự thể hiện của nó rất dễ thấy trong việc trên bảo dưới nghe, người trẻ nếu có hành vi không đúng với chuẩn mực đạo
đức thì biết nghe người già nhắc nhở, người trẻ nhường chỗ cho người già trên xe buýp, tàu điện ngầm, trật tự xếp hàng khi chờ đợi lên tàu xe, sẵn sàng can thiệp, bênh vực những cái đúng khi xảy ra va chạm ngoài đường, giúp đỡ người khác,
đặc biệt là người tàn tật gặp những tình huống khó khăn trong sinh hoạt đường phố…