chức hoạt động điều tra, kết thúc điều tra, lập hồ sơ đề nghị truy tố
Hoạt động điều tra và lập hồ sơ vụ án gồm rất nhiều hành vi và quyết định tố tụng nhằm thu giữ chứng cứ, tài liệu và thực hiện các trình tự, thủ tục của BLTTHS, gồm: Khám nghiệm hiện trường, dựng lại hiện trường, khám nghiệm tử thi, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định, hỏi cung, đối chất, lấy lời khai, khám xét, thu giữ vật chứng, kê biên tài sản, việc lập biên bản điều tra và việc thu thập các tài liệu điều tra để xây dựng thành hồ sơ vụ án... Những hoạt động này đều có mối quan hệ giữa công tố và điều tra với những mức độ khác nhau.
Mỗi năm, CQĐT và VKS hai cấp tại Hải Phòng tiến hành khám nghiệm hiện trường khoảng 600 - 800 vụ, khám nghiệm tử thi khoảng 100 - 150 vụ; ngoài ra còn tổ chức khám dấu vết trên phương tiện giao thông, khám người, kiểm tra dấu vết trên thân thể... Trong công tác này, CQĐT đã chủ động phối hợp với VKS cùng cấp bằng cách thông báo cho VKS những trường hợp CQĐT tổ chức khám nghiệm để VKS cử Kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm. VKS mà trực tiếp là phòng nghiệp vụ ở VKS cấp thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh), bộ phận hình sự ở VKS cấp quận, huyện nghiên phân công Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm, bảo đảm việc khám nghiệm có căn cứ, đúng pháp luật và thu thập chứng cứ, tài liệu. Thông qua đó, VKS thực hiện quyền chế ước thông qua việc yêu cầu Điều tra viên phải bảo đảm thành phần tham gia khám nghiệm, yêu cầu mô tả chính xác các đặc điểm, dấu vết thông qua việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi hoặc khám các dấu vết trên phương tiện giao thông... Thực tế cho thấy những Kiểm sát viên có năng lực, có kinh nghiệm thường kịp thời đề ra yêu cầu đối với Điều tra viên ngay tại hiện trường để bảo đảm việc khám nghiệm đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Công tác trưng cầu giám định chủ yếu do CQĐT thực hiện, nhưng cũng có trường hợp, do tính chất phức tạp của việc trưng cầu giám định, CQĐT mời VKS cùng cấp phối hợp thực hiện việc trưng cầu giám định. Trên thực tế trong những năm qua, rất ít trường hợp VKS sử dụng quyền chế ước để yêu cầu CQĐT hoặc trực tiếp VKS ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Trong quá trình điều tra vụ án, CQĐT và VKS có sự phối hợp khi hỏi cung hoặc lấy lời khai, chủ yếu là những vụ án lớn, phức tạp. Trong đó, Kiểm sát viên phối hợp cùng Điều tra viên hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai của những người tham gia tố tụng khác để bảo đảm việc hỏi cung hoặc lấy lời
khai khách quan, bảo đảm việc đánh giá chứng cứ thận trọng và phòng ngừa việc chối tội của bị can, bị cáo. Trong công tác này, cũng có trường hợp Kiểm sát viên trực tiếp lấy lời khai người bị bắt khẩn cấp, người bị tạm giữ trước khi xem xét việc phê chuẩn.
Trong một số trường hợp khi thấy cần thiết, CQĐT phối hợp với VKS cùng cấp thực hiện việc khám xét, kê biên, thu giữ vật chứng, tài sản thông qua hình thức: CQĐT ra lệnh khám xét và đề nghị VKS phê chuẩn hoặc trong những trường hợp khẩn cấp, CQĐT thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp, sau đó chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc khám xét, thu giữ thư tín, điện thoại... để VKS phê chuẩn. Ngoài ra hoạt động phối hợp còn được thực hiện bằng hình thức Điều tra viên cùng Kiểm sát viên tiến hành việc khám xét, thu giữ, kê biên tài sản. Trong quá trình kiểm sát việc khám xét, thu giữ, kê biên tài sản, VKS thực hiện quyền chế ước bằng các hình thức như: Không phê chuẩn lệnh khám xét, kê biên, thu giữ thư tín, điện tín trước khi CQĐT thi hành hoặc không phê chuẩn lệnh, quyết định của CQĐT sau khi đã thực hiện.