IV- Bếp – Bàn sơ chế, chế biến, dụng cụ nấu luôn đảm bảo sạch sẽ.
4. Quá trình phát triển của ngành kinh doanh khách sạn ViệtNam
4.1 Trước 1975
Từ 1960 – 1975, giai đoạn này đất nước còn chia cắt nên ngành Du lịch chỉ quản lý khách sạn ở miền Bắc, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, tập trung tại các thành phố lớn hoặc các khu có danh lam thắng cảnh. Do điều kiện chiến tranh nên các khách sạn hầu như không kinh doanh mà chủ yếu phục vụ chuyên gia nước ngoài. Về quy mô hầu hết đều không lớn, cơ sở vật chất kỹ thuật đơn giản, dịch vụ phục vụ khách hàng chủ yếu có 2 loại chính: lưu trú và ăn uống. Đội ngũ quản lí và nhân viên ít được quan tâm đào tạo, trình độ nghiệp vụ, tay nghề, ngoại ngữ rất hạn chế.
4.2 Từ 1976-1989
Giai đoạn này có sự tiếp nhận một số khách sạn từ thời Mỹ-Ngụy ở miền Nam, ở miền Bắc một số khách sạn, nhà khách của các Bộ, Ngành được xây dựng để phục vụ chuyên gia nước ngoài và nhu cầu nội bộ.
Do điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật của các khách sạn miền Bắc xuống cấp nhiều, lại thiếu vốn để cải tạo nên vẫn chủ yếu chỉ phục vụ 2 dịch vụ: lưu trú và ăn uống. Ở miền Nam, các khách sạn có cơ sở vật chất kỹ thuật tốt hơn, dịch vụ phong phú hơn nhưng sau chiến tranh cũng bị thiệt hại nặng nề.
4.3 Từ 1990 đến nay
Công cuộc đổi mới được khởi xướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) đã đánh dấu bước phát triển đầu tiên của ngành du lịch. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, một loạt các văn bản pháp luật, chính sách quan trọng về phát triển du lịch và các lĩnh vực liên quan đã ra đời như: Quyết định 317/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển nhà khách, nhà nghỉ của cán bộ, ngành, đoàn thể, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sang kinh doanh khách sạn; chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển du lịch; Pháp lệnh du lịch ban hành năm 1999 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 39/2000/NĐ- CP ngày 24/8/2000 của Chính phủ về cơ sở lưu trú du lịch và Thông tư số 1/2001/TT-TCDL ngày 27/4/2001 của Tổng cục du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 39/2000/NĐ-CP và Quyết định số 2/2001/QĐ-TCDL về sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn Việt Nam. Đặc biệt, Luật du lịch đã được Quốc hội khóa X thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2006. Đây thực sự là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động của ngành du lịch nói chung và lĩnh vực lưu trú du lịch – khách sạn nói riêng. Trong cơ chế thị trường, các khách sạn phải tiến hành hoạch toán kinh doanh, phải đối đầu với cuộc cạnh tranh thu hút khách ngày càng khốc liệt. Nhằm tăng năng lực cạnh tranh, các khách sạn đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, mở rộng các dịch vụ bổ sung, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của du khách. Đồng thời họ cũng không ngừng đào tạo đội ngũ lao động về chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ và phong cách phục vụ.
Trong thời kỳ này, hầu hết các cơ sở lưu trú đều có nhà hàng ăn (trong hoặc ngoài cơ sở lưu trú) kinh doanh các loại món ăn, đồ uống tổng hợp (một bếp chung phục các nhu cầu ăn Âu, Á, đặc sản…). Một số khách sạn liên doanh với nước ngoài có các loại nhà hàng chuyên doanh đặc sản Việt Nam hoặc nhà hàng chuyên các món ăn Pháp, Trung, Nhật. Italia… Các khách sạn tư nhân phần lớn quy mô nhỏ, dịch vụ ít, chủ yếu kinh doanh lưu trú và ăn uống.