phát triển văn hóa
Đối với các nước đang phát triển vốn có điểm xuất phát ở trình độ nói chung là thấp (kinh tế nông nghiệp lạc hậu, mức sống kém, lối sống còn khép kín trong những truyền thống lâu đời), hiện đại hóa là một yêu cầu và một xu thế tất yếu của phát triển văn hóa. Hiện đại hóa là một lối
34
thoát để tiến lên một xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ và văn minh, trên bình diện kinh tế - xã hội - văn hóa.
Chính vì vậy, việc mở cửa hội nhập với khu vực và các nước trên thế giới, tiếp thu các thành tựu văn hóa, văn minh của nhân loại đối với chúng ta phải có một trình độ văn hóa tương ứng để tiếp ứng các thành tựu đó và làm chủ quá trình công nghệ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khi mà toàn cầu hóa trở thành xu thế của thời đại và cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và sâu rộng khắp thế giới. Không một dân tộc có thể đứng ngoài hoặc quay lưng lại với xu thế đó. Các quốc gia, dân tộc muốn tiến lên phải hội nhập vào trào lưu đó, phải biết lợi dụng những thành tựu cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại.
Truyền thống và hiện đại thống nhất nhau, tác động qua lại, nhằm thúc đẩy văn hóa phát triển. Muốn hiện đại hóa có hiệu quả cao phải giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Truyền thống không cản trở sự nghiệp hiện đại hóa mà là một động lực của hiện đại hóa. Có những truyền thống được tăng thêm về nội dung, cường độ; có những truyền thống được đổi mới theo nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Thí dụ lễ hội, cưới xin, ma chay, nghệ thuật, tuồng chèo... truyền thống vẫn giữ cốt cách, bản lĩnh nhưng có thay đổi về chất lượng và hình thái.
Các nước đang phát triển đều hướng về nền văn minh phương Tây (kinh nghiệm Nhật Bản trong thời Minh trị), vì nền văn minh ra đời và phát triển, đồng bộ và toàn diện hơn. Đóng góp của văn minh phương Tây đối với nhân loại là chủ nghĩa duy lý khoa học và đầu óc thực tiễn; tinh thần đổi mới và sự canh tân không ngừng, sự ra đời và phát triển mọi lĩnh vực và ngành nghề của tri thức và học vấn mà con người phát triển cần đến. Mặt khác, một số nước sở dĩ không thoát khỏi tình trạng kém phát triển là
35
vì không nắm và không sử dụng được quyền lực kinh tế và chính trị của nước mình, không vận dụng truyền thống dân tộc trong giao lưu với các nước phương Tây nên dễ bị phương Tây hóa.
Truyền thống là một động lực phát triển. Muốn phát triển thì phải biết và phải gắn với gốc rễ, cội nguồn để biết mình, hiểu mình và từ đó canh tân, đổi mới tránh được sự gãy khúc phân đoạn trong phát triển, để tìm ra phương hướng hiện đại hóa theo tinh thần sáng tạo.
Quá trình hiện đại hóa các yếu tố truyền thống gắn liền với dân tộc. Vì được tạo ra, được lưu truyền trong cộng đồng dân tộc với một sắc thái thiên nhiên, điều kiện xã hội, lịch sử riêng trong quá trình phát triển lâu dài, những đặc điểm dân tộc in dấu ấn vào các sáng tạo văn hóa. Trải qua nhiều sự tương tác, thách thức của thời gian dần dần lắng đọng, định hình tạo thành bản sắc dân tộc của văn hóa. Nó tạo nên cốt cách, bản lĩnh, sức sống nội sinh của dân tộc. Trên cơ sở đó làm nảy sinh và hoàn thiện ý thức dân tộc, tạo nên lực hút, quy tụ, gắn kết các thành viên cộng đồng, tạo ra thế vững chắc trong quá trình phát triển.
Văn hóa dân tộc được hình thành và phát triển phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, môi trường cư trú, thể chế chính trị cũng như giao lưu với các nền văn hóa khác. Nói đến văn hóa, là nói đến dân tộc đã sáng tạo, đã vun trồng ra nền văn hóa đó. Tuy nhiên để hấp thụ một cách chọn lọc nền văn minh, thì cơ sở bên trong của dân tộc phải thống nhất, phải ổn định, phải bền vững. Dân tộc nào cũng có nơi "chôn nhau, cắt rốn" gắn liền với điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử, kinh tế, chính trị của riêng mình. Chính cái nôi đó, tạo ra cái hữu thể riêng, tự phân biệt với dân tộc khác, trước hết là về mặt tự nhiên, sau đó là diện mạo, phẩm chất, năng lực, sáng tạo. Đó là nét độc đáo riêng của mỗi dân tộc.
36
Văn hóa truyền thống luôn luôn vận động, tuy có ổn định, bền vững nhưng không thể bất biến. Song con đường vận động, phát triển của văn hóa truyền thống phức tạp hơn nhiều so với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, điều kiện xã hội, lịch sử. Nó không phải đi theo con đường thẳng, không phải văn hóa thời đại sau bao giờ cũng cao hơn thời đại trước, có những yếu tố văn hóa cổ mà văn minh ngày nay chưa thể vượt qua được - giá trị truyền thống cũng vận động, biến đổi theo trình độ dân trí, qua giao lưu văn hóa thời đại, nhưng vận động tiếp biến cũng xoay quanh cái gốc, trở về cội nguồn. Nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột, bị nô lệ, bị đàn áp bao thế kỷ, trình độ tuy có lạc hậu nhưng vẫn bám trụ và vươn dậy trong thời đại văn minh công nghệ tin học để chứng minh sức mạnh tiềm ẩn trong văn hóa dân tộc.
Truyền thống văn hóa dân tộc được tôi luyện, đúc kết hàng trăm thế hệ nối tiếp nhau trong lịch sử, như dòng phù sa hóa thân vào màu xanh của đồng hóa. Tất cả các quốc gia hiện nay đều chú trọng nghiên cứu di sản văn hóa dân tộc mình, họ ý thức được rằng, nếu không đề cao bản sắc văn hóa dân tộc thì tính đa dạng của văn hóa thế giới nghèo nàn đi do sự lai căng của nhiều nền văn hóa. Ngược lại, văn hóa dân tộc có yếu tố bảo thủ. Xu hướng bảo thủ có mặt tích cực là tạo ra khả năng tự vệ, rào chắn có hiệu quả các cuộc xâm lăng văn hóa, nhưng bảo thủ sẽ dẫn đến loại trừ các yếu tố tích cực, hiện đại của văn hóa từ bên ngoài tác động vào.
Sự hiện đại hóa các yếu tố truyền thống thường xuất phát từ hoạt động sáng tạo của chủ thể văn hóa dân tộc và tiếp thu qua giao lưu văn hóa quốc tế. Yếu tố hiện đại giúp văn hóa truyền thống thích nghi và phát triển, đồng thời nó đáp ứng được nhu cầu văn hóa ngày càng tăng lên của dân tộc. Ngược lại, văn hóa dân tộc càng đứng vững trên đôi chân của chính mình, nội lực của chính mình, càng dễ dàng tiếp nhận các yếu tố hiện đại,
37
làm cho các yếu tố hiện đại gia nhập và trở thành yếu tố văn hóa truyền thống. Mặt khác, văn hóa truyền thống nảy sinh không ngừng những yếu tố mới - yếu tố tiên tiến định hướng đời sống tinh thần và hoạt động vật chất của xã hội.
Truyền thống và hiện đại thống nhất nhau trong sự phát triển đời sống văn hóa hiện đại. Hiện đại là cái mới, cái tiến bộ, đang biểu hiện ra trong đổi mới hiện nay. Những cái trong cái cũ, trong truyền thống mà có lợi cho phát triển dân tộc thì ngày nay đều được thực tại hóa trong cuộc sống, trở thành những thực hành văn hóa mang tính xã hội. Muốn vậy, truyền thống cần được giữ gìn, bổ sung, cải tiến theo xu thế hiện đại. Ở nước ta chẳng hạn, trong lao động sản xuất cần phát huy truyền thống cần cù, tiết kiệm nhưng phải quý trọng thời gian để tăng năng suất. Giữ gìn truyền thống “trên kính dưới nhường” nhưng phải dân chủ hóa đời sống gia đình và xã hội. Bên cạnh đó có những cái phải sáng tạo ra, vì xưa kia chưa có nhưng nay lại rất cần cho sự phát triển và cho hội nhập với thế giới. Chẳng hạn, phải cơ khí hóa nông nghiệp, hiện đại hóa giao thông vận tải, phát triển các hình thức vui chơi giải trí... theo tinh thần công nghiệp hóa.
Do vậy, chúng ta chống lại hai khuynh hướng cực đoan hoặc là ca ngợi, phục hồi truyền thống một chiều trong một môi trường văn hóa khép kín hoặc là mở cửa đón nhận cái hiện đại không cân nhắc, không chọn lọc, nhất nhất tin rằng đó là phương án văn hóa duy nhất để đất nước tiến lên theo kịp thế giới hiện đại. Cả hai khuynh hướng trên không mang đầy đủ tính chất biện chứng khoa học, cũng không mang đầy đủ căn cứ thực tiễn trong sự phát triển đất nước.
Xét theo một ý nghĩa nào đó thì trong văn hóa, cái truyền thống và cái hiện đại có chỗ đối lập nhau. Việc tiến hành hiện đại hóa, tự nó, ở một mức độ nhất định và trong những trường hợp nhất định, đã có nghĩa là phủ
38
định đối với truyền thống, không phải tất cả truyền thống nhưng là những bộ phận nào đó của truyền thống. Truyền thống văn hóa có tính ổn định tương đối nhưng không phải là cố định, nghĩa là có thể và tất yếu chuyển biến theo thời gian. Quá tình hiện đại hóa là quá trình đánh giá lại và kế thừa có chọn lọc truyền thống, trong khi đó các bước đi của hiện đại hóa cũng sẽ thúc đẩy và phát huy truyền thống. Tinh thần văn hóa dân tộc tuy ổn định nhưng nó cần hoàn thiện, đổi mới. Có đổi mới mới có đường ra, mới có thể tiến lên. Ý thức hiện đại va đập với tinh thần văn hóa dân tộc, khẳng định và phê phán, lựa chọn và từ bỏ, không ngừng làm phong phú, thay đổi nội dung và quan niệm thời kỳ mở cửa.
Trong sự thống nhất giữa quan hệ truyền thống - hiện đại, có sự chuyển tiếp và kế thừa giữa các thế hệ. Bởi vì, có mặt trong bất cứ một công cuộc xây dựng đất nước nào, bao giờ cũng có ít nhất hai thế hệ chủ yếu là trụ cột quyết định mà ta thường gọi đơn giản là "thế hệ cũ" và "thế hệ mới". "Thế hệ cũ" thường gắn bó nhiều hơn với truyền thống văn hóa, với nếp sống và cách nhìn đã một thời ổn định. Họ không tin một sự thay đổi chóng vánh nào của xã hội, của văn hóa và thường có những phản ứng đề phòng trước những gì mới mẻ, hiện đại, có khi là phản ứng tự vệ mà họ cho là chính đáng. Tuy vậy, trong công cuộc hiện đại hóa phải đặc biệt coi trọng thế hệ này. Họ là những người nhiệt thành với cái hay, cái đẹp của truyền thống, không dễ dàng bị lôi cuốn bởi cái choáng lộn của đời sống hiện đại và sẵn sàng "cầm cân nảy mực" trước những hiện tượng thái quá của cái hiện đại trong văn hóa. Còn "thế hệ mới" gồm những người sinh ra trong xã hội mới có nhiều thay đổi dồn dập về mọi mặt, cả trên bề mặt và cả bề sâu văn hóa, do chính những điều kiện sống cũng thay đổi nhanh chóng. Điều đó làm cho họ dễ dàng bị sự tấn công của văn hóa hiện đại và tưởng lầm rằng sự quay về truyền thống là quay về những bế tắc cũ. Do đó
39
việc giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ mới là cực kỳ quan trọng, thậm chí coi như là nhiệm vụ sống còn.
Sự thống nhất, sự tương tác hữu cơ giữa truyền thống và hiện đại không tách khỏi quy luật phát triển văn hóa. Cũng như mọi hiện tượng tự nhiên và xã hội, văn hóa luôn nằm trong quá trình phát triển và biến đổi không ngừng. Sự phát triển từ thấp đến cao, sự thay đổi một nền văn hóa này bằng một nền văn hóa khác là hiện tượng thường xuyên xảy ra trong lịch sử, cắt nghĩa một cách khoa học các hiện tượng đó có nghĩa là chỉ ra quy luật phát triển của văn hóa.
Trước hết phải thấy rằng, văn hóa là hoạt động tinh thần, thuộc về ý thức con người. Vì vậy sự phát triển của văn hóa chịu sự quy định của cơ sở kinh tế, chính trị của một chế độ xã hội nhất định. Tách rời khỏi cơ sở kinh tế và chính trị ấy sẽ không hiểu được nội dung, bản chất của văn hóa. Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa hiện nay là sự phát triển tự nhiên, hợp quy luật, khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã lỗi thời và phương thức sản xuất mới xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện. Như vậy, xét một cách tổng thể, một nền văn hóa bao giờ cũng được hình thành trên cơ sở kinh tế, chịu sự tác động của cơ sở kinh tế. Sự khác nhau giữa lý luận mác xít và lý luận tư sản về văn hóa cũng ở chỗ đó.
Phương diện thứ hai không kém phần quan trọng là phải thấy được tính độc lập tương đối của văn hóa so với kinh tế. Chính Mác đã khẳng định: phương thức sản xuất vật chất quyết định phương thức sản xuất tinh thần, nhưng cũng chính Mác cũng đã chỉ ra rằng, trong lịch sử có những thời kỳ kinh tế phát triển còn thấp kém mà về văn hóa có những lĩnh vực phát triển cao, thí dụ trong xã hội Hy Lạp cổ đại. Điều đó có nghĩa là cơ sở kinh tế không tác động trực tiếp, tức khắc đến văn hóa mà phải có quá trình nhất định.
40
Khi nói đến kinh tế quyết định văn hóa, cần chỉ ra những nhân tố nào của kinh tế phát huy tác dụng đối với văn hóa. Ai cũng biết rằng, sự phát triển kinh tế tạo nên cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các hoạt động văn hóa. Khó khăn mà ta đang vấp phải hiện nay là do nền kinh tế còn thấp kém nên cơ sở cho hoạt động văn hóa còn thiếu thốn. Mọi khó khăn trong giáo dục, khoa học, văn học nghệ thuật chủ yếu cũng ở đây. Nhưng văn hóa là hoạt động tinh thần mang tính sáng tạo. Đặc điểm đó có liên quan trực tiếp đến bầu không khí tinh thần của xã hội, đến đạo đức, lối sống xã hội. Một nền kinh tế lành mạnh, được xây dựng trên những nguyên tắc công bằng, không có sự phân hóa dữ dội, một nền kinh tế thực sự bảo đảm đời sống cho người lao động, tạo được niềm tin và tôn trọng giữa con người với con người, sẽ là cơ sở khách quan để xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh.
Cùng với kinh tế, văn hóa không nằm ngoài chính trị, dù văn hóa và chính trị đều thuộc kiến trúc thượng tầng. Chính trị quy định phương hướng phát triển văn hóa, tạo nên nội dung ý thức hệ văn hóa và bằng hệ thống các chính sách pháp luật quản lý các hoạt động văn hóa. Vì vậy, một chế độ chính trị phản động không tạo ra nền văn hóa tiến bộ. Ở nước ta hiện nay, cùng với sự đổi mới hệ thống chính trị thì văn hóa cũng đổi mới, từng bước thúc đẩy nền văn hóa mới ra đời phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân. Ngược lại, sự phát triển văn hóa không thể tách rời đời sống chính trị, do đó đòi hỏi chính sách phát triển văn hóa, tổ chức quản lý, hoạt động văn hóa phải hợp lý trong điều kiện hiện nay. Cần tránh khuynh hướng thương mại hóa thị trường văn hóa tức là chúng ta cần cảnh giác với nguy cơ chệch hướng văn hóa xã hội chủ nghĩa vì chệch hướng xã hội chủ nghĩa không những không phát huy truyền thống văn hóa dân tộc mà còn không thể phát huy có chọn lọc văn hóa hiện đại thế giới hòa nhập xu hướng toàn cầu hiện nay.
41
Mặt khác trong quá trình phát triển văn hóa, yếu tố kế thừa trở thành quy luật sinh tồn giữa cái truyền thống và cái hiện đại, do vậy kế thừa là một trong những mặt bản chất của quy luật phủ định biểu hiện ra trong tự nhiên, xã hội và tư duy như là mối liên hệ tất yếu khách quan giữa