Vấn đề hoàn thiện pháp luật TTHC.

Một phần của tài liệu Xét xử án hành chính qua thực tiễn tỉnh Lào Cai Luận văn ThS. Luật (Trang 80)

Mặc dù những tiến bộ trong các quy định của Luật TTHC 2010 là không thể phủ nhận nhưng thực tiễn xét xử án hành chính đã cho thấy những vấn đề bất cập khi áp dụng các quy định của Luật TTHC, vì vậy cần xem xét những vấn đề tồn tại để có giải pháp hoàn thiện những quy định của Luật TTHC như:

3.2.1.1. Về thời hiệu khởi kiện

Đối với trường hợp khiếu nại trước ngày Luật TTHC có hiệu lực (01/7/2011) nhưng sau ngày 01/7/2012 mới nhận được kết quả giải quyết khiếu nại như vụ án đã nêu ở chương 2 giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Văn Bình và người bị kiện là UBND huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể vấn đề này, nếu người khởi kiện chứng minh được việc nhận kết quả giải quyết khiếu nại chậm chễ vì lý do khách quan như thiên tai, hỏa hoạn hoặc cơ quan hành chính nhà nước cố tình trì hoãn…thì Tòa án cần xem xét chấp nhận để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên vấn đề này chưa được quy định và giải thích cụ thể trong Luật TTHC dẫn đến việc áp dụng điều luật không thống nhất giữa Tòa án các địa phương. Đây là vấn đề rất cần được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện ngay để Tòa án các địa phương thống nhất trong cách xác định thời hiệu đối với trường hợp này. Đây là vấn đề quan trọng liên quan đến việc bảo đảm quyền khởi kiện của người dân. Cùng một vụ việc tương tự mà Tòa án này thụ lý giải quyết nhưng Tòa án khác lại từ chối sẽ dẫn đến tình trạng người dân khiếu nại đến Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp tỉnh sẽ không có hướng để giải quyết vấn đề này. Người dân sẽ mất lòng tin vào cơ quan thực hiện hoạt động xét xử.

3.2.1.2 Về xác định đối tượng khởi kiện liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại

75

Cần thống nhất trong việc xác định đối tượng khởi kiện là quyết định giải quyết khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại phải có nội dung sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế mới là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính nên cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế phải liên quan trực tiếp đến đối tượng chính trong khiếu nại hành chính. Vấn đề này xuất phát từ đặc thù về đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính, không thể coi bất kỳ văn bản nào của cơ quan hành chính nhà nước đều là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Chỉ những văn bản hành chính xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện mới là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Từ đó Tòa án mới có cơ sở xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính.

3.2.1.3 Về việc thu thập chứng cứ và chứng minh trong vụ án hành chính

Như đã phân tích ở trên, việc thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, nhất là những vụ án liên quan đến đất đai luôn khó khăn và mất nhiều thời gian do cơ quan hành chính nhà nước cố tình trì hoãn hoặc tìm cách né tránh không cung cấp những chứng cứ bất lợi cho họ. Tuy nhiên nếu trong vụ án dân sự liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai thì việc thu thập chứng cứ từ phía UBND thường dễ dàng hơn so với vụ án hành chính liên quan đến đất đai. Do đó đối với những vụ án dân sự và hành chính về đất đai có liên quan đến nhau về người tham gia tố tụng và cơ quan cung cấp chứng cứ thì Tòa án nhân dân tối cao nên có văn bản hướng dẫn vấn đề này. Trong quá trình xét xử khi xét thấy cần thiết thì Tòa án được quyền sao lại chứng cứ trong vụ án dân sự mà UBND đã cung cấp để bổ sung trong vụ án hành chính; các tài liệu này được dùng để xem xét trong quá trình giải quyết vụ án nếu xét thấy cần thiết và việc thu thập chứng cứ đối với các tài liệu này tuân theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng. Đây là cách thức giúp việc

76

xét xử án hành chính được nhanh chóng, hạn chế việc kéo dài thời hạn xét xử do vấn đề thu thập chứng cứ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khởi kiện.

3.2.1.4 Về vấn đề đối thoại trong vụ án hành chính

Theo tôi đối thoại không nên là thủ tục bắt buộc vì tính chất của đối thoại là để các bên tham gia tố tụng “nói chuyện” cùng hướng tới việc giải quyết yêu cầu khởi kiện một cách hợp lý và đúng đắn nhất. Hoạt động đối thoại cần có vai trò tổ chức của Toà án, khi đó Toà án một mặt tuân thủ quy định tạo điều kiện để các bên đối thoại, mặt khác thực hiện vai trò tổ chức thông qua việc gửi thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung đối thoại. Khi đối thoại, Thẩm phán được giao nhiệm vụ giải quyết vụ án, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án, đưa ra định hướng nội dung đối thoại cho các bên với mục đích làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án; người tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến, đưa ra những tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.Việc đối thoại phải được lập thành biên bản, biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, tóm tắt kết quả về các nội dung đã đối thoại, có chữ ký của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký xác nhận thì phải ghi rõ lý do và biên bản này được lưu vào hồ sơ giải quyết vụ án. Kết quả đối thoại cần được coi là một trong các căn cứ cho việc giải quyết vụ án vì phiên đối thoại và phiên tòa đều có mục đích chung là hướng tới việc giải quyết vụ án hành chính. Tuy nhiên đối thoại là thủ tục trong quá trình giải quyế vụ án, chỉ công khai giữa người khởi kiện và người bị kiện; phiên tòa được tiến hành công khai, phải được tiến hành bởi Hội đồng xét xử, phiên tòa phải tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng bắt buộc.

77

Để thực hiện có hiệu quả những nội dung trên đây cần có hướng dẫn cụ thể của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề đối thoại.

Đối với trường hợp phát hiện có sai sót trong việc ghi tư cách đương sự, nếu không làm ảnh hưởng tới nội dung vụ án thì khi cấp trích lục bản án, Tòa án được quyền sửa lại cho đúng để kịp thời khắc phục sai sót và đảm bảo tính đúng đắn của bản án, quyết định hành chính. Đây cũng là vấn đề rất đáng lưu ý vì việc ghi sai tư cách đương sự không những ảnh hưởng đến tính thống nhất khi áp dụng pháp luật TTHC mà còn gây khó khăn cho công tác thi hành án. Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn vấn đề này.

3.2.1.5 Về vấn đề thi hành án hành chính

Việc đảm bảo thi hành án hành chính có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện vì vậy rất cần giải pháp cụ thể phù hợp với thực tế mỗi địa phương. Trường hợp cơ quan nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền phải thi hành bản án hành chính của Tòa án mà không thực hiện thì cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi, đánh giá xem xét việc nâng lương, việc kiểm điểm cuối năm và công tác thi đua khen thưởng của cán bộ, công chức; như vậy mới tạo ra ý thức trách nhiệm cho người phải thi hành án, nếu chỉ trông chờ vào các biện pháp từ phía các cơ quan tư pháp mà không có sự vào cuộc của cơ quan hành chính nhà nước thì việc thi hành án hành chính sẽ gặp nhiều khó khăn và không dễ giải quyết.

Khi xét xử án hành chính đồng nghĩa với việc Tòa án áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết từng vụ việc cụ thể, pháp luật vừa là công cụ, vừa là phương tiện để Tòa án thực hiện tốt vai trò của mình. Vì vậy vấn đề quan trọng đầu tiên là hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hành chính để nâng cao hiệu quả xét xử án hành chính.

Một phần của tài liệu Xét xử án hành chính qua thực tiễn tỉnh Lào Cai Luận văn ThS. Luật (Trang 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)