- Khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với EU, Hàn Quốc, Liên minh hải quan với Nga, Belarus, Kazakhtan đi vào thực hiện và phát huy hiệu lực; đồng thời Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được chính phủ 12 nước có những quyết tâm chiến lược để đẩy nhanh tốc độ thực hiện và ký kết sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn khó khăn và thách thức rất lớn, đó là: Sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài; năng suất lao động vẫn còn ở mức khá thấp so với các nước; sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI của các nước không tham gia hiệp định vào Việt Nam để cạnh tranh khai thác lợi thế của các hiệp định mà Việt Nam đã và sẽ ký kết.
- Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang là một trong khá ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam có dây chuyền và quy mô sản xuất khép kín từ khâu kéo sợi đến dệt - nhuộm hoàn tất và may mặc xuất khẩu. Điều này đáp ứng hoàn toàn đầy đủ điều kiện xuất xứ bắt buộc (yarn - forward) của Hiệp định TPP và chủ
động, nhanh chóng trong việc tiếp cận, triển khai đơn hàng. Công ty hiện đang có 4 nhà máy sợi, 1 nhà máy dệt nhuộm, 4 nhà máy may với hơn 3.200 cán bộ công nhân viên, năng lực sản xuất 17.000 tấn sợi, 2.000 tấn vải dệt kim và 6.000.000 sản phẩm may mặc mỗi năm; doanh thu đạt trên 1.300 tỷ đồng.
- Nắm bắt cơ hội thị trường, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm một nhà máy sản xuất vải dệt kim với quy mô sản xuất 3.500 tấn/năm với vốn đầu tư
hơn 280 tỷ đồng để tiếp tục mở rộng thị trường và khẳng định vị thế của mình.
Trước những chủ trương lớn của Tập đoàn Dệt May Việt nam và Tổng Công ty CP Phong Phú; trong thời gian tới Công ty Cổ phần Dệt May Nha trang đang tập trung phát triển những dự án xây dựng nhà máy Sợi, May mặc .... hướng đến phát triển thành Trung tâm Dệt may Miền Trung tại Nha trang Khánh hòa.