6. Bố cục khoá luận
2.1.3 Kết cấu lồng ghép
Trong các truyện ngắn của mình Kuprin cũng sử dụng kết cấu lồng ghép. Kết cấu được thể hiện rõ nét trong tác phẩm “Chiếc vòng lắc thạch lựu”. Đến với “Chiếc vòng lắc thạch lựu” chúng ta được biết đến nhiều câu chuyện được đan cài trong nhau. Câu chuyện kể về cuộc sống của nữ công tước Vera, nhưng trong truyện ngắn này, Kuprin còn đan cài những câu chuyện về vị tướng già Anoxop, và mối tình đơn phương của viên bưu tá Gencov với Vera. Lấy bối cảnh một buổi tiệc mừng ngày lễ đặt tên thánh của Vera, tác giả đã khéo léo lồng ghép các câu chuyện kể về cuộc đời và tình yêu của vị tướng
già Anoxop. Đó là cuộc sống trong quân đội hồi ông còn trẻ, trong những trận chiến đấu và cả những thăng trầm của ông khi chiến tranh kết thúc. Thông qua nhưng câu chuyện về tình yêu của mình, vị tướng già đã nêu lên những triết lí vô cùng sâu sắc: “Tình yêu không vụ lợi, tự nguyện, không đòi trả ơn hay đền đáp. Thứ tình yêu mà nhiều người hay nhấn mạnh là: “mạnh hơn cả sự sống” …vì nó người ta có thể lập nên bất kì chiến tích nào, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời, chịu đựng mọi đau khổ dày vò, đó không phải là hi sinh mà là tất cả niềm vui và hạnh phúc”[14;163]. Đồng thời, tác giả cũng kể về mối tình đơn phương của viên bưu tá nghèo với những bức thư tỏ tình và món quà mà anh đã dành tặng người yêu. Câu chuyện nhẹ nhàng, đầy lôi cuốn, được lồng ghép vào nhau không hề thừa thãi và đều thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả. Qua những câu chuyện của vị tướng già, nhà văn đã nói lên những suy nghĩ của bản thân về cuộc đời, về tình yêu đích thực. Và cũng từ đó giúp Vera nhận ra được điều mà mình đánh mất chính là tình yêu đích thực trong cuộc đời mình.
Truyện Mối tình thiêng liêng, được mở ra trong lời của nhân vật: “Chả
nhẽ bạn chưa hề nghe về câu chuyện này à?...Không à?...Thật hấp dẫn!...Cả thành phố hôm nay người ta chỉ nói về chuyện của cô ta. Còn tôi nếu thích thưa ngài, tôi có thể kể cho ngài nhiều chi tiết hơn”[14;209]. Sau đó câu chuyện được tiếp dẫn qua lời dẫn của người kể chuyện ngôi thứ ba dấu mặt về sự việc mà nhân vật kể chuyện muốn nói: “Một đám đông lập tức vây quanh người kể chuyện, đó là một cộng tác viên địa phương của một bản báo. Câu chuyện nói về tờ “Tin sáng” của thành phố đăng tin về vụ có hai người tự tử: một nhân viên của toà thị chính và người tình của anh ta, một nữ nhân viên bán mũ – tuổi mới 17”[14;209]. Câu chuyên được tiếp diễn trong sự thay đổi điểm nhìn của những người nghe chuyện không biết tên, chỉ được gọi bằng cái tên chung chung “một số người”, “một số khác”, “người phụ nữ có mặt”.
Mọi phản ứng, suy nghĩ được chính họ bộc lộ. Người kể chuyện chỉ làm một nhiệm vụ là dẫn dắt câu chuyện: “Một trong những người phụ nữ có mặt, sau khi nghe xong câu chuyện, mặt tái mét, cặp mắt sáng quắc…”[14;210]. Và cũng rất tự nhiên, người kể chuyện dẫn dắt người đọc vào câu chuyện chính, mà nhân vật “tôi” – người đàn ông đứng tuổi, là nhân vật chính. “Theo tôi, trong cuộc sống có rất nhiều tình huống, thoạt nhìn bên ngoài có vẻ bình thường, nhưng bên trong lại che dấu rất nhiều tình tiết cả bi hài và niềm vui, hơn là cái kết cục đáng sợ của nó. Tôi đã từng có mặt trong một tình huống đó, nếu các vị không ngại tôi xin được hầu chuyện…”[14;210]. Từ đó, nhân vật kể về mối tình của 20 năm về trước.Hai câu chuyện đều có kết cục tan vỡ nhưng tình yêu trong hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Tác giả không trực tiếp đưa ra lời nhận xét của mình mà để nhân vật tự nói lên. Xây dựng hai câu chuyện tình trong một câu chuyện nhà văn đã đưa ra cho người đọc những cái nhìn đa chiều về tình yêu. Bóc tách từng lớp ngôn từ người đọc lại thấy một ý nghĩa, một bài học nhân sinh khác nhau.
Truyện của Kuprin nhìn chung đơn giản về phương diện kết cấu, ngắn gọn, trau chuốt về phương diện ngôn ngữ. Người đọc nhận ra trên những trang viết của ông giọng khách quan, lạnh lùng, xen lẫn sự đồng cảm sẻ chia, giọng trữ tình đầy chất thơ. Bàng bạc khắp câu chuyện là một tâm sự âm thầm, một ước mong khắc khoải, một khát vọng lay chuyển cuộc sống. Thái độ, tình cảm của Kuprin được bộc lộ một cách kín đáo, nhiều khi không thể hiện bằng âm thanh từ ngữ mà chỉ cảm thấy qua những gì làm nên tác phẩm.
Giống Sekhov, truyện của Kuprin là những câu chuyện giản dị, bình thường,thậm chí nhỏ nhặt, nhưng cái ấn tượng riêng của từng truyện cũng như ấn tượng chung trong ngòi bút của ông để lại thì mạnh mẽ và có ý nghĩ lớn lao. Diễn biến truyện có ít xung đột, mâu thuẫn, nhưng vẫn hấp dẫn và lôi cuốn. Điều này thể hiện tài năng của Kuprin trong lĩnh vực truyện ngắn.