Giai đoạn từ 1975 đến nay

Một phần của tài liệu Lịch sử sử học việt nam và thế giới (Trang 54)

Năm 1975 đánh dấu mốc lớn, quan trọng trong lịch sử sử học Việt Nam. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn giải phóng. Đất nước thống nhất, mở đầu thời kỳ cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong tình hình mới, sử học Việt Nam có nhiều nhiệm vụ cấp bách.

Trước hết, đó là cuộc đấu tranh chống những quan điểm sử học phản động của Mỹ - Ngụy ở miền Nam từ trước năm 1975 và bồi dưỡng quan điểm mác xít – lêninnít tiến bộ, đường lối của Đảng ta cho những người nghiên cứu cũ ở miền Nam. Nhiều bài viết của Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Phan Quang,… đã phê phán những sai lầm của Nguyễn Thế Anh, Tạ Chí Đại Trường trong nghiên cứu lịch sử dân tộc được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Nhiệm vụ trọng tâm của sử học Việt Nam trong giai đoạn mới là tập trung nghiên cứu công cuộc dựng nước, mặc dù vẫn phải tiếp tục nghiên cứu những vấn đề giữ nước, chống xâm lược. Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) đã xác định nhiệm vụ của khoa học xã hội và sử học là “tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề lớn trong đường lối, chính sách của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm cách mạng đã tích lũy được”. Đồng thời, “mở rộng và nâng cao chất lượng nghiên cứu trên các lĩnh vực sử học, khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học, văn học, nghệ thuật,…”.

Trong giai đoạn này, sử học Việt Nam phát triển trong nhiều điều kiện thuận lợi song cũng có những phức tạp, khó khăn. Đường lối của Đảng rõ ràng, cụ thể; đội ngũ cán bộ nghiên cứu đông đảo, trình độ được nâng cao; các phương tiện khoa học, kỹ thuật được đưa vào nghiên cứu lịch sử; việc giao lưu quốc tế mở rộng,… Tuy nhiên, những biến động ngày càng xấu trong cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là sự sụp đổ của mô hình nhà nước XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu cộng với những khó khăn dồn dập trong nước do sai lầm về đường lối, về quản lý xã hội, do thiên tai, những cuộc xung đột, chiến tranh biên giới,… ảnh hưởng không nhỏ đến việc nghiên cứu lịch sử.

Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), tư tưởng đổi mới soi sáng cho các nhà nghiên cứu “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” nhằm khôi phục lại đúng bức tranh quá khứ, rút bài học kinh nghiệm cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Sau Đại hội lần thứ II (1988) của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, công tác sử học có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn trước. Trên các diễn đàn sử học (Tạp chí Nghiên

cứu Lịch sử, Tạp chí Xưa và nay), các nhà sử học, nhà nghiên cứu có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin góp phần vào sự đổi mới và phát triển đất nước và bản thân khoa học lịch sử. Bên cạnh đó, việc thẩm định các công trình nghiên cứu lịch sử, bảo vệ di tích lịch sử, tổ chức các giải thưởng (giải thưởng Phạm Thận Duật dành cho nghiên cứu sinh bảo vệ tốt luận án Tiến sĩ tại Văn Miếu – Hà Nội),… có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của nền sử học. Ngoài ra, việc vinh danh các đơn vị và cá nhân các nhà sử học cũng được Đảng chú trọng, như: Tặng thưởng các loại Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động cho các đơn vị làm công tác sử học (Viện Sử học, Khoa Lịch sử các trường đại học); nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân, các giải thưởng nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh (Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Hà Văn Tấn,…).

Một cách khái quát, có thể nhìn thấy bức tranh chung về sử học thời kỳ này trong một số điểm chủ yếu sau:

- Cuộc đấu tranh để xác định quan điểm mác xít, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác sử học. Trong điều kiện mới của đất nước sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, việc nghiên cứu những vấn đề lí luận được mở rộng. Đó là điều kiện để chúng ta tiếp thụ những cái mới, hay, tốt đẹp của di sản văn hóa, khoa học dân tộc và nhân loại. Tuy nhiên, những luồng tư tưởng phản động từ bên ngoài vẫn tìm cách len lỏi vào trong nước, hòng tiến hành một cuộc chiến tranh trên trận địa trí óc, mà chúng không thể thu được thắng lợi bằng một cuộc đấu tranh xâm lược. Trước tình hình ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người nghiên cứu lịch sử Việt Nam tiến hành một cuộc chiến đấu trên lĩnh vực sử học để khẳng định quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam, loại trừ khỏi việc nghiên cứu và giảng dạy quan điểm nghiên cứu lịch sử thời Mỹ - Ngụy. Song song với đó là việc bồi dưỡng những quan điểm dân tộc, giai cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, những nguyên tắc, phương pháp luận sử học mác xít cho trí thức, cán bộ giảng dạy đại học và đông đảo giáo viên lịch sử miền Nam. Mặc dù các vấn đề về phương pháp luận sử học truyền thống đã được đề ra và giải quyết từ trước đó (cuối thập kỷ 60) về cơ bản vẫn còn đúng, song vẫn có một số vấn đề cần xem xét lại theo tinh thần đổi mới, một số vấn đề mới đặt ra cần phải đi sâu nghiên cứu. Thành tựu về sử học trong nghiên cứu phương pháp luận sử học được tập trung trong các hội thảo, luận văn, sách về phương pháp luận, các nghiên cứu công bố trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Các vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, thảo luận chủ yếu là việc xác định đối tượng lịch sử của các ngành khoa học lịch sử và mối liên hệ giữa chúng, vấn đề mối quan hệ giữa

tính Đảng và tính Khoa học, vấn đề phương pháp luận trong các tác phẩm của Hồ Chủ tịch, đánh giá về các nhân vật lịch sử,...

- Tiếp tục các đề tài nghiên cứu đã tiến hành trong giai đoạn trước, nhất là bộ sách chuyên khảo về lịch sử Việt Nam và giáo trình giảng dạy ở trường đại học.

Trong hoàn cảnh mới của đất nước,việc đẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước đã thúc đẩy giới sử học đi sâu vào nghiên cứu những vấn đề về đấu tranh dựng nước; hay vấn đề về khoa học kỹ thuật phục vụ công cuộc xây dựng đất nước cũng được chú ý nhằm tìm hiểu khoa học kỹ thuật trong lịch sử Việt Nam, từ đó đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

- Triển khai sâu rộng hơn việc nghiên cứu lịch sử đấu tranh giữ nước của nhân dân ta, đặc biệt là lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Thành tựu nổi bật là những đóng góp to lớn của Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh – trực thuộc Bộ Chính trị với các cuốn “Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp – Thắng lợi và bài học”; “Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – Thắng lợi và bài học”; nhiều tác phẩm có giá trị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh khác của quân đội nhân dân Việt Nam; Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức biên soạn nhiều công trình có giá trị: Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975). Ngoài ra, các luận văn, luận án tiến sĩ cũng góp phần làm sang tỏ nhiều vấn đề lịch sử, như: Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chiến thắng Bạch Đằng năm 938, cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi – Nguyễn Trãi, chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, chiến dịch Điện Biên Phủ, phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước,...

- Việc nghiên cứu về Lịch sử Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam thu hút nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan tham gia, đặc biệt là nghiên cứu về Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng dưới hình thức hội thảo khoa học, hội nghị khoa học đang là xu hướng chủ yếu trong công tác nghiên cứu và phát triển sử học giai đoạn hiện nay. Nhiều công trình về Hồ Chí Minh được công bố: Hồ Chí Minh với giáo dục, Hồ Chí Minh với văn hóa, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh,... là thành quả tiêu biểu của Viện Hồ Chí Minh, thuộc Viện Mác – Lênin thành lập năm 1982. Viện Lịch sử Đảng đảm nhận công việc nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản các công trình nghiên cứu như: Giáo trình Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng (Toàn tập). Hệ thống tổ chức nghiên cứu lịch sử của Đảng và các địa phương được hình thành và hoạt động trong nhiều năm qua đã thu được nhiều thành tựu trong việc biên soạn lịch sử Đảng bộ các thành phố, tỉnh, ngành trong cả nước. Sự

ra đời của Tạp chí Lịch sử Đảng trở thành diễn đàn nghiên cứu trao đổi của những nhà nghiên cứu lịch sử Đảng.

- Việc nghiên cứu các vấn đề về ruộng đất, về phong trào nông dân của Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Đức Nghinh, Nguyễn Phan Quang, Phan Huy Lê,...; những vấn đề về giai cấp công nhân và phong trào công nhân của Văn Tạo, Cao Lượng, Dương Kính Quốc,... được tiếp tục đẩy mạnh và xuất hiện nhiều chuyên khảo có giá trị: Phong trào nông dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX (1986) của Nguyễn Phan Quang, Giai cấp công nhân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1975) của Cao Văn Lượng,...

- Việc nghiên cứu lịch sử thế giới cũng được đẩy mạnh, với các chủ điểm nổi bật: 45 năm chiến thắng phát xít Đức, 70 năm cách mạng tháng Mười, 200 năm cách mạng Pháp... Viện Đông Nam Á có đóng góp không nhỏ trong việc tìm hiểu toàn diện lịch sử các nước Đông Nam Á và mối quan hệ trong khu vực và quan hệ giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á ra đời năm 1990 đánh dấu sự phát triển trong việc nghiên cứu khu vực này. Tuy nhiên, có thể nhận thấy các thành tựu nghiên cứu về lịch sử thế giới còn khá khiêm tốn, vì vậy trong tương lai cần chú trọng đẩy mạnh việc nghiên cứu các vấn đề lịch sử thế giới, nhất là các vấn đề có tính chất toàn cầu đã và đang diễn ra rất phức tạp hiện nay.

- Nghiên cứu lịch sử địa phương và chuyên ngành được chú trọng và diễn ra sôi nổi hơn từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không chỉ nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ địa phương mà còn góp phần hoàn thiện bức tranh lịch sử dân tộc. Hiện nay, xu hướng nghiên cứu lịch sử địa phương tập trung theo hai cách thức: Một là, đăng ký thực hiện đề tài các cấp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, khóa luận tốt nghiệp của sinh viên. Hai là, tổ chức các hội thảo khoa học về các chủ đề lịch sử, về nhân vật lịch sử của địa phương để làm sáng tỏ hơn những đóng góp của lịch sử địa phương đối với lịch sử dân tộc.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ được Đảng ta chú trọng đối với sự phát triển của sử học. Từ một số ít các nhà nghiên cứu sau cách mạng tháng Tám – 1945, đến nay lực lượng cán bộ, các nàh nghiên cứu làm công tác sử học đã tăng lên đáng kể vể cả số lượng và chất lượng. Phần lớn họ được đào tạo từ nhà trường và trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, có lập trường và quan điểm nghiên cứu vững vàng, trong số này có những người bằng sự cống hiến không mệt mỏi của mình đã đưa nền sử học Việt Nam phát triển không ngừng. Hiện nay, việc trau dồi tri thức, cập nhật thông tin ở đội ngũ cán bộ sử học trẻ được đặt ra cấp bách để đáp ứng nhu cầu phát triển sử học trong giai đoạn mới.

- Hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu đối với nghiên cứu sử học. Từ sau năm 1975, xu hướng này diễn ra thuận lới, đánh dấu bằng sự hợp tác giữa các nhà sử học trong nước và nhà sử học nước ngoài trong quá trình nghiên cứu. Trước hết, phải kể đến sự hợp tác của các nhà sử học Việt Nam với các nhà sử học Liên Xô soạn nhiều công trình về lịch sử Việt Nam. Trong những năm đầu thập kỷ 40, viện sĩ sử học nổi tiếng Gube đã viết về lịch sử Việt Nam. Từ năm 1954, Việt Nam trở thành một ngành “Việt Nam học” ở Liên Xô. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà sử học Xô viết về Việt Nam được công bố: Lịch sử nước Việt Nam thời cổ đại qua các tài liệu trung cổ Việt Nam, Về lịch sử nước Việt Nam thời cổ đại qua những tài liệu biên niên Việt Nam, Việt Nam cổ đại,... Ngoài ra, Viện hàn lâm khoa học Liên Xô còn chủ trì biên soạn lịch sử Việt Nam dưới dạng phân kỳ, như:

Lịch sử cận đại Việt Nam, Lịch sử hiện đại Việt Nam. Bên cạnh những công trình có tính chất thông sử, các nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, vấn đề ruộng đất,... cũng được họ chú ý. Đặc biệt, các nhà Việt Nam học Xô viết dành nhiều thời gia và công sức nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, tiêu biểu: A.G. Buđanốp với Sự xâm lược của Mỹ ở Việt Nam (1965), Sự sụp đổ của chế độ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam (1965-1975) của V.M.Mađưrin,...

Các nhà sử học Pháp, Nhật, Mỹ và một số Việt kiều cũng có những đóng góp nhất định trong việc làm sáng tỏ một số vấn đề lịch sử nước ta, nhất là vấn đề sử học thời cận, hiện đại. Trong những nghiên cứu của các sử gia tư sản này, chủ đề cuộc đời và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm nhiều nhất, tiêu biểu là cuốn: Hồ Chí Minh của Giăng – Lacutuya, cuốn Hồ của David Halberstam, cuốn Hồ Chí Minh

(2000) của Wiliam J.Duiker. Ngoài ra, các chủ đề về cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Các nhà sử học tư sản hiện đại chủ yếu khai thác khía cạnh sức mạnh ý chí của nhân dân Việt Nam, nguyên nhân thất bại của những kẻ xâm lược...

Nhìn chung, từ sau cách mạng tháng Tám – 1945 đến nay, sử học Việt Nam phát triển mạnh mẽ cùng với thắng lợi to lớn của cuộc đấu tranh vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ khi ra đời đến nay, nền sử học mác xít đã không ngừng phát huy vai trò là nền sử học chính thống của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống lại các khuynh hướng sử học sai lầm, phản động trong nước và trên thế giới; phục vụ kịp thời những nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng và xây dựng xã hội mới, con người mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ làm công tác sử học cả về số lượng và chất lượng, cùng với việc đẩy

mạnh hợp tác trong nghiên cứu đang đưa nền sử học Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới, mà ở đó bên cạnh những thành tựu và thuận lợi cũng có không ít khó khăn và thử thách đòi hỏi đội ngũ cán bộ sử học phải vững vàng về lập trường, tư tưởng, thường xuyên trau dồi kiến thức và tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong quá trình nghiên cứu.

Câu hỏi ôn tập:

1. Tìm hiểu cuộc đời nhà sử học Lê Văn Hưu và nêu giá trị của Đại Việt sử ký đối với sử học nước ta.

2. Tìm hiểu về Ngô Sĩ Liên và Đại Việt sử ký toàn thư để nêu lên những

Một phần của tài liệu Lịch sử sử học việt nam và thế giới (Trang 54)