Tình hình mua chịu vật tư của nông hộ ở huyện Thoại Sơn

Một phần của tài liệu thực trạng mua chịu vật tư nông nghiệp của nông hộ ở huyện thoại sơn, tỉnh an giang (Trang 44)

Như đã đề cập ở trên, luận văn sử dụng thông tin thu thập từ 110 nông hộ được chọn ngẫu nhiên thuộc 6 xã ở huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang. Trong đó có 78 nông hộ (chiếm 70,9%) có mua chịu vật tư nông nghiệp với độ tuổi trung bình của chủ hộ là 53,2 tuổi, đồng thời kinh nghiệm sản xuất của chủ hộ

tương đối lớn (27,3 năm). Trong số 110 hộ thì có 20 hộ (chiếm 18,2% số hộ được khảo sát) có người thân trong gia đình hay bạn bè làm ở cơ quan nhà nước cấp xã - nơi mà những nông hộ đang sinh sống, có 47 hộ (chiếm 42,7%) có vay vốn ở các TCTD chính thức. Trung bình tài sản của nông hộ trong mẫu khảo sát tương đối lớn khoảng 1.079,5 triệu đồng/hộ. Cụ thể tình hình mua chịu vật tư nông nghiệp của các nông hộ trong mẫu khảo sát như sau:

Bảng 4.11 cho thấy số tiền mua chịu vật tư của các nông hộ trong năm 2012 là khá cao (66.820,9 nghìn đồng/hộ/năm), thấp nhất là 7.200 nghìn đồng/hộ/năm, có hộ cá biệt tới 370.000 nghìn đồng/năm do diện tích đất sản xuất của nông hộ tại địa bàn khảo sát tương đối lớn, trung bình khoảng 20.210,9 m2 nên số tiền mua chịu vật tư cũng lớn tương ứng. Cho thấy quy mô sản xuất nông nghiệp của các nông hộ trong mẫu khảo sát chênh lệch khá lớn. Thường khi nông dân đến mua thiếu thì các chủ cửa hàng tính giá bán bằng với giá tiền mặt cộng với một khoản lãi. Lãi suất chênh lệch với lãi suất ngân hàng khá cao, bình quân là 30,7%/năm, lớn nhất là 36%. Tuy nhiên, cũng có trường hợp là 0% do nông hộ chỉ mua chịu một phần và đó là phần có ít biến động về giá cả nên các đại lý không tính lãi. Qua đó cho thấy số vốn cho vay của các đại lý vật tư huyện Thoại Sơn cũng rất cao mà thường chỉ có các TCTD chính thức mới có thể đáp ứng được.

Sở dĩ các đại lý vật tư cho mua chịu một khoản tiền lớn như vậy là do các nông hộ có thời gian sống ở địa phương khá lâu, trung bình là 43,9 năm và là người bản xứ nên được các đại lý vật tư nông nghiệp tín nhiệm và cho mua trả chậm, khi nào thu hoạch xong mới trả tiền. Trung bình thời gian cho thiếu chịu là 3,9 tháng, tương ứng với 1 vụ sản xuất trong năm. Hầu như đại lý vật tư nào cũng không cần nông hộ ứng một số tiền trước để dằn cọc mà toàn bộ số tiền đều cho trả chậm. Chính đều này đã làm cho hình thức mua trả chậm ngày càng trở nên quan trọng và là một phần không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp của người dân, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện đời sống của nông hộ huyện Thoại Sơn.

Do sống lâu năm ở địa phương nên thời gian quen biết giữa các nông hộ trong mẫu khảo sát và các đại lý vật tư là khá dài (trung bình 118,3 tháng), có trường hợp lên đến 360 tháng vì là họ hàng thân thiết. Điều này cũng góp phần lý giải vì sao mua chịu vật tư là một hình thức không cần thế chấp nhưng các đại lý vẫn cho mua chịu với số tiền lớn như vậy mà không sợ rủi ro. Đó là do thời gian sống ở địa phương cũng như thời gian quen biết khá dài nên các thông tin về nông hộ thì các chủ đại lý nắm rất rõ và mức độ rủi ro từ đó cũng giảm xuống.

Với thời gian quen biết khá dài như vậy nên số lần mua chịu cũng nhiều tương ứng, trung bình mỗi hộ có mua chịu 24,7 lần kể từ lần mua đầu tiên,

cũng có hộ mua chỉ có 1 lần do mới bắt đầu sản suất và cũng có hộ mua chịu đến 51 lần vì là những hộ sản xuất lâu năm. Số tiền mua chịu của các nông hộ khá cao một phần cũng do mức độ gần gũi về khoảng cách địa lý giữa đại lý vật tư với nông hộ, với khoảng cách tương đối gần (2,8 km) nên thông tin về nông hộ được các đại lý nắm rất rõ. Thật ra khoảng cách địa lý gần như vậy là do hiện nay có rất nhiều đại lý vật tư hoạt động và hiển nhiên chổ nào gần gũi sẽ được các nông hộ ưu tiên mua trước. Do đó, khoảng cách địa lý không còn là trở ngại lớn trong việc tiếp cận với hình thức mua trả chậm.

Bảng 4.11: Tình hình mua chịu vật tư nông nghiệp của nông hộ

Tiêu chí Trung bình Độ lệch chuẩn Giá trị nhỏ nhất Giá trị lớn nhất

Số tiền mua chịu vật tư (nghìn đồng/năm) 66.820,9 56.485,3 7.200 370.000

Thời gian trả chậm (tháng) 3,9 0,3 3 5

Số tiền trả chậm (% của tổng số tiền phải trả) 100 0 100 100 Thời gian quen biết với người bán (tháng) 118,3 69,7 24 360

Số lần mua chịu (lần) 24,7 10,7 1 51

Khoảng cách từ nơi ở của hộ đến đại lý vật

tư (km) 2,8 1,5 0 6

Diện tích đất sản xuất năm 2012 (m2) 20.210,9 18.420,8 2.000 148.000 Thời gian sinh sống ở địa phương (năm) 43,9 14,5 5 68

Lãi suất mua chịu (%) 30,7 7,3 0 36

Nguồn: Tính toán từ số liệu khảo sát năm 2013.

Một phần của tài liệu thực trạng mua chịu vật tư nông nghiệp của nông hộ ở huyện thoại sơn, tỉnh an giang (Trang 44)