Sự hình thành khuynh hướng sử học mácxít ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Lịch sử sử học việt nam và thế giới (Trang 45)

Những chuyển biến sâu sắc to lớn trong xã hội Việt Nam do chính sách khai thác thuộc địa của thực dân pháp làm sớm nảy sinh một giai cấp mới – giai cấp vô sản. Mâu thuẫn xã hội thêm gay gắt, cuộc đấu tranh yêu nước chống Pháp càng mạnh mẽ. Trong điều kiện lịch sử ấy, Nguyễn Ái Quốc trong quá trình tìm đường cứu nước đã gặp tư tưởng Cách mạng tháng Mười, gặp chủ nghĩa Mác – Lênin. Người đã tiếp thu chủ nghĩa xã hội khoa học và có công truyền bá vào Việt Nam. Khi nghiên cứu, học tập và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin cho nhân dân ta, Người càng nhận thức về sự cần thiết phải hiểu biết lịch sử. Bởi vì “học thuyết Mác là một sự tổng kết kinh nghiệm đã được một quan niệm triết học sâu sắc và những kiến thức rộng rãi về lịch sử soi sáng”.

Trên báo Người cùng khổ, báo Thanh niên, trong các bài giảng ở lớp huấn luyện Quảng Châu (Trung Quốc) cho cán bộ Việt Nam giai đoạn 1925 – 1927, trên nhiều các bài viết trên báo, các tạp chí ở Pháp, Liên Xô và trong các sách Bản án chế độ thực dân Pháp, Trung Quốc và Thanh niên Trung

Quốc, Đường cách mệnh, Lịch sử nước ta,… Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng tri tri thức lịch sử để làm vũ khí đấu tranh cách mạng. Đồng thời Người cũng góp phần to lớn xây dựng nền móng cho sử học mácxít ở Việt Nam.

Thật khó để phân định trong những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tác phẩm nào là sử học thuần túy. Bởi vì biên soạn lịch sử không bao giờ là mục đích của Người, nhưng tri thức lịch sử, nhất là nguyên tắc về chủ nghĩa lịch sử, quan niệm duy vật lịch sử được trình bày và thể hiện trong mọi tác phẩm của Người, trong đó có những tác phẩm có giá trị sử học đặc biệt. Có thể phân loại nghiên cứu lịch sử của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thành hai nhóm: 1. Những bài báo, luận văn chính trị, bài nói, … có đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến những vấn đề lịch sử. Loại công trình này có tính chất cương lĩnh, được viết ra do liên quan đến những nhiệm vụ cách mạng (nhất là những nhiệm vụ trước mắt), có cơ sở lịch sử để nhận thức và thực hiện nhiệm vụ ấy. Vì vậy, các công trình này thường được viết trong thời kỳ sự kiện diễn ra, ngoài miêu tả sự kiện còn đan xen phân tích bản chất sự kiện. 2. Những tác phẩm sử học, những phần lịch sử trong một tác phẩm (Đường cách mệnh, Lịch sử nước ta,…). Dưới ngòi bút của Hồ Chí Minh, những vấn đề lịch sử được đề cập đến rất sâu sắc không những về tài liệu khoa học, mà còn nêu lên được những kết luận, khái quát – lí luận về quá trình phát triển lịch sử.

Đường cách mệnh là tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc -Hồ Chí Minh tại lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu (1925-1927). Trong đó, các vấn đề lích ử cụ thể có một vị trí quan trọng: Lịch sử của các cuộc cách mạng tư sản Âu – Mỹ, Công xã Pari, Cách mạng 1905, Cách mạng tháng Hai, Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, lịch sử Quốc tế cộng sản, những tài liệu thực dân Pháp xân lược nước ta,… được nêu ngắn gọn, súc tích. Giá trị của phần lịch sử này, trước hết là một cơ sở quan trọng cho sự hình thành và phát triển của nền sử học mácxít ở nước ta. Lần đầu tiên ở nước ta, những vấn đề lịch sử được trình bày với đầy đủ tài liệu, sự kiện, vừa dựng lại bức tranh quá khứ, vừa nêu được bản chất của nó. Được như vậy là vì Người đã thu thập được nhiều tài liệu được lựa chọn chính xác, vận dụng tài tình quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin vào việc nghiên cứu lịch sử. Ví dụ: Từ quan điểm “dân chúng công nông là gốc cách mệnh”, Người trình bày rõ ràng trong cách mạng tư sản Pháp thế kỷ XVIII là nhân dân đã “phá khám lớn Baxti” đã “bỏ vua mà lập cộng hòa”, đã “lên án vợ con vua là phản quốc tặc rồi đem chém”. Từ đó Người đi đến khái quát thành lí luận: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”. Hoặc đứng trên quan điểm mácxít – Lêninnít cho rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có sự phân chia thành giai cấp đối kháng và đi đến giải thích chính xác nguồn gốc của các cuộc cách

mạng trong lịch sử (Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII nổ ra “là vì tư bản mới bị tụi phong kiến ngăn trở, dân thì bị vua, quý tộc, cố đạo áp bức. Vậy nên tư bản mới liên hợp với học trò, dân cày và người thợ để phá phong kiến”). Bên cạnh đó, Nguyễn Ái Quốc còn chỉ ra bản chất của các cuộc cách mạng tư sản Âu – Mỹ là “cách mạng không đến nơi”, đồng thời ca ngợi cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 là thật sự cách mạng ở chỗ “đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ. Rồi, lại ra sức cho công nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”… Đó là những cơ sở quan trọng để Người rút ra những bài học lịch sử quá khứ cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta lúc bấy giờ, đi đến xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc.

Quyển Lịch sử nước ta là một quyển sử diễn ca, trình bày quá trình dựng nước và giữ nước với truyền thống đấu tranh oanh liệt chống bọn phong kiến Tàu, thực dân Pháp và bọn phát xít Nhật.

Thể loại diễn ca trước đây đã có Đại Nam quốc sử diễn ca và trước đó nữa là Thiên Nam ngữ lục, song giá trị khoa học và tính tư tưởng của Lịch sử nước ta so với hai quyển sách ấy. Nó đánh dấu một bước tiến mới trong nghiên cứu lịch sử nước ta và thể hiện sự thắng lợi của quan điểm mácxít – lêninnít trong sử học Việt Nam.

Về mặt tài liệu khoa học, trong Lịch sử nước ta, Hồ Chí Minh đã chọn lọc các sự kiện chính xác để khôi phục đúng bức tranh lịch sử với những nét cơ bản, đầy đủ về truyền thống yêu nước, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và giành độc lập của nhân dân ta.

Về mặt phương pháp luận, Lịch sử nước ta vận dụng một cách nhuần nhuyễn quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin để giải thích sự kiện, hiện tượng lịch sử, chống lại các loại tư tưởng “chính thống”, “ngụy”, thuyết “thiên mệnh” và khá nhiều quan điểm duy tâm, thần bí đang đầy rẫy trong các sách sử của thực dân lúc bấy giờ. Trong Lịch sử nước ta, lịch sử dân tộc không còn là lịch sử của các vua chúa, của sự đổi thay lần lượt các triều đại. Tư tưởng quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử được thấu suốt trong việc trình bày chiến công của các tầng lớp nhân dân – từ em bé đến cụ già, từ người phụ nữ đến người anh hùng xuất thân áo vải. Hành động của quần chúng bao giờ cũng có tính chất quyết định đối với sự phát triển lịch sử, bảo đảm mọi sự thắng lợi trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm (Vì dân hăng hái kết đoàn/ Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng). Nét nổi bật trong Lịch sử nước ta còn là ở thái độ nghiêm minh của tác giả đối với trách nhiệm của triều đình nhà Nguyễn “Khư khư cứ tưởng là mình khôn ngoan” để đến nỗi: “Nay ta nước mất nhà tan/ Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn”. Ngoài ra, trong tác phẩm này lần đầu tiên trong lịch sử đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân và cá nhân lịch sử. Ví như khi

nói về chiến công của Quang Trung – Nguyễn Huệ: Ông là chí cả mưu cao/ Dân ta lại biết cùng nhau một lòng.

Giá trị khoa học của Lịch sử nước ta còn ở những khái quát lí luận sâu sắc về nguyên nhân của sự thành công và thất bại trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, về những bài học lịch sử rút ra từ quá khứ cho hiện tại, về việc đoán định sự phát triển của tương lai, về nắm bắt thời cơ,… Đó là những vấn đề phương pháp luận quan trọng hữu ích cho việc nghiên cứu lịch sử sau này.

Ngoài giá trị khoa học, Lịch sử nước ta còn có giá trị nghệ thuật rất cao, thể hiện ở việc trình bày các sự kiện một cách cô đọng, giản dị, lời thơ đẹp dễ là rung động lòng người. Bởi vậy, đây là cuốn sách có tác dụng giáo dục sâu sắc về mặt giác ngộ quần chúng, tăng thêm lòng yêu nước, căm thù giặc.

Phân tích những nội dung tác phẩm sử học hoặc có tính chất sử học của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh như đã nêu trên, chúng ta thấy Người đã có những đóng góp quan trọng cho buổi đầu xây dựng nền sử học mác xít ở Việt Nam:

- Về phương pháp luận, Người đã cung cấp những quan điểm đúng đắn về đối tượng nghiên cứu lịch sử, về vai trò của nhân dân và cá nhân trong lịch sử, về nhiệm vụ, chức năng của sử học, về việc giải thích nhận định khách quan khoa học quá khứ,…

- Về tài liệu – sự kiện với quan điểm duy vật lịch sử, Người đã khai thác mọi nguồn tài liệu, đã chỉnh lý, đưa ra những sử liệu chân thực, khách quan, làm cơ sở cho việc trình bày đúng đắn lịch sử và nhận thức quá khứ, rút bài học kinh nghiệm cho hiện tại.

- Về phương pháp nghiên cứu, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cũng có nhiều đóng góp quan trọng như lựa chọn tài liệu – sự kiện cơ bản để khôi phục lại bức tranh lịch sử, không rườm rà, chi tiết, mà vẫn dựng lại được quá khứ đúng như nó tồn tại. Người đã sử dụng phương pháp liên môn, liên ngành trong nghiên cứu, nhất là phương pháp thống kê và toán học, đảm bảo tính định lượng của công tác sử học.

Một phần của tài liệu Lịch sử sử học việt nam và thế giới (Trang 45)