Nhóm giải pháp để hoàn thiện lưới điện

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý quá trình cung ứng điện của Công ty Điện lực Hưng Yên (Trang 83)

3.2.1.1. Căn cứ của giải pháp

- Các MBA 110 kV T1, T2 E8.3-2x25 MVA, T3 E28.5-63 MVA, T1 E28.8- 40 MVA (cuộn 35 kV) vận hành đầy, quá tải; MBA T3-4.000 kVA TG Khoái Châu vận hành quá tải; các đường dây 477, 479, 482, 371 E28.4 vận hành đầy và quá tải; một số đường dây hạ áp và MBA phân phối vận hành quá tải.

- Nhiều đường dây trung áp có tiết diện nhỏ hoặc đang vận hành trên 70% tải định mức nên không có khả năng cấp điện hỗ trợ cho nhau qua các máy cắt, cầu dao liên lạc.

- Lưới điện hạ áp nông thôn ở một số xã chưa được đầu tư cải tạo đồng bộ, bán kính cấp điện xa, tiết điện dây dẫn nhỏ dẫn đến chất lượng điện áp ở thời điểm cao điểm chưa đạt yêu cầu.

- Công tác vận hành lưới điện chưa linh hoạt, đặc biệt là khi có sự cố xảy ra. Chưa thông tin kịp thời tình trạng cung cấp điện cho khách hàng để chủ động trong sản xuất, kinh doanh và phục vụ tốt và không ngừng nâng cao công tác dịch vụ khách hàng.

- Chất lượng điện năng một số nơi tại một số thời điểm chưa đảm bảo, tỷ lệ tổn thất điện năng và các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện lưới điện phân phối vẫn còn ở mức cao.

- Đội ngũ vận hành được bồi huấn nghiệp vụ thường xuyên tuy nhiên nghiệp vụ vận hành còn hạn chế…

3.2.1.2. Mục tiêu của giải pháp

- Đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời về nhu cầu sử dụng điện của khách hàng phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

- Linh hoạt trong trong công tác vận hành lưới điện, đặc biệt là khi có sự cố xảy ra. Thông tin kịp thời tình trạng cung cấp điện cho khách hàng để chủ động trong sản xuất, kinh doanh và phục vụ tốt và không ngừng nâng cao công tác dịch vụ khách hàng.

- Nâng cao chất lượng điện năng, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, giảm suất sự cố, tăng độ tin cậy cung cấp điện và tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng điện.

- Khai thác và sử dụng có chiều sâu hệ thống công nghệ thông tin, công nghệ mới vào công tác quản lý vận hành, kiểm soát chặt chẽ và cập nhật kịp thời các phát sinh, thay đổi trên hệ thống lưới điện để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ cho công tác quản lý vận hành và sửa chữa lưới điện.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giảm sự cố lưới điện và nâng cao năng suất lao động trong công tác cung ứng điện.

- Đảm bảo an toàn tuyệt đối trên hệ thống lưới điện, an toàn cho con người và thiết bị trong quá trình quản lý, vận hành và sửa chữa lưới điện.

3.2.1.3. Nội dung của giải pháp

- Giải pháp về công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp lưới điện: Do nhu cầu sử dụng điện của khách hàng ngày càng tăng về số lượng và chất lượng (hàng năm tăng từ 10% đến 15%). Mặt khác, đặc thù sản phẩm của điện là sản xuất đến đâu phải tiêu thụ ngay đến đó, sản xuất và tiêu thụ phải xẩy ra đồng thời. Điều này phụ thuộc vào toàn bộ hệ thống lưới điện, nếu không đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa lưới điện thì sự cố sẽ có thể xẩy ra, làm ảnh hưởng đến cung cấp điện cho khách hàng hoặc toàn hệ thống.

Việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện sẽ giúp điện lực mở rộng, phát triển thị trường, tăng doanh thu bán điện và tiếp cận được với tất cả các khách hàng có nhu cầu về sử dụng điện.

Đặc điểm hành chính xã hội: Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên 923,09 km². Điều tra dân số năm 2009 tỉnh Hưng Yên có trên 1,1 triệu dân, với 161 xã, phường, thị trấn, 10 huyện, thành phố là: Thành phố Hưng Yên cùng các huyện: Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm và huyện Văn Giang. Trung tâm hành chính của tỉnh đặt tại thành phố Hưng Yên nằm cách thủ đô Hà Nội 64 km về phía đông nam, cách thành phố Hải Dương 50 km về phía tây nam. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía tây và tây bắc giáp thủ đô Hà Nội, phía nam giáp tỉnh Thái Bình và phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam. Đây là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử và văn hiến lâu đời.

Lưới điện phân phối được trải dài trên khắp 161 xã, phường, thị trấn; hệ thống lưới điện cũ nát do tiếp nhận bàn giao từ nông thôn sang ngành điện quản lý. Sau khi tiếp nhận quản lý và bán lẻ điện đến tận hộ dân, doanh thu và giá bán bình quân đã tăng lên so với việc bán điện đầu nguồn tại các TBA trước đây. Tuy nhiên,

việc bán điện đến tận hộ trên lưới điện hạ thế cũ nát, chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, dẫn tới tổn thất điện năng cao, nguy cơ mất an toàn lớn. Vì vậy, Công ty cần phải đầu tư, nâng cấp và cải tạo lưới điện, đặc biệt là lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận.

Tại trung tâm thành phố, các khu công nghiệp cần thiết đầu tư xây dựng để tăng cường khả năng cấp điện như: Xây dựng thêm TBA, nâng công suất MBA, nâng tiết diện dây dẫn, lắp tụ bù trung, hạ thế và lắp các thiết bị đóng cắt thông minh. Đặc thù các khu vực này phụ tải thường tăng nhanh và đòi hỏi cấp điện ổn định và độ tin cậy cấp điện cao nên kế hoạch đầu tư cần theo hướng phát triển lưới điện có độ dự trữ cao và tự động hóa bằng các hệ thống quản lý vận hành tự động như SCADA/DMS. Mặt khác, bán điện tại các khu vực này thời gian thu hồi vốn nhanh, hiệu quả đầu tư cao. Vì vậy, Công ty cần hướng tới áp dụng công nghệ tự động hóa trong công tác cung ứng điện để tiết kiệm nguồn nhân lực, giảm chi phí trong qua trình cung ứng điện.

Công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo lưới điện sẽ nâng cao chất lượng điện năng, giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả kinh doanh và góp phần tăng doanh thu, tăng lợi nhuận cho điện lực và ngày càng củng cố và nâng cao vai trò, vị thế của điện lực trên thị trường.

- Giải pháp để hoàn thiện kết cấu lưới điện. + Đối với lưới điện trung áp.

Đầu tư xây dựng các đường dây trung áp song song (mạch 2) đối với những khu vực hiện chỉ có duy nhất một đường dây cung cấp hoặc chưa có mạch vòng cấp điện liên thông để cấp điện khi sự cố lưới điện xảy ra tại khu vực này. Khảo sát để đầu tư hoàn thiện hệ thống mạch vòng cấp điện liên thông cho các tuyến đường dây còn thiếu.

Nâng cấp các lộ đường dây 10kV lên vận hành 22kV hoặc 35kV, đối với những lộ đường dây 22 kV đang vận hành quá tải và gần quá tải thì đầu tư để tăng tiết diện dây dẫn có tính dự phòng khi cấp điện cho các mạch vòng liên thông.

Bổ sung tất cả các tiếp địa ngọn, tiếp địa chân cột của các đường dây trung áp để đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị.

Trên các trục đường dây, các nhánh rẽ cần sử dụng thiết bị Recloser (máy cắt tự động đóng lại) và phân đoạn bằng các thiết bị đóng cắt có tải (Ví dụ như: Cầu dao phụ tải) để thuận tiện khi sửa chữa hoặc một tuyến không phải cắt cả tuyến đường dây.

Giai đoạn từ năm 2015-2020 phải tính đến việc ngầm hóa các tuyến đường dây trung thế, hạ thế. Vì vậy, cần có sự phối hợp và thực hiện đồng bộ với công tác quy hoạch, xây dựng chỉnh trang đô thị và các dự án mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông.

+ Đối với các trạm biến áp.

Căn cứ vào tính ưu việt của từng loại TBA: TBA trong nhà; TBA ngoài trời; TBA treo; TBA 01 cột; TBA kios nên quá trình thiết kế cần lựa chọn loại TBA phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa điểm xây dựng để phát huy tối đa các ưu điểm của từng loại TBA. Thực hiện việc đầu tư, lắp đặt, thay thế các tủ RMU phù hợp với điều kiện khí hậu tỉnh Hưng Yên cho các trạm biến áp phân phối và sử dụng hệ thống điều hành SCADA/DMS, phân chia theo từng giai đoạn và thuận tiện cho việc đấu nối mạch vòng trong công tác quản lý cung ứng điện.

Đầu tư xây dựng thêm các trạm biến áp cho các khu vực quá tải và giảm bán kính cấp điện hạ thế. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Liên tục theo dõi công tác vận hành để điều chuyển MBA non, quá tải ; Đo dòng cân pha, thay công tơ định kỳ, thí nghiệm định kỳ các thiết bị đúng thời gian qui định, phát quang hành lang tuyến, kiểm tra sử dụng điện, tổng kiểm tra khách hàng, kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng ...

Đối với các MBA khi đầu tư xây dựng hoặc mua sắm mới phải lựa chọn loại máy biến áp có hai cấp điện áp (10;22/0,4 kV hoặc 10;35/0,4kV hoặc 22; 35/0,4kV) để dự phòng và thay thế khi nâng cấp điện áp.

Đầu tư xây dựng các đường dây hạ thế đảm bảo tiêu chuẩn đối với các khu vực đầu tư xây dựng mới.

Đầu tư, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường dây hạ thế nói chung và các tuyến đường dây hạ thế tiếp nhận từ lưới điện hạ áp nông thôn để đảm bảo kỹ thuật và an toàn trong vận hành, cải tạo và nâng cấp các đường dây đã đầy tải và quá tải. Đối với đường dây cũ cần nâng cấp, cải tạo để đảm bảo chiều cao pha - đất, trước mắt có thể thay thế dây dẫn bọc cách điện PVC để giảm tổn thất điện năng và an toàn trong vận hành.

Thực hiện san tải từ các TBA hiện tại và các TBA xây dựng mới hoặc TBA dã chiến để giảm bán kính cấp điện và nâng cao chất lượng điện áp.

Làm mới, bổ sung, thay thế tiếp địa lặp lại để đảm bảo an toàn trong vận hành lưới điện.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cần phân vùng phụ tải và phân loại khách hàng theo thứ tự ưu tiên từ mức cao xuống thấp để cấp điện hợp lý cho từng đối tượng khách hàng (Ví dụ: khách hàng quan trọng ; khách hàng ưu tiên; khách hàng có giá bán điện bình quân cao).

Đối với công tác thay công tơ định kỳ, phát triển khách hàng mới, công tác sửa thường xuyên và xử lý sự cố lưới điện: Các bộ phận phải chủ động lập kế hoạch để mua sắm, cấp phát và phải hoàn thành trước ngày 25 của tháng cuối quý để thực hiện cho quý tiếp theo. Cần mua sắm tập trung với số lượng lớn thì chi phí sẽ giảm, tính chủ động sẽ cao và nâng cao được hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Trong thời gian tới cần phân quyền mua sắm vật tư cho các bộ phận trực thuộc để chủ động và giảm thiểu chi phí tồn kho, nhưng phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng đồng thời thực hiện thanh quyết toán kịp thời với Tổng Công ty.

Mặc dù là đơn vị kinh doanh mang tính đặc thù không phải cạnh tranh, mất ít chi phí để quảng cáo, tiếp thị hay nghiên cứu để phát triển sản phẩm, nhưng việc cung ứng điện điện an toàn, ổn định và tiết kiệm phải được đặt lên hàng đầu. Trước mắt cần đầu tư, cải tạo tại các khu vực lưới điện quá tải, khu vực có tỷ lệ tổn thất cao, thay sứ kém chất lượng, thay dây dẫn trần bằng dây dẫn bọc cách điện. Ưu tiên

đầu tư trước các khu vực khách hàng sử dụng điện nhiều, giá bán điện bình quân cao. Đầu tư, cải tạo thực hiện trước sau đó mới nâng cấp điện áp đường dây trung thế ... nhằm cải thiện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, từng bước giảm thiểu các sự cố trên lưới điện.

Đánh giá hiệu quả và mức độ khả thi của dự án đầu tư qua các chỉ số giá trị hiện tại ròng NPV, tỷ suất hoàn vốn nội bộ IRR để lựa chọn dự án đầu tư, thời gian và khả năng thu hồi vốn của dự án.

- Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và đổi mới công nghệ.

Sử dụng có hiệu quả các chương trình quản lý phần mềm OMS, PSS/E, CMIC 2.0 nhằm tạo sự liên kết, khai thác hết các tiện ích của chương trình để phục vụ cho công tác cung ứng điện, kinh doanh bán điện, nhất là độ tin cậy cung cấp điện, tính toán và khoanh vùng và nhận dạng chính xác tổn thất điện năng để thực hiện đúng trọng tâm trọng điểm.

Xây dựng hệ thống thông tin địa lý GIS nhằm cập nhật và quản lý các thông tin số liệu của đường dây. Hiện nay dữ liệu của Công ty Điện lực Hưng Yên đang bị phát tán và hầu hết đều quản lý trên giấy tờ, chưa có một công cụ hữu hiệu phục vụ cho công tác quản lý vận hành, ra quyết định...Vì vậy, hệ thống thông tin lưới điện khi được xây dựng hoàn chỉnh sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về các thiết bị trên lưới điện sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành và công tác cung ứng điện.

Đầu tư xây dựng và chuẩn hóa lại toàn bộ hệ thống truyền dẫn thông tin (cáp quang) đến tận các tổ đội phục vụ cho công tác điều hành sản xuất và quản lý vận hành lưới điện, tiến tới sử dụng cơ sở hạ tầng cho hệ thống quản lý lưới điện phân phối SCADA/DMS. Trước mắt đầu tư vào các khu vực có mật độ dân cư cao, phụ tải lớn để quản lý hệ thống an toàn, ổn định và ngăn ngừa sự cố lưới điện.

Xây dựng chương trình quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, thu thập thông tin lưới điện mang tính chiến lược về bản đồ kỹ thuật số không gian 3 chiều phục vụ cho công tác quản lý vận hành lưới điện.

Sử dụng ghi chỉ số công tơ bằng máy tính bảng và áp dụng ghi chỉ số công tơ từ xa sẽ giúp tăng được năng suất lao động, giảm thiểu sai sót do yếu tố chủ quan của con người, in hóa đơn tiền điện chính xác, kịp thời. Mở rộng các hình thức thu tiền điện như thu qua thẻ ATM, thẻ tín dụng, tài khoản cá nhân, Intenetbanking, điện thoại di động, qua ngân hàng, bưu điện ... để tạo mọi điều kiện thuận lợi, mọi lúc, mọi nơi cho khách hàng sử dụng điện.

Lập kế hoạch để thay hết công tơ điện từ (công tơ cơ khí) đang vận hành bằng công tơ điện tử có chức năng đo xa.

Giao khoán chỉ tiêu đến tổ, đội, nhóm công nhân đúng với thực tế (khối lượng, đặc thù lưới điện được giao, nhân lực, trình độ công nhân); Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện.

3.2.1.4. Lợi ích đạt được của các giải pháp

Nâng cao hiệu quả sử dụng điện cho các khách hàng góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nâng cao tính linh hoạt trong xử lý sự cố lưới điện và khả năng vận hành lưới điện an toàn, nâng cao độ tin cậy cấp điện, góp phần giảm tổn thất điện năng, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Góp phần tăng năng suất, cải thiện điều kiện làm việc và tiết kiệm nguồn nhân lực, nâng cao đời sống cho CBCNV.

Theo dõi chính xác tình trạng hoạt động của thiết bị, tính toán để vận hành tối ưu lưới điện.

Giảm thiểu được sự cố, góp phần nâng cao tính ổn định của hệ thống lưới điện, khắc phục được tình trạng vận hành MBA non tải hoặc quá tải.

Củng cố và dần dần thắp sáng được niềm tin đối với khách hàng sử dụng điện. Hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót do chủ quan gây ra cũng như các khiếu nại của khách hàng sử dụng điện.

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý quá trình cung ứng điện của Công ty Điện lực Hưng Yên (Trang 83)