6. Bố cục khoá luận
1.2.2 Thiên nhiên với tâm lí của nhân vật
Thiên nhiên là một khái niệm quen thuộc và gần gũi, bởi nó là một đối tượng gắn bó mật thiết với con người. Khi miêu tả thiên nhiên người nghệ sĩ không những tái hiện vẻ đẹp của tạo hoá mà còn bộc lộ, hiện diện mình qua cảnh sắc thiên nhiên.Có thể nói, một mặt thiên nhiên là đối tượng phản ánh của văn học, là đối tượng của thế giới khách quan được tái hiện trong tác phẩm thông qua thế giới chủ quan của người nghệ sĩ. Mặt khác thiên nhiên là một phương tiện nghệ thuật, nó trở thành một kí hiệu thẩm mĩ đóng một vai trò nhất định trong việc chuyển tải những vấn đề của tác phẩm.Mỗi nhà văn Nga thường tạo dựng cho mình một thế giới thiên nhiên riêng. Những khung cảnh thiên nhiên góp phần làm cho những trang văn trở nên thơ mộng và có hồn hơn.
Không phải vô cớ mà nhà văn Olex Mikhalkov đã gọi Kuprin là nhà văn – họa sĩ của thiên Nga tinh tế và giàu cảm xúc. Ông rất có tài trong việc dựng lên khung cảnh thơ mộng đáng nhớ và rất phù hợp với tâm trạng nhân vật trong các câu chuyện của mình. Tâm trạng rạo rực yêu đương của chàng Ivan Timopheevich được gắn với khung cảnh mùa xuân với tiếng chim nhạn hót vang, “khắp nơi tràn ngập không khí vui vẻ, rộn ràng của cuộc sống”[14;40]. Con đường xuyên qua cánh rừng già mà anh trí thức nghèo Ivan Timopheevich và cô gái Di – gan xinh đẹp,nhí nhảnh Olexia đi qua trong ánh trăng kì ảo như dát bạc trong khu rừng cổ tích là đoạn tả thiên nhiên đẹp nhất, gây ấn tượng mạnh nhất trong lòng người đọc. “Rồi đột nhiên ở chính giữa vụt xuất hiện một dải ánh trăng, lướt qua các hàng cây và đổ xuống làm hiện ra con đường, chạy giữa hai hàng cây, như một hành lang ánh sáng lung linh huyền ảo”[14;86]. Chỉ với vài nét chấm phá, một vài đoạn mô tả - như người họa sĩ đã vung cây cọ - người đọc nhận ra ngay những cánh đồng cỏ, vùng đầm lầy ven rừng, hơi thở tươi mới như vấn vương mùi thơm vào một buổi
sáng mùa hè như tỏa ra từ bụi hoa Phúc bồn tử và Tử đinh hương bên cánh rừng Nga. Không ai có thể quên được khung cảnh ngôi biệt thự và khu vườn nhà nữ Công tước Vera Nhicolaievna Seina, nơi có thể phóng tầm mắt nhìn về bờ biển từ trên vách đá. Thời gian được miêu tả chính là ngày đầu thu “tươi đẹp, yên tĩnh, cô đơn nhưng không khí trong lành”, với một khung cảnh yên bình “Trên đường dây điện thoại là các chú chim én đang ríu rít tụ đàn, chờ bay, và từ phía biển thổi vào làn gió nhẹ, tươi mát, nhuốm màu mặt trời”[14;123]. Không gian thật thanh bình. Nhà nữ công tước có một khu vườn với rất nhiều loại hoa, như cẩm chướng, lan Thủy dương, thược dược, lay ơn, cúc tây đại đang “phô bày vẻ đẹp lạnh lùng, kiêu sa của mình, tỏa hương thơm nhẹ trong không gian thu đa cảm, một mùi thơm đượm buồn của hạnh thảo, của cỏ cây”[14;124].
Khảo sát 8 truyện ngắn của Kuprin chúng tôi thấy 6/8 truyện đều có bức tranh thiên nhiên. Tuy nhiên, ông miêu tả thiên nhiên rất ít, chỉ bằng một vài nét chấm phá. Theo thống kê, truyện Olexia có 6 lần nhà văn đặc tả thiên nhiên, truyện Chiếc lắc vòng thạch lựu, khung cảnh thiên nhiên được miêu tả
một lần ngay đầu câu chuyện, truyện Mối tình thiêng liêng 2 lần, truyện Cô bạn
Lenochka 2 lần. Dù ít ỏi nhưng những đoạn văn tả thiên nhiên được tác giả sử
dụng rất “đắt”, tạo thành nền cho tác phẩm và thể hiện tâm trạng nhân vật.
Những bức tranh thiên nhiên của Kuprin không hề nhuốm vẻ buồn chán, héo tàn như con người mà chúng mang một màu sắc tươi vui, tràn đầy sức sống. Đặc biệt là những đoạn Kuprin miêu tả hình ảnh ánh trăng, bầu trời: “Ngoài đường phố mặt trăng toả ánh sáng, trùm lên rặng cây một quầng sương mù bằng bạc”[14;211]. “Mặt trăng chỉ vừa mới ló lên, lướt những tia sáng huyền ảo và bí ẩn của mình lên khắp cánh rừng, lách vào những tán lá, những khoảng tối giao cắt giữa những hàng cây, chiếu lên các thảm cỏ mềm mại như thêu dệt bởi các giọt sương đêm” [14;86]. Ánh trăng dường như cũng
đang chuyển động: “Ánh trăng thì trắng bạc, còn bống tối màu xanh thẫm, như chết bất động, yên tĩnh bao trùm nơi trước đó không lâu đã có môt cuộc sống sôi nổi – tất cả những điều đó như vẽ lên những khuôn hình kì lạ, như câu chuyện cổ tích. Đôi khi một làn mây mỏng bay ngang qua mặt trăng, ngay lúc đó ánh sáng đêm trăng ngả sang màu vàng mật. Khi đó các vì sao, trước đó còn ẩn nấp đâu đó trên bầu trời cao lạnh, trở nên sáng hơn, những toà nhà màu trắng bạc trở nên tối dần đi, còn những ánh trăng bàng bạc trên cửa sổ lẩn trốn mất”[14;220]. Cùng miêu tả ánh trăng nhưng mỗi lúc ánh trăng lại mang một màu sắc khác nhau, khi thì sắc bạc, khi thì lung linh, huyền ảo và đầy bí ẩn. Những bức tranh thiên nhiên ấy hiện lên thật kì ảo không phải bằng chất liệu của người nghệ sĩ mà bằng ngôn từ của một nhà văn. Bằng tài năng và sự cảm nhận tinh tế thiên nhiên, Kuprin đã vẽ lên cảnh sắc thiên nhiên thật đẹp, để lại trong lòng người đọc bao cảm xúc tuyệt vời.
Thiên nhiên trong truyện ngắn của Kuprin không chỉ là khung nền cho câu chuyện mà còn gắn liền với tâm lí của nhân vật, thể hiện tâm trạng nhân vật. Bức tranh thiên nhiên tràn đầy màu sắc nhưng đã nhuốm màu héo tàn: “Các khóm hoa cẩm chướng sắp tàn trông sặc sỡ, còn các bụi lan Thuỳ dương thì một nửa là hoa, còn một nửa là những quả xanh be bé, thoảng mùi bắp cải. Những khóm hồng lần thứ ba trong vụ hè cho nụ và hoa, lần này đã thưa thớt bé nhỏ, dường như đang tàn lụi, nhưng dù sao chúng vẫn toát lên vẻ lạnh lùng, thanh cao của mình trong thiên nhiên”[14;124]. Vẻ héo tàn của cỏ cây như sự héo tàn của cuộc sống con người cứ lặp đi lặp lại một cách buồn bã. Vera sống vì trách nhiệm với gia đình và chính trách nhiệm đó khiến cuộc sống của nàng trở nên nhàm chán. Chính tình yêu của Gienkov đã khiến trái tim của nàng rung động, bừng lên sức sống.
Trong những đoạn tả cảnh thiên nhiên, nhà văn đã đưa ra những dự báo về số phận nhân vật: “Sự kì diệu của đêm mùa xuân, đặc biệt bí ẩn và trong
sáng, bao trùm lên cả thành phố như che dấu trong nó điều gì đó đáng sợ…” [14;219]. Và trong đêm trăng đó, nhân vật “tôi” phát hiện sự thật đau đớn khi bị người yêu đầu tiên lừa dối. Thiên nhiên đã thúc đẩy sự phát triển của mạch truyện, đẩy xung đột truyện lên mức độ cao nhất.
Có thể thấy nhà văn rất yêu thiên nhiên và con người Nga. Ngay cả khi phải sống lưu vong ở nước ngoài nhà văn vẫn không ngừng nhớ về quê nhà và luôn muốn được trở về quê hương. Ông đã gửi gắm tình yêu quê hương qua những câu văn viết về thiên nhiên, con người với xúc cảm mãnh liệt. Bởi vậy, thiên nhiên đi vào những trang văn của Kuprin vừa tươi tắn, thuần hậu, lãng mạn, trữ tình lại vừa mang nét riêng độc đáo, không thể nhầm lẫn.
Kuprin là một nhà văn tài năng, điều đó đã được khẳng định. Ông còn là một nhà văn giàu lòng nhân ái với con người. Qua những bức chân dung, ngoại hình, thiên nhiên,…nhà văn đã xây dựng được một thế giới nhân vật sống động, phong phú thể hiện sinh động xã hội Nga, con người Nga ở giai đoạn giao thời giữa hai thế kỉ. Các nhân vật đi vào những trang viết của ông hết sức tự nhiên và chân thật. Kuprin viết về họ với tất cả sự cảm thông sâu sắc. Soi chiếu vào trong mỗi nhân vật, mỗi chúng ta đều thấy một phần của mình trong đó. Vấn đề nhà văn đặt ra trong tác phẩm là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống của con người. Nhiều tác phẩm mang tính triết lí sâu sắc, là sự chiêm nghiệm về lẽ sống: sự ích kỉvà vị tha, cái tầm thường và cái cao thượng… Có thể nói, Kuprin là một người nghệ sĩ đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Tên tuổi của Kuprin cùng với Bunin, Sêkhôp, Tônxtôi,…sẽ sống mãi trong lòng độc giả Nga và toàn thế giới.
Chƣơng 2 . CỐT TRUYỆN, KHÔNG GIAN – THỜI GIAN NGHỆ THUẬT