Năm 2010, dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh Yên Bái có 480.234 người (chiếm 63,87% so với dân số trung bình). Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 407.828 người, chiếm 85,1% nguồn lao động, thất nghiệp là 6.325 người (chiếm 3,5%); số còn lại (học sinh, sinh viên, nội trợ, lao động không làm việc) chiếm 13,8% nguồn lao động.
Cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế của tỉnh đã có bước chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực sản xuất nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong khu vực sản xuất công nghiệp xây dựng và thương mại, dịch vụ. Năm 2010, lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp 297.890 người chiếm 73,04% (giảm 2,63% so năm 2005); công nghiệp, xây dựng 39.889 người, chiếm 9,78% (tăng 2,17% so năm 2005); thương mại, dịch vụ 70.049 người, chiếm 17,18% (tăng 0,47% so năm 2005).
Tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 4% năm 2005 xuống còn 3,5% năm 2010, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn tăng từ 80% năm 2005 lên 82% năm 2010.
Trong tổng số lao động trong độ tuổi, có 66.081 lao động không tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 13,8% dân số trong độ tuổi lao động bao gồm: học sinh
đang đi học, số người mất khả năng lao động, số lao động thất nghiệp, số không có nhu cầu làm việc,...
Về cơ bản lao động trong nền kinh tế quốc dân nói chung và cán bộ công chức nói riêng đều có công việc làm ổn định và được bố trí, sắp xếp từng vị trí làm việc khá rõ ràng.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại một số lượng nhỏ số lượng lao động thất nghiệp do các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh... bị phá sản, hoặc sản xuất kinh doanh kém hiệu quả phải chuyển đổi cơ cấu lao động, không đáp ứng được trình độ, tay nghề; không kiếm được việc làm hoặc lười lao động và một số mới tham gia vào nền kinh tế chưa tìm được việc làm... con số này tuy chưa lớn, nhưng nếu chất lượng nguồn lao động của tỉnh Yên Bái không được nâng lên thì trong thời gian tới con số này sẽ tăng lên rất nhiều vì đòi hỏi về công việc trong thời kỳ CNH-HĐH ngày càng cao.
Lao động trong các ngành kinh tế có hướng chuyển dịch từ sản xuất nông lâm nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; số lao động thu hút vào làm việc trong các doanh nghiệp tăng nhanh, bình quân mỗi năm lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp tăng từ 1.500 đến 2.000 lao động. Số lao động của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên ở một số lĩnh vực lao động còn thiếu các chuyên gia trong lĩnh vực yêu cầu công nghệ cao.
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Yên Bái hiện có 23.290 người, cán bộ nữ 12.482 người, chiếm 53,6% tổng số, trong đó cán bộ công chức các cơ quan khối Đảng, đoàn thể là 1.049 người; cán bộ, công chức các cơ quan hành chính nhà nước là 2.309 người; Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 16.701 người; Cán bộ công chức cấp xã là 3.231 người. Ngoài ra, còn khoảng 8.000 cán bộ không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn. Cơ bản lực lượng cán bộ, công chức, viên chức đã được bố trí, sắp xếp hợp lý, công việc ổn định.
Xét theo ngành nghề đào tạo thì hiện nay đa số người học thích học các ngành nghề về kinh tế như kế toán, ngân hàng, quản trị kinh doanh... còn các ngành
thiên về kỹ thuật có nhu cầu tuyển dụng rất cao thì lại ít người học, gây ra tình trạng chênh lệch trong cơ cấu lao động. Tình trạng phân bố số lượng không đồng đều giữa các vùng và các ngành kinh tế (lao động tập trung nhiều ở khu vực thành phố, thị trấn, những khu đông dân cư,.. thiếu cán bộ, lao động bậc cao ở các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa và các ngành như: tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, công nghiệp...), dẫn đến mất cân đối lao động giữa các vùng và các ngành.
Đánh giá về hiệu quả chung sử dụng lao động: Năng suất lao động của tỉnh còn thấp, qua khảo sát hàng năm, năng suất lao động thuộc nhóm ngành nông, lâm, nghiệp hiện đang vẫn trong tình trạng thấp nhất năm 2005 đạt 4,27 triệu đồng, năm 2010 đạt 9,04 triệu, còn cao nhất là năng suất lao động của ngành công nghiệp - xây dựng năm 2005 đạt 30,46 triệu đồng, năm 2010 đạt 67,59 triệu.
Nguyên nhân chủ yếu làm cho năng suất lao động trong nông, lâm nghiệp thấp là do số lao động chiếm tỷ trọng lớn nhất, năng suất cây, con thấp, sản xuất mang tính mùa vụ phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu,...
Nhìn chung, các doanh nghiệp cơ bản thực hiện đúng quy định của Nhà nước về tiền lương. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được thang, bảng lương đúng quy định; chưa trả lương theo nguyên tắc thị trường; quan hệ tiền lương còn bất cập; các chế độ phụ cấp, tiền thưởng, thu nhập chưa được quan tâm; một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động còn ép tiền lương của người lao động, dẫn đến quan hệ lao động có lúc, có nơi rất căng thẳng. Nguyên nhân là do mức lương tối thiểu chung còn thấp và có sự phân biệt giữa các khu vực; các thoả thuận, thoả ước lao động tập thể còn mang tính hình thức.
Ngoài ra, Chính sách tiền lương đối với thu hút và phát triển nguồn nhân lực còn có bất cập. Mặc dù Tỉnh uỷ-Hội đồng nhân dân-Uỷ ban nhân dân đã ban hành nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực như: Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Yên Bái khóa XVI về thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 23/2008/NQ-HĐND về việc chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số tỉnh
Yên Bái, Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái, về việc ban hành chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái... nhưng các chính sách này vẫn chưa thực sự thu hút nhân lực có chất lượng cao những lao động thật sự có tài về làm việc tại địa phương.