2.7.3.1. Một số khái niệm
Rau hữu cơ
Rau hữu cơ là loại rau được sản xuất theo phương thức dùng phân hữu cơ, nước sạch để tưới, trên đất không bị ô nhiễm, không sử dụng phân khoáng và thuốc bảo vệ thực vật, hay nói cách khác là rau sản xuất hoàn toàn không sử dụng hóa chất nông nghiệp (AVRDC, 2003).
Rau an toàn
Là loại rau khi đến tay người tiêu dùng thì các chỉ tiêu về thuốc hóa học, nitrate, kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh phải ở dưới mức cho phép (Trần Thị Ba, 2006).
2.7.3.2. Tình hình sản xuất rau an toàn
Trên thế giới
Theo thống kê của AVRDC (2006), diện tích trồng rau của thế giới tăng bình quân là 2,8% so với các loại cây trồng khác (cây ăn quả là 1,75%, cây lấy dầu là 1,47%, cây lấy củ là 0,44%,...). Trong đó, Trung Quốc là nước có diện tích trồng rau tăng nhanh nhất, đạt 6% và Ấn Độ đạt 3%. Do nhu cầu sản phẩm hữu cơ xanh trên thế giới ngày càng tăng nhanh mà việc bán các sản phẩm hữu cơ xanh ở Châu Âu tăng gấp 2 lần so với những năm 1990, Châu Á hiện tại có khoảng 500 nghìn hecta đất canh tác nông nghiệp hữu cơ, chủ yếu là ở Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc,... Hiện tại, Trung Quốc có hơn 1000 công ty nông nghiệp và trang trại được cấp giấy chứng nhận là sản xuất bằng công nghệ sạch hữu cơ, Ấn Độ có khoảng 2,5 triệu hecta trang trại được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ. Trong năm 2003, xuất khẩu sản phẩm hữu cơ của Trung Quốc tăng 5%/năm (htpp://www.solidPDF.com).
Ở Việt Nam
Hiện tại, chương trình trồng rau sạch, rau an toàn đang phát triển trong cả nước, tiêu biểu là chương trình hợp tác giữa Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng vùng trồng rau an toàn 500ha để cung cấp cho thị trường, chương trình “Huấn luyện nông dân sản xuất và xây dựng mô hình rau an toàn theo hướng GAP” được thực hiện ở 22 tỉnh phía Nam và 6 tỉnh phía Bắc bắt đầu thực hiện từ 2006-2008 (http://ppd.gov.vn), dự án nông nghiệp hữu cơ của Hội nông dân Việt Nam đã triển khai 22 thí nghiệm tại 6 xã thuộc 6 địa phương như: Hải Phòng, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Bắc Ninh (http://vnast.gov.vn),... Trên thị trường cũng xuất hiện các công ty chuyên cung cấp rau sạch, rau hữu cơ như : Hà Nội Organic, công ty Golden Garden, công ty Organik,... Tuy nhiên, giá rau sạch, rau hữu cơ vẫn cao do lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ trong nước vẫn còn chiếm vị trí rất nhỏ nên chi phí cho sản xuất, vận chuyển và bán ra thị trường sẽ rất cao (http://www. Hoinongdan.org.vn).
2.7.3.3. Vai trò của phân hữu cơ trong sản xuất rau an toàn a. Giúp giảm hàm lượng nitrate trong rau
Phân hữu cơ giúp giảm được lượng phân hóa học phải sử dụng nên giúp giảm lượng nitrate trong rau. Ở rau mồng tơi, bón phân hữu cơ sinh học làm giảm lượng
nitrate từ 245,2 mg/kg xuống còn 21,5 mg/kg tức là làm giảm đến 91,3% so với đối chứng chỉ sử dụng phân hóa học, ở cải xanh giảm đến 79,1% đã góp phần tạo ra sản phẩm sạch và an toàn cho người sử dụng (Lâm Tú Minh et al., 2003). Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Bình (2001) trên cải ngọt cho thấy bón 100N hữu cơ cho hàm lượng nitrate khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với đối chứng (115,3 mg/kg) có hàm lượng N thấp nhất và chỉ bằng 30% so với nghiệm thức bón 100N urê (343,1 mg/kg). Theo Tô Như Ái và Lê Phú Duy (2007), thí nghiệm trên rau muống cho thấy hàm lượng nitrate ở nghiệm thức có bón phân hữu cơ vi sinh giảm đến 39,02% trong vụ 1 và 63,09% trong vụ 2 so với nghiệm thức đối chứng (bón hỗn hợp phân khoáng 100N-80P2O5-40 K2O).
b. Giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)
Phân hữu cơ và nhất là phân hữu cơ vi sinh có vai trò giảm thiệt hại do bệnh và tuyến trùng nên hạn chế sử dụng thuốc BVTV cho rau. Kết quả thí nghiệm của Đào Châu Thu et al. (2005) trên cà chua cho thấy ở các nghiệm thức có sử dụng phân hữu cơ thì mức độ nhiễm sương mai ở mức độ nhẹ (+) hơn so với nghiệm thức sử dụng đơn thuần một loại phân khoáng (++).
c. Giảm hàm lượng kim loại nặng
Phức hợp hữu cơ - khoáng trong đất giúp ngăn cản khả năng đồng hóa kim loại nặng của cây trồng giúp cho các sản phẩm nông nghiệp trở nên sạch hơn (Vũ Tiến Khang và Lưu Hồng Mẫn, 2000).