Ở Denmark sự đề kháng nafcillin của Staphylococcus aureus chiếm 40% các chủng phân lập được năm 1970 và chỉ có 10% năm 1980. Còn ở Mỹ sự kháng nafcillin của Staphylococcus aureus chỉ có 0,1% chủng phân lập năm 1990, các năm tiếp theo thì tăng đến 20 – 30% chủng kháng được phân lập từ các nhiễm khuẩn ở một vài bệnh viện (Janetx et al., 2001).
Sự dung nạp kháng sinh được phát hiện trong trường hợp điều trị viêm nội tâm mạc ghi nhận năm 1977, một số chủng Staphylococcus aureus mặc dù bị ức chế bởi penicillin ở các nồng độ thông thường, nhưng nó chỉ bị diệt ở các nồng độ cao hơn. Hiện tượng này gọi là sự dung nạp chưa hoàn toàn, nhưng nó liên quan đến sự không tan bào của các chủng vi khuẩn này khi có mặt của kháng sinh ở nồng độ nhạy cảm bình thường. Có lẽ vi khuẩn đã ức chế được sự tan bào. Trong trường hợp này nên thay kháng sinh hay phối hợp kháng sinh (Lê Huy Chính, 2003).
Staphylococcus aureus kháng với penicillin và cephalosporin nhờ tiết được men β-lactamase, tính kháng thuốc được truyền bởi plasmid bằng cơ chế chuyển nạp hay giao phối (Nguyễn Thanh Bảo, 2003).
Trong số 100 mẫu bệnh phẩm trên lâm sàng được phân lập có 48 chủng
Staphylococcus aureus. Kết quả của kháng sinh đồ chỉ ra vi khuẩn đề kháng cao với penicillin 95,8%, ampicillin 89,6%, tetracycline 87,5% và 75% đối với chloramphenicol (Uwaezuoke et al., 2004).
Trong phòng thí nghiệm, người ta đã tìm thấy plasmid kháng vancomycin ở
Enterococcus faecalis có thể chuyển sang Staphylococcus aureus và được nghĩ rằng việc chuyển này có thể xảy ra ngoài tự nhiên, trong đường tiêu hóa chẳng hạn. Ngoài ra, Staphylococcus aureus còn kháng với chất khử trùng và tẩy uế (Kenneth Todar, 2005).
Từ khi sử dụng penicillin vào những năm 1940, tính kháng thuốc đã hình thành ở tụ cầu trong thời gian rất ngắn. Nhiều dòng hiện nay đã kháng với hầu hết kháng sinh thông thường và sắp tới sẽ kháng cả kháng sinh mới. Thật sự là trong hai năm gần đây, việc thay thế kháng sinh cũ bằng vancomycin đã dẫn đến sự gia tăng các dòng kháng vancomycin VRSA (Vancomycin Resistant
Staphylococcus aureus ) (Kenneth Todar, 2005).
Khảo sát sự đề kháng kháng sinh tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2005 cho thấy các chủng Staphylococcus aureus phân lập từ bệnh phẩm có đến 94,1% chủng kháng penicillin, 52,9% kháng ciprofoxacin, 52% kháng amoxicillin và 12,5% kháng gentamicin (Nguyễn Thị Kê và ctv., 2006).
Sự kháng kháng sinh của Staphylococcus aureus là một đặc điểm rất đáng chú ý. Đa số Staphylococcus aureus kháng penicillin G do vi khuẩn này sản xuất được men penicillinase. Một số còn kháng lại được methicillin gọi là methicillin resistant Staphylococcus aureus (MRSA), do nó tạo ra các protein gắn vào các vị trí tác động của kháng sinh (Lê Huy Chính, 2007).
Theo Võ Thị Huyền Trân (2007), Staphylococcus aureus có tỷ lệ nhạy cảm thấp đối với kháng sinh như tetracycline (41,46%), ampicillin (36,59%) và đề kháng cao với erythromycin (70,73%).
Theo Forough et al. (2012) phân lập 348 mẫu sữa thô của bò, cừu, dê từ đàn gia súc ở các trang trại ở Iran, hơn 46 mẫu sữa thô được tìm thấy có chứa
Staphylococcus aureus. Trong đó có 54,3% đề kháng với ampicillin; 28,3% đề kháng với oxacillin; 26,1% đề kháng với tetracycline; 23,9% đề kháng với penicillin G; 23,9% đề kháng với erythromycin; 2,2% đề kháng với cephalotin; 17,4% đề kháng với trimethoprim và sulfamethoxazole.